DMagazine

Google thu hút, tuyển mộ nhân tài như thế nào?

(Dân trí) - Mỗi năm, Google nhận hơn 1 triệu sơ yếu lý lịch và đơn ứng tuyển và chỉ khoảng 4.000 - 6.000 ứng viên sẽ được tuyển dụng - tỷ lệ thấp hơn 1%.

Google thu hút, tuyển mộ nhân tài như thế nào?

Bộ phận tuyển dụng tại Google từng phải dành 10 giờ mỗi tuần để tuyển dụng, các giám đốc cấp cao dành trọn một ngày. Google muốn quy trình này hiệu quả hơn và thông qua nghiên cứu, họ đã tìm ra công thức chiến thắng. Giờ đây, họ giảm thời gian cần thiết từ 10 giờ xuống còn 1,5 giờ mỗi tuần mà vẫn đạt chất lượng tương tự.

"Thiết lập một mức tiêu chuẩn cao. Trước khi bắt đầu tuyển dụng, hãy xác định xem bạn muốn các kỹ năng nào… Một nguyên tắc tốt là chỉ tuyển dụng người tốt hơn bạn. Đừng bao giờ thỏa hiệp. Đừng bao giờ", đó là điều được Laszlo Bock, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nhân sự tại Google, sử dụng để định hướng tuyển dụng.

Với nhiều năm kinh nghiệm, Bock biết điều gì nên hỏi, điều gì không, trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Nhiều công ty thường đưa ra những câu hỏi "lạc đề" như cần bao nhiêu quả bóng golf để lấp đầy một bể bơi tiêu chuẩn Olympic - phần nào giúp đo năng lực sáng tạo và khả năng chịu áp lực của ứng viên.

Trên thực tế, "chúng không dự đoán được gì. Chúng chủ yếu khiến người phỏng vấn cảm thấy họ thông minh", Bock nói, hoàn toàn không giúp tìm ra một nhân viên ngôi sao.

Google thu hút, tuyển mộ nhân tài như thế nào? - 1

Góc làm việc của nhân viên Google tại văn phòng New York City, Mỹ, hồi năm 2008 (Ảnh: Reuters).

Tỷ lệ thành công của người tuyển dụng cũng là điều nghi vấn. Theo Bock, không ai giỏi tuyển dụng. Google đã đưa ra kết luận trên sau khi xem lại hàng chục nghìn video phỏng vấn. Điều này khiến công ty nhận ra cần có một quy trình tuyển dụng không nhượng bộ giúp lọc ra những người tốt nhất. Kế tiếp, một trong những nhiệm vụ chính của nhà tuyển dụng là chọn ra một người phù hợp, một "Googler" trong số những người tốt nhất.

Chính sách phúc lợi của Google cũng là yếu tố góp phần thu hút và giữ chân nhân tài. Google có chế độ bảo hiểm y tế cho nhân viên với tùy chọn để đăng ký cho vợ/chồng hoặc người phụ thuộc của họ. Bảo hiểm sức khỏe của Google đã bao gồm khám mắt và khám răng, đồng nghĩa nhân viên không cần phải mua thêm bảo hiểm khác bên ngoài.

Điều đáng chú ý là Google còn có đội ngũ y tế tại nơi làm việc, do đó, khi một nhân viên bị ốm, họ chỉ cần đặt lịch khám.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ còn đưa ra nhiều chương trình phát triển, xã hội và học tập để giúp nhân viên đạt cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Nhân viên có thể được hỗ trợ lên tới 12.000 USD học phí mỗi năm và chương trình hỗ trợ giáo dục giúp họ theo đuổi mọi mục tiêu, như học ngôn ngữ hay lập trình.

Nhân viên được nghỉ phép khi sinh con hay nhận con nuôi, đảm bảo cả bố và mẹ có thời gian nghỉ ngơi trước khi quay lại làm việc. Hầu hết nhân viên Google có thể nghỉ có lương, thường giới hạn ở nghỉ phép và nghỉ ốm. Số ngày nghỉ có lương phụ thuộc vào chức danh, số giờ làm việc mỗi tuần và số năm làm việc tại công ty.

Google cung cấp các ưu đãi tài chính như chương trình đối ứng hưu trí, đóng góp vào tài khoản 401K tương đương nhân viên lên tới 3.000 USD, và có thể lên tới 50%, không quá 8.250 USD. Nếu nhân viên quyết định nghỉ việc, họ có thể giữ lại khoản đóng góp bằng cách chuyển tiếp hoặc rút về, nhưng chịu mức phạt 10%.

Ngoài ra, Google đề cao tính linh động trong làm việc, cung cấp bữa ăn, đồ ăn vặt miễn phí, có phòng tập thể dục, các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần.

Google thu hút, tuyển mộ nhân tài như thế nào? - 2

Khu làm việc mở tích hợp quán cafe của Google tại văn phòng ở bang Massachusetts, Mỹ (Ảnh: Boston Business Journal).

Các công ty ở Mỹ thu hút nhân tài thế nào?

Việc thu hút nhân tài năm nay càng trở nên cạnh tranh hơn khi nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa và nhiều mô hình nơi làm việc đa dạng.

Khoảng 47 triệu người Mỹ bỏ việc trong năm 2021 và vẫn còn hàng triệu việc làm chưa được lấp đầy, theo cơ quan thống kê lao động Mỹ. Ngoài ra, nhiều công ty đang trên đà tái thiết hậu đại dịch. Số lượng lớn công ty đang tăng trưởng với tốc độ siêu nhanh, thị trường nhân tài chất lượng đang trở nên rất "nóng".

Các công ty phải đối mặt với thách thức mới là người tìm việc không còn chỉ quan tâm mỗi yếu tố thu nhập. Nhà tuyển dụng ngày càng phải nỗ lực cho thấy họ là nơi làm việc tích cực. Joblist cho biết 80% người tìm việc cho rằng bên tuyển dụng phải xem lại chế độ đãi ngộ cung cấp hậu đại dịch, 61% mong muốn được làm việc từ xa. Để dẫn đầu cuộc đua "săn" nhân tài, bắt kịp đà bùng nổ kinh doanh hiện tại, nhà tuyển dụng cần tìm cách đáp ứng kỳ vọng từ ứng viên.

Google thu hút, tuyển mộ nhân tài như thế nào? - 3

Biểu tượng Google bằng đèn neon tại văn phòng ở Toronto, Canada, năm 2012 (Ảnh: Reuters).

Dưới đây là một số cách để thu hút nhân tài tương lai.

Đưa thương hiệu nhà tuyển dụng lên đầu tiên. Thương hiệu nhà tuyển dụng rất quan trọng, thể hiện bản sắc công ty. Đó là sự thể hiện một cách cẩn thận về tầm nhìn, sứ mệnh, đặc tính và văn hóa để thu hút và giữ chân nhân tài.

Ưu tiên kinh nghiệm của ứng viên. Với nhiều vị trí tuyển dụng, ứng viên có lợi thế ra thêm lựa chọn. Quy trình tuyển dụng của công ty góp phần quan trọng để ứng viên ra quyết định, đó là lý do tại sao người tuyển dụng cần tạo trải nghiệm tích cực cho ứng viên từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Đưa ra những câu hỏi có chủ đích khi phỏng vấn. Phỏng vấn xin việc có thể để lại ấn tượng quan trọng bởi đây thường là lần đầu tiên ứng viên tương tác trực tiếp với công ty trong quá trình ứng tuyển. Hãy hỏi ứng viên điều gì khiến họ phù hợp với công việc hay họ sẽ làm gì để đóng góp nhiều hơn cho công ty để tạo không khí ấm áp và cá nhân hơn. Đưa ra những điều chỉnh nhỏ, tập trung vào ứng viên hơn có thể tạo ra khác biệt để tìm ra nhân tài tốt nhất.

Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa của một tổ chức thường phản ánh trong tuyên bố về sứ mệnh và đội ngũ lãnh đạo, thể hiện rõ trong cách người quản lý đối xử với nhân viên và những lợi ích mang lại.

Theo một báo cáo từ Comparably, chuyên đánh giá công ty, Microsoft là công ty toàn cầu đứng đầu về văn hóa nơi làm việc. Xếp hạng thường niên được dựa trên đánh giá ẩn danh từ nhân viên với 70.000 công ty được chia sẻ trên website Comparably trong 12 tháng, từ tháng 3/2021 đến tháng 3 năm nay.

Comparably cân nhắc gần 20 chủ đề khác nhau để định nghĩa văn hóa làm việc lành mạnh, gồm lương, cân đối cuộc sống - công việc và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

10 công ty toàn cầu, với 500 nhân viên hoặc hơn, có thứ hạng cao nhất lần lượt là Microsoft, IBM, Google, HubSpot, Elsevier, Chegg, Concentrix, RingCentral, Experian và Estee Lauder.

Một số công ty vẫn nằm trong top 10 so với năm ngoái như HubSpot, IBM, RingCentral và Microsoft, phần nào lý do là họ vẫn tiếp tục cho phép nhân viên sắp xếp công việc linh hoạt và có lợi nhuận tăng trưởng trong đại dịch, Jason Nazar - CEO Comparably cho biết và nói rằng: "Nhóm công ty này không đáp ứng các nhu cầu của nhân viên mà thiết lập ra các quy tắc về cách định hướng trong thế giới mới chúng ta đang sống".

Nhân viên tại Chegg, IBM, Elsevier cùng các tổ chức khác còn ca ngợi nỗ lực của ban lãnh đạo vì tạo ra môi trường làm việc đa dạng, bình đẳng. Một nhân viên tại Concentrix mô tả những thay đổi đó đã cải thiện văn hóa trở nên "hòa nhập, bình đẳng và vui vẻ hơn".

Theo Nazar, điều khiến Microsoft khác biệt chính là CEO Satya Nadella của công ty và niềm tin ông đặt vào các nhân viên. Tháng 2, Nadella, làm CEO Microsoft từ năm 2014, được đồng nghiệp bầu là CEO "bị đánh giá thấp nhất" trong khảo sát do Fortune và Korn Ferry thực hiện. Khảo sát lưu ý rằng nhà lãnh đạo 54 tuổi này đứng đầu danh sách kể từ năm 2017 vì tính minh bạch, cách tiếp cận đồng cảm trong lãnh đạo và khiêm tốn.

"Ông ấy có tầm nhìn tốt và chiến lược toàn cầu tuyệt vời", một nhân viên chia sẻ trên Comparably. "Trong những thời điểm khó khăn, việc ở trong công ty mạnh với đội ngũ lãnh đạo giỏi giúp cảm thấy được trấn an nhiều".

Nội dung: Tường Phong

Theo: