Đắk Nông:

Doanh nghiệp "khát" lao động

Đặng Dương

(Dân trí) - Thiếu hụt nhân công đang ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp ở Đắk Nông...

Trả lương cao vẫn khó tuyển lao động

Cuối vụ sản xuất, dù phải bù lỗ cho một số đơn hàng do giá nguyên liệu đầu vào (chanh dây) tăng cao nhưng Công ty TNHH Cao Nguyên Mơ Nông (huyện Tuy Đức) vẫn duy trì việc làm cho khoảng 45-50 lao động. Khoản tiền công 220.000-260.000 đồng/người/ngày tại đây được cho là mức thu nhập khá dành cho lao động tại huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Nguyễn Chí Long - Giám đốc doanh nghiệp, số công nhân tại nhà máy hiện mới chỉ đáp ứng sản lượng sản xuất từ 10-11 tấn chanh dây/ngày, trong khi chỉ tiêu đưa ra là 15 tấn/ngày. Vì vậy, công ty đang cần thêm 15-20 lao động để bảo đảm hoàn thành các đơn hàng.

Doanh nghiệp khát lao động - 1

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản đang gặp khó khi tuyển dụng lao động (Ảnh" L.D).

Tuy nhiên, công ty lại đang gặp nhiều khó khăn với việc tuyển dụng nhân công. Nhiều lao động đi làm không thường xuyên. Có ngày, công nhân đến nhà máy khá đông, có hôm lại nghỉ hàng loạt không báo trước dẫn đến tình trạng dây chuyền sản xuất không đạt chỉ tiêu đề ra.

Tương tự, Công ty TNHH Thái Thịnh (huyện Đắk Song) đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 120 lao động phục vụ hoạt động chế biến nông sản.

Dù có nhiều chính sách đãi ngộ như đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân và trả lương ở mức 7,5-8,5 triệu đồng/tháng nhưng việc tuyển dụng nhân công của công ty vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân là lao động địa phương hầu như không mặn mà hoặc chỉ làm việc theo thời vụ, không có nguyện vọng gắn bó lâu dài.

Doanh nghiệp khát lao động - 2

Không chỉ doanh nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng chung tình cảnh khó tuyển nhân công, đặc biệt là nhân công trẻ, có trình độ cao.

Theo lời giám đốc một hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp tại Đắk Nông, thu hút nguồn nhân lực trẻ vào làm việc là một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Số lượng công việc nhiều, người lao động lại "già hóa" thiếu sự sáng tạo, bứt phá nên ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động. Trong khi đó, lao động trẻ lại không mặn mà với mô hình kinh tế này.

"Nhiều người lao động cho rằng, làm việc trong HTX thu nhập không bảo đảm, môi trường ít cọ xát. Bên cạnh đó, việc khó tuyển dụng lao động trẻ, có trình độ còn xuất phát từ thực tế kinh tế tập thể, HTX chưa hấp dẫn đối với người trẻ khi hoạt động chưa thực sự nổi bật và đột phá", một giám đốc HTX tại Đắk Nông đưa ra nhận định.

Giải bài toán thiếu hụt lao động 

Một trong những phương án được đưa ra để giải bài toán thiếu hụt lao động ở các doanh nghiệp của Đắk Nông là chú trọng đầu tư máy móc, đưa công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất.

Theo số liệu của Cuộc điều tra kinh tế năm 2021 do Cục Thống kê tỉnh Đắk Nông công bố, số lượng doanh nghiệp tại địa phương trong giai đoạn 2017-2021 tăng khá nhanh. So với năm 2017, số doanh nghiệp của tỉnh tăng 421 doanh nghiệp, tương ứng với 32,94%.

Đến năm 2021, toàn tỉnh Đắk Nông có gần 1.700 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 19.000 lao động làm việc. So với năm 2017, số lao động của tỉnh này đã tăng 3.200 người, tương ứng 5,67%. Bình quân mỗi năm, lượng lao động tăng 1,39%. 

"Số lượng lao động của Đắk Nông tăng chậm, chất lượng lao động ngày càng được nâng lên. Điều này cũng cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất của các đơn vị kinh tế ngày càng được chú trọng", báo cáo này nêu.

Doanh nghiệp khát lao động - 3

Các doanh nghiệp tại Đắk Nông từng bước đưa máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất để thay thế sức lao động của con người (Ảnh: L.D).

Một lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản cho rằng: "Việc đưa máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất đã thu hút một lượng lớn lao động trẻ vào làm việc. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là làm sao để người lao động biết đến những thay đổi này, để họ tin tưởng đến làm việc".

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác lại đầu tư máy móc, trang thiết bị, tiến tới tự động hóa nhằm thay thế sức lao động của con người. Đây được xem là "cách nhập cuộc" mới của các doanh nghiệp khi nhận thấy được cơ hội và thách thức về mặt người lao động.

Ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ca cao Hương Quê Đắk Nông (huyện Đắk Mil) cho biết: "Công ty mới được thành lập, sản phẩm vừa xuất hiện và đang định hình trên thị trường thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nhờ có máy móc, thiết bị tự động hóa nên công ty không gặp nhiều áp lực trong tuyển dụng lao động. Cũng từ đó, sản phẩm của công ty được cung cấp ra thị trường ổn định mà ít phụ thuộc vào việc thiếu hụt nhân công".