DNews

Tiềm lực Vietur - liên danh trúng thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Liên danh nhà thầu Vietur do Tập đoàn IC Ictas của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu vừa "vượt mặt" 2 đối thủ khác để giành chiến thắng trong gói thầu 35.000 tỷ đồng tại sân bay Long Thành.

Tiềm lực Vietur - liên danh trúng thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành

Hồ sơ IC Ictas - doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu liên danh

Liên danh Vietur có sự góp mặt của 10 nhà thầu, bao gồm 1 nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ - đứng đầu liên danh và 9 doanh nghiệp xây dựng trong nước.

Đứng đầu liên danh là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (Thổ Nhĩ Kỳ). Công ty này thuộc Tập đoàn IC Holding, được thành lập từ năm 1969, có nhiều kinh nghiệm trong trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực bến cảng, năng lượng, sân bay… quy mô toàn cầu, bao gồm Nga, Trung Đông, Trung Á và châu Âu.

Một số dự án xây dựng sân bay điển hình mà IC Ictas đã tham gia như sân bay quốc tế Antalya (sân bay lớn thứ 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ), Sân bay Ordu-Giresun (sân bay đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng trên biển), sân bay quốc tế Pulkovo ở St. Petersburg (Nga), sân bay Varna Burgas ở Bulgaria, sân bay King Khaled ở Riyadh (Saudi Arabia).

Tiềm lực Vietur - liên danh trúng thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành - 1

Sân bay quốc tế Antalya do IC Ictas tham gia xây dựng (Ảnh: IC Ictas).

Ngoài ra, IC Ictas cũng thi công các dự án cầu đường, như dự án đường cao tốc phía Bắc Marmara và cầu Bosporus III tại Thổ Nhĩ Kỳ (3,1 tỷ USD), đường cao tốc M11 tại Nga... Một số công trình xây dựng nổi tiếng khác cũng từng "qua tay" IC Ictas như Tòa nhà cao tầng NewYork Manhattan Türkevi, Trung tâm hội nghị và khách sạn Istanbul Bomonti Hilton hay Khu phức hợp văn hóa Haydar Aliyev...

Nhóm công ty liên quan ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch Coteccons

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C là 3 doanh nghiệp trong liên danh Vietur, cùng trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons.

Sau khi "nội chiến" Coteccons kết thúc, ông Dương rời đi, ông Bolat Duisenov tiếp quản. Trong lần đấu thầu gói 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành, Coteccons là đơn vị đứng đầu liên danh Hoa Lư - đối đầu trực tiếp với liên danh Vietur.

Ricons được thành lập ngày 27/10/2004, với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia. Hiện tại, ông Nguyễn Sỹ Công (cựu Tổng giám đốc Coteccons) làm Chủ tịch Ricons, ông Trần Quang Quân là Tổng giám đốc. Một số dự án lớn do doanh nghiệp này trúng thầu như The Manor Central (Hà Nội), dự án SLP (Hải Phòng), The River Thủ Thiêm, Celadon A5 Diamond Brilliant, Imperia Smart City…

Nhìn lại 5 năm qua, Ricons có nhiều thay đổi về kết quả kinh doanh. Giai đoạn 2018-2020, công ty ghi nhận giảm đều cả về doanh thu và lợi nhuận. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm dần, từ 6,4% năm 2018 còn 5,5% năm 2020.

Giai đoạn 2021-2022, dưới tác động chung của khó khăn ngành xây dựng, Ricons tiếp tục giảm biên lợi nhuận gộp về mức thấp. Cá biệt năm 2022, con số này là 1,8%, thấp nhất trong 5 năm qua và thấp hơn Coteccons (3,3%).

Năm 2022, lần đầu tiên Ricons lập đỉnh về doanh thu, đạt mức 11.384 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế 91 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Công ty từng có kế hoạch niêm yết lên sàn chứng khoán nhưng đến nay chưa thực hiện.

Ricons cũng tham gia vào liên danh tham gia đấu thầu gói thầu xây lắp nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trị giá 9.000 tỷ đồng và đã trúng thầu. 

Tiềm lực Vietur - liên danh trúng thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành - 2

Kết quả kinh doanh của Ricons qua 5 năm (Tổng hợp: Khổng Chiêm).

Hai doanh nghiệp khác trong "hệ sinh thái" ông Nguyễn Bá Dương là Newtecons và SOL E&C. Trong đó, Newtecons đã có 20 năm thành lập, hiện tại ông Trần Kim Long làm Chủ tịch HĐQT, ông Võ Thanh Liêm (cựu lãnh đạo của Coteccons) làm Tổng giám đốc.

Năm 2022, Newtecons cho biết đánh dấu 5 năm tăng trưởng liên tiếp, doanh thu trên 11.000 tỷ đồng. Công ty này là nhà thầu nhiều dự án lớn, trong đó nổi bật đã "thế chân" Coteccons ở một số công trình tiêu biểu như dự án khách sạn 6 sao đối diện chợ Bến Thành, hay tổ hợp Ba Son của chủ đầu tư Masteri Group.

Còn SOL E&C kinh doanh chính trong lĩnh vực buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, được thành lập năm 2015. Công ty giới thiệu ông Nguyễn Bá Dương là Chủ tịch sáng lập, ông Ngô Thanh Phong là Chủ tịch HĐQT, ông Lê Chí Trung là Tổng giám đốc. Trong năm 2022, SOL E&C đạt doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng với 500 cán bộ nhân viên.

Vinaconex - cái tên "nóng" trong mùa đấu thầu

Sở dĩ gọi Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là cái tên "nóng" vì doanh nghiệp này đều có mặt trong các liên danh tham dự một số gói thầu lớn.

Tại dự án sân bay Long Thành, ở gói thầu 35.000 tỷ đồng, Vinaconex là thành viên liên danh Vietur và đã chiến thắng. Ở gói thầu 4.6 (giá trị hơn 8.000 tỷ đồng, lớn thứ 2 ở sân bay Long Thành), liên danh có Vinaconex góp mặt cũng là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Doanh nghiệp được thành lập từ năm 1988 theo quyết định của Bộ Xây dựng, Nhà nước không còn sở hữu vốn từ năm 2018. Cổ đông lớn nhất hiện tại là Công ty cổ phần Đầu tư Pacific Holdings - công ty có liên quan tới Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh.

Vinaconex được biết đến là có kinh nghiệm thi công trong lĩnh vực sân bay như dự án nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Phú Bài, sân bay Cam Ranh...  Ngoài ra, tổng công ty còn xây dựng một số công trình khác thuộc nhiều lĩnh vực, như nhà ở, nhà máy thủy điện…

Tiềm lực Vietur - liên danh trúng thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành - 3

Dự án mở rộng sân đỗ nhà ga T2 Nội Bài do Vinaconex thực hiện (Ảnh: Vinaconex).

Trong 5 năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của Vinaconex có sự trồi sụt. Năm 2022, doanh thu đạt 8.453 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 931 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 79% so với năm trước.

Ngoài Vinaconex, liên danh Vietur còn 3 doanh nghiệp khác có cổ phiếu trên sàn chứng khoán là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (mã chứng khoán: HAN), Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC) và Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (mã chứng khoán: CC1). Cả 3 doanh nghiệp này chưa từng tham gia thi công sân bay hoặc công trình liên quan hàng không.

Trong đó, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội do Bộ Xây dựng là cổ đông lớn nhất, thực hiện nhiều công trình xây lắp lớn. Còn Phục Hưng Holdings hoạt động quanh 3 mảng kinh doanh chính gồm xây dựng dân dụng và công nghiệp, bất động sản và thủy điện và năng lượng tái tạo, trải dài khắp cả nước.

Còn Tổng Công ty Xây dựng Số 1 làm nhiều dự án lớn như nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, nhà máy thủy điện Trị An, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, đường sắt đô thị TP HCM Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Hai doanh nghiệp còn lại trong liên danh Vietur là Công ty cổ phần Kết cấu thép ATAD và Công ty cổ phần Hawee Cơ điện.

Trong đó, Hawee hoạt động chính  là lắp đặt hệ thống điện. Còn ATAD tư vấn, thiết kế, sản xuất và lắp dựng sản phẩm kết cấu thép, từng tham gia nhiều dự án như sân bay quốc tế Cam Ranh, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Phù Cát, sân bay Phú Quốc, sân bay quốc tế Wattay (Lào), nhà ga T2 sân bay quốc tế Phú Bài, nhà ga cảng hàng không quốc tế Cát Bi...

Tiềm lực Vietur - liên danh trúng thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành - 4

Danh sách 3 liên danh tham gia gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành (Nguồn: Tổng hợp).