Infographic

Bán mì gói, nước mắm số 1 Việt Nam, Tập đoàn Masan đang kiếm tiền ra sao?

Mộc An

(Dân trí) - Nửa đầu năm, Masan đạt doanh thu gần 1,5 tỷ USD. Quy mô tổng tài sản lên tới 5,6 tỷ USD.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) hiện là doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.

Sở hữu hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ khổng lồ, doanh thu thuần của Masan đạt ngưỡng 80.000-90.000 tỷ đồng (cỡ 3,2-3,6 tỷ USD) trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, những thách thức từ điều kiện kinh tế vĩ mô tác động tiêu cực đến niềm tin của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tâm lý chung của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn thận trọng trong 6 tháng đầu năm.

Do đó, doanh thu thuần nửa đầu năm nay của Masan giảm 4% so với cùng kỳ, đạt 37.412 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD).

Dẫu vậy, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho rằng, những "cơn gió thuận chiều" của nửa cuối năm nay sẽ là nền tảng vững chắc, mang lại những tăng trưởng đột phá cho doanh nghiệp năm 2024.

Không chỉ ghi nhận doanh thu cao, biên lợi nhuận gộp của Masan cũng duy trì ở mức tích cực khoảng 25-30%. Chỉ số này trong 6 tháng đầu năm đạt 27,8%.

Tính đến ngày 30/6, Masan ghi nhận tổng tài sản 140.858 tỷ đồng (khoảng 5,6 tỷ USD). Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trong khoảng 32,6%. Tài sản dài hạn là 67,4%.

Thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở mức 2,86 lần. Cuối quý II vừa qua giảm nhẹ còn 2,75 lần.

Đòn bẩy tài chính cao khiến chi phí tài chính ăn mòn đáng kể lợi nhuận doanh nghiệp. Cụ thể, nửa đầu năm nay, lỗ từ hoạt động tài chính lên tới 2.789 tỷ đồng. Năm 2022, hoạt động này cũng ghi nhận lỗ 3.786 tỷ đồng.

Năm 2022, tỷ suất lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu (ROE) của Masan đạt mức 12%. Tỷ suất lợi nhuận so với tổng tài sản (ROA) đạt mức 3,6%. Mức tỷ suất này được xem là tích cực với một tập đoàn có quy mô lớn hàng đầu như Masan.

Bán mì gói, nước mắm số 1 Việt Nam, Tập đoàn Masan đang kiếm tiền ra sao? - 1