(Dân trí) - Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Công Thương đã có những chia sẻ về nút thắt của nền kinh tế nói chung và mục được đặt ra tại Đại hội Đảng XIII...
TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG TRẦN TUẤN ANH: VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI ĐỂ BỨT PHÁ, THU HẸP KHOẢNG CÁCH PHÁT TRIỂN
Ngày 6/2/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Lễ công bố Quyết định phân công Ủy viên Bộ Chính trị. Theo đó, ông Trần Tuấn Anh giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí nhân dịp cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có những chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới 2021, những nút thắt của nền kinh tế nói chung và mục tiêu được đặt ra tại Đại hội Đảng XIII...
VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI QUÝ GIÁ ĐỂ VƯƠN LÊN PHÁT TRIỂN
Ở cương vị mới là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đảm trách vị trí hiện tại tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng gửi thông điệp cũng như những nhiệm vụ trọng tâm gì trong năm mới 2021?
Nhìn lại nền tảng và những điều kiện cho phát triển của năm 2021 và những năm tiếp theo, cần xác định một số điểm cơ bản.
Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%).
Bối cảnh đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến Việt Nam, gây nhiều thiệt hại nhưng với sự nỗ lực, đất nước đã đạt được những kết quả đặc biệt.
Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Đối với năm 2021 và những năm tiếp theo, tôi cho rằng bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ.
Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch Covid-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới.
Quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống.
Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.
Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định...
Để có thể vượt qua khó khăn, thử thách và tạo được bứt phá trong phát triển, cần quán triệt tinh thần chung đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định".
Theo đó, cùng với quá trình hội nhập, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường thì cần hướng trọng tâm cao hơn vào việc củng cố, phát huy vai trò của thị trường trong nước. Đồng thời, thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Các định hướng lớn cần tập trung thực hiện là:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng khung khổ luật pháp, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh trên thị trường trong nước, thiết lập trật tự thị trường để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.
Hai là, tái cơ cấu ngành thương mại, công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực;
Ba là, tập trung khai thác có hiệu quả thị trường trong nước, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững;
Bốn là, phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục hỗ trợ hình thành các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối; Tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản.
Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
CẦN NHỮNG QUYẾT SÁCH CHỦ ĐỘNG, KỊP THỜI, HIỆU QUẢ
Năm 2021, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức khi dịch bệnh đang diễn biến ngày một phức tạp, nhiều dự báo cho rằng: Bức tranh kinh tế đối mặt với nguy cơ có thể rất tồi tệ, như đã từng xảy ra thời kỳ khủng hoảng 2007 - 2008.
Với cương vị người đứng đầu ngành Công Thương, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước, ông dự cảm những mối lo trên như thế nào?
Đúng là xét về bối cảnh chung, năm 2020 - 2021 nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng tôi cho rằng khó khăn này có những khác biệt khá căn bản so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008.
Do vậy, cần đánh giá đúng tình hình để có định hướng giải quyết phù hợp.
Suy thoái kinh tế toàn cầu của năm 2020 lần này có tính chất rất khác so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008, khi đó kinh tế thế giới chủ yếu chịu tác động từ sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng, sụt giảm thị trường chứng khoán, mất giá tiền tệ quy mô lớn...
Trong khi suy thoái kinh tế lần này diễn ra ở hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư của thế giới.
Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Như vậy cấu trúc của nền kinh tế thế giới cũng sẽ có những thay đổi.
Ngoài ra, dịch bệnh lần này cũng tiếp tục tác động mạnh mẽ hơn vào quá trình toàn cầu hóa vốn đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc bản địa thời gian qua đang có xu thế trỗi dậy ở một số quốc gia, khu vực; xu thế quay trở lại chính quốc của các doanh nghiệp đã trở thành xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Mặc dù khó khăn thách thức là rất lớn, song chúng ta đã có những quyết sách rất chủ động, kịp thời và hiệu quả.
NHIỀU TỔ CHỨC QUỐC TẾ UY TÍN ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG TĂNG TRƯỞNG VIỆT NAM TÍCH CỰC
Vậy ông có cho rằng mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2021 là khả thi?
Với cơ sở như nêu trên, tôi cho rằng mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2021 với tốc GDP tăng trưởng 6% và Chính phủ xác định phấn đấu đạt ở mức 6,5% vừa thể hiện sự quyết tâm, đồng thời cũng cho thấy khả năng thực tế của nền kinh tế Việt Nam.
Nhìn về góc độ tăng trưởng kinh tế, bức tranh kinh tế của Việt Nam có thể sẽ nhiều khả quan và tích cực hơn so với năm 2020.
Không chỉ bản thân chúng ta nhận định như vậy. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín cũng đánh giá khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo là rất tích cực.
Như vậy, nhìn về góc độ tăng trưởng kinh tế, tôi cho rằng bức tranh kinh tế của Việt Nam có nhiều khả quan và tích cực hơn so với năm 2020.
Đặc biệt là với kết quả tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng vừa qua, các định hướng lớn trong phát triển kinh tế sẽ được triển khai, đưa vào thực thi sẽ tạo động lực lớn cho phát triển chung của nền kinh tế nước ta trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan mà cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của dịch Covid-19 để có biện pháp ứng phó phù hợp; tập trung vào cải cách thể chế kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, trong đó chú trọng đến việc xử lý hiệu quả những rủi ro đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, thu hút đầu tư nước ngoài...
NỀN KINH TẾ VẪN CÒN ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC
Tại Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ XIII vừa qua, Bộ trưởng nhìn nhận còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước ta, đặc biệt trước những yêu cầu và đòi hỏi trong giai đoạn phát triển sắp tới với mục tiêu đặt ra là vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đưa nước ta phát triển thịnh vượng. Theo ông đâu là giải pháp, chiến lược để gỡ các nút thắt này?
Thực tế song hành với những thành tựu vẫn còn có những khó khăn, thách thức hay nói cách khác là những điểm còn tồn tại có thể kể đến trong phát triển của ngành như năng suất lao động thấp, quy mô doanh nghiệp nhỏ, tiêu hao năng lượng và sử dụng tài nguyên nhiều.
Nền kinh tế còn thách thức khi hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao, tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực diễn ra còn chậm...
Thêm vào đó là các vấn đề như hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao, tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực diễn ra còn chậm...
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xu hướng hợp tác và hội nhập của thế giới đã có những thay đổi khá căn bản và diễn ra nhanh chóng; tình hình trong nước có những thay đổi…
Điều này đặt ra cho chúng ta những yêu cầu về phản ứng chính sách không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả việc xem xét để điều chỉnh mang tính chiến lược trong dài hạn.
VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI VÀNG ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU NĂM 2045
Vậy Bộ trưởng đánh giá thế nào về những mục tiêu kinh tế được đặt ra tại Đại hội Đảng lần này?
Chúng ta đặt mục tiêu Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là mục tiêu đầy thách thức, nhưng chúng ta đang nhìn thấy những tiền đề vững chắc từ nội tại của nền kinh tế cũng như các "vận hội" bên ngoài - trong đó cách mạng 4.0 mà nếu Việt Nam tận dụng tốt thì hoàn toàn có khả năng đạt được.
Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là điều kiện tiên quyết. Các chính sách phát triển được thiết lập sẽ được hướng vào việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng...
Cuộc cách mạng 4.0 còn là cơ hội vàng để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nói trên. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động tới việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam ở trên tất cả các khía cạnh lực lượng sản xuất, làm thay đổi phương thức cũng như tư liệu sản xuất truyền thống…
Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là điều kiện tiên quyết. Các chính sách phát triển nói chung và riêng của ngành công thông được thiết lập sẽ được hướng vào việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy phát triển cho mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Ngoài ra, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay sẽ dựa trên nền tảng cơ bản của ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ cách mạng 4.0.
Phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và định hình lại trọng tâm ưu tiên, nền tảng cho phát triển.
NĂM 2045, NỀN KINH TẾ SẼ TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC SO VỚI HIỆN NAY
Những cơ sở nào hiện nay khiến Bộ trưởng tin rằng việc đạt được mục tiêu này là khả thi?
Nhìn lại, chúng ta đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô là các tập đoàn Vingroup, Trường Hải, Thành Công; trong lĩnh vực chế biến sữa và thực phẩm là Vinamilk. TH True Milk; trong lĩnh vực sắt thép kim khí là Tập đoàn Hoa Sen, Hòa Phát…
Việt Nam đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Đây là tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành trọng điểm của đất nước.
Về tổng thể, việc thực thi các FTA sau 10 năm nữa dự kiến sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý.
Đồng thời bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến năm 2045, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc so với hiện nay, khi đó, chủ trương về hội nhập kinh tế quốc của Đảng và Nhà nước vẫn cần được duy trì để bảo vệ và tiếp tục phát huy thành quả mà ta đã đạt được.
Sau 10 và 25 năm nữa, với nền tảng hội nhập kinh tế hiện nay, tiếp tục chủ trương hội nhập đa phương sẽ giúp Việt Nam duy trì vai trò xác lập luật chơi trong khu vực, tập hợp lực lượng và ngày càng củng cố, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
CƠ HỘI TỪ FTA: VẤN ĐỀ CÒN LẠI LÀ THỰC THI HIỆU QUẢ
Nhìn lại nhiệm kỳ của 5 năm, một trong những dấu ấn rất lớn của Bộ trưởng chính là việc thúc đẩy, đàm phán, ký kết nhiều FTA quan trọng. Song cũng cần nhìn nhận bên cạnh những thành tựu đạt nước vẫn còn chất chứa những nỗi lo. Bộ trưởng có thể đưa ra một số đánh giá về vấn đề được - mất trong các FTA? Và tới đây việc ký kết thực hiện các FTA mới sẽ như thế nào?
Khi dự buổi lễ ký kết EVFTA, Thủ tướng đã nói "con đường cao tốc đã được mở ra". Vấn đề là bây giờ chúng ta phải làm gì để cho tất cả các phương tiện đều có thể tiếp cận và di chuyển trên hệ thống xa lộ này.
Việt Nam có 15 FTA đã được ký kết, 3 hiệp định đang được đàm phán… chúng ta có đủ dư địa, có điều kiện để định hướng phát triển bền vững trong chiến lược dài hạn sắp tới.
Một ví dụ rất nôm na, rất hình ảnh, nhưng tôi cho rằng rất đầy đủ.
Để di chuyển trên hệ thống xa lộ và đường cao tốc này chúng ta cần có hệ thống biển báo hướng dẫn, quy định để tổ chức vận hành cho các luồng giao thông.
Chúng ta phải có hệ thống hạ tầng, đường lối dẫn để chúng ta kết nối với hệ thống giao thông trên đó. Chúng ta phải có sự đào tạo để cho những chủ thể khai thác tốt, khai thác sớm xa lộ cao tốc.
Việt Nam có 15 FTA đã được ký kết, 3 hiệp định đang được đàm phán… chúng ta có đủ dư địa, có điều kiện để định hướng phát triển bền vững trong chiến lược dài hạn sắp tới.
Vấn đề còn lại là thực thi có hiệu quả. Nếu chúng ta làm tốt vấn đề thực thi thì không có gì xảy ra cả.
Rõ ràng hội nhập mang lại tất cả những cơ hội nhưng cũng có thách thức. Đầu tiên là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước, đặc biệt ở lĩnh vực chúng ta còn yếu.
Khả năng cạnh tranh còn hạn chế có thể dẫn tới một số thách thức về mặt xã hội khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản dẫn đến thất nghiệp; các quy định với tiêu chuẩn cao khiến doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng được; doanh nghiệp chưa hiểu rõ về cam kết Hiệp định nên chưa tận dụng được hết cơ hội mà Hiệp định mang lại.
Bên cạnh đó hạn chế về nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Những bất cập, chưa kịp hoàn thiện của hệ thống pháp luật, về minh bạch hóa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp cũng gây không ít khó khăn cho việc thực thi tận dụng các FTA.
Nói như vậy để thấy rằng, việc ký kết và tham gia các FTA đồng nghĩa với việc hội nhập, bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với khó khăn, nắm lấy cơ hội phát triển.
Trong quá trình này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ngành, giữa Trung ương với địa phương và với cộng đồng doanh nghiệp.
Hơn ai hết, doanh nghiệp cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam hiểu và sẵn sàng tham gia vào các "sân chơi lớn" như Hiệp định CPTPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là chỉ khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên điểm tích cực là trong thời gian gần đây tỷ lệ này đã được cải thiện đáng kể.
XUẤT SIÊU ĐẠT KỶ LỤC: KHÔNG NÊN CHỦ QUAN, TRONG CƠ THÌ CÓ NGUY
Con số xuất siêu kỷ lục trong năm 2020 rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng chưa thể yên tâm vì khó khăn thách thức vẫn đang ở phía trước. Ông đánh giá sao về quan điểm này?
Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.
Dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư.
Mặc dù hoạt động xuất đạt được nhiều kết quả khả quan như vậy, tôi cũng cho rằng không được chủ quan, vì trong cơ luôn có nguy và trong nguy cũng luôn có cơ, khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Một số ngành trong nhiều năm là động lực tăng trưởng xuất khẩu như sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đặc biệt là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước…
Bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp. Vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được khắc phục hoàn toàn trong ngắn hạn. Các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong trạng thái "bình thường mới", tôi cho rằng xuất khẩu năm 2021 vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro tiềm tàng.
ĐIỀU TRĂN TRỞ CỦA BỘ TRƯỞNG
Một câu hỏi cuối cùng, nếu nhìn lại năm 2020, nhìn lại cả nhiệm kỳ vừa qua thì ông còn thấy điều gì còn trăn trở, chưa thực sự hài lòng?
Một câu hỏi khó. Vì cá nhân tôi, cùng các đồng nghiệp tại Bộ Công Thương sẽ còn cảm thấy những điều chưa hài lòng.
Mặc dù chúng ta đã rất quyết liệt và tương đối đồng bộ nhưng chúng ta vẫn chưa làm hết, chưa đáp ứng được hết các yêu cầu. Đây vẫn còn có những vấn đề trong sự phối hợp, trong sự đồng bộ giữa các cơ quan, nhất là giữa các bộ, ngành các cơ quan Chính phủ. Hoặc trong các đánh giá tiếp cận vấn đề.
Tất nhiên không thể biện minh cho sự chậm trễ và thiếu trách nhiệm trong phối hợp, nhưng thực sự cũng có những lý do khách quan.
Có nhiều vấn đề đã cản trở, đã hạn chế sự phát triển, nhất là trong một số lĩnh vực, điều này làm chúng tôi rất xót xa.
Ví dụ, trong lĩnh vực công nghiệp, có rất nhiều yếu tố, rất nhiều đòi hỏi để chúng ta có thể có được sự phát triển tốt hơn, nhanh và bền vững hơn của một số ngành công nghiệp và đặc biệt là hướng tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chúng ta đã có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, thử hỏi trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối DNNVV có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự hiểu rõ và sẵn sàng cho môi trường hội nhập.
Nhưng cách tiếp cận vấn đề, đặc biệt là những giải pháp không những không tạo ra được khác biệt mà còn chậm và thậm chí buông xuôi, dẫn đến không đạt kỳ vọng và không giải quyết được hết những tồn tại và nhiều bất cập đã có từ lâu.
Những điều đó là do sự thiếu đồng bộ, chưa thực sự làm hết trách nhiệm và còn đòi hỏi sự quyết đoán hơn nữa.
Vấn đề thứ hai, mà tôi thấy đáng tiếc và day dứt đó là câu chuyện về tổ chức, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp, để làm sao doanh nghiệp có thái độ tích cực và chủ động hơn trong bối cảnh của môi trường hội nhập.
Chúng ta đã có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, thử hỏi trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối DNNVV có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự hiểu rõ và sẵn sàng cho môi trường hội nhập.
Có bao nhiêu doanh nghiệp hiểu thấu đáo, hiểu được và nắm được những thách thức, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để chủ động trong chiến lược và kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thực sự nguyên nhân thì có rất nhiều, Bộ Công Thương sẽ nhìn nhận, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa.
Chưa kể đến môi trường kinh doanh, cách mạng 4.0, bối cảnh mới của nền kinh tế số, bối cảnh chuyển trạng thái mới để đón đợi những cơ hội mới.
Tôi nói những day dứt ở đây không phải chỉ để xót xa mà là để chúng ta hướng đến những hành động cụ thể sẽ phải thực hiện trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!