"Cơn sốt" giá cau và ngành công nghiệp sản xuất tỷ USD của Trung Quốc
(Dân trí) - Đằng sau "cơn sốt" giá cau gần đây là một ngành sản xuất cau trị giá hàng tỷ USD từ trồng trọt, chế biến đến công nghiệp phụ trợ của Trung Quốc.
Cơn sốt giá cau
Cây cau phù hợp với khí hậu nhiệt đới, vốn có nguồn gốc Đông Nam Á nhưng hiện được trồng ở nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam... Tại Trung Quốc, dù đã xuất hiện từ rất lâu trong các nghi lễ truyền thống, sau thời gian phát triển, cau đã trở thành một ngành kinh tế tiềm năng của thị trường tỷ dân.
Đảo Hải Nam (Trung Quốc) chuyên trồng cau còn tỉnh Hồ Nam chế biến kẹo, giá trị tổng sản lượng hàng chục tỷ USD. Giá cau gần đây lập đỉnh khi nguồn cung thấp. Thời gian qua, Trung tâm Giám sát giá tỉnh Hải Nam liên tục công bố giá quả cau khi mặt hàng này gây sốt ở tỉnh đảo cực nam Trung Quốc.
Theo Trung tâm giám sát giá tỉnh Hải Nam, ngày 18/10, giá mua cau trung bình tại địa phương này tăng lên mức 44,27 nhân dân tệ/jin (tương đương hơn 155.000 đồng/0,5kg), tăng tới hơn 175% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đến ngày 25/10, giá mua cau tại địa phương này đã rớt xuống còn 33,75 nhân dân tệ/jin (tương đương hơn 120.000 đồng/0,5kg).
Từ đầu vụ cau (tháng 8 hàng năm), giá cau tươi liên tục tăng do nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng lên đến 120.000 đồng/kg. Khi người nông dân vui mừng vì giá cau tăng cao đúng thời điểm thu hoạch rộ thì thương lái thông báo dừng thu mua khiến nhiều chủ vườn hoang mang. Ngày 27/10, giá tại nhiều địa phương rớt xuống chỉ còn 45.000-50.000 đồng/kg, thậm chí một số loại rớt còn 30.000-35.000 đồng/kg.
Southern Weekly cho rằng giá cau tăng cao do bệnh vàng lá trên cây ngày càng nghiêm trọng, khiến cau nước này bị giảm sản lượng. Đặc biệt, bão Yagi đổ bộ đảo Hải Nam vào đầu tháng 9 vừa qua cũng gây thiệt hại nặng nề cho hàng loạt vườn cau của địa phương này. Chính vì vậy, giá cau tại Trung Quốc, đặc biệt tại đảo Hải Nam cũng liên tục lập kỷ lục trong thời gian gần đây.
Đảo Hải Nam là vùng nguyên liệu chính, chiếm 90-99% tổng sản lượng cau của Trung Quốc. Sau khi nguồn cung tại đây bị giảm mạnh, các thương lái nước này thường nhập thêm cau từ Indonesia và Việt Nam với giá thấp hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Theo Tridge, công ty chuyên phân tích dữ liệu nông nghiệp và thực phẩm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cau chính của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 5,13 triệu USD giá trị loại quả này sang Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác nhập khẩu các sản phẩm từ cau lớn thứ 2 của Trung Quốc, chỉ sau Indonesia (với 5,66 triệu USD).
Đáng chú ý, đằng sau cơn sốt giá này là ngành công nghiệp sản xuất cau với giá trị tổng sản lượng hàng tỷ USD từ trồng trọt, chế biến đến công nghiệp phụ trợ của Trung Quốc.
Ngành sản xuất tỷ USD
Báo cáo của công ty phân tích dữ liệu Qichacha cho thấy từ năm 2014 đến nay, mỗi năm có hàng trăm đến hàng nghìn doanh nghiệp liên quan đến ngành cau đăng ký mới.
Đến tháng 6 năm nay, Trung Quốc có hơn 15.000 doanh nghiệp liên quan tới chuỗi sản xuất cau. Trong đó đứng đầu là tỉnh Hồ Nam với 6.571 doanh nghiệp, thứ hai là tỉnh Hải Nam với 6.149 doanh nghiệp. Cau Trung Quốc được sản xuất ở Hải Nam nhưng chủ yếu được chế biến và tiêu thụ ở Hồ Nam, theo Cổng thông tin tỉnh Hồ Nam.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Frost & Sullivan, doanh số bán sản phẩm kẹo từ hạt cau tại Trung Quốc đã tăng từ khoảng 2,71 tỷ gói năm 2019 lên mức 3,36 tỷ gói vào năm 2021. Đến năm 2023, doanh số bán sản phẩm trầu cau của Trung Quốc đạt xấp xỉ 2,63 tỷ gói.
Theo ChinaDaily, từ năm 2011 đến 2018, giá trị tổng sản lượng của ngành này tăng từ 55,8 tỷ lên 78,1 tỷ nhân dân tệ. Trước đó vào năm 2023, theo số liệu từ Tridge, giá trị xuất khẩu hạt cau của Trung Quốc là 17,4 triệu USD, tăng hơn 50% so với năm 2022.
Tại hội nghị thượng đỉnh về công nghệ quản lý và trồng cau Trung Quốc diễn ra tháng 9 vừa qua, ông Cát Kiến Bang, chuyên gia của hệ thống công nghệ ngành công nghiệp cau ở tỉnh Hải Nam, cho biết tổng giá trị của toàn chuỗi sản phẩm cau đã đạt 120-130 tỷ nhân dân tệ, cho thấy tiềm năng kinh tế của ngành này.
Trước đây, tại Trung Quốc, cau được sử dụng như một loại dược liệu quan trọng, có tác dụng chống lão hóa, chống oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, hạ đường huyết... Ngoài ra, cau còn được sử dụng làm nguyên liệu trong các sản phẩm như kẹo cao su, nước tăng lực, đồ ăn vặt...
Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc (CNFIA) cũng cho biết lĩnh vực sản xuất hạt cau đã chứng kiến sản lượng tăng 12% trong năm nay. Đà tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phổ biến của hạt cau trong các phong tục truyền thống, đặc biệt là ở các khu vực phía Nam như Hải Nam và Quảng Đông.
Khó khăn vẫn còn bao trùm
Để đáp ứng đầu vào, diện tích cau ở đảo Hải Nam cũng tăng mạnh. Thống kê của tỉnh Hải Nam cho thấy từ năm 2005 đến 2022, diện tích trồng cau của tỉnh này tăng gấp 4 lần.
Cụ thể, năm 2005 toàn tỉnh có 47.714ha, đến năm 2022 diện tích tăng lên mức 181.654ha. Kéo theo đó, sản lượng cau tươi tăng từ 64.338 tấn lên mức 294.831 tấn. Quả cau trở thành một trong những mặt hàng kinh tế chủ lực của hòn đảo này với hơn 2,3 triệu người trồng.
Thực tế, tại Trung Quốc, ngành sản xuất cau phụ thuộc rất nhiều vào đảo Hải Nam, khi 95% sản lượng cau được trồng ở đây. Cụ thể, cau Hải Nam được trồng nhiều ở thành phố Vạn Ninh với nửa dân số trồng cau, diện tích khoảng hơn 216.000ha. Năm 2021, giá trị của ngành này ở Vạn Ninh vượt 14 tỷ nhân dân tệ, chiếm hơn nửa GDP của thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Cát Kiến Bang, bên cạnh việc phát triển nhanh chóng, ngành trồng cau cũng đang đối mặt nhiều thách thức.
Hiện nay, ngành chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chính sách, bệnh vàng lá, khí hậu, diện tích trồng không ngừng tăng nhưng năng suất trên một đơn vị diện tích lại giảm. Đặc biệt, sự lây lan của bệnh vàng lá cau đã hạn chế nghiêm trọng sự phát triển lành mạnh của ngành và trở thành nút thắt kỹ thuật cần được giải quyết khẩn cấp.
"Không chỉ thành phố Vạn Ninh, mà cả những cây cau ở huyện Quỳnh Hải, Lăng Thủy và những nơi khác xung quanh đều bị nhiễm bệnh trên diện rộng, ước tính sơ bộ khoảng 60% diện tích cau", Chủ tịch Hiệp hội trầu ở thành phố Vạn Ninh chia sẻ với Beijing News.
Southern Weekly miêu tả căn bệnh này khiến huyện Vạn Ninh từ vị thế vùng trồng cau lớn nhất nhì đảo Hải Nam đã rớt xuống vị trí thứ tư dù người dân trồng lại diện tích mới thay thế. Căn bệnh đã xuất hiện từ năm 1981 nhưng đến nay các nhà khoa học và quản lý vẫn chưa tìm ra cách khắc phục, thậm chí chưa thống nhất được nguyên nhân gây bệnh.
Theo thống kê, tại Hải Nam, 60% số cau đang ở tình trạng năng suất thấp, mỗi cây cho năng suất từ 5 đến 25kg. Cây cau năng suất cao chỉ chiếm 5%, trung bình đạt khoảng 41-60kg mỗi cây.
Bên cạnh đó, những lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng trong vài năm qua cũng ảnh hưởng tới thị trường này. Từ năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư (IARC) của Tổ chức Y tế thế giới WHO đã liệt kê chất arecoline, thành phần của quả cau, vào chất gây ung thư.
Theo China Daily, năm 2017, Cơ quan quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc đã loại quả cau ra khỏi danh mục thực phẩm. Điều này dẫn đến các cơ quan quản lý siết chặt hoạt động quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến trầu cau.
Ngành cau cũng là chủ đề gây tranh cãi trong những năm qua. Bởi ngành sản xuất này đang đứng giữa một bên là lo ngại sức khỏe, một bên quy mô trăm tỷ nhân dân tệ, với ngành nông nghiệp ảnh hưởng tới hơn 2,3 triệu dân ở đảo Hải Nam và thói quen tiêu thụ đã ăn sâu vào đời sống người dân.