DNews

Gỡ vướng cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra là cấp thiết

Phương Liên Thanh Thương

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện tái tạo là cấp thiết, giúp tránh lãng phí nguồn vốn, khai thác hiệu quả nguồn điện, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Gỡ vướng cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra là cấp thiết

Khẩn trương gỡ khó cho 154 dự án điện tái tạo

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2023, Bộ Công Thương duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Trong đó, 123 dự án là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện, lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ đã đồng ý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho 154 dự án điện tái tạo trên. Tại hội nghị chiều 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đưa ra quan điểm, nguyên tắc chung để giải quyết, gỡ vướng nhất là với các bên không cố ý vi phạm.

Thủ tướng lưu ý các sai phạm cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể với các cá nhân liên quan. Các địa phương phải cùng doanh nghiệp tháo gỡ. Đặc biệt, nghiêm cấm chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải xử lý.

Gỡ vướng cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra là cấp thiết - 1

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo ngày 12/12 (Ảnh: VGP).

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định rằng chủ trương gỡ vướng này để không lãng phí nguồn lực xã hội, giữ niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, các bên cần hạn chế tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc gia và hài hòa lợi ích.

Theo Thủ tướng, việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bằng giải pháp kinh tế. Nếu pháp luật hiện hành thay đổi, không gây ra hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự. Việc tháo gỡ cho các dự án được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 theo quy định pháp luật.

Giải quyết dứt điểm trước ngày 31/1/2025

Thủ tướng cũng thống nhất cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

Đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng... thì đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan.

Đối với các dự án đang được hưởng biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT) có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định. Đồng thời, cần thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Gỡ vướng cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra là cấp thiết - 2

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án năng lượng tái tạo phải được thực hiện công khai, minh bạch (Ảnh: GM).

Thủ tướng khẳng định việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án năng lượng tái tạo phải được thực hiện công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà hay sách nhiễu. Các cấp, các ngành được yêu cầu khẩn trương vào cuộc, chủ động thực hiện các giải pháp để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm và cố gắng giải quyết dứt điểm trước ngày 31/1/2025.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì rà soát kỹ các trường hợp khó khăn, vướng mắc của dự án điện năng lượng tái tạo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý từng vướng mắc; khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện 8, kế hoạch thực hiện và quy hoạch khoáng sản...

Đối với các chủ đầu tư, tích cực, chủ động khắc phục đầy đủ các vi phạm, thiếu sót do cơ quan có thẩm quyền đã chỉ ra; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, vận hành của dự án phù hợp với quy định của pháp luật, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vướng mắc...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng được giao tập trung rà soát, khắc phục những tồn tại, vi phạm đã được nêu trong kết luận Thanh tra Chính phủ hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nhóm vi phạm cần được phân loại và thống nhất nội dung xử lý, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền; tạo thuận lợi cho các dự án hoàn tất các thủ tục mua bán điện.

Việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn là cấp thiết

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, TS Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - đánh giá việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện tái tạo để đưa vào khai thác sử dụng là cấp thiết.

Chuyên gia cho rằng nhiều dự án điện tái tạo đã hoàn thành nhưng không được hưởng giá ưu đãi, không đưa vào sản xuất điện nên rất thiệt thòi cho những nhà đầu tư. Do đó, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc cho những dự án khả thi để đưa vào sản xuất là rất cấp thiết.

"Điều này sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực, tăng cường nguồn điện để phục vụ sản xuất, kinh doanh nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện", ông nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, những dự án điện tái tạo vi phạm pháp luật thì vẫn phải bị xử lý theo quy định. Còn những vi phạm không phải về luật pháp như thời điểm hoàn thành không đúng thời hạn hay vi phạm về quy trình, thủ tục… thì có thể cân nhắc tháo gỡ.

"Việc này một mặt sẽ tránh lãng phí nguồn vốn đã đầu tư, lãng phí nguồn điện, mặt khác sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Lâm nhấn mạnh.

Gỡ vướng cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra là cấp thiết - 3

Giải pháp tháo gỡ các vướng mắc cho những dự án khả thi để đưa vào sản xuất là rất cấp thiết (Ảnh: VGP).

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bình Thuận có 15 dự án năng lượng tái tạo vi phạm, khuyết điểm. Trong đó có 13 dự án đã nối lên lưới điện quốc gia với tổng công suất 720 MW.

Đối với 15 dự án này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra các dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên liên quan và sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo để rà soát các trình tự, thủ tục liên quan.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh nghiêm các hành vi vi phạm.