DNews

"Cò" vàng chực chờ ở cửa tiệm, gạ thu mua giá cao hơn niêm yết

Mỹ Tâm Vĩ Quang

(Dân trí) - Điểm gặp nhau giữa cung - cầu của những nhà đầu tư vàng hiện ở ngay chính cửa tiệm hoặc trên các hội nhóm trên mạng xã hội. Các nhà giao dịch có thể ăn chia 50/50 theo chênh lệch giá mua - bán.

"Cò" vàng chực chờ ở cửa tiệm, gạ thu mua giá cao hơn niêm yết

Tận dụng chênh lệch giá, người mua - người bán vàng tự giao dịch, không cần thông qua cửa hàng

Phản ánh với phóng viên Dân trí, chị Phạm Ngọc Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, chị mang 3 lượng vàng đi bán tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Cầu Giấy, Hà Nội. Chưa tới lượt giao dịch nên chị tạm ngồi chờ. Giá vàng miếng SJC thời điểm đó được doanh nghiệp niêm yết tại 82-84 triệu đồng/lượng (mua - bán). Điều này tương đương nếu bán ra, chị sẽ được doanh nghiệp mua lại với giá 82 triệu đồng/lượng. Số vàng này được chị mua từ năm ngoái cũng tại cửa hàng này. Chị còn giữ hóa đơn đầy đủ.

Chị Giang phản ánh, trong lúc chờ, chị được một khách hàng khác cũng ngồi trực tại cửa hàng hỏi chuyện. Sau khi biết chị Giang có nhu cầu bán, người này chủ động đề nghị chị Giang bán cho họ với giá 83 triệu đồng/lượng, miễn là có hóa đơn đầy đủ.

Như vậy, nếu chị Giang bán với giá 83 triệu đồng/lượng cho người này thì chị sẽ lãi 1 triệu đồng/lượng vàng, và người mua cũng sẽ được mua vàng rẻ hơn 1 triệu đồng/lượng so với mức 85 triệu đồng bán ra từ các "nhà vàng".

Hiện các cửa hàng vàng lớn chủ yếu mua lại sản phẩm do chính họ bán cho người dân chứ không mua từ các thương hiệu khác. Việc có hóa đơn đầy đủ giúp kim loại quý được định giá tốt hơn, dễ dàng giao dịch trên thị trường chính thức và thị trường "chợ đen".

Không chỉ ở Hà Nội, anh Minh Tân (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong một lần đến cửa tiệm mua vàng cũng gặp tình trạng trong lúc ngồi chờ bị "cò" bắt chuyện và hỏi có bán vàng không. Khi anh Tân nói có nhu cầu mua chứ không bán, người này mới dừng bắt chuyện và chờ đợi những người khách khác. 

Cò vàng chực chờ ở cửa tiệm, gạ thu mua giá cao hơn niêm yết - 1

Vào giờ cao điểm, các khách hàng phải đăng ký số thự tự chờ đến lượt giao dịch (Ảnh: Mỹ Tâm).

Diễn biến "cò" vàng chờ sẵn ở cửa tiệm, theo phóng viên Dân trí tìm hiểu, đã diễn ra gần đây, trong bối cảnh thị trường vàng xảy ra tình trạng khan hàng. Tính từ đầu năm đến nay, vàng miếng ghi nhận hiệu suất sinh lời gần 15%, trong khi vàng nhẫn lên tới 30%, cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm và nhu cầu mua của người dân vẫn lớn.

Trong khi đó, giao dịch vàng miếng SJC bị hạn chế so với trước đây, khi 5 đơn vị được ủy thác gồm Công ty SJC và 4 ngân hàng có vốn Nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) bán ra với số lượng giới hạn và yêu cầu đăng ký trực tuyến. Các thương hiệu được kinh doanh vàng miếng còn lại cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp "định giá" vàng miếng, do không có nguồn cung.

Với vàng nhẫn, thị trường thường diễn ra tình trạng khan hàng. Hàng loạt hệ thống kinh doanh vàng lớn nhiều thời điểm thông báo hết vàng nhẫn trơn, nơi còn thì hạn chế lượng bán khi giá tăng vọt. Người mua phải xếp hàng chờ đợi có khi cả tiếng đồng hồ.

Người mua vàng, khi không mua được vàng từ đơn vị phân phối chính thức, bắt đầu tìm đến các cửa hàng lớn và tìm người có nhu cầu bán như chị Giang và tận dụng mức chênh lệch từ 2-2,5 triệu đồng/lượng để giao dịch.

Một nhân viên bán vàng cho biết việc có "cò" vàng xuất hiện tại cửa hàng rất khó nhận diện. Trong trường hợp nhiều khung giờ cửa hàng đông khách, các "cò" đến với tư cách người mua vàng, và khi khách hàng ngồi đợi đến lượt giao dịch họ sẽ bắt chuyện và dò hỏi thì cửa hàng cũng khó tránh khỏi tình trạng có thể mất khách. Thực tế, với mức chênh lệch 2 chiều lên tới 2 triệu đồng, việc người mua - người bán tự giao dịch với nhau là không khó tránh khỏi. 

Vàng "giá 50/50" ồ ạt trên thị trường chợ đen

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tình trạng này cũng xảy ra tại các hội nhóm giao lưu vàng miếng, vàng nhẫn trên mạng xã hội. Theo đó, việc thực hiện giao dịch được thỏa thuận giữa các cá nhân không qua các cửa hàng hay công ty để đỡ mất phí chênh lệch giữa giá mua - bán vàng niêm yết.

Một bài đăng trên nhóm "Giao lưu vàng miếng SJC" cho biết người này cần bán 10 lượng vàng SJC giá 50/50 tại khu vực Gò Vấp, TPHCM đính kèm với đó là hình ảnh miếng kim loại màu vàng dập chữ SJC 9999 loại 1 lượng.

Một người khác đăng bài cần bán 4 lượng vàng SJC giá 50/50. Người này cho biết có hóa đơn đầy đủ, vàng được mua tại cửa tiệm trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Cò vàng chực chờ ở cửa tiệm, gạ thu mua giá cao hơn niêm yết - 2

Một bài đăng trên hội nhóm về vàng (Ảnh chụp màn hình).

Giải thích cho thuật ngữ "giá 50/50", những người đăng cho biết giá sẽ được ăn chia theo tỷ lệ 50/50, dựa trên giá chênh từ mức niêm yết chính thức tại thời điểm bán.

Ví dụ, vàng người này bán ra từng được mua tại cửa hàng X. Nếu cửa hàng X niêm yết giá ở mức 83-85 triệu đồng/lượng (mua - bán), người này sẽ bán ra với giá 84 triệu đồng. Như vậy, người mua đã mua thấp hơn được 1 triệu đồng, còn người rao bán cao hơn được 1 triệu đồng. Người bán cũng được hưởng giá cao, người mua cũng được mua giá thấp hơn so với giao dịch tại cửa hàng chính thống.

Nếu giao dịch, 2 bên sẽ cùng ra cửa hàng để kiểm tra, đúng là hàng thật thì mới tiến hành giao dịch.

Trên các hội nhóm, trang cá nhân cũng không khó để tìm những tin rao, chào mời đăng ký mua vàng hộ với những lời cam kết "uy tín, tỷ lệ thành công đến hơn 90%", giao vàng mới nhận tiền phí, hoặc có mã QR thanh toán, có mail báo xác nhận mới nhận phí, không nhận tiền cọc...

Cò vàng chực chờ ở cửa tiệm, gạ thu mua giá cao hơn niêm yết - 3

Không khó bắt gặp tình trạng tìm người mua - bán vàng trên các hội nhóm (Ảnh chụp màn hình).

Anh Duy Kỳ (quận 10, TPHCM) cho biết đã tham gia các hội nhóm này cũng vài tháng, cũng vài lần thử hỏi mua nhưng chưa chốt do cảm thấy bản thân còn lóng ngóng, sợ bị lừa và mua phải vàng không đảm bảo chất lượng.

Có lần, anh Kỳ thử liên hệ hỏi mua thông qua một tài khoản trên hội nhóm. Anh đặt vấn đề liên quan đến hóa đơn mua bán. Người này cho biết hầu hết vàng miếng SJC họ bán ra cho khách đều có nguồn gốc rõ ràng. Nghĩa là người dân mua vàng từ ngân hàng rồi bán lại có giấy tờ hóa đơn. Sau đó, họ gom bán tiếp cho người khác.

Trên hội nhóm, bất cứ ai cũng có thể thành nhà giao dịch vàng vì nhóm được mở ở chế độ công khai, ai cũng có quyền đăng rao bài. Nhiều người trong nhóm tự giới thiệu là đầu mối kinh doanh vàng tự do, nhận gom mua - bán số lượng lớn.

Những hội nhóm giao lưu vàng như đã nêu trên được xem là điểm gặp nhau giữa cung - cầu của những nhà đầu tư ở khắp mọi nơi.

Người dân chỉ được mua - bán vàng miếng SJC tại đơn vị đã được cấp phép

TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, lo ngại tình trạng trên sẽ thúc đẩy thị trường vàng "chợ đen" hoạt động mạnh hơn.

Theo vị này, nếu tình trạng mua bán vàng như hiện nay kéo dài, quyền lợi của người tiêu dùng hay các doanh nghiệp vàng sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, người dân chỉ được mua - bán vàng miếng SJC tại đơn vị đã được cấp phép. Ông cho rằng cần phải đưa ra giải pháp liên thông thị trường vàng hiện nay, trong đó cần sớm sửa đổi Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng SJC.

Ngoài ra, ông lưu ý việc các ngân hàng cũng cân nhắc việc mua lại vàng bán ra, kể cả vàng của các đơn vị khác đã bán ra để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Cò vàng chực chờ ở cửa tiệm, gạ thu mua giá cao hơn niêm yết - 4

Một cửa hàng vàng trên phố Cầu Giấy, Hà Nội đông khách trong dịp Vía Thần Tài (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Khoa tài chính - ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, đưa ra cảnh báo người dân khi giao dịch trên thị trường chợ đen cần lưu ý về chất lượng vàng và tính thanh khoản. Một số trường hợp, vàng mua tại cửa hàng nào thì chỉ nên bán ở cửa hàng đó, nếu bán khác thương hiệu giá vàng thu mua sẽ không cao, thấp hơn nhiều so với giá mua ở cửa hàng ban đầu.

Ông cũng lưu ý về việc không tránh khỏi tình trạng vàng bị hao hụt, vàng giả, pha trộn, không đảm bảo tỷ lệ chất lượng. Người dân thực sự có nhu cầu mua vàng thì nên cân nhắc kỹ khi giao dịch tại thị trường này. Còn trường hợp mua để đầu tư, đầu cơ thì nên hạn chế vì nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Trước đó, từ giữa tháng 6, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết việc người dân mua bán vàng miếng tại các doanh nghiệp không có giấy phép là trái quy định và sẽ bị phạt. Theo đó, cơ quan này nhắc lại quy định người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh.

Cả nước hiện có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải...

Các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân, hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định. Các giao dịch này sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

Tại Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, nêu rõ sẽ xử phạt cảnh cáo các hành vi mua bán vàng với đơn vị không có giấy phép, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần.