1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mờ mắt săn sale 11/11: Tỉnh táo nếu không muốn tưởng rẻ hóa đắt

Trúc Ly

(Dân trí) - Có người chi cả tháng lương để mua đồ giảm giá (săn sale) trong ngày 11/11 song lời khuyên từ các tín đồ mua sắm là hãy lên kế hoạch cụ thể cho lần mua sắm này nếu không muốn bị "cháy túi".

Tỉnh táo khi săn hàng giảm giá

Thùy Dung (28 tuổi, Hà Nội) viết dòng trạng thái nhận được nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội với nội dung: "Tạm nghỉ không mua gì cả tháng nay để sẵn sàng cho 11/11 cháy túi".

Phía dưới bài đăng, hội chị em để lại bình luận bày tỏ sự hào hứng khi chuẩn bị đến ngày đại giảm giá 11/11 - ngày hội mua sắm bắt nguồn từ ngày lễ độc thân ở Trung Quốc. Sau này, các sàn thương mại điện tử, các thương hiệu lớn, nhỏ đều hưởng ứng bằng các chương trình giảm giá sâu để thu hút khách hàng.

Thùy Dung cho biết mỗi dịp 11/11, cô đều mua sắm khá mạnh tay. Để mua được một số món đồ gia dụng với giá rẻ, cô phải chờ đợi cả tháng. Tuy vậy, cô cũng mua về không ít món đồ chỉ vì ham giảm giá. 

"Tôi vẫn nhớ năm ngoái đánh dấu dịp kết thúc Covid-19, tôi đã dùng một tháng rưỡi lương để mua sắm vào ngày 11/11", Dung kể. Cô gọi đây là ngày "cháy túi" nhưng cũng vui vì cả năm chỉ có một lần được mua sắm cuồng nhiệt với mức giá khá êm ái.

Mờ mắt săn sale 11/11: Tỉnh táo nếu không muốn tưởng rẻ hóa đắt - 1

11/11 là ngày hội mua sắm lớn nhất Trung Quốc (Ảnh minh họa: Pinterest).

Ngọc Thảo (25 tuổi, Hà Nội) cũng là một tín đồ nghiện mua sắm. Thảo cho biết ngày 11/11 giúp mọi người mua sắm tiết kiệm hơn và cũng là dịp để các thương hiệu tăng doanh số. Từ cuối tháng 10, các cửa hàng đã bắt đầu treo băng rôn quảng cáo về ngày đại giảm giá với mức chiết khấu không tưởng, lên đến 80%.

Tuy nhiên, Ngọc Thảo cho rằng hãy mua sắm thông minh, đừng vì ham giảm giá mà mua những món đồ không cần thiết hoặc không phù hợp với bản thân. Cô đưa ra câu chuyện về năm 2022, khi ghé cửa hàng bán giày của một thương hiệu lớn, Thảo đã cố mua đôi giày không vừa chân chỉ vì nó được giảm 70%. 

"Về nhà cố đi được 2 ngày rồi không thể đi vì quá đau chân. Bài học là rẻ hóa đắt", Thảo nói.

11/11 cũng là dịp để những đơn vị kinh doanh hàng nhái được dịp "ăn theo". Khi hầu hết các thương hiệu lớn đều giảm giá, khách hàng khó để kiểm tra chất lượng của những mặt hàng nhái có giá bán tương đương. 

Lên thứ tự mua ưu tiên và giới hạn ngân sách

Dung Nguyễn - có 8 năm làm việc trong lĩnh vực vận chuyển, đặt hàng Trung Quốc, mua sỉ hàng Trung Quốc để giao buôn cho các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam, cho biết 11/11 là dịp cô bận nhất trong năm. Đây là dịp hạ giá hàng hóa "khủng" của đất nước tỷ dân, các thương hiệu đua nhau giảm giá và tung ra những chính sách đặc biệt nhất để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, theo Dung, nếu không có nhiều kinh nghiệm, khách hàng dễ rơi vào ma trận giảm giá, mua bán không tính toán gây lãng phí và vượt ngân sách. Nhiều người có tâm lý sợ hết khuyến mại nên mua vội, dẫn đến mua sai. 

"Đôi khi giảm giá nhưng mua quá đà, lúc nhìn lại thấy tổng ngân sách cũng khủng khiếp lắm. Mọi người cần hiểu rõ nhu cầu của bản thân rồi mới bắt đầu vào các sàn thương mại điện tử", cô nói.

Dung Nguyễn đưa ra lời khuyên rằng trước ngày 11/11, mọi người nên thống kê những món đồ cần mua, muốn mua và có thể mua. Sau đó, hãy chắc chắn mức ngân sách bạn có thể chi trả cho mùa sale lần này.

Khi bắt đầu vào ngày 11/11, bạn cần mua theo thứ tự ưu tiên từ những món "đồ cần thiết" đến những món "bạn muốn mua", sau đó mới đến những món "mua cũng được, không mua cũng chẳng sao".

Hãy mua tới khi hết ngân sách cho phép là dừng lại và thoát khỏi các ứng dụng mua sắm. Việc lên ngân sách cụ thể sẽ giúp bạn biết giới hạn của mình ở đâu và không chi tiêu quá trớn.

Cuối cùng, Dung cho rằng 11/11 là cơ hội mua hàng giá tốt, đừng bỏ qua. Hãy có kế hoạch rõ ràng cụ thể và bước vào ngày đại giảm giá với tâm thế bình tĩnh nhất.