DNews

"Đại chiến" sale 11/11: Đưa giá xuống đáy, chạy đua giao hàng nhanh

Phương Liên

(Dân trí) - Ngày độc thân là một trong những lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Chính vì vậy, cứ đến dịp này các gã khổng lồ thương mại điện tử lại cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến giành người mua.

"Đại chiến" sale 11/11: Đưa giá xuống đáy, chạy đua giao hàng nhanh

"Đại chiến" của các sàn thương mại điện tử

Theo SCMP, mức giá tiêu dùng tại Trung Quốc không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng của người dân tại đây đang ở mức thấp.

Luci Liu, 27 tuổi cho rằng cô không chắc mình sẽ mua gì trong các dịp lễ mua sắm sắp tới do "đã mua những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày".

Ban đầu, ngày độc thân chỉ là sự kiện mua sắm kéo dài trong một ngày. Tuy nhiên, vài năm gần đây, ngày độc thân đã mở rộng ra thành 3 tuần lễ. Doanh số bán hàng từ livestream đã tăng mạnh, và chiến lược bán hàng đã trải qua sự biến đổi, không chỉ giới hạn ở việc giảm giá mà còn bao gồm nhiều chiến dịch khác nhau.

Đồng thời, sức hấp dẫn của ngày độc thân đã dần giảm sút khi các hoạt động livestream và sự xuất hiện của các lễ hội mua sắm khác khiến những đợt giảm giá khác kéo dài trong suốt cả năm.

Kể từ năm 2019, tổng doanh số bán hàng trên các nền tảng đã giảm dần vào ngày 11/11, ngày cuối cùng của sự kiện ngày độc thân. Đến năm 2022, tổng doanh số chỉ bằng 75% so với con số tương đương vào năm 2019. Năm ngoái cũng là lần đầu tiên mà cả Alibaba và JD.com đều không công khai doanh số bán hàng trong sự kiện này.

Đại chiến sale 11/11: Đưa giá xuống đáy, chạy đua giao hàng nhanh - 1

Thị phần thương mại điện tử ở Trung Quốc (Ảnh: Nikkei Asia).

Dù vậy, một số thương hiệu vẫn dành những khoản giảm giá lớn nhất cho sự kiện này. Các chuyên gia cho rằng mục đích hiện nay không chỉ là thu hút người dùng mở hầu bao, mà còn để tìm cách chống lại sự cạnh tranh từ các nền tảng đối thủ.

Jacob Cooke, giám đốc điều hành của công ty truyền thông và công nghệ WPIC, cho biết năm nay việc giảm giá xuất hiện trên khắp các nền tảng cho thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nền tảng thương mại điện tử cũng như tranh giành người tiêu dùng.

Cuộc đua đưa giá xuống đáy

Để duy trì thị phần của mình, những công ty thương mại điện tử truyền thống như Alibaba và JD.com đã buộc phải cạnh tranh không chỉ về giá cả mà còn về việc cải thiện trải nghiệm nền tảng của họ.

"Sẽ chính xác khi nói rằng người tiêu dùng hiện nay tương đối quan tâm đến giá cả. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn, khi một vài nhóm người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu ở các mặt hàng nhất định nhưng lại tăng chi tiêu ở những khoản khác", ông Cooke chia sẻ với Nikkei Asia.

"Trong chiến lược đưa ra cho các đối tác thương hiệu của mình, chúng tôi thực sự không mong muốn thấy cuộc đua đưa giá xuống đáy, bởi người tiêu dùng vẫn rất tập trung vào chất lượng sản phẩm và thương hiệu. Đồng thời, tìm cách nâng cao mức tiêu thụ của họ ở một số khu vực khác", ông nói thêm.

Sự cạnh tranh ngày càng biến đổi và gay gắt hơn diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn trong chi tiêu, do sự bất ổn kinh tế khiến người mua hàng quan tâm hơn đến vấn đề giá cả.

Một cuộc khảo sát gần đây do công ty tư vấn Bain thực hiện với 3.000 người mua sắm Trung Quốc cho thấy 71% nói rằng họ sẽ cắt giảm hoặc duy trì chi tiêu cho đến năm 2023, Con số này tăng mạnh so với so với mức 49% vào năm 2021.

Sự thận trọng trong chi tiêu thể hiện rõ hơn ở những người tiêu dùng có thu nhập thấp, đặc biệt là ở thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) sống ở những thành phố nhỏ hơn và ít giàu có hơn.

Đại chiến sale 11/11: Đưa giá xuống đáy, chạy đua giao hàng nhanh - 2

Doanh số bán trong ngày độc thân ở Trung Quốc (Ảnh: Nikkei Asia).

Trong khi người mua sắm cắt giảm chi tiêu, sàn Pinduoduo lại có doanh số tăng trưởng theo cấp số nhân trong năm nay. PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo ghi nhận doanh thu nửa đầu năm cao hơn 63% so với cùng kỳ năm 2022, trái ngược hoàn toàn với mức tăng trung bình 2% của các đối thủ thương mại điện tử truyền thống.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Pinduoduo gây ra thách thức lớn đối với JD.com, hiện là nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc, sau Tmall và Taobao của Alibaba.

JD.com ban đầu tạo dựng tên tuổi bằng cách đưa ra mức giá rẻ hơn đối với các thiết bị gia dụng chất lượng, các sản phẩm đắt tiền và các dịch vụ giao hàng tận nhà. Tuy nhiên, sau này giá hàng hóa của họ đã bắt đầu tăng.

Trong tháng 3 năm nay, JD.com khởi động chương trình trợ giá với tổng giá trị lên tới 10 tỷ nhân dân tệ nhằm giúp khách hàng tiếp cận trực tiếp tới các loại hàng hóa được bán với giá trợ cấp.

Chiến lược này đã đạt hiệu quả trong ngắn hạn. Jing Liu, một khách hàng ở Thượng Hải, cho hay trước đây cô luôn mua sắm trên Tmall nhưng giờ đã chuyển sang JD.com vì thấy loại kem trang điểm mà cô hay dùng có giá rẻ hơn 200 nhân dân tệ (khoảng 660.000 đồng) nhờ chiến dịch trợ giá. 

Trong khi đó, Alibaba hiện vẫn thống trị thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, với 47% thị phần. Pinduoduo và Douyin cũng đang nhanh chóng bắt kịp.

Hãng phân tích China Merchants Securities dự báo rằng Pinduoduo sẽ vượt JD.com để trở thành hãng thương mại điện tử lớn thứ 2 của Trung Quốc trong năm nay.

Chạy đua giao hàng nhanh

JD.com đã lần đầu tiên sau 8 năm hạ điều kiện tối thiểu cho đơn hàng miễn phí vận chuyển từ 99 nhân dân tệ (khoảng 330.000 đồng) xuống còn 59 nhân dân tệ (khoảng 196.000 đồng).

Giám đốc điều hành JD Sandy Xu cho biết: "Kể từ ngày đầu tiên thành lập, khả năng cạnh tranh cốt lõi và bản chất kinh doanh của chúng tôi là giá thấp". Bà cho biết JD luôn tuân thủ nguyên tắc này và hiệu quả chi phí cũng như trải nghiệm của khách hàng là trọng tâm trong triết lý kinh doanh của công ty.

"Chúng tôi hoan nghênh người dùng so sánh giá giữa các nền tảng trước khi họ đặt hàng, vì JD tự tin vào khả năng chuỗi cung ứng của mình cũng như các dịch vụ giá rẻ và chất lượng cao mà chúng tôi có thể cung cấp", bà nhấn mạnh với SCMP.

Đại chiến sale 11/11: Đưa giá xuống đáy, chạy đua giao hàng nhanh - 3

Phí giao hàng và chất lượng dịch vụ là những yếu tố then chốt quyết định thành công trong cuộc cạnh tranh mua sắm trực tuyến khốc liệt ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Động thái này diễn ra khi bộ phận hậu cần của Tập đoàn Alibaba Group, cũng đã triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi trong ngày tại 300 thành phố của Trung Quốc, cũng như chuyển phát nhanh nửa ngày tại 8 thành phố lớn.

Tập đoàn Thương mại Tmall của Alibaba cũng đang thành lập bộ phận hậu cần của riêng mình để đáp ứng nhu cầu giao hàng đặc biệt của mình.

Theo các chuyên gia, phí giao hàng và chất lượng dịch vụ là những yếu tố then chốt quyết định thành công trong cuộc cạnh tranh mua sắm trực tuyến khốc liệt ở Trung Quốc.

Pinduoduo, một nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc nổi tiếng với mức giá hợp lý, đã trở nên phổ biến một phần nhờ các dịch vụ vận chuyển miễn phí, dành cho nhiều loại hàng hóa được bán trên ứng dụng của công ty.

Thời gian gần đây, JD.com cũng đã chuyển sang chiến lược chi phí thấp để khai thác các thị trường cấp thấp hơn bằng cách cho phép những người bán nhỏ lẻ mở cửa hàng trên nền tảng của mình. Điều này báo hiệu JD.com rời bỏ mô hình kinh doanh truyền thống vốn tập trung vào việc thu hút các thương hiệu đã có tên tuổi vào nền tảng của mình.

"Chúng tôi muốn nền tảng của mình phục vụ nhiều người tiêu dùng hơn và nhiều nhu cầu của họ hơn. Và để đáp ứng những nhu cầu đó, chúng tôi sẽ phải có nguồn cung hàng hóa lớn hơn" Wang Xiong, giám đốc điều hành JD.com phụ trách chiến lược của công ty, nhấn mạnh với SCMP.