Ông Trịnh Văn Quyết thế chấp tài sản gì ở các ngân hàng?
(Dân trí) - Ông Trịnh Văn Quyết không dùng cổ phiếu của FLC làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay vốn mà thay vào đó sử dụng cổ phần các doanh nghiệp liên quan như FLC Faros, Bamboo Airways.
Hai nhóm cổ phiếu chính được ông Quyết dùng thế chấp
Theo thông tin từ Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch Bảo đảm của Bộ Tư pháp, từ cuối năm 2017 đến nay, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng nhiều cổ phiếu thuộc sở hữu của mình và gia đình để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của cá nhân, doanh nghiệp tại ngân hàng.
Trong đó, từ tháng 12/2017 đến cuối 2019, ông Quyết sử dụng cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros của mình để thế chấp tại nhiều nhà băng như OCB, HDBank, PVComBank, NCB, VRB. Với mỗi hợp đồng vay vốn, tài sản đảm bảo dao động từ vài triệu đến vài chục triệu cổ phiếu ROS.
Nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu ROS trong khoảng thời gian trên, mã này đóng cửa năm 2017 ở vùng giá hơn 150.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là thời điểm ông Quyết trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, sau mức đỉnh đó, cổ phiếu này bắt đầu đi xuống liên tục. Đến cuối năm 2019, thị giá cổ phiếu ROS còn chưa đến 20.000 đồng/cổ phiếu.
Đầu năm 2020, cổ phiếu ROS chính thức rớt xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng. Tháng 4/2020, ông Trịnh Văn Quyết từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT FLC Faros rồi sau đó bán ra hàng trăm triệu cổ phiếu ROS, không còn giữ vai trò cổ đông lớn tại công ty này khi tỷ lệ sở hữu rơi xuống dưới mức 5%.
Giai đoạn thứ hai từ tháng 12/2019 đến nay, ông Quyết hầu hết sử dụng cổ phiếu BAV của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay của doanh nghiệp tại các ngân hàng NCB, OCB, Sacombank. Đây là giai đoạn Bamboo Airways đã chính thức bay thương mại được một năm.
Ông Quyết đăng ký tài sản đảm bảo từ 500.000 đơn vị đến cả trăm triệu cổ phần Bamboo Airways cho các khoản vay ngân hàng. Trong 3 giao dịch gần nhất trong quý IV/2021 và tháng 1 năm nay, lần lượt hơn 114 triệu, hơn 28 triệu và 17 triệu cổ phần đứng tên ông Trịnh Văn Quyết được dùng làm tài sản đảm bảo của ngân hàng.
Đáng chú ý, trong một số hợp đồng tín dụng từ năm ngoái, Sacombank cho biết giá xử lý mỗi cổ phiếu BAV của Bamboo Airways do ông Quyết thế chấp là 8.500 đồng. Còn giá trị tài sản đảm bảo được định giá theo mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần. Cổ phiếu BAV hiện chưa được giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán nên chưa có mức định giá chính xác.
Ngoài hai nhóm cổ phiếu chính được dùng làm tài sản đảm bảo, đáng chú ý, ông Trịnh Văn Quyết còn dùng 1 triệu cổ phiếu GAB của Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (FLC GAB) để thế chấp cho một khoản vay tại ngân hàng BIDV vào tháng 4/2020. Vào đầu năm 2020, FLC GAB công bố kế hoạch sáp nhập FLC Faros nhưng sau 2 năm vẫn chưa thực hiện. Chính ông Quyết sau khi thoái gần hết vốn tại FLC Faros đã gom cổ phiếu GAB, trở thành cổ đông lớn nhất sở hữu 51% cổ phần FLC GAB.
Thời điểm này, GAB đang là "hiện tượng" trên sàn khi vừa tăng giá hơn 10 lần trong 3 tháng. Từ chỗ dưới mệnh giá 10.000 đồng vào tháng 12/2019, đến cuối tháng 3/2020, thị giá cổ phiếu GAB đã vượt 120.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, GAB vẫn là một trong 3 mã cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn HoSE, ở mức gần 200.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mã này có thanh khoản rất thấp, bình quân chỉ vài trăm cổ phiếu sang tay mỗi phiên.
Ông Trịnh Văn Quyết sở hữu bao nhiêu cổ phần tại Bamboo Airways?
Ông Quyết có thể đã thế chấp hàng trăm triệu cổ phiếu của Bamboo Airways tại ngân hàng khi ông là cổ đông lớn nhất của hãng hàng không này. Trong hồ sơ gửi các nhà chức trách Mỹ đầu tháng 6/2021 liên quan việc xin cấp phép bay thẳng đến quốc gia này, Bamboo Airways cho biết ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ đến 56,5% cổ phần của hãng.
Tập đoàn FLC sở hữu 25,9% cổ phần vốn hãng hàng không này. Hai pháp nhân liên quan khác là Công ty Cổ phần Quản lý vốn và tài sản FLC Holdings, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros lần lượt nắm trong tay 6,3% và 5,6% vốn Bamboo Airways. Các cổ đông nhỏ quản lý 5,8% cổ phần còn lại.
Trong đó, chính ông Quyết cũng là chủ sở hữu của công ty FLC Holdings với 60,5% cổ phần và giữ chức Chủ tịch HĐQT. Tập đoàn FLC, Bamboo Airways và FLC Faros cũng lần lượt giữ 17,1%, 10,4% và 7,1% cổ phần FLC Holdings, tạo nên quan hệ sở hữu chéo phức tạp.
Vào cuối năm 2021, sở hữu của các nhóm cổ đông tại Bamboo Airways tiếp tục có sự thay đổi.
Theo thông tin từ cơ quan quản lý tình hình đăng ký kinh doanh, Bamboo Airways vào tháng 9/2021 đã tăng vốn điều lệ từ 16.000 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính năm, Tập đoàn FLC cho biết tại thời điểm 31/12/2021 chỉ còn sở hữu 21,7% cổ phần Bamboo Airways. Còn FLC Faros không còn là cổ đông lớn của Bamboo Airways do tỷ lệ sở hữu bị pha loãng còn 4,9% sau khi hãng hàng không này tăng vốn.
Nếu ông Quyết không giao dịch, thay đổi số lượng tuyệt đối cổ phiếu BAV nắm giữ trong đợt tăng vốn vừa qua của Bamboo Airways, tỷ lệ sở hữu của ông tại hãng hàng không này sẽ giảm còn 49%.