Giới trẻ ngày nay "tìm việc" chứ không "xin việc"

Vũ Anh

(Dân trí) - Các bạn trẻ ngày càng chủ động trong quá trình tìm kiếm việc làm, thậm chí còn có xu hướng "điều tra ngược" lý lịch của nhà tuyển dụng.

Một mùa tốt nghiệp nữa lại đến gần, Chu Húc - sinh viên năm cuối tại một trường đại học tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc liên tiếp nhận được nhiều lời mời làm việc từ các doanh nghiệp lớn. 

Trong quá trình trao đổi với các nhà tuyển dụng, bản thân Chu Húc không có một chút áp lực nào. Ngược lại, vì đã có sự tìm hiểu kỹ càng về các doanh nghiệp từ đầu, nên khi Chu Húc tham gia phỏng vấn với 5 công ty này, về cơ bản các câu hỏi đều nằm trong tầm kiểm soát của anh. 

Trên thực tế, ngay từ khi bắt đầu đợt tuyển dụng vào tháng 6 năm ngoái, Chu Húc đã xác định được các yêu cầu của mình đối với doanh nghiệp. Anh căn cứ vào đó để tiến hành sàng lọc các doanh nghiệp trong tầm ngắm của mình. Và khi chỉ còn lại 5-6 công ty, Chu Húc quyết định làm việc tại nơi mà anh cho rằng có môi trường năng động và sáng tạo hơn. 

Cách tìm kiếm việc làm của Chu Húc không phải là trường hợp hiếm. Theo truyền thông địa phương, một lượng lớn sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ bước vào môi trường công sở với lời nói, hành động và cách suy nghĩ mới. Họ không còn bị ám ảnh bởi sự hào nhoáng của những doanh nghiệp lớn, dám nói "không" với việc làm thêm ngoài giờ. Thậm chí, trước khi phỏng vấn, họ còn "điều tra ngược" lý lịch của nhà tuyển dụng. 

Giới trẻ ngày nay tìm việc chứ không xin việc - 1

"Điều tra ngược" tựa như "cuộc phản công" giành lại quyền chủ động của ứng viên trong quá trình tìm kiếm việc làm (Ảnh: Baidu).

"Điều tra ngược" - xu hướng tìm kiếm việc làm của Gen Z

Trong quá trình tìm tuyển dụng nhân lực, "điều tra lý lịch" là một chuyện rất phổ biến. Sau khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ thông qua trường đại học/cao đẳng, công ty cũ và những người có liên quan khác của ứng viên để xác thực những thông tin mà ứng viên cung cấp. 

Tuy nhiên, sinh viên ngày nay đã mang đến một "cuộc phản công" mới, đó là "điều tra ngược" lý lịch của doanh nghiệp.

Trần Thuyên, một sinh viên tốt nghiệp tại một trường đại học lớn tại Bắc Kinh đã đặt ra những yêu cầu về môi trường làm việc tương lai trước khi tìm kiếm việc làm. 

Trên cơ sở những nhu cầu đó, Trần Thuyên tiến hành thu thập thông tin của các doanh nghiệp qua mạng, không chỉ từ trang web chính thức của công ty mà còn tìm kiếm nhiều hơn qua những chia sẻ của nhân viên trên mạng xã hội.  

Mặt khác, cô tận dụng kỳ nghỉ của mình để đi thực tập tại các công ty này. Qua đó, Trần Thuyên có thể cảm nhận thực tế môi trường làm việc và hiểu được nội dung công việc mà mình muốn làm. Bằng cách này, cuối cùng cô đã ký hợp đồng với công ty yêu thích của mình và sẽ sớm trở thành nhân viên chính thức. 

"Điều tra ngược" mang lại cho Trần Thuyên suy nghĩ sâu sắc hơn về việc phát triển sự nghiệp. "Thời điểm chọn nghề nghiệp cuối cùng, mặc dù bị sự hào nhoáng của các công lớn hấp dẫn nhưng tôi vẫn lựa chọn những nơi có thể nâng cao trình độ chuyên môn của mình", Trần Thuyên chia sẻ. 

Trên nhiều trang web, thậm chí việc "điều tra ngược" còn phân ra các giai đoạn khác nhau. Đầu tiên là tìm kiếm thông tin của công ty qua mạng Internet và lên các trang tin tuyển dụng để tìm hiểu về những vị trí tương tự. Xa hơn nữa là trao đổi với các nhân viên từng làm việc tại đó, thậm chí là đối tác của doanh nghiệp để hỏi thăm về nội bộ công ty. 

Cuối cùng là so sánh mức lương với công ty đưa ra với giá thị trường, xem quy mô doanh nghiệp trên các trang web điều tra doanh nghiệp và kiểm tra lý lịch của ban lãnh đạo. Chưa hết, một số ứng viên còn rà soát đến những nhà đầu tư đứng sau công ty và logic đầu tư của họ. 

Vậy "điều tra ngược" có thật sự phổ biến với các sinh viên không?

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ China Youth Daily, Du Hàm Vũ - cố vấn tại Đại học Hồ Nam cho biết: "Thực tế, tình trạng này luôn luôn tồn tại ở các sinh viên mới tốt nghiệp. Trong nhiều năm gần đây, chúng tôi thường xuyên khuyến khích sinh viên thực hiện "phỏng vấn nghề nghiệp".

Đó là một loại nghiên cứu về các đơn vị sử dụng lao động. Phổ biến nhất là liên hệ với các đàn anh đàn chị từng làm việc tại đơn vị đó hoặc tìm hiểu trên một số trang web, diễn đàn tìm kiếm việc làm để biết thêm về tình hình cụ thể của công việc, mức lương và khả năng phát triển của vị trí mà mình muốn ứng tuyển". 

Du Hàm Vũ còn phân tích thêm, nguyên nhân dẫn đến trào lưu này là do giới trẻ ngày nay được tiếp xúc với Internet từ sớm, khả năng và độ nhạy bén trong việc thu thập thông tin cũng cao hơn nhiều so với những sinh viên ngày trước. Độ hài lòng đối với công việc của sinh viên ngày nay cũng đa dạng hơn và mang tính xã hội cao. 

Hãy để bản thân chủ động hơn trong quá trình ứng tuyển

Nhiều sinh viên đại học thẳng thắn thừa nhận rằng "điều tra ngược" không chỉ đem lại cho họ sự hiểu biết sâu sắc về công việc sắp tới, mà còn góp phần làm rõ ràng hơn quá trình phát triển sự nghiệp cũng như kế hoạch tương lai lâu dài.  

Lần đầu tiên nhìn thấy cụm từ "điều tra ngược", Lý Lật - sinh viên năm cuối tại Đại học Bắc Kinh, cảm thấy có đôi chút khó hiểu. Trong nhận thức của anh, việc chủ động tìm hiểu về doanh nghiệp là điều "chính đáng, hiển nhiên". 

Sau khi trao đổi với các bạn đồng trang lứa, Lý Lật nhận ra rằng không phải tất cả các sinh viên đều chủ động trong việc điều tra lý lịch của doanh nghiệp. "Xung quanh tôi có rất nhiều sinh viên đã quen với nếp sống và sinh hoạt của học sinh cấp 3, quen với việc được chọn lựa, nhưng không nhận ra rằng sự lựa chọn của họ cũng rất quan trọng", anh nhận định. 

"Chúng ta không nên "xin việc", mà hãy "tìm việc".", theo quan điểm của Lý Lật, "Điều tra ngược" không chỉ nên phổ biến, mà còn vô cùng cần thiết". 

Giới trẻ ngày nay tìm việc chứ không xin việc - 2

Không nên dừng lại ở trào lưu, "điều tra ngược" thật sự là việc làm cần thiết đối với bất kỳ ứng viên nào (Ảnh: Baidu).

Thông qua việc này, sinh viên không chỉ hiểu được tình hình mức lương, đặc điểm nhân viên, văn hóa doanh nghiệp và những thông tin khác để sàng lọc những công ty mà họ mong muốn được gắn bó trong tương lai mà còn có thể đề xuất một số sáng kiến cho sự phát triển của công ty trong quá trình phỏng vấn. 

Trần Thuyên đã dựa vào chính cuộc khảo sát về các mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp mà chuẩn bị tài liệu phỏng vấn một cách có mục tiêu. Từ đó cô tích cực và chủ động dẫn dắt người phỏng vấn đến khía cạnh mà họ muốn khai thác. 

Tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh chuyên ngành Quy hoạch đô thị và nông thôn, Hồ Phan cho biết sau một năm làm việc, anh cảm thấy vô cùng may mắn vì hành động "điều tra ngược" ban đầu của mình.

"Tìm kiếm việc làm là quá trình lựa chọn hai chiều. "Điều tra ngược" là một phần không thể thiếu khi ứng tuyển, giúp sinh viên tránh được nhiều rủi ro. Đừng để tuổi trẻ quý báu của mình lãng phí bởi những sự lựa chọn mù quáng", Hồ Phan chia sẻ. 

Phù hợp là yếu tố quan trọng nhất

Cố vấn Du Hàm Vũ cho rằng chuyện gì cũng có hai mặt, và "điều tra ngược" cũng vậy. "Đúng là một số sinh viên đã có nhận thức tương đối thuần thục về lập nghiệp, hiểu biết tương đối về ngành, nghề, thị trường. Các em cũng có thể phân tích được ưu, nhược điểm của vị trí công việc, từ đó tìm ra nơi phù hợp với sự kỳ vọng của bản thân. Tôi ủng hộ sự lựa chọn của nhóm sinh viên này". 

Tuy nhiên, cô nhận thấy rằng, một số sinh viên có suy nghĩ tương đối đơn giản và vội vàng đánh giá một cách chủ quan khi xem thông tin trên các trang tin trực tuyến. "Trong quá trình "điều tra ngược", công việc phù hợp với bản thân mới là yếu tố quan trọng nhất, đừng nên chăm chăm vào những mục như có tăng ca hay không, lương hàng năm là bao nhiêu", vị cố vấn này khẳng định.

Giới trẻ ngày nay tìm việc chứ không xin việc - 3

Sinh viên cần có sự tỉnh táo khi phân tích các thông tin được đưa ra từ phía nhà tuyển dụng (Ảnh: Baidu).

Theo lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, sinh viên mới tốt nghiệp nên cố gắng hết sức để được thực tập tại vị trí, ngành nghề mà mình mong muốn, bởi chỉ có trải nghiệm thực tế thì các bạn trẻ mới biết điều thật sự phù hợp với mình là gì. Từ đó điều chỉnh mục tiêu và kỳ vọng sao cho phù hợp, đồng thời hiểu được cách thu thập thông tin sao cho khoa học và thực tế hơn.