DMagazine

Khát lao động diện rộng hậu Covid-19: Doanh nghiệp đi "mời" từng người

(Dân trí) - Một số ngành, nghề đang rơi vào cảnh "khát" lao động từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, thậm chí có doanh nghiệp phải đi "mời" từng người để cho đủ quân số.

Một số ngành, nghề đang rơi vào cảnh "khát" lao động từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, thậm chí có doanh nghiệp phải đi "nhặt" từng người để cho đủ quân số.

Chị Lê Thị Thúy (30 tuổi) vừa quyết định nghỉ làm công nhân may tại nhà máy thuộc khu công nghiệp Chương Mỹ, Hà Nội để về Bắc Ninh buôn bán ở chợ cùng chồng. Lạm phát cao, giá từ bó rau muống đến tiền thuê trọ đều tăng khiến chị không chịu nổi áp lực khi cân đối thu nhập - chi tiêu.

Còn anh L.V. Trường (33 tuổi) nghỉ làm công nhân cho một nhà máy trên Thái Nguyên từ hồi dịch Covid-19. Đến nay, khi dịch bệnh đã kiểm soát, nhà máy phục hồi sản xuất trở lại, nhưng anh không có ý định trở lại nữa.

Anh Trường tính tìm kiếm một công việc khác phù hợp ở địa phương để làm. Thu nhập tại nhà máy trước đó có thể hơn 10 triệu đồng/tháng nếu tăng ca nhưng tù túng, lại không được ở cùng gia đình.

Doanh nghiệp "khát" lao động hậu Covid-19

Nhiều doanh nghiệp than thở, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh khi kinh tế hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, tâm lý, định hướng, nhu cầu của người lao động sau đại dịch đã thay đổi đáng kể, tạo nên những biến động không nhỏ cho các doanh nghiệp thâm dụng lao động.

Khát lao động diện rộng hậu Covid-19: Doanh nghiệp đi mời từng người - 1

Cách đây 5 năm, chị Đinh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần May Đại Đồng (Thái Bình) chỉ cần dán thông báo tuyển người là công nhân sẽ xếp hàng dài chờ đến lượt ứng tuyển. Nhưng nay, mọi thứ đã khác. Chị phải đích thân đi đến từng trường nghề, từng địa phương "nhặt" nhân công… mà vẫn không đủ người.

Theo chị Phương, tình trạng thiếu lao động trong ngành may đã nhen nhóm từ 2 - 3 năm trước và "cơn khát" này thực sự bùng nổ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Hiện nay, người lao động có xu hướng tìm công ty gần nhà và có mức lương cao hơn. Ngoài ra, có một nguyên nhân khác dẫn đến việc thiếu lao động trong ngành may vì nhiều công ty, xí nghiệp mới ra đời, khiến thị trường việc làm trở nên cạnh tranh hơn.

"Sau dịch Covid-19, mọi người có xu hướng chọn những công ty vệ tinh, ít ràng buộc về mặt thời gian. Các công ty này có quy mô nhỏ, chỉ từ 20 - 30 người và được đặt tại các địa phương. Do đó, người lao động không phải di chuyển xa mỗi khi đi làm, trong khi mức lương vẫn thế", chị Phương cho biết.

Hiện tại, công ty của chị Phương có 800 người lao động, nếu vận hành hết công suất thì cần 1.400 nhân công. Để xoay sở, ngoài lực lượng chính ở xưởng, chị còn đặt hàng các công ty may vệ tinh.

"Ngày trước, một chuyền sản xuất của chúng tôi có 60 người nhưng hiện tại chỉ còn 45 người. Do đó, công ty phải tối ưu hóa bằng cách mua các trang thiết bị, máy móc hiện đại để nâng cao năng suất và hỗ trợ sức người. Thậm chí, chúng tôi còn phải sử dụng công ty vệ tinh", chị nói.

Một thực tế mà chị Phương và công ty đang phải đối mặt là đơn hàng về nhiều nhưng chỉ dám nhận đủ, không dám nhận thừa vì lo thiếu nhân công. Bởi lẽ, trong một năm, xưởng sẽ có 4 - 5 người nghỉ sản, nếu không tuyển kịp người thay thế thì không kịp hoàn thành tiến độ công việc. Như năm ngoái, chị chỉ tuyển được 68 người, thấp nhất kể từ khi công ty thành lập.

"Ngày trước, công nhân may được gọi là trẻ thường ở độ tuổi 18 nhưng giờ đây tiêu chí trẻ đã được thay thế bằng 30 tuổi, 35 tuổi. Với lại, giới trẻ giờ cũng không mặn mà với ngành may vì họ thích làm ở các ngành điện tử có mức lương cao hơn", chị cho biết.

Theo chị, mức lương trung bình cho người mới vào ngành may chỉ  từ 6 - 10 triệu đồng/tháng, trong khi đó, con số này ở ngành điện tử có thể gấp đôi, thậm chí là gấp ba nếu tăng ca liên tục.

Khát lao động diện rộng hậu Covid-19: Doanh nghiệp đi mời từng người - 2

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước cho biết, hiện đang có tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, ở cả doanh nghiệp nhỏ cho đến công ty lớn. Ông kể, nhiều doanh nghiệp ở khu công nghiệp đăng tuyển vài trăm nhân sự, nhưng ì ạch mãi may ra mới tuyển được một nửa.

"Nhiều lao động nghỉ dịch về quê, một số người có công việc mới, cuộc sống mới yên ổn ở quê nhà nên họ không muốn lên các thành phố lớn nữa. Lên thành phố, lương, thu nhập vẫn thế mà giá cả tăng vù vù, chỗ ở ổn định không có", ông Lĩnh nhắc tới một xu hướng khá phổ biến sau dịch.

Chưa kể, một số lao động đã chuyển qua làm online, chạy xe công nghệ quen việc, giờ không muốn bó buộc thời gian nên chấp nhận sự bấp bênh. Điều này cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân lực ở nhiều nhà máy, công ty.

Anh Tăng Xuân Trường - Giám đốc Công ty Hưng Việt - doanh nghiệp đang vận hành chuỗi nhà máy sơ chế, bảo quản và đóng gói rau củ quả khép kín hiện đại nhất nhì tỉnh Hải Dương - cũng than thở vấn đề khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Mùa vải rồi, anh Trường "chạy ngược chạy xuôi" không tuyển đủ nhân lực nên đành chấp nhận giảm sản lượng đi gần một nửa. Anh kể, nếu năm ngoái công ty chế biến được khoảng hơn 20 tấn vải thì năm nay, chỉ đạt 12-13 tấn.

Anh cho biết việc thiếu lao động, đặc biệt lao động có tay nghề, làm được việc là "tình trạng chung", phổ biến hiện nay. "Có doanh nghiệp còn treo biển tuyển lao động cả 365 ngày/năm", anh Trường chia sẻ.

Việc khó tuyển dụng, theo anh Trường, một phần do tư duy của một số người lao động, đó là chê công việc mùa vụ, chán lại nghỉ hoặc "thà ở nhà chơi còn hơn". Một phần khác, theo anh Trường, hậu Covid-19, thị trường lao động sắp xếp, nhiều người thay đổi kế hoạch, công việc nên nhìn chung khó khăn hơn trong tuyển người so với những năm trước rất nhiều.

"Cực kỳ khó khăn để tìm ra nhân sự", một lãnh đạo giám đốc công ty may phải thốt lên. Vị này cho biết, nếu trước đây, trong khoảng thời gian ngắn có thể tuyển vài chục công nhân có tay nghề thì hiện nay, chỉ được vài người dù huy động tối đa các kênh.

Báo cáo của SSI Research mới đây về ngành dệt may cũng đề cập đến câu chuyện cạnh tranh về lao động bên cạnh sức ép về giá cả, chí phí vận chuyển, lạm phát tăng cao đang đè nặng doanh nghiệp. SSI dẫn chứng, Nhà máy Vĩnh Long (TCM) mới bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4 năm nay, tuy nhiên hiện tại chỉ có 5 dây chuyền sản xuất (trong tổng số trên 29 dây chuyền) hoạt động do nhà máy đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động do cạnh tranh về lương.

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng cho biết nhiều doanh nghiệp đang "đứng ngồi không yên" vì tuyển liên tục vẫn không đủ lao động, đặc biệt lĩnh vực sử dụng nhiều nhân lực như may mặc, giày da, chế biến thực phẩm…

Ngành sử dụng nhiều lao động "thấm đòn"

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước nhận xét, thị trường lao động có sự xáo trộn rất lớn ở trong và sau đại dịch, vẫn chưa ổn định trở lại. Ông cho rằng khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu vẫn "ngay trước mắt" khi phải giải rất nhiều bài toán cùng một lúc, trong đó có vấn đề lao động.

"Điều cốt yếu để có thể tuyển và giữ chân người lao động vẫn là thu nhập. Muốn cải thiện được thu nhập thì phải tùy thuộc vào sức khỏe doanh nghiệp. Song doanh nghiệp đang quá khó khăn khi chi phí đầu vào gia tăng khủng khiếp, đầu ra thì ì ạch khi khách hàng yêu cầu giảm giá", ông Lĩnh nói.

Ông cũng cho biết, thực tế có nhiều doanh nghiệp cố duy trì để tồn tại, chứ không dám nghĩ tới phát triển. Thu nhập người lao động giảm sút, có chỗ phải sa thải. "Một mặt thì tuyển không được, mặt khác thì không có việc làm, bị thất nghiệp", ông Lĩnh ví đây như một "vòng xoáy luẩn quẩn".

Riêng với ngành thủy sản, ông Lĩnh cho rằng đang thiếu trầm trọng lao động ở các khâu, từ đánh bắt, nuôi trồng, khai thác đến chế biến. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây cũng chỉ ra, khi chi phí đầu vào tăng rất mạnh (trong đó có giá xăng), khiến số lượng tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%.

Ngành dệt may, da giày… cũng không "khá" hơn khi phải đối mặt tình trạng khó tuyển mới, trong khi nhiều công nhân đang làm lại muốn chuyển việc khác hoặc bỏ "phố về quê".

Khát lao động diện rộng hậu Covid-19: Doanh nghiệp đi mời từng người - 3

Ông Đào Xuân Cường - Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Giang quan sát thấy, xu hướng dịch chuyển người lao động từ các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội về địa phương nhiều hơn. Tại khu công nghiệp Bắc Giang, lực lượng lao động ngoại tỉnh giảm đi, nhưng lực lượng địa phương thì nhiều hơn sau đại dịch.

"Dù lương, thu nhập có thể thấp hơn nhưng họ phải xa nhà nên nhiều người vẫn lựa chọn làm tại quê hương để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh giá cả tăng vù vù. Áp lực tăng giá của các địa phương không lớn như ở các TP Hà Nội, TPHCM…", ông Cường nói. Theo ông Cường, xu hướng này cũng dễ lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp ở các KCN ở phía Nam thiếu hụt nhân sự, trong khi một số địa phương như Bắc Giang tương đối ổn định.

Trong báo cáo Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2021 triển vọng 2030 của Viện khoa học lao động và xã hội và ILO, các "khoảng trống việc làm" do tác động của đại dịch Covid-19 cũng được đề cập tới.

Theo báo cáo, dịch Covid-19 đã tác động đến bức tranh chung của thị trường lao động, lực lượng lao động sụt giảm do một lượng lao động buộc phải rời khỏi thị trường, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và số người có việc làm giảm trong khi tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng.

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động như du lịch lưu trú, bán lẻ, dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử và chế biến thực phẩm. Quý II/2020, tác động của dịch Covid-19 rõ nét hơn khi thu nhập bình quân của người lao động trong hầu hết các ngành đều giảm, trong đó, giảm nhiều nhất là ở các ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra việc lao động không sử dụng hết tiềm năng là nhóm lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 (bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay). Tỷ lệ này gia tăng sau mỗi lần dịch bệnh bùng phát.

Thu nhập người lao động, sức khỏe doanh nghiệp - chìa khóa mở vấn đề?

Là người đứng đầu doanh nghiệp lên tới 16.000 lao động, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, vấn đề cốt lõi vẫn là thu nhập của người lao động. Hiện doanh nghiệp ông vẫn cố gắng duy trì mức thu nhập, điều kiện làm việc đảm bảo để thu hút, giữ chân người lao động.

Khát lao động diện rộng hậu Covid-19: Doanh nghiệp đi mời từng người - 4

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Dương, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trả thu nhập tốt để tuyển hay giữ chân người lao động.

"Tiền lương quyết định từ năng suất. Doanh nghiệp làm ăn khó khăn thì sao trả được lương cao. Có nơi còn phải cắt giảm bớt nhân sự. Cuối cùng vẫn là sức khỏe của doanh nghiệp quyết định tiền lương. Không cứ gì ngành may, ngành khác cũng thế", ông Dương nói với Dân trí.

Ông Dương nói thêm, ngoài thu nhập thì cần quan tâm tới điều kiện, đời sống người lao động, tạo môi trường tốt để gắn bó. Doanh nghiệp cần có những chính sách cụ thể, hành động cụ thể để cạnh tranh, giữ chân người lao động bằng chính khả năng của mình.

Để giữ chân và thu hút nhân sự, Chủ tịch Tổng công ty May Hưng Yên cho biết phải sử dụng đến những tiềm lực sẵn có thời gian qua, còn với các doanh nghiệp mới thì vấn đề này sẽ khó khăn hơn.

Chưa kể theo ông Dương, từ giờ đến cuối năm ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều "nan giải". Ông cho biết, đồng tiền Việt Nam đang quá cao, trong khi nền kinh tế đang xuất siêu. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa "vô tình" thành bán đắt, trong khi đó mọi chi phí đầu vào đều "đội" lên. "6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó dệt may phải đối mặt với vấn đề: khách yêu cầu giảm giá, nếu không làm thì đưa đi các nước khác", ông Dương cho rằng cần điều chỉnh linh hoạt tỷ giá. Bên cạnh đó, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn có thể chững lại do lạm phát cũng khiến doanh nghiệp lo ngại.

"Doanh nghiệp mà khó khăn, giảm lương người lao động thì họ bỏ đi hết, chứ chưa nói đến rất khó tuyển mới", ông Dương nhấn mạnh, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước trong các chính sách nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp "mạnh" lên, đời sống người lao động mới được đảm bảo.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước đồng tình việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, gỡ khó cho doanh nghiệp. "Hàng hóa của chúng ta bỗng thành "đắt", khách hàng không mua giá cũ, cứ giữ nguyên thì không thể xuất khẩu được. Chưa kể, phí vận tải bây giờ doanh nghiệp chúng tôi trả một tháng bằng cả năm 2019, doanh nghiệp làm thì "lỗ", dừng thì "chết", công ty khó khăn thì đương nhiên thị trường lao động cũng khó khăn, xáo trộn", ông Lĩnh nói.

Qua khảo sát thực tế, nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, bán lẻ, tiêu dùng… đang cắt giảm đầu tư hoặc việc làm. Một mặt thị trường lao động đối mặt với khủng hoảng khi thiếu lao động, nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn khiến nhiều lao động khốn đốn…

Anh Tăng Xuân Trường - Giám đốc Công ty nông sản Hưng Việt cho biết, do không tuyển được lao động nên phải chấp nhận cả những người năng suất kém, bởi "có còn hơn không". Với lĩnh vực mình đang làm, anh Trường dự tính kế hoạch dài hơi sẽ thay đổi, máy móc tự động hóa, công nghệ cao hơn để giảm thiểu lao động thủ công. Tuy nhiên, vấn đề này cũng là lâu dài, trước mắt anh vẫn phải cố gắng sắp xếp, có kế hoạch để tuyển dụng lao động. Đồng thời nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp để có cơ sở trong việc thu hút tuyển dụng, ổn định nhân sự.

Chấp nhận đào tạo lại ứng viên

Tình trạng thiếu lao động cũng diễn ra ở mảng bán lẻ dược phẩm. 3 tháng nay, anh Nguyễn Trường, chủ chuỗi nhà thuốc Thân Thiện (Hà Nội) cũng đau đầu với bài toán nhân sự.

Để có lượng nhân sự ổn định, mỗi đợt tuyển người gần đây, anh Trường đều tuyển dư ra 1 - 2 nhân sự, điều mà trước đó anh chưa từng làm. Dù anh biết rằng, làm như vậy, công ty sẽ tốn kém thêm một khoản.

"Chúng tôi còn tuyển thêm các ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường. Thậm chí, công ty sẵn sàng bỏ ra một khoản để đào tạo lại cho các bạn ấy với mục đích giữ chân họ ngay từ đầu. Điều này sẽ giúp chúng tôi giảm tải áp lực về tuyển dụng lao động trong bối cảnh hiện nay", anh Trường bật mí.

Khát lao động diện rộng hậu Covid-19: Doanh nghiệp đi mời từng người - 5

Phương pháp trên cũng được chị Bùi Băng Giang, Giám đốc Công ty lữ hành Exotica Vietnam thực hiện. Chị cho biết, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khi dịch Covid-19 xảy ra. Do thời gian "đóng băng" lâu nên lượng lớn hướng dẫn viên đã bỏ nghề hay chuyển sang công việc mới. Điều này đồng nghĩa các công ty rơi vào trạng thái thiếu nhân sự.

Mới đây, công ty của chị Giang vừa tổ chức đợt tuyển quân nhưng số lượng chỉ đủ 80% yêu cầu. Trong đó, 50% là người chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc người lần đầu tiếp xúc với ngành. Do đó, công ty phải tổ chức thêm các đợt huấn luyện, đào tạo kỹ năng từ A - Z cho nhân sự và quá trình này sẽ diễn ra từ 3 - 4 tháng.

Theo chị Giang, tình trạng chảy máu nhân sự đang diễn ra trong ngành du lịch. Hiện tại, các nhân sự của các doanh nghiệp lữ hành đa phần là người mới, người cũ, người có kinh nghiệm chỉ khoảng 30%.

"Dịch Covid-19 là cú sốc lớn cho ngành du lịch khiến nhiều đơn vị lâm vào tình cảnh khủng hoảng nhân sự. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có cách giải quyết, thậm chí nếu biết cách ứng phó có thể biến thách thức thành cơ hội, còn làm như thế nào sẽ phụ thuộc vào từng người", chị nói.

Chị Giang quan điểm rằng, doanh nghiệp luôn cần người giỏi nhưng giữa người giỏi và người phù hợp nếu phải chọn thì ưu tiên chọn người phù hợp. Vì họ phù hợp với vị trí công ty đang cần, còn thiếu kỹ năng thì có thể đào tạo thêm. Vì đặc tính của ngành du lịch là không thể làm kiểu "ăn xổi" mà cần có chiến lược phát triển toàn diện, lâu dài và đồng nhất.

"Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta trao đi cơ hội cho ai đó bằng tất cả sự chân thành, nhiệt huyết sẽ nhận về những gì tương ứng. So với các bạn hướng dẫn viên lâu năm, người mới có thể kém về mặt kinh nghiệm nhưng đổi lại họ có sức trẻ, sự tươi mới và tính gần gũi cho khách du lịch. Nếu chịu khó học hỏi, về lâu về dài, họ cũng có thể trở thành những giỏi trong lĩnh vực", chị nói.

Tuy nhiên, chị Giang cũng cho rằng, người trẻ hiện nay có rất nhiều áp lực, đặc biệt áp lực về tài chính. Do đó, doanh nghiệp muốn giữ chân nhân sự thì hai bên  phải sự thấu hiểu và chia sẻ với nhau để nhìn ra mục tiêu chung.

Nội dung: Nguyễn Mạnh - Hoàng Dung