Hội đồng Thẩm định Giải thưởng ESG Việt Nam 2024 là ai?
(Dân trí) - Các thành viên đầu tiên trong Hội đồng Thẩm định Giải thưởng ESG Việt Nam 2024 - Vietnam ESG Awards 2024 là những chuyên gia và đại diện nhiều tổ chức uy tín, có kinh nghiệm trong phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ diễn đàn Diễn đàn ESG Việt Nam năm nay, Giải thưởng ESG Việt Nam 2024 - Vietnam ESG Awards 2024 do báo Dân trí khởi xướng, là giải thưởng tôn vinh các doanh nghiệp thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) và có cam kết, thành tựu nổi bật trong phát triển bền vững.
Giải thưởng nhằm hướng tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam có cam kết bảo vệ môi trường, nâng cao phúc lợi xã hội và quản trị hiệu quả; các tổ chức và địa phương tiên phong trong triển khai chiến lược phát triển bền vững và mô hình tăng trưởng xanh.
Giải thưởng ghi nhận những sáng kiến, chương trình xuất sắc trong thực thi ESG, khẳng định vai trò thiết yếu của phát triển bền vững trong văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương có thể đăng ký tham dự Giải thưởng ESG Việt Nam 2024 - Vietnam ESG Awards 2024 tại đây.
Hội đồng Thẩm định Giải thưởng ESG Việt Nam 2024 bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ESG và đại diện các tổ chức uy tín, có kinh nghiệm trong phát triển bền vững. Dưới đây là những thành viên đầu tiên trong Hội đồng Thẩm định Giải thưởng ESG Việt Nam 2024 - Vietnam ESG Awards 2024.
Tiến sĩ Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành Quỹ Vinfuture, Giám đốc Điều hành Quỹ Vì tương lai xanh
Tiến sĩ Hà là nhà khoa học nữ người Việt Nam duy nhất có tên trong top các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới (2021-2023). Bà Hà đã công bố khoảng 80 nghiên cứu, bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín - những tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng.
Đặc biệt, bà cũng là Giám đốc điều hành Quỹ Vì tương lai xanh - một quỹ mới thành lập với sứ mệnh góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ, hướng tới một ngày mai xanh cho thế hệ tương lai.
Ngoài ra, bà Hà từng tư vấn cho Ngân hàng Thế giới (World Bank), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Nữ tiến sĩ này cũng chính là người sáng lập và Tổng biên tập của Tạp chí khoa học Fulbright Review of Economics and Policy.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life)
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc bắt đầu nghiên cứu và tư vấn về các vấn đề xã hội ở Việt Nam từ năm 2004, tập trung vào giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến những nhóm yếu thế, lao động và cộng đồng Công giáo ở Việt Nam.
Sau khi thành lập Social Life vào năm 2017, ông Lộc tiếp tục những nghiên cứu của mình vào nhóm đối tượng trên, đồng thời mở rộng chuyên môn vào vấn đề thực tiễn phát triển của đời sống xã hội.
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đã có nhiều năm nghiên cứu, tham gia đánh giá các dự án phát triển bền vững, nhất là các tiêu chuẩn xã hội (Social) liên quan đến lĩnh vực lao động, nhân lực, đầu tư bền vững cho cộng đồng...
Theo ông Lộc, chuyển đổi là xu thế tất yếu hiện nay, là con đường để "đi tắt, đón đầu". Hiện tiêu chuẩn phát triển bền vững áp dụng tại Việt Nam còn rất thấp, doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng. Tuy nhiên, đối diện với các thị trường, đối tác khó tính, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Tiến sĩ Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp
Với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về các mặt tín dụng, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu…
Ông cũng có nhiều hoạt động giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển lớn mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế có hiệu quả. Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp cũng đồng hành cùng các doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện tiêu chuẩn ESG giúp thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm, hướng đến tương lai bền vững.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)
Tiến sĩ Minh là một trong 10 thành viên Hội đồng cấp cao của Diễn đàn ESG Việt Nam. Ông có nhiều kinh nghiệm xây dựng nhiều báo cáo liên quan đến chuyển đổi xanh, ESG gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước nhằm hỗ trợ tháo gỡ các rào cản và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng.
Ông cũng là chuyên gia trong các dự án, hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Quỹ châu Á (The Asia Foundation - TAF), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và các tổ chức quốc tế khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, các địa phương trong chuyển đổi xanh, thực hành ESG.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM
Ông Nguyễn Đức Trung tốt nghiệp đại học ngành Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ông có học vị tiến sĩ ngành kinh tế tại Học viện Ngân hàng, năm 2016 được phong phó giáo sư.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung từng làm việc tại Học viện Ngân hàng, giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê - Ngân hàng Nhà nước trước khi được phân công làm Phó hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách và giờ là Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TPHCM.
Ông Trung cũng là thành viên Hội đồng cấp cao của Diễn đàn ESG Việt Nam. Trong các hội thảo, tọa đàm, ông thường xuyên chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp thiết thực gắn liền với thực tế tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, vươn tới thành công bền vững.
Bà Phạm Minh Hương - Phó giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững Deloitte Việt Nam
Bà Hương có hơn 18 năm kinh nghiệm tại các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, chủ yếu liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp và tài chính, đặc biệt là quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ để cải thiện hoạt động và các dự án phát triển bền vững.
Ngoài ra, Phó giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững Deloitte Việt Nam còn có nhiều nghiên cứu, kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược ESG cho doanh nghiệp. Bà cũng từng tham dự nhiều sự kiện liên quan tới ESG, phát triển bền vững và có nhiều chia sẻ giàu kiến thức liên quan tới lĩnh vực này.