DBiz

Gánh trách nhiệm của doanh nhân: Làm từ thiện chỉ là một biểu hiện

Bích Diệp
Gánh trách nhiệm của doanh nhân: Làm từ thiện chỉ là một biểu hiện

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), PV báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia Phạm Việt Anh về câu chuyện "trách nhiệm xã hội" của các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hiện nay.

Ông Phạm Việt Anh là cố vấn bền vững, tiến sĩ Quản trị kinh doanh bền vững (DBA); nghiên cứu sinh (PhD) về phát triển bền vững và Ngoại giao (U.N Treaty University). Ông được giới thiệu có hơn 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam về chiến lược tăng trưởng, thương hiệu và phát triển bền vững.

Đừng dừng lại việc tôn vinh

Thưa chuyên gia, truyền thông và DN nhắc rất nhiều đến "trách nhiệm xã hội" (TNXH) của DN. Ở Việt Nam, TNXH có đặc điểm gì thưa ông?

- TNXH nói theo ngôn ngữ học thuật sau này mới có. Kể từ những năm 1970 của thế kỷ trước thì trào lưu TNXH, đầu tư trách nhiệm được phát triển bởi một số học giả Hoa Kỳ như lý thuyết của Caroll.

Ở thời đó, bắt đầu từ một phong trào "đầu tư trách nhiệm", các quỹ đầu tư để ý nhiều hơn vào các DN có "cổ phiếu tội lỗi" như là DN thuốc lá, hóa chất, có hoạt động gây hại tới môi trường, sức khỏe, đặc biệt là gắn với sự kiện chiến tranh ở Việt Nam có những DN, tập đoàn sản xuất vũ khí, chất độc da cam.

Ở Việt Nam, một số nghiên cứu cho rằng TNXH được du nhập vào từ sau giai đoạn Đổi Mới, khoảng năm 1990-1991. Đất nước mở cửa với hoạt động đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia mang theo khái niệm CSR hiện đại. Tuy vậy, nếu nhìn vào lịch sử của dân tộc sẽ thấy rằng các doanh nhân, DN dân tộc trước đó không chỉ có khả năng kinh doanh vượt trội mà còn có tấm lòng nhân ái, yêu nước, giúp đỡ xã hội, đóng góp rất nhiều tài sản cho Việt Minh chống Pháp.

TNXH ở khía cạnh đạo đức gần như đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam. Đây là điểm rất đặc thù, bằng nhiều cách khác nhau, DN lớn làm kiểu lớn, DN nhỏ làm kiểu nhỏ, họ đều đã và đang thể hiện TNXH của DN.

TNXH của một DN luôn bắt đầu từ TNXH của một doanh nhân. Với những DN tư nhân, TNXH của DN gắn liền với đạo đức của doanh nhân, quan điểm của một con người cụ thể, khác với các tập đoàn lớn đa quốc gia.

Với những tập đoàn đa quốc gia, CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp, là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp) gắn liền với chính sách chung, với nghị quyết, với tính chiến lược, bất cứ cá nhân nào cũng đều phải tuân thủ.

Trong khi đó, với DN tư nhân ở Việt Nam hiện nay đa số là vừa và nhỏ, TNXH gắn với doanh nhân. Nếu doanh nhân không có tinh thần TNXH thì những hoạt động TNXH của DN làm chỉ mang tính chất tô điểm, nhằm mục đích truyền thông, thậm chí là đánh bóng tên tuổi hay "phông bạt" mà thôi.

Gánh trách nhiệm của doanh nhân: Làm từ thiện chỉ là một biểu hiện - 1

Cố vấn bền vững Phạm Việt Anh (Ảnh: NVCC).

Tóm lại, CSR bắt đầu từ thập niên 1970 nhưng về lịch sử thì Việt Nam vốn đã rất giàu truyền thống lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái. Có thể thấy những sự kiện gần đây như Covid-19, bão lụt, các DN hỗ trợ rất nhiều cho người dân và chính quyền từ thực phẩm cho đến vaccine, tài chính, việc làm.

Trong và sau khi cơn bão Yagi càn quét các địa phương miền Bắc, chúng ta thấy sự chung tay góp sức của rất nhiều DN, trong đó có cả những đơn vị trực tiếp bị ảnh hưởng. Rất nhiều con số đã được công bố, được sao kê, có tán dương và đâu đó cũng có chỉ trích...

- Đúng vậy! Các con số đóng góp của cộng đồng DN có rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta không nên ngừng tôn vinh DN khi họ thực hiện các chương trình đó, bởi tất cả con số đó đều mang tính sự kiện. Sự kiện này DN tài trợ nhiều, sự kiện sau tài trợ ít, không có nghĩa là sự kiện nào cũng tài trợ; sự kiện này không tài trợ nhưng sự kiện sau lại tài trợ.

Do vậy, khi DN tài trợ dù ít hay nhiều cũng nên tôn vinh. Tôn vinh có thể có hoặc không có thứ hạng, nhưng một khi có thứ hạng thì sẽ có người đứng trước người đứng sau, có thứ nhất có thứ nhì. Đó là một lát cắt của TNXH.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ nhìn vào đó để đánh giá chất lượng thực hiện TNXH của DN. Bởi vì những tổ chức cá nhân có lợi ích liên quan (stakeholders) của một DN hay là vế xã hội của DN có 2 phạm trù, bên trong và bên ngoài.

Cái chúng ta nhìn thấy là những hoạt động từ thiện ra bên ngoài, hỗ trợ cộng đồng, thường mang tính sự kiện. Mỗi năm, DN tài trợ rất nhiều sự kiện khác nhau. Nhưng cái xã hội bên trong (social inside) của DN mới gắn với là cách DN đối xử với nhân viên qua chính sách phúc lợi. Nếu DN chỉ đơn thuần tuân thủ pháp luật thì chưa nói lên điều gì, mà nằm ở những chính sách cao hơn tuân thủ. Ví dụ đào tạo nhân sự, chính sách thai sản… cao hơn tuân thủ pháp luật là gì? Theo chính sách thai sản, phụ nữ được nghỉ 6 tháng, nhưng DN thậm chí cho nghỉ nhiều hơn hoặc còn cho cả chồng được nghỉ.

Những hoạt động đó, DN lại không truyền thông và thường muốn biết phải vào xem báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính, báo cáo bền vững của DN. Những sự kiện chỉ là bề nổi còn chính sách diễn ra bên trong DN mới thực sự quan trọng. Bởi những cái bên trong mới diễn ra hàng ngày hàng giờ.

Nếu DN triển khai những sự kiện từ thiện hoành tráng mà bên trong nợ lương nhân viên, nợ thanh toán đối tác thì chưa gọi là thực hiện tốt TNXH. Lý thuyết về các bên liên quan bao gồm cả nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà thầu chính và TNXH của DN còn thể hiện ở những khía cạnh này.

Gánh trách nhiệm của doanh nhân: Làm từ thiện chỉ là một biểu hiện - 2

Nhiều DN đã thể hiện TNXH khi chung tay, góp sức cùng đồng bào cả nước hỗ trợ người dân ở miền Bắc, đặc biệt là đồng bào miền núi, bị thiệt hại nặng nề do mưa bão (Ảnh: Nhóm PV).

TNXH không chỉ dừng lại ở sự kiện và không nên chỉ trích DN thông qua sự kiện. Sự kiện xảy ra như thế nào thì ghi nhận như vậy.

Xã hội có quyền đánh giá, nhận xét, chỉ trích, nhưng ở góc độ quản lý thì chỉ nên ghi nhận về sự kiện. Thậm chí, cũng không cần thiết điều tra về nguồn tiền mà DN tài trợ trong lúc cấp bách, lúc sự kiện xảy ra.

DN tài trợ dù ít dù nhiều đều nên được ghi nhận, còn sau khi phát sinh những vấn đề nguồn gốc thu nhập, về sự hợp pháp của dòng tiền thì lại là một câu chuyện khác. Và lưu ý rằng, không vì DN tài trợ từ thiện mà được xóa hành vi bất hợp pháp của DN. Việc tài trợ từ thiện chỉ là trong những tình tiết giảm nhẹ nếu như nguồn tiền tài trợ là hợp pháp và việc vi phạm là do sự thiếu hiểu biết, vô tình chứ không phải là cố ý, có tổ chức.

Làm thật và phản ứng nhanh

Thế còn cách làm khi thực hiện TNXH thì sao? Có câu "của cho không bằng cách cho" và tôi nhớ hồi tháng trước Katinat bị phản ứng dữ dội lắm?

- Sự phản ứng của công chúng là điều mà chúng ta phải chấp nhận vì chúng ta đang sống trong một xã hội "kỷ nguyên số".

Hiện nay chỉ cần 30 giây thôi là bất cứ ai cũng bày tỏ được một ý kiến. Tuy không phải mọi ý kiến đều xác đáng, nhưng họ có quyền đưa ra ý kiến của họ. Đối với những ý kiến xác đáng lại là cơ hội cho cơ hội sửa sai.

Tôi rất thích trường hợp của Katinat (cứ gọi thẳng tên ra!). Cái hay nằm ở chỗ họ sửa sai. Tôi quan tâm đến việc DN phản ứng thế nào với những chỉ trích của xã hội hơn là việc xã hội chỉ trích. Ai cũng có quyền chỉ trích, không ai ngăn cấm được điều đó cả.

Quan trọng trong việc thực thi TNXH của DN chính là việc sửa sai thế nào. Trong trường hợp của Katinat tôi thấy họ sửa sai rất nhanh. Không sửa sai thì mới là vấn đề, khi sự phản ứng của xã hội đã lên mức độ cao trào thì việc đi xử lý càng khó khăn.

Thực tế là cũng không ai cấm DN trích doanh thu làm từ thiện nhưng trong tình huống nước sôi lửa bỏng mà phải chờ đến cuối quý, cuối năm mới giải ngân thì sẽ mất đi tính thời sự. Tôi cho rằng, đây là lỗi con người mà thôi, và có thể chấp nhận được. Cùng là một con người, sự kiện này tôi có thể rất tinh tế nhưng sự kiện khác lại trở nên hồ đồ.

Đối với tập đoàn lớn họ có chính sách, quy trình, quy chuẩn làm từ thiện, còn với những DN tư nhân nhỏ và vừa, xảy ra sự kiện nào đó, sếp gọi điện khoán việc cho nhân viên và người nhân viên đó làm theo góc nhìn cá nhân của người đó, sai sót là không tránh khỏi dù có thể là làm nhanh. Còn làm theo quy chuẩn, quy trình thì an toàn hơn.

Vậy thì DN cần có những phản ứng ra sao để tồn tại được trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên mạng xã hội ngày nay?

- Tôi vẫn hay chia sẻ thời kỳ trước đây khi chưa có mạng xã hội, DN muốn thành công phải "hơi ảo một chút". Tôi vốn là dân truyền thông tiếp thị, quản lý nhiều thương hiệu lớn những năm trước và sau 2000. Chị thấy các thước phim quảng cáo ngày xưa rất ảo, phải cường điệu hóa, cao hơn so với đời thật, từ đó họ thúc đẩy bán hàng rất tốt. Tuy nhiên, ở kỷ nguyên số, mạng xã hội như ngày nay, các giao tiếp trên mạng là ảo nhưng DN lại phải làm rất thật.

Bởi, tốc độ truy cập, tốc độ kiểm tra về sản phẩm, về những tuyên bố của DN được thực hiện rất nhanh. Trước đây, muốn kiểm tra, điều tra về một sản phẩm, về tuyên bố của một DN phải rất nhiêu khê do không có internet, phải lên chính quyền, lên cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, làm đơn rồi mới đủ điều kiện để đi điều tra. Bây giờ, chỉ cần 30 giây kiểm tra qua các tài liệu trên mạng là có thể đã có kết quả. Do vậy, DN muốn làm ảo rất dễ gặp bê bối, khủng hoảng.

DN phải làm thật và phản ứng nhanh. Làm thật để hạn chế gặp phải những rủi ro liên quan đến phát ngôn, những lời hứa thổi phồng, quảng cáo gian dối. Có gì nói đó để tránh phải gặp những phản ứng tiêu cực của công chúng. Và trong trường hợp có phản ứng thì phải cầu thị. DN càng không cầu thị càng dễ sa lầy.

Cho nên tôi thấy rằng, khả năng học tập của DN là khả năng sửa sai nhanh hơn chỗ khác. Tôi thường quan sát các DN xem họ sửa sai như thế nào. Còn những ý kiến, thậm chí chỉ trích của công chúng đối với DN nên coi là điều kiện "bình thường mới" mà DN và mọi người phải chấp nhận.

Khi DN biết sửa sai, những ồn ào rồi cũng lắng xuống và công chúng sẽ quên rất nhanh. Tuy nhiên, DN không chịu sửa sai thì bê bối đó sẽ kéo dài rất lâu.

Vậy khi đánh giá việc thực hiện TNXH của một DN, ta sẽ dựa trên tiêu chí nào để đánh giá DN đó có trách nhiệm, đóng góp nhiều hay ít?

- Cái đó còn tùy vào tiêu chí.

Nếu đánh giá trên đóng góp tổng thể, nhìn vào giá trị, vào những con số thì rõ ràng DN lớn có lợi thế hơn. Những DN có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, hàng tỷ USD, ví như Vingroup vì họ rất lớn và họ có điều kiện hơn.

Gánh trách nhiệm của doanh nhân: Làm từ thiện chỉ là một biểu hiện - 3

Một người dân vui mừng khi nhận quà cứu trợ sau bão Yagi (Ảnh: Nhóm PV).

Nhìn chung, tác động của DN tới xã hội đến từ những DN lớn, có tính dẫn dắt, tính tiên phong. Khi DN lớn làm từ thiện, trước hết về mặt nguồn lực tài chính là rất đáng kể, mang lại sự lan tỏa trong xã hội rất lớn. Các DN khác khi nhìn thấy DN đầu đàn đã làm thì họ cũng làm theo và sự lan tỏa sẽ nhân lên, mang lại niềm tin cho xã hội. Trước một sự kiện mà DN lớn làm ngơ thì làm sao tạo được tác động tích cực lên xã hội.

Đó là về tổng thể, còn về cụ thể, nếu nhìn theo tỷ lệ % trên thu nhập thì có thể DN nhỏ lại làm nhiều hơn. Họ làm 10 đồng thì dành 5 đồng cho từ thiện. 5 đồng đó đối với một DN lớn không xi nhê gì nhưng lại chiếm đến 50% thu nhập của một DN nhỏ.

DN nhỏ nhưng có tấm lòng lớn, làm tốt nhất theo khả năng đóng góp. Còn DN lớn thì tác động sẽ lớn hơn, đó là điều hiển nhiên.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là từ thiện

Vậy TNXH có phải chỉ gói gọn những gì chúng ta thấy, ý là DN làm được bao nhiêu chương trình từ thiện, quyên góp ủng hộ được bao nhiêu tiền?

- Làm từ thiện mới chỉ là 1/5 biểu hiện của TNXH, là trách nhiệm thứ tư.

Trách nhiệm đầu tiên là lợi nhuận. Cả lý thuyết sau này về ESG đòi hỏi sự cân bằng giữa lợi nhuận, con người và hành tinh. Câu thần chú là "cân bằng" nhưng thực tế không bao giờ có thể đạt được sự cân bằng. Sự cân bằng chỉ đẹp trên lý thuyết còn thực tế luôn tồn tại sự đánh đổi.

DN không có lợi nhuận sẽ mang đến rất nhiều gánh nặng tài chính và gánh nặng xã hội. Doanh nhân khi khởi nghiệp chưa có vốn ngân hàng sẽ phải vay tiền trước hết từ người thân. Nếu các khoản vay mượn từ gia đình bạn bè đó không hoàn lại được thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy liên quan. Do đó, trách nhiệm đầu tiên của DN là phải có lợi nhuận để thực hiện được nghĩa vụ tài chính: trả nợ, trả lương nhân viên, trả tiền đối tác…

DN trễ lương, thậm chí không trả lương khiến nhiều gia đình người lao động rơi vào tình cảnh kiệt quệ, lao đao thì khó mà nói đến TNXH!

Trách nhiệm thứ hai là tuân thủ pháp luật. Doanh nhân DN kiếm tiền, làm giàu là điều đáng khuyến khích nhưng phải tuân thủ pháp luật. DN kinh doanh gian dối, lừa đảo, "phông bạt" thì không được khuyến khích và phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Thứ ba là trách nhiệm đạo đức. DN và doanh nhân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng trong kinh doanh sự hợp pháp không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với đúng đắn. Ở đây, đạo đức vượt trên cả sự tuân thủ pháp luật: không được xâm hại môi trường, không lạm dụng lao động trẻ em, không bóc lột người lao động một cách tinh vi.

Chẳng hạn, việc DN vào ngày thứ 7, chủ nhật gọi điện cho nhân viên đi làm là hành vi dùng quyền lực của người trả lương gây sức ép cho nhân sự phải đi làm vào thời điểm lẽ ra họ phải được nghỉ ngơi bên cạnh gia đình. Pháp luật không cấm nhưng rõ ràng chưa đúng đắn!

Thứ tư mới là trách nhiệm từ thiện. Số tiền làm từ thiện phải dựa trên thu nhập chính đáng. Thu nhập chính đáng làm từ thiện khác với thu nhập bất chính đáng để làm từ thiện. Làm từ thiện thì đáng hoan nghênh nhưng số thu nhập không chính đáng, nguồn gốc không minh bạch thì lại khác, có thể là hoạt động rửa tiền hay đánh bóng tên tuổi.

Khi DN làm từ thiện bằng nguồn tiền chính đáng cần phải được tôn vinh nhiều hơn vì làm được điều này rất khó. Bớt đi thu nhập chính đáng để chia sẻ với xã hội là việc làm vĩ đại, vô vu lợi.

Thứ năm, tôi muốn bổ sung vào lý thuyết của Caroll là trách nhiệm chuyển giao thế hệ, một việc cực kỳ hệ trọng với DN tư nhân. Với những tập đoàn lớn, việc hoạch định kế thừa rất rõ ràng hoặc việc đưa một nhân tài bên ngoài vào điều hành là bình thường vì có hệ thống, quy chế, có chiến lược rất bài bản, con người chỉ là một mắt xích vận hành mà thôi. Nhưng với DN tư nhân, việc chuyển giao thế hệ là chuyển giao cả một cơ nghiệp.

Trách nhiệm chuyển giao tôi cho là tối quan trọng. Chủ DN phải đứng trước bài toán chuyển giao cho người thân, cho anh chị em, cho con cháu hay cho người ngoài? Rất nhiều DN chưa chuyển giao thành công. Một số tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam hiện này vẫn đang có dàn lãnh đạo là các nhà sáng lập, đồng sáng lập và chưa thể chuyển giao cho thế hệ sau. Mặc dù thế hệ lãnh đạo F1 đã đến tuổi nghỉ ngơi những vẫn chưa bàn giao công việc lại được cho đội ngũ F2, có lẽ vì sự kế thừa chưa thực sự hiệu quả.

Năm TNXH của CSR rất quan trọng, nếu đi tuần tự từng bước một sẽ thấy rất logic, tạo ra một nền tảng khá bền vững.

Trách nhiệm chuyển giao

Như ông đề cập ở trên về vai trò trung tâm của nhà sáng lập DN với TNXH của DN đó. Vậy thì câu chuyện ở đây là khi chuyển giao, quan điểm và cách thực thi TNXH của DN có thay đổi?

- Đúng vậy, đó là thách thức! Thách thức nằm ở hai vấn đề: Thứ nhất, đúng như chị nói, lãnh đạo là hạt nhân, người sáng lập luôn là trung tâm. Từ trước tới nay, thương hiệu và nhân hiệu là một.

Ở giai đoạn khởi nghiệp có sự cộng sinh rất lớn và sự cộng sinh lớn này tự thân nó là một rào cản. Bởi khi nói đến công ty đó là nói đến người đó, người đó là một hạt nhân, là trung tâm kết nối, trung tâm động lực, trung tâm hòa giải của công ty. Khi một/một vài cá nhân là trung tâm thì những cá nhân đó là yếu tố không thể thay thế được. Và khi một cá nhân không thay thế được, mặc nhiên điều đó sẽ trở thành nhân tố rủi ro khi mà đời người vốn là hữu hạn.

Gánh trách nhiệm của doanh nhân: Làm từ thiện chỉ là một biểu hiện - 4

Chuyển giao thế hệ cũng là một trách nhiệm nặng nề và quan trọng của doanh nghiệp (Ảnh minh họa: AI).

Do vậy, người sáng lập cần có ý thức tự mình rút dần. Muốn làm được phải vượt qua được cái tôi, vượt qua bản ngã. Về mặt tâm lý, người sáng lập cần ý thức được việc đứng ở xa không có nghĩa là buông bỏ mà là tạo điều kiện cho thế hệ trẻ F2 có đủ năng lực, tư cách đạo đức để thay thế điều hành DN.

Bổ trợ cho điều này là công tác giáo dục nội bộ, phải thay đổi cá nhân mà phải thay đổi quan điểm, kỳ vọng của các cộng sự phía dưới. Quá trình chuyển giao cần nhiều thời gian, 2 năm, 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn, nhưng buộc phải có sự bắt đầu để sự dựa dẫm, kỳ vọng vào một cá nhân bớt dần đi, chuyển từ dựa dẫm cá nhân sang dựa dẫm vào hệ thống.

Như vậy, khi chuyển đổi phải có sự chuẩn bị thông qua việc chuyển đổi hệ thống. Dần dần khi hệ thống có khả năng tự vận hành thì lúc đó cá nhân sáng lập chỉ còn là một thành tố góp phần vào sự thành công của DN, chứ không còn là hạt nhân của DN nữa. Lúc đó, quá trình chuyển giao thế hệ sẽ diễn ra trơn tru, mượt mà.

Có ví dụ cụ thể nào không, thưa ông?

- Ví dụ thì nhiều. Tôi có thể kể tên ra một số DN, chẳng hạn Bitis', PNJ... tôi thấy họ có sự chuẩn bị khá kỹ càng. Đó là những DN lớn, nổi trội, còn rất nhiều DN nhỏ hơn.

Quá trình chuyển giao có thể nhìn thấy rõ hoặc âm thầm diễn ra trong cộng đồng DN, có nơi thành công, có chỗ thì chưa, nhưng rõ ràng là sau 30-40 năm đất nước đổi mới, thế hệ F1 đến tuổi nghỉ hưu và đây là giai đoạn chuyển đổi đầy thách thức. Thậm chí cũng có những DN chuyển đổi không thành công, người sáng lập buộc phải bán DN.

Đến một giai đoạn, người sáng lập sẽ phải đứng trước lựa chọn: Nếu duy trì thì phải chuyển giao như thế nào, phải đổi mới ra sao; còn không thì buộc phải bán cho chủ mới. Nếu bán cho trong nước thì vẫn là DN nội, còn nếu bán cho nước ngoài thì phải chấp nhận DN không còn tinh thần Việt Nam nữa.

Tôi thấy nhân tài không phải ít và thế hệ người trẻ hiện nay được đào tạo rất bài bản, rất nhiều người có trình độ cao, được đào tạo ở những trường top và cả ở nước ngoài về. Vậy lý do vì sao mà rất nhiều DN chưa thể chuyển giao?

Việc chuyển giao để thành công phải đến từ hai chiều: Chiều mong muốn chuyển giao và chiều mong muốn tiếp nhận. Có nhiều nguyên do khiến quá trình chuyển giao tại các DN chưa thành, cả khách quan và chủ quan, cả bên trong và bên ngoài.

Bối cảnh kinh doanh hiện tại khác rất nhiều so với 20-30 năm trước. Cho dù thế hệ F2 về mặt kiến thức được đào tạo rất bài bản, không những trong nước và trên quốc tế. Có những người được đào tạo từ những trường rất danh tiếng nhưng bối cảnh kinh doanh ngày nay khó hơn trước đây rất nhiều lần. Khó hơn không chỉ bởi sự hội nhập của kinh tế Việt Nam với thế giới sâu rộng hơn mà còn bởi những quy định, luật lệ chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, sự thông thái của người tiêu dùng khác xưa.

Khoảng 20-30 năm trước gần như là cầu vượt cung, đó là một thị trường thiếu hụt, các cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, chỉ cần nhanh nhạy sản xuất kinh doanh. Còn bây giờ, thị trường thừa mứa sản phẩm, là một thị trường dư đủ. Ví như ngày xưa chỉ vài loại mì gói ăn đã thấy ngon thì giờ hàng chục, hàng trăm loại, không chỉ hàng Việt mà còn hàng Hàn, hàng Thái, hàng Nhật. Tính cạnh tranh hiện nay khốc liệt hơn.

Do vậy, nếu chỉ nhìn vào trình độ quản lý kinh doanh của thế hệ trước và thế hệ sau thì rất phiến diện.

Phải thừa nhận, thế hệ F2 về mặt trình độ, kiến thức bài bản hơn nhiều, nhưng họ phải đối mặt với những thách thức kinh doanh cũng lớn hơn rất nhiều so với thế hệ trước đây.

Chưa nói đến là, chúng ta trải qua hai cuộc khủng hoảng liên tục trong hơn 10 năm: Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và khủng hoảng Covid-19 cực kỳ khốc liệt. Qua hai cuộc khủng hoảng đó đã làm kiệt quệ biết bao DN, là một trong những nguyên nhân bên ngoài ảnh hưởng đến sự chuyển giao.

Xin cảm ơn chuyên gia.