Việc ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD), có mặt từ sớm tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) khiến không ít người bất ngờ.
Ngay lập tức, hình ảnh của ông được lan tỏa chóng mặt trong các hội nhóm đầu tư chứng khoán, với những đồn đoán về sở hữu hay có gì "bất ngờ" phía sau.
Chính thức lộ diện liên danh Hoa Lư với gói thầu 35.000 tỷ đồng cho sân bay Long Thành
Mọi thắc mắc đã dừng lại sau lời giới thiệu của ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch HĐQT Hòa Bình.
Ông Hiếu cho biết ông Bolat Duisenov xuất hiện với vai trò là đại diện các công ty trong liên danh Hoa Lư. Chủ tịch Coteccons đến để tham dự cuộc họp của Tập đoàn Hòa Bình và mong đại hội thành công tốt đẹp. Ngoài sự có mặt của Chủ tịch Coteccons, các đại diện khác trong liên danh Hoa Lư còn có ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Central, ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng An Phong.
Lần đầu tiên, liên danh Hoa Lư được nhắc đến rộng rãi. Liên danh này gồm 7 nhà thầu trong nước và 1 nhà thầu Thái Lan cùng hợp sức để đấu thầu gói thầu 5.1 thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Giá trị gói thầu là khoảng 35.000 tỷ đồng.
Liên danh Hoa Lư gồm 8 nhà thầu "quen mặt" như Coteccons, Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình và một nhà thầu của Thái Lan là Powerline Engineering Public. Trong đó, Coteccons đứng đầu liên danh.
Cùng tham gia đấu thầu gói thầu sân bay Long Thành còn có 2 liên danh khác là liên danh số 1 do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu và liên danh số 3 do Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.
Liên danh số 1 do China Harbour Engineering Company (CHEC) đứng đầu, cùng với một công ty khác cũng đến từ Trung Quốc là Beijing Construction (BCEG). CHEC được thành lập vào năm 1980, có trụ sở tại Bắc Kinh, gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2002. Công ty này đã hoàn thành và đang thực hiện hơn 20 dự án tại Việt Nam, trải dài từ Bắc đến Nam với giá trị hợp đồng gần 700 triệu USD. CHEC cũng từng nhận gói thầu 680 triệu USD sân dựng sân bay Khartoum của Sudan.
Còn liên danh số 3 do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm xây dựng dự án hạ tầng như bến cảng, sân bay, năng lượng... tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nga. Điểm nhấn của liên danh số 3 là sự có mặt của một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Coteccons - như Ricons, Newtecons và SOL E&C.
Ngoài ra, liên danh số 3 còn có sự tham gia của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Nhà thầu này có kinh nghiệm, năng lực xây dựng, xây lắp, từng thi công gói thầu nhà ga T2 sân bay Phú Bài - Huế (giá trị hơn 2.250 tỷ đồng).
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá cao các nhà thầu trong nước ở nhóm liên danh Hoa Lư.
Đây là các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam, có đội ngũ kỹ sư xây dựng lớn, từng có kinh nghiệm tham gia thi công một số hạng mục ở các sân bay trong nước như Coteccons, Hòa Bình, Thành An (thuộc Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chưa từng tham gia xây dựng dự án hạ tầng có quy mô và độ khó lớn như sân bay Long Thành.
Nhưng liên danh Hoa Lư có Powerline Engineering Public (PLE) đến từ Thái Lan, từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. Lĩnh vực kinh doanh chính của PLE là thi công hệ thống điện, điều hòa không khí, hệ thống ống nước, vệ sinh và phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà, bệnh viện, khu phức hợp và sân bay. Doanh thu mảng điện và điện lạnh mỗi năm khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.
Vinaconex cũng được VDSC đánh giá cao trong liên danh số 3 do có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng sân bay, đường sá, cầu đường...
Vì sao cần liên danh?
Không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp từng coi nhau là đối thủ một thời, cùng phân chia miếng bánh ngành xây dựng như Coteccons, Hòa Bình, Central hay Delta lại cùng hợp lực trong liên danh.
Một vấn đề được các chủ nhà thầu nhắc đến nhiều lần là việc cạnh tranh giảm giá thầu trong ngành xây dựng.
Ngay tại phiên họp cổ đông của Tập đoàn Hòa Bình, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT tập đoàn này- một lần nữa khẳng định sự khó khăn của ngành xây dựng: tập đoàn đã trải qua 35 năm thành lập và phát triển, nhưng 5 năm qua gặp rất nhiều thách thức mà đỉnh điểm là 2 năm 2021-2022. Thị trường cạnh tranh khốc liệt, có doanh nghiệp chấp nhận bỏ giá thấp hơn giá vốn để công ty có công việc làm, công nhân không bị thất nghiệp.
Hạ giá vốn để được nhận thầu là chiến lược mà nhiều doanh nghiệp xây dựng thời gian qua đã làm. Điều này tạo thành một cuộc đua xuống giá của ngành xây dựng, khiến các doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Thậm chí, khi giá vốn bị hạ càng sâu, nhiều người còn e ngại sẽ xảy ra các tình trạng xấu như chất lượng công trình không đảm bảo, an toàn trong lao động bị xem nhẹ... Chủ tịch Coteccons từng kêu gọi ngành xây dựng đoàn kết, cùng kết nối và hỗ trợ nhau, cùng ngăn chặn cuộc đua xuống đáy về giá.
Đó có thể là một phần lý do khiến các ông trùm ngành xây dựng có mặt tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của Hòa Bình và cùng xuất hiện trong liên danh Hoa Lư.
Gói thầu 35.000 tỷ đồng của Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được đóng vào ngày 12/6. Theo kế hoạch, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ chấm thầu và lựa chọn nhà thầu trong thời gian tối đa 2 tháng.
Liên danh nào trúng thầu còn là ẩn số trong tương lai. Tuy nhiên, việc trúng thầu sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp xây dựng trong nước nâng cao năng lực thi công, có thêm hợp đồng thực hiện trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn.
Ngoài câu chuyện liên danh, ngành xây dựng cũng đang chứng kiến một sự chuyển dịch mạnh mẽ của các ông lớn đầu ngành. Thay vì chia nhỏ miếng bánh xây dựng nhà ở dân dụng với biên lợi nhuận gộp mỏng, một số doanh nghiệp đã đi tìm hướng đi mới. Coteccons tuyên bố mở rộng các mảng kinh doanh, như tham gia vào thị trường bất động sản (từ năm 2022), làm các dự án hạ tầng.
Xây dựng Hòa Bình, với 100% các hợp đồng thầu năm 2022 đến từ xây dựng dân dụng, cũng định hướng sẽ mở rộng làm các dự án hạ tầng, đầu tư công nhằm "đón sóng". Thực tế, công ty Hòa Bình 479 - công ty con của Xây dựng Hòa Bình - đã trúng thầu nhiều dự án hạ tầng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Thanh Hóa, cầu An Hạ…
Hướng đi này được đánh giá là nhiều triển vọng, khi cả nước sẽ phải xây dựng 1.600 km trong 3 năm và 3.600 km trong 8 năm tới, tốc độ hoàn thành trung bình 450-500 km/năm. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 là 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước.
Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2023-2025. Với kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư công mạnh mẽ, các doanh nghiệp ngành xây dựng dự kiến sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn đầu tư của Chính phủ.
Những "cơn sóng ngầm"
Giữa lúc các doanh nghiệp đang chờ kết quả của cuộc đua cạnh tranh gói thầu 35.000 tỷ đồng thì mới đây, một thành viên trong liên danh số 3 (Ricons) và liên danh Hoa Lư (Coteccons) lại phát sinh các mâu thuẫn.
Ricons tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2023 và có nhắc đến cổ đông lớn tổ chức "không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ". Tại Ricons, Coteccons là cổ đông lớn tổ chức duy nhất được công bố nhiều năm, với tỷ lệ sở hữu 14,3%.
Ban lãnh đạo Ricons cho biết đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận trên tinh thần tôn trọng các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên đến nay, kết quả chưa khả quan.
"Tương tự như các đối tác khác, khi đối tác không có thiện chí và sự hợp tác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài thì Ricons buộc lòng phải có các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình", đại diện công ty trả lời cổ đông.
Ngược lại, một đại diện của Coteccons cho biết sẵn sàng trả những khoản công nợ này trong trường hợp Ricons cung cấp đầy đủ bằng chứng có cơ sở làm hồ sơ quyết toán theo đúng nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, Ricons cũng cần chuẩn bị hồ sơ đối ứng vì 2 bên có nhiều giao dịch dở dang từ trước 2019. Coteccons cũng mong muốn 2 bên cùng làm việc để xử lý các công nợ phát sinh.
Ricons từng trong hệ sinh thái của Coteccons, dưới thời ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Coteccons. Khi nội bộ Coteccons xảy ra mâu thuẫn đỉnh điểm, nhóm cổ đông nước ngoài hoài nghi về sự minh bạch giữa các giao dịch của công ty với các công ty thành viên thì Ricons tuyên bố độc lập với Coteccons, xây dựng hệ sinh thái riêng. Ricons cũng tuyên bố từ năm 2019 không còn các giao dịch thầu chính - thầu phụ với Coteccons.
Hiện nay, ban lãnh đạo Ricons có "người cũ" của Coteccons: Ông Nguyễn Sỹ Công - Chủ tịch HĐQT (từng làm Tổng giám đốc Coteccons), ông Trần Quang Quân - Tổng giám đốc (từng làm Phó tổng giám đốc Coteccons).
Câu chuyện công nợ giữa Ricons và Coteccons có thể mới chỉ bắt đầu, khi Ricons đã đưa ra tuyên bố có thể dùng tới các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn.