DBiz

3 đại gia Gia Lai "vượt ngàn chông gai"

Khổng Chiêm
3 đại gia Gia Lai "vượt ngàn chông gai"

(Dân trí) - Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai và Đức Long Gia Lai đều có kết quả kinh doanh được cải thiện trong năm 2024. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại phải đối mặt với thách thức khác nhau.

Nỗ lực cải thiện lợi nhuận

Trên sàn chứng khoán, 3 doanh nghiệp từ phố núi Gia Lai có tên tuổi lừng lẫy, được nhiều người biết đến gồm Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG), Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG).

Nếu như Hoàng Anh Gia Lai gắn liền với tên tuổi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) thì Quốc Cường Gia Lai có bà Nguyễn Thị Như Loan, Đức Long Gia Lai có ông Bùi Pháp.

Trong năm 2024, trải qua nhiều biến động, cả 3 doanh nghiệp này đều đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng ghi nhận.

Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai có sự cải thiện từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là bán trái cây và bàn giao dự án. Công ty của bầu Đức có doanh thu từ trái cây tăng 40% trong năm 2024, đạt gần 4.244 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các mảng kinh doanh khác suy giảm nên cả năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu thuần hơn 5.693 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hơn 1.056 tỷ đồng, giảm 41%. Dù lãi giảm nhưng đây là năm thứ 3 liên tiếp, Hoàng Anh Gia Lai đã đạt mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.

Còn Quốc Cường Gia Lai có năm 2024 với doanh thu thuần hơn 729 tỷ đồng, tăng 69% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế gần 72 tỷ đồng, gấp 24 lần. Riêng quý IV/2024, kết quả kinh doanh tăng mạnh do doanh nghiệp có bàn giao căn hộ bất động sản.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai lãi gần 125 tỷ đồng vào quý IV/2024 trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 150 tỷ đồng. Lãi đột biến do công ty ghi nhận lợi nhuận khác gần 307 tỷ đồng từ việc công ty mẹ tất toán nợ gốc và được ngân hàng miễn giảm lãi vay. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính ghi nhận doanh thu giảm 37%.

Nhờ vậy, cả năm 2024, Đức Long Gia Lai lãi hơn 250 tỷ đồng, ngắt mạch thua lỗ của 2 năm liền trước đó (2022-2023).

Lỗ lũy kế, nợ nần

Mặc dù nỗ lực cải thiện lợi nhuận nhưng các đại gia Gia Lai vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn tài chính khác nhau, trong đó có lỗ lũy kế và áp lực trả nợ.

Tính đến cuối năm 2024, Đức Long Gia Lai đã lỗ lũy kế hơn 2.453 tỷ đồng. Thua lỗ triền miên cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu DLG bị đưa vào diện kiểm soát từ tháng 4/2024. Ngoài ra, công ty đứng trước nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc trong trường hợp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Hoàng Anh Gia Lai. Đến cuối năm 2024, doanh nghiệp còn lỗ lũy kế gần 426 tỷ đồng và chưa thể hoàn thành mục tiêu xóa lỗ lũy kế trong năm nay như bầu Đức đã đưa ra.

Cũng vì lỗ lũy kế nên cổ phiếu HAG vẫn trong diện chứng khoán bị cảnh báo, theo lần cập nhật gần nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) hồi tháng 10/2024. Bầu Đức cũng thừa nhận lỗ lũy kế là rào cản giữa tập đoàn với nhiều quỹ lớn, nhà đầu tư tổ chức. Chỉ cần Hoàng Anh Gia Lai hết lỗ lũy kế, họ sẽ đầu tư.

Đồng thời, Hoàng Anh Gia Lai vẫn đối mặt với tình trạng nợ nần. Tại ngày 31/12/2024, tập đoàn còn nợ vay tài chính 7.002 tỷ đồng nhưng áp lực trả nợ vẫn "căng" khi nợ vay tài chính ngắn hạn chiếm đến 82%. Riêng khoản nợ trái phiếu với BIDV còn ghi nhận gần 3.090 tỷ đồng, bao gồm 1.918 tỷ đồng đến hạn trả trong vòng một năm.

Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai còn đối mặt với tình trạng nợ ngắn hạn vẫn vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn. Điều này đơn vị kiểm toán đã được nêu ý kiến nhấn mạnh trong một số báo cáo tài chính kiểm toán gần đây. Theo đó, tài sản ngắn hạn của tập đoàn tại ngày cuối năm 2024 là 7.495 tỷ đồng, thấp hơn 3.601 tỷ đồng so với nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn đã tăng 14% trong năm qua, lên gần 11.096 tỷ đồng.

Nhiều vấn đề chờ giải quyết

Trong năm 2024, Quốc Cường Gia Lai trải qua biến cố lớn với cựu Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan. Sau đó, con trai bà Loan là ông Nguyễn Quốc Cường đã thay mẹ ngồi "ghế nóng". Trải qua 2 quý cuối năm 2024, tân Tổng giám đốc đã góp phần đưa hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai được bình thường trở lại, như lời hứa của ông Cường trước cổ đông.

Doanh nghiệp đã nỗ lực gia tăng lợi nhuận, tăng lượng tiền mặt, giảm hàng tồn kho, đưa dòng tiền kinh doanh về mức dương... Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai vẫn còn phải thu xếp rất nhiều với khoản tiền phải trả 2.882 tỷ đồng cho đối tác liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tại ngày 31/12/2024, khoản nợ này vẫn còn y nguyên trên báo cáo tài chính. Bản thân ông Cường và dàn lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai cần đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa để xử lý khoản nợ này.

Với Hoàng Anh Gia Lai, bầu Đức nhiều lần khẳng định muốn xóa lũy kế, hết nợ nần và đầu tư mạnh mẽ cho mảng trái cây. Các chỉ số tài chính đang dần được cải thiện, năm 2024 còn lỗ lũy kế gần 426 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn có thể cần thêm ít nhất một năm nữa để đạt được mục tiêu xóa lỗ lũy kế đã đeo đẳng nhiều năm.

Tại ngày 31/12/2024, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư hơn 5.010 tỷ đồng cho chi phí xây dựng cơ bản dở dang và hầu hết đều phục vụ cho nông nghiệp. Trong đó, chi phí phát triển vườn cây ăn quả lớn nhất, đạt 3.931 tỷ đồng. Trong một văn bản mới nhất, Hoàng Anh Gia Lai cho biết vẫn đang tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm chủ đạo là chuối, sầu riêng và heo.