Dấu hiệu nhận biết một dự án tiền điện tử hoạt động theo mô hình Ponzi

Phương Liên

(Dân trí) - Thị trường tiền điện tử đã phát triển mạnh mẽ và thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong những năm gần đây. Số công ty hoạt động theo mô hình Ponzi cũng tăng mạnh.

Cụm từ "mô hình Ponzi" xuất hiện vào năm 1920 khi Charles Ponzi nhận được lá thư từ một công ty Tây Ban Nha đề nghị trao đổi về ý tưởng kinh doanh. Trong thư có phiếu hồi đáp quốc tế (IRC) và nó có thể sử dụng như một con tem và được nhiều nước chấp nhận.

Chính vì giá của tem phiếu khác nhau trên toàn thế giới nên Ponzi đã mua IRC tại nước ngoài và bán nó với giá cao tại Mỹ. Ước tính lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là hơn 400% và hoàn toàn hợp pháp. Để tiếp tục phát triển dự án này, ông vay mượn tiền từ bạn bè, hứa sẽ trả lãi suất lên đến 50% trong vòng 45 ngày và sau đó họ đã được trả lại như cam kết. Món hời trên ngay lập tức thu hút rất nhiều nhà đầu tư và số tiền đã lên đến hơn 1 triệu USD mỗi tuần. Cho tới khi bị tờ Boston Post điều tra, Ponzi đã khiến các nhà đầu tư mất trắng 20 triệu USD, đồng thời khiến 6 ngân hàng phá sản.

Với mức cam kết lợi nhuận cao bất thường như vậy, thực chất Ponzi không hề đầu tư vào IRC. Ông chỉ trả tiền cho những nhà đầu tư ban đầu bằng tiền nhận được từ những nhà đầu tư mới. Mặc dù Ponzi không phải là người đầu tiên sử dụng hình thức lừa đảo như vậy nhưng ông là người đầu tiên sử dụng nó với quy mô kể trên. Do đó, kỹ thuật này được đặt theo tên của ông.

Mô hình Ponzi là một hình thức đầu tư lừa đảo hứa hẹn tỷ lệ lợi nhuận cao với ít rủi ro cho nhà đầu tư. Nhưng thực chất họ trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước bằng tiền thu được từ các nhà đầu tư đến sau. Chính vì vậy các công ty theo mô hình Ponzi luôn tập trung nguồn lực để thu hút khách hàng mới tham gia. Và các công ty này sẽ luôn cần có dòng tiền liên tục để có thể tiếp tục duy trì, ngay khi dòng tiền cạn kiệt mô hình này sẽ sụp đổ.

Dấu hiệu nhận biết một dự án tiền điện tử hoạt động theo mô hình Ponzi - 1

Mô hình Ponzi là một hình thức đầu tư lừa đảo hứa hẹn tỷ lệ lợi nhuận cao với ít rủi ro cho nhà đầu tư (Ảnh: Atomicwallet).

Trong những năm gần đây, tiếp nối sự thành công của đồng bitcoin, hàng ngàn dự án tiền điện tử đã ra đời. Tuy nhiên, không ít dự án tiền điện tử được hoạt động theo mô hình Ponzi. Bởi để tăng độ hấp dẫn, những người tổ chức mô hình này thường sử dụng những dự án liên quan đến các sản phẩm công nghệ mới nhằm thu hút nhà đầu tư. Một dự án tiền điện tử theo mô hình Ponzi có thể được nhận biết qua một số dấu hiệu sau:

Hứa hẹn mức lợi nhuận hấp dẫn

Những dự án tiền điện tử Ponzi thường cam kết trả lãi cao hơn rất nhiều so với mức trung bình đi kèm rủi ro rất thấp, thậm chí là không có rủi ro. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với các hình thức đầu tư thông thường. Bởi trên thực tế, mọi khoản đầu tư đều đi kèm với những rủi ro nhất định, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao. Các khoản đầu tư tiền điện tử cũng phản ánh những hoạt động trên thị trường, vì vậy khi thấy một dự án tuyên bố trả mức lợi nhuận cao nhưng rủi ro lại rất thấp, các nhà đầu tư cần cảnh giác bởi đây là một dấu hiệu phổ biến của những dự án Ponzi. Trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư tham gia vào các dự án như vậy có thể sẽ không nhận được bất kỳ tý lợi nhuận nào.

Chính vì vậy khi đầu tư vào một dự án tiền điện tử ta cần xem xét tính minh bạch của những kết quả đầu tư mà dự án công bố. Nhà đầu tư cần kiểm tra các báo cáo, kết quả hoạt động kinh doanh của công ty trong quá khứ và theo dõi những hoạt động giao dịch của công ty có thực sự hiệu quả như trong cam kết ban đầu hay không.

Sử dụng những chiến lược đầu tư phức tạp

Rất nhiều dự án tiền điện tử theo mô hình Ponzi có những chiến lược giao dịch phức tạp, không rõ ràng, thậm chí không công bố phương thức đầu tư. Người tham gia hoàn toàn không được tiết lộ tiền huy động được dùng cho mục đích gì, việc kinh doanh nào. Các dự án đầu tư này thường lấy cớ không thể công bố với nhà đầu tư vì muốn giữ kín bí mật kinh doanh đem lại lợi nhuận cao này và sợ đối thủ cạnh tranh.

Những người tham gia sẽ được cung cấp thông tin qua một website hoặc ứng dụng đơn giản, không hề có nội dung nào về sản phẩm kinh doanh cốt lõi, chỉ có các cấp bậc thành viên tham gia hệ thống, số tiền đầu tư khổng lồ và đặc biệt là các khoản lãi hàng trăm, hàng nghìn phần trăm. Những dự án tinh vi hơn thì công bố rằng họ đang sử dụng những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo AI, giao dịch tự động nhằm đánh lừa những nhà đầu tư chưa rõ về hình thức này.

Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, Bitconnect hoạt động theo mô hình Ponzi, thanh toán cho nhà đầu tư trước đó bằng tiền từ những người đến sau.

Khi tham gia, hệ thống yêu cầu người dùng gửi bitcoin cho công ty, sau đó chuyển đổi thành tiền BitConnect Coin (BCC) bằng mã hóa phân quyền dựa trên blockchain để cho phép phần mềm công nghệ "tinh vi" của họ giao dịch. Nền tảng này tuyên bố cung cấp lợi nhuận lên đến 120%/năm. Sau khi bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vạch trần, Bitconnect đã trở thành vụ gian lận tiền ảo lớn nhất thế giới.

Dấu hiệu nhận biết một dự án tiền điện tử hoạt động theo mô hình Ponzi - 2

Rất nhiều dự án tiền điện tử theo mô hình Ponzi có các chiến lược giao dịch phức tạp, không rõ ràng, thậm chí không công bố phương thức đầu tư (Ảnh: Cointelegraph).

Hoạt động theo hình thức tiếp thị đa cấp

Tiếp thị đa cấp vẫn là trọng tâm của nhiều kế hoạch Ponzi. Các chương trình giới thiệu liên tục, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận hấp dẫn, nhiều đội nhóm với đa dạng cấp độ… đều là dấu hiệu của một kế hoạch Ponzi sử dụng tiền thu được từ nhà đầu tư mới để chia sẻ cho những thành viên tuyến trên mà không thực sự thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Vì vậy, các dự án này thường chi rất nhiều tiền cho quảng cáo, sử dụng người nổi tiếng, những hình ảnh hào nhoáng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư sẽ nhận được hoa hồng hoặc các hình thức khuyến mãi, quà tặng nếu giới thiệu thêm thành viên mới. Những nhà đầu tư cũ vô tình lại trở thành công cụ để lừa đảo theo hình thức đa cấp biến tướng. Mô hình này cũng sử dụng "hiệu ứng bầy đàn" khi tổ chức các sự kiện lớn, nêu gương những nhà đầu tư thành công với lợi nhuận khủng, giới thiệu cơ hội đầu tư thôi thúc mọi người tham gia vào hệ thống.

Gần đây, các nhà chức trách ở Pune, Ấn Độ đã ghi nhận GainBitcoin là một vụ lừa đảo tiền điện tử sử dụng hệ thống phân cấp với quy mô lớn nhất Ấn Độ với mức thiệt hại hơn 13 tỷ USD. Kế hoạch kim tự tháp do Amit Bhardwaj đứng đầu và 7 nhà tuyển dụng chính với trụ sở tại Ấn Độ và các lục địa khác nhau trên thế giới.

Mỗi người trong số họ được giao nhiệm vụ tuyển dụng các nhà đầu tư mới tham gia vào mạng lưới. Chương trình này đảm bảo cho người dùng lợi nhuận lên đến 10% mỗi tháng đối với khoản tiền gửi bitcoin (BTC) vào hệ thống của họ trong vòng 18 tháng. Kế hoạch này đã lừa thành công hơn 600.000 BTC từ 100.000 nạn nhân trước khi bị điều tra vào đầu năm nay.

Công ty không đăng ký với cơ quan quản lý

Một trong những lý do khiến mô hình Ponzi vẫn phát triển rất mạnh trong ngành công nghiệp tiền điện tử đó chính là sự lỏng lẻo trong các quy định quản lý ở lĩnh vực này. Chính vì vậy, trước khi đầu tư vào bất kỳ dự án nào nhà đầu tư phải xác nhận xem công ty đó đã được đăng ký với các cơ quan, tổ chức quản lý hay chưa. Bên cạnh đó các nhà đầu tư cũng nên tránh các dự án được đăng ký tại các khu vực pháp lý với các quy định lỏng lẻo về tiền điện tử.

Sau 2 năm thảo luận, các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất thông qua dự luật "Các thị trường trong ngành tiền mã hóa" (MiCA) với các quy định phức tạp, chặt chẽ về tiền điện tử nhằm bảo vệ các nhà đầu tư tránh được hình thức lừa đảo này.

Theo một đề xuất gần đây được Hội đồng châu Âu thông qua, các công ty tiền điện tử sẽ có nghĩa vụ tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt trong MiCA và phải có giấy phép hoạt động theo quy định. Việc này sẽ buộc các công ty phải tiết lộ thông tin chi tiết về mô hình kinh doanh cũng như hoạt động tài chính của họ nhằm hạn chế tối đa các hành vi lạm dụng hay thao túng thị trường.

Mô hình Ponzi đã được sử dụng bởi những kẻ lừa đảo trong suốt hơn 100 năm qua. Tuy nhiên, tận dụng sự bùng nổ của tiền điện tử và bản chất phi tập trung của công nghệ blockchain, các dự án theo mô hình này vẫn phát triển tương đối mạnh mẽ. Bởi vậy, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến dự án, cẩn thận với những cơ hội được chào mời hấp dẫn, luôn trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc và thận trọng trước mọi quyết định đầu tư của mình.