(Dân trí) - Giáo sư Edmund Malesky từ Đại học Duke (Mỹ) chia sẻ với phóng viên Dân trí về vị thế tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong mục tiêu thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Giáo sư Edmund Malesky là giảng viên kinh tế chính trị đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phát triển quốc tế của Đại học Duke (Mỹ). Ông là chuyên gia nổi tiếng về phát triển kinh tế, thể chế và kinh tế chính trị tại Việt Nam.
Ông trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Hiệp hội Kinh tế chính trị quốc tế (IPES) từ năm 2014. Đến năm 2019, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhóm Nghiên cứu Đông Nam Á (SEAREG).
Tại Việt Nam, ông Edmund Malesky từng cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong vai trò Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI cấp tỉnh ở Việt Nam.
Cuối năm ngoái, trên tờ Asia Times, ông Edmund Malesky cho rằng Việt Nam đã kết thúc năm 2022 với tư cách "nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á". Sau hơn nửa năm, chuyên gia này nhận định ra sao về vị thế tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?
Dưới đây là góc nhìn của ông với báo Dân trí:
Tôi đánh giá mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao của Việt Nam là điều có thể giúp tập trung nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách quốc gia và địa phương.
Trạng thái thu nhập cao được định nghĩa là GDP bình quân đầu người đạt 12.055 USD (tương đương hơn 283 triệu đồng)/năm, điều này đòi hỏi Việt Nam cần tăng trưởng ở mức gần 6%/năm trong 24 năm kể từ khi đặt ra mục tiêu năm 2021.
Dựa trên những thành tích trước đây của Việt Nam, tôi cho rằng việc các bạn trở thành nước phát triển, thu nhập cao năm 2045 là hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, mục tiêu đó có thể khó hoàn thành bằng cách chỉ dựa vào các cách tiếp cận tương tự từng có hiệu quả trong quá khứ. Việc đạt được trạng thái thu nhập cao đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong cơ cấu kinh tế và thể chế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Bẫy thu nhập trung bình là khái niệm chỉ những quốc gia có thời gian tăng trưởng nhanh và vượt ngưỡng thu nhập trung bình nhưng lại mắc kẹt tại đó nên không thể tiến lên thành nền kinh tế thu nhập cao.
Tôi nhận thấy hơn một năm thực hiện vẫn là quá sớm để đánh giá, đặc biệt là với mục tiêu dài hạn như vậy. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau đại dịch, các đợt lạm phát ở phương Tây cũng như xung đột Nga - Ukraine đã làm giảm cơ hội thương mại tại các nước đang phát triển.
Việt Nam có thể sẽ không đi theo chiến lược để trở thành quốc gia có thu nhập cao mà các nước đi trước đã thực hiện. Tôi cho rằng để đạt được mức thu nhập cao, Việt Nam cần tăng năng suất bằng các chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng của lực lượng lao động và đổi mới khu vực tư nhân.
Điều đó bao gồm tiếp tục cải cách giáo dục và đào tạo đồng thời củng cố các thể chế để giảm thiểu nguy cơ tranh chấp hợp đồng và tài sản. Điểm mấu chốt của các thể chế này là những phương tiện đáng tin cậy để giải quyết tranh chấp và thực thi luật cạnh tranh.
Năng suất cũng sẽ được nâng cao bằng cách tiếp tục đơn giản hóa các quy định kinh doanh. Sự rõ ràng về pháp lý và các công cụ kỹ thuật số cũng có thể giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả tương tác với cơ quan Nhà nước.
Tất cả những thay đổi này cần đi kèm với việc quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để tăng trưởng nhanh, không làm trầm trọng thêm các mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
Có thể nói, so với các nước khác ở châu Á, Việt Nam được hưởng lợi từ các chính sách ổn định, có thể dự đoán được và mức độ gánh nặng pháp lý tương đối thấp.
Việc sở hữu lực lượng lao động năng suất, có trình độ tương đối tốt cũng như nền kinh tế hội nhập cao với thương mại toàn cầu cũng là một số lợi thế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc kiểm soát tốt đại dịch và cuộc khủng hoảng lạm phát. Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được tiến bộ nhất định trong việc giảm tình trạng tham nhũng.
Về thách thức, dù việc mở cửa với nền kinh tế quốc tế đã mang lại lợi ích trong thời kỳ đổi mới nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị quốc tế hơn, từ đó đe dọa thị trường xuất khẩu.
Một yếu tố khác là Việt Nam dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu hơn hầu hết nền kinh tế khác trong khu vực do có đường bờ biển dài. Các ngành có khả năng chịu tác động do suy thoái khí hậu ở Việt Nam bao gồm nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch.
Đối với tôi, "điều kỳ diệu" của nền kinh tế Việt Nam sẽ luôn là sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân trong nước kể từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực vào năm 2000.
Luật này đã giảm bớt rào cản đối với sự gia nhập của các công ty tư nhân và thay đổi căn bản mối quan hệ giữa khu vực tư nhân và Nhà nước, mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 660.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, đóng góp đáng kể vào đầu tư, đổi mới và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tôi rất ấn tượng bởi cách những cải cách đơn giản này thay đổi nhanh chóng cơ cấu và quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Đại dịch, kinh tế nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới chắc chắn là những vấn đề nan giải và đã góp phần gây ra một số khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là về xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dù vậy, theo quan điểm của tôi, chúng có thể chỉ là khó khăn tạm thời và không phải là những trở ngại quy mô lớn. Những diễn biến kiểu này sẽ tiếp tục lên xuống trong 20 năm tới. Các nhà hoạch định chính sách cần hoạt động với mức độ linh hoạt nhất định bởi chắc chắn các cuộc khủng hoảng mới sẽ xuất hiện trong tương lai.
Trong thời gian dài, tôi luôn rất lạc quan về tình hình kinh tế của Việt Nam. Quá trình chuyển đổi sang một nước xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo của Việt Nam rất ấn tượng và vẫn đang tiếp diễn.
Ngoài ra, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về quy mô và mức độ phức tạp cũng rất đáng chú ý. Gần đây, tôi cũng rất quan tâm trước sự đổi mới và tinh thần khởi nghiệp của các startup trong nền kinh tế số của Việt Nam như VNPay, MoMo.
Các chính sách kỹ lưỡng và sáng tạo sẽ giúp Việt Nam vượt qua một số thách thức hiện hữu. Một vấn đề khác, lợi thế về nhân khẩu học của Việt Nam hiện có xu hướng giảm bớt so với trước kia. Cùng với đó là việc lực lượng lao động đang già đi.
Chính vì thế, duy trì năng suất trong khi đáp ứng nhu cầu của người lao động đã nghỉ hưu là việc cần được xử lý phù hợp để không trở thành trở ngại cho tăng trưởng nhanh của quốc gia.