DMagazine

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm

(Dân trí) - Nhiều người mang bằng chứng là giấy xác thực chữ ký của họ bị giả mạo trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đến Manulife để đòi tiền, nhưng công ty bảo hiểm này chỉ tiếp nhận và...ngó lơ?

Nhiều người mang bằng chứng là giấy xác thực chữ ký trong hợp đồng bảo hiểm mà họ khẳng định bị giả mạo đến Manulife để đòi tiền, nhưng công ty bảo hiểm này chỉ tiếp nhận và...ngó lơ?

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 1

Trong hàng trăm lá đơn Dân trí nhận được về việc người dân đi gửi tiết kiệm tại SCB bị "hô biến" thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife, đa phần người gửi tiền đều không có bằng chứng vì quá tin tưởng ngân hàng mình đã giao dịch lâu năm. Dường như, sự thiếu cảnh giác với nơi mình tin tưởng đã đẩy không biết bao nhiêu người gửi tiền trung thành tại SCB vào cảnh phải bắc loa, căng băng rôn tại các văn phòng của Manulife để đòi lại tiền.

Nhiều người căng băng rôn, bắc loa trước cửa văn phòng Manulife Hà Nội (Video: Cát Sinh).

Ròng rã theo những người này nhiều tuần liền, phóng viên Dân trí tiếp xúc với nhiều trường hợp, từ những người trẻ hơn 20 tuổi đến những cụ già ngoài 70 tuổi, tuy câu chuyện có phần khác nhau nhưng đều chung kịch bản gửi tiết kiệm được tặng kèm bảo hiểm.

Các cá nhân này cho biết, vì tin ngân hàng giới thiệu có sản phẩm mới lãi cao hơn gửi tiết kiệm thông thường lại được tặng kèm bảo hiểm nên khi được yêu cầu phải ký vào tờ đơn yêu cầu bảo hiểm để hoàn tất thủ tục tiết kiệm, họ đều ký vào mà không chút đề phòng.

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 3

Nhiều người mất tiền chia sẻ, chính vì không đề phòng với những nơi mình coi là an toàn và đáng tin nhất, lại chính là nguyên nhân khiến họ phải đi đấu tranh nhiều tháng trời. Từ những người đòi quyền lợi riêng lẻ ban đầu, họ tập hợp thành các nhóm để hướng dẫn nhau làm đơn. Nhóm miền Nam kết nối với nhóm miền Bắc, nhóm miền Trung, các cuộc căng băng rôn, tập trung đông người tại trụ sở Manulife diễn ra khắp tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thanh Hóa…

Đa số nạn nhân trình bày, sở dĩ họ phải bắc loa, căng băng rôn vì khi đến Manulife đòi lại số tiền đã gửi tại SCB bị đưa vào hợp đồng bảo hiểm của Manulife, hãng bảo hiểm này cho rằng chính họ đã ký vào hồ sơ bảo hiểm, muốn hủy được hợp đồng và lấy lại được tiền phải đưa ra được các bằng chứng xác thực. Rất nhiều người không có bằng chứng vì hoàn toàn làm theo hướng dẫn của những người đã được đào tạo về nghiệp vụ chuyên nghiệp, những người đã quen mặt và họ không chút đề phòng.

Thế nhưng, cũng có những người không cam tâm như bà Nguyễn Lan Anh và bà Trần Thị Thanh Bình tại Hà Nội.

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 5

Bà Lan Anh cho biết, mình là khách hàng thường xuyên và lâu năm của ngân hàng SCB (số 75 phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội).

Ngày 08/12/2020, bà Lan Anh đến phòng giao dịch trên để đáo hạn sổ tiết kiệm và có ý định tiếp tục gia hạn tiền gửi tiết kiệm. Bà Lan Anh nhớ lại, tại đây, bà được T.T.T., một nhân viên ngồi tại quầy tư vấn không nên gửi tiết kiệm bằng hình thức thông thường mà nên gửi tiết kiệm bằng hình thức khác có lãi suất cao hơn.

"Đây là sản phẩm liên kết giữa SCB và Manulife Việt Nam, có tên gọi là "Tâm An Đầu Tư". Vì là sản phẩm mới, nên trong tháng này nếu tham gia, khách hàng sẽ được tặng thêm 5 triệu nếu gửi 100 triệu đồng. Ngoài được lãi từ 8 đến 9%/năm thay vì 6,95%/năm như thông thường, khách còn được tặng thêm quyền lợi bảo hiểm tính mạng. T.TT. đã giới thiệu với tôi như vậy", bà Lan Anh khẳng định.

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 7

Nhận thấy đây là sản phẩm tiết kiệm hấp dẫn nên bà Lan Anh đồng ý gửi tiền. Sau đó, bà được hai nhân viên đưa cho tập hợp đồng bảo hiểm Tâm An Đầu Tư, bà thắc mắc và hỏi ngay "tại sao đây lại là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ", theo bà, cả nhân viên ngân hàng và bảo hiểm cùng khẳng định "đây không phải là bảo hiểm mà là sản phẩm đầu tư liên kết giữa SCB và Manulife, để được tặng thêm bảo hiểm tính mạng thì chị phải ký vào tờ đơn yêu cầu bảo hiểm này".

Sau đó, theo bà Lan Anh, nhân viên tại quầy của SCB đã mở sẵn tờ yêu cầu bảo hiểm và chỉ chỗ cho bà ký vào.

Trao đổi với Dân trí, bà Lan Anh cho rằng, nhân viên của SCB và Manulife đã không nói về điều khoản 21 ngày cân nhắc sau khi nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; không cho bà biết đây là hình thức đầu tư "lời ăn lỗ chịu", cũng không hỏi bà về nghề nghiệp, thu nhập thực tế mà tự ý điền nghề nghiệp của bà Lan Anh là kế toán với thu nhập 50 triệu đồng/tháng, trong khi bà là chuyên viên hành chính với thu nhập chỉ hơn 14 triệu đồng/tháng.

Bà Lan Anh khẳng định, có tới 3 trên 4 chữ ký trong hợp đồng bảo hiểm này không phải do bà ký, bà chỉ ký vào một tờ yêu cầu bảo hiểm do bị lừa để hoàn tất thủ tục gói tiết kiệm và được tặng kèm bảo hiểm thì phải ký vào đơn yêu cầu bảo hiểm.

Khi biết mình bị tư vấn không chính xác thông tin và chứng kiến nhiều người đến Manulife đòi tiền đều bị công ty này yêu cầu bằng chứng có giá trị, bà Lan Anh đã nhiều lần gửi thư yêu cầu Manulife đưa bản gốc hồ sơ hợp đồng bảo hiểm của mình để đối chiếu chữ ký nhưng đến nay chưa được chấp nhận.

Sau đó, bà tự mang hồ sơ hợp đồng bảo hiểm đến một cơ quan giám định chữ ký được nhà nước cấp phép để chứng minh cho Manulife thấy đa phần chữ ký, chữ viết và các thông tin trong hợp đồng bảo hiểm của bà đều không phải do mình thực hiện.

Kết quả, công ty chứng thực kia kết luận, cả chữ viết và chữ ký trên bảng minh họa quyền lợi sản phẩm, phiếu đánh giá mức độ rủi ro, bảng phân tích nhu cầu tài chính đều khác so với chữ viết và chữ ký trên đơn yêu cầu bảo hiểm.

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 9

Tương tự, bà Trần Thị Thanh Bình, 57 tuổi, cho biết, tháng 11/2020 bà cũng "được" ký hợp đồng bảo hiểm số 2952500212 khi tất toán sổ tiết kiệm tại SCB Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo bà Bình, N.T.H.V, mã số HS 684 tại quầy của SCB tư vấn sản phẩm "Tâm An Đầu Tư" với mức lãi suất cao lại được tặng kèm bảo hiểm về sức khỏe, tính mạng nên bà tham gia.

Hai năm sau, mở hợp đồng ra xem mới biết không phải sổ tiết kiệm mà là hợp đồng bảo hiểm. Ngày 8/11/2022, bà Bình làm đơn khiếu nại lên Manulife nhưng công ty yêu cầu bà cung cấp bằng chứng.

Ngày 31/1, bà Bình có kết quả xác định chữ ký do một công ty được cấp phép thực hiện, kết luận chữ viết và chữ ký tại các mẫu yêu cầu giám định không phải của cùng một người.

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 11
Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 13

Ngày 7/2, bà Trần Thị Thanh Bình lên trụ sở của Manulife tại 29 Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của công ty này. Tại đây, bà bắt gặp nhiều người khác cũng lên Manulife để cung cấp chứng cứ như bà Bình hoặc làm thủ tục thanh lý hợp đồng bảo hiểm. Ngoài cửa văn phòng là loa và băng rôn với khẩu hiệu "... Manulife trả tiền".

Bà Bình nói với nhân viên quầy dịch vụ khách hàng "các cháu hẹn cô là nếu có chứng cứ thì cô cứ mang chứng cứ lên để các cháu chụp vào và giải quyết. Hôm nay cô mang chứng cứ lên, một là chữ ký trong bản hợp đồng này không phải chữ ký của cô, cô đã đi chứng thực. Thứ hai là chứng thực về bệnh tật của cô…còn đây là sổ hưu của cô…".

Các nhân viên tại quầy dịch vụ cho biết mình không phải là người hướng dẫn bà Bình ký hợp đồng nên chỉ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và gửi lên lãnh đạo cấp trên. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của bà Bình, nhân viên gửi cho bà một phiếu xác nhận và sẽ trả lời bà Bình trong tháng 2.

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 15

Phiếu nhận chứng từ của Manulife với bà Bình (Ảnh: Cát Sinh).

Ngày 10/2, Manulife ra văn bản trả lời bà Bình. Trong văn bản này, Manulife không trả lời có trả lại tiền theo yêu cầu của bà Bình hay không, công ty này chỉ đưa ra dẫn chứng bà Bình đã ký tên vào đơn yêu cầu bảo hiểm, bảng minh họa quyền lợi sản phẩm, đã qua 21 ngày cân nhắc của hợp đồng… và bà Bình phải chịu trách nhiệm với chứ ký của mình.

Manulife không bình luận gì đến những bằng chứng mà bà Bình cho rằng bị giả mạo trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm mà bà đã cung cấp trước đó.

Tương tự, sau rất nhiều lần nộp bằng chứng, đơn thư khiếu nại lên Manulife nhưng không được công ty trả lời thỏa đáng, ngày 16/2, bà Lan Anh đến Manulife theo lịch đã được hẹn trước.

Theo file ghi âm mà bà Lan Anh cung cấp, sau khi bà đã cung cấp hết các bằng chứng là chữ ký giả, nghề nghiệp và thu nhập giả, một cán bộ giới thiệu tên N. tới từ bộ phận dịch vụ khách hàng của Manulife khẳng định "đến thời điểm này, những thông tin, những văn bản mà chị cung cấp, phản ánh đến Manulife không đủ tính chất pháp lý để công ty xem xét".

Bà Lan Anh đặt câu hỏi, "tức là dù đã được khách hàng cung cấp những bằng chứng về những nội dung khai không đúng, ký giả thì các bạn vẫn chấp nhận hợp đồng này đúng không?". Bà N. nói "đây chỉ là ý kiến cá nhân của khách hàng".

Bà Lan Anh lại hỏi "trong vòng 5 năm của hợp đồng, nếu tôi tử vong, các bạn sẽ đền tiền theo đúng hợp đồng này đúng không?". Bà N. đáp: "Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người thụ hưởng hợp đồng có nghĩa vụ cung cấp các chứng từ liên quan và công ty sẽ xem xét giải quyết theo hợp đồng bảo hiểm. Mình không nói trước được vì chị đang nói theo giả định... hợp đồng của chị được thực hiện theo đúng yêu cầu trong đơn yêu cầu bảo hiểm có chứ kỹ của chị".

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 17

Bà Lan Anh: "bạn nói là theo đúng yêu cầu đúng không? Khách hàng đâu có yêu cầu bảo hiểm đâu? Tình huống ký tôi đã trình bày là tôi bị lừa mới ký vào đó, rằng đây chỉ là sản phẩm tặng kèm. Tôi đã có các bằng chứng về nghề nghiệp, thu nhập, tiền sử bệnh gia đình… hợp đồng này chỉ có ý nghĩa khi thông tin đúng và chữ ký đúng. Chữ ký tôi đã chứng minh được là giả mạo, nghề nghiệp và thu nhập của tôi có xác thực của cơ quan, có dấu đỏ mà các bạn vẫn bảo là không có giá trị pháp lý thì những cái tôi cung cấp là vứt đi à?".

Tuy nhiên, sau rất nhiều tranh cãi, đại diện Manulife vẫn khẳng định là mặc dù đã xem xét những văn bản chứng cứ do bà Lan Anh cung cấp, công ty vẫn không đủ cơ sở và căn cứ pháp lý để giải quyết vô hiệu hợp đồng và hoàn tiền cho khách hàng. Khi được bà Lan Anh hỏi về những nội dung mà Manulife đã trả lời "sau khi Công ty đã cẩn trọng xem xét toàn bộ thông tin và chứng từ liên quan" (trong các thư phúc đáp và kể cả tại buổi làm việc này) là bao gồm những nội dung gì và Manulife đã xem xét, điều tra sự việc cũng như giải quyết những yêu cầu và thắc mắc trong các đơn thư của bà Lan Anh đến đâu thì đại diện công ty không trả lời.

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 19

Tiến sỹ luật Phan Phương Nam (Phó Trưởng Khoa Luật thương mại, Đại học Luật TPHCM) cho biết, ở đây có hai vấn đề vấn pháp lý cần đề cập:

Một là, dấu hiệu của hành vi không cung cấp đủ thông tin để "lừa dối" khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm. Theo Điều 84 Luật Kinh doanh bảo hiểm nằm 2000, "Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan".

Theo đó, hiện nay, các Ngân hàng đang là đại lý bảo hiểm theo ủy quyền của Doanh nghiệp bảo hiểm để bán bảo hiểm cho họ. Như vậy, mọi hoạt động của những nhân viên ngân hàng trong quan hệ bán bảo hiểm tại Ngân hàng đều là đang theo sự ủy quyền của Doanh nghiệp bảo hiểm để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm nằm 2000, Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ: "Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm".

Tương tự, Khoản 1 Điều 19 cũng ghi nhận: "Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm".

Hai là, Hợp đồng bảo hiểm chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Điều 385 Bộ Luật Dân sự năm 2015, "Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Nhưng, rõ ràng trong các trường hợp mà Dân trí phản ánh ở trên, hợp đồng bảo hiểm đã có những bằng chứng chứng minh từ phía khách hàng là không phải chữ ký của khách hàng (đã có kết quả giám định). Điều đó cho thấy hợp đồng bảo hiểm không thể hiện ý chí của khách hàng.

Theo tiến sĩ Nam, mặc dù phía doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng khách hàng đã ký vào đơn yêu cầu bảo hiểm hay ký tên vào bảng minh họa quyền lợi sản phẩm đều không có nghĩa là khách hàng ký tên vào hợp đồng bảo hiểm.

Vì điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 có quy định: "Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định". Do vậy, hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu.

Từ hai vấn đề trên cho thấy, hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp này là vô hiệu (có thể áp dụng theo điểm d Khoản 1 Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 hoặc áp dụng quy định của bộ luật dân sự năm 2015).  

Trong trường hợp này, nếu khách hàng không thể giải quyết theo hướng thương lượng và thỏa thuận (vì Doanh nghiệp bảo hiểm đã từ chối trả lời cũng như giải quyết các khúc mắc chính đáng của khách hàng) thì Bên mua bảo hiểm hoàn toàn có quyền yêu cầu giải quyết theo con đường Tòa án hoặc trọng tài (tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm) để yêu cầu tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.

Khi đó, khách hàng không chỉ yêu cầu Doanh nghiệp bảo hiểm hoàn trả lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng cho Doanh nghiệp bảo hiểm mà còn có thể yêu cầu họ bồi thường những thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm này (ví dụ như: tiền lãi tiết kiệm nếu có nếu không bị lừa dối mua bảo hiểm).  

Chuyên gia bảo hiểm Lê Thị Kim Ngân cũng cho rằng, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm là "nguyên tắc trung thực tuyệt đối".

Nguyên tắc này được định nghĩa cụ thể là "các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm"; (Khoản 1, Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022). Trong quá trình tư vấn bảo hiểm, người đại lý không được phép thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm (Điểm a, Khoản 3, Điều 129 Luật này)

Như vậy, nếu người đại lý tư vấn cho khách hàng bằng việc đánh tráo khái niệm, phủ nhận sản phẩm mà khách hàng tham gia không phải là hợp đồng bảo hiểm mà là sản phẩm đầu tư có lãi suất cao liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, khách hàng tham gia còn được tặng kèm bảo vệ là hoàn toàn không trung thực, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đại lý và nguyên tắc trung thực nêu trên.

Việc quảng cáo sai sự thật, gian dối trong quá trình tư vấn, cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, thậm chí còn có thể cấu thành tội "Lừa dối khách hàng" được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Một khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, thì hợp đồng này vô hiệu theo Điểm h, Khoản 1 Điều 25 của Luật này.  

Hơn nữa, nếu có căn cứ chứng minh rằng, người đại lý đã giả mạo chữ kí của khách hàng trong bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm (bảo hồm phiếu yêu cầu bảo hiểm, bảng phân tích kế hoạch tài chính, bảng minh họa sản phẩm, biên bản bàn giao hợp đồng và một số giấy tờ khác liên quan), thì hợp đồng này hoàn toàn không đáp ứng được điều kiện về hình thức của hợp đồng bảo hiểm.

Tại điều 18, Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022, quy định hình thức của hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Đối với hợp đồng bảo hiểm bằng hình thức văn bản, thì mỗi bên đều phải cùng kí tên xác nhận vào văn bản này nhằm thể hiện ý chí tự nguyện, sự công nhận và đồng ý xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

Như vậy, trong trường hợp một trong hai bên không hề kí vào bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, nghĩa là các thỏa thuận không thể được xác lập, do đó hợp đồng bảo hiểm vì thế cũng không có hiệu lực pháp luật.

Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 21
Khách hàng Manulife tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm - 23

"Đừng biến bảo hiểm nhân thọ vốn là quốc sách thành quốc nạn bằng sự vô lương tâm!"

Đó là quan điểm của Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Thành viên hội Luật Gia Việt Nam sau khi xem xét hồ sơ của các nhân vật mà Dân trí cung cấp.

Theo ông Đán, hợp đồng bảo hiểm được giao kết dựa trên nguyên tắc trung thực tuyệt đối (uberrimae fidei). Với nguyên tắc này khách hàng bảo hiểm sẽ phải trung thực trong vấn đề cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) vì đó là cơ sở nền tảng của hợp đồng bảo hiểm và được luật hóa trong điều 16 khoản 1 Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm 2022.

Cũng chính trong điều luật này, cơ quan quản lý nhà nước cũng yêu cầu DNBH phải trung thực với khách hàng trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau.

Trong trường hợp như trên rõ ràng khách hàng đã tin tưởng tuyệt đối vào đại lý bảo hiểm, DNBH nhưng dường như lại không nhận được sự trung thực tương ứng.

Ở diễn biến kế tiếp, khi khách hàng yêu cầu đơn giản là trả lại các khoản phí đã đóng vì đã bị "lừa tham gia bảo hiểm không đúng yêu cầu" và cung cấp các chứng cứ xác nhận là mình bị giả chữ ký thì đại diện DNBH đã một lần nữa cho thấy họ hoàn toàn không trung thực với khách hàng bằng cách đưa ra một bằng chứng khác là khách hàng đã ký tên trên bảng minh họa. Nên nhớ rằng, chỉ cần một chữ ký trên tất cả các văn bản mà khách hàng ký vào là giả mạo, một thông tin mà khách hàng cung cấp về tình trạng sức khỏe và tài chính là không đúng sự thật thì DNBH sẽ không chi trả bất kỳ quyền lợi bảo hiểm nào.

Ông Đán đặt câu hỏi, phải chăng, DNBH chấp nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm này từ đầu một cách đơn giản và dễ dàng vì họ biết rằng kiểu gì cũng không cần bồi thường? Như vậy thì đây là một bằng chứng cho thấy có một sự không công bằng về việc cung cấp thông tin cũng như cách vận dụng tinh thần của điều 16 luật KDBH 2022.

Hơn thế nữa, nếu số trường hợp giống khách hàng trên là nhiều và sau khi đã gửi chứng cứ để khẳng định việc mình bị lừa dối giao kết hợp đồng bảo hiểm, DNBH đã tiếp nhận và xử lí thông tin, nhưng vẫn không trả tiền cho khách hàng thì chúng ta cần xem xét xử lý theo hướng đúng đắn hơn là chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để xem xét có dấu hiệu phạm tội hay không? Cụ thể ở đây là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Điều 175 Bộ Luật Hình Sự 2015.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán chia sẻ, Bảo hiểm nhân thọ là một điều thực sự tốt đẹp, ngành bảo hiểm đã và đang có những đóng góp to lớn cho người dân và đất nước. Rất nhiều con người đã và đang cố gắng mỗi ngày để mang các chương trình bảo hiểm nhân thọ đến từng gia đình, từ đó góp phần giải quyết rủi ro khánh kiệt trong tương lai vì bệnh tật và tử vong cho các hộ gia đình. Ngay cả trong chính cơn bão bancassurance này, cũng có một vài ngân hàng thực sự làm tốt với tỷ lệ duy trì hợp đồng năm hai rất cao.

Nội dung, Video, Hình ảnh: Cát Sinh

Thiết kế: Đỗ Diệp