DNews

Từ thanh niên làm phụ hồ tới thạc sĩ trường đại học top 12 thế giới

Bích Ngọc

(Dân trí) - Đan Tiểu Long sinh ra trong một gia đình nghèo ở Ninh Hạ, Trung Quốc. Anh đã làm phụ hồ từ thời trung học. Ngày nhận giấy báo đỗ Đại học Thanh Hoa, Tiểu Long đang bê gạch trên công trường.

Từ thanh niên làm phụ hồ tới thạc sĩ trường đại học top 12 thế giới

Nhận giấy báo đỗ đại học danh tiếng khi đang làm phụ hồ

Đan Tiểu Long sinh năm 2000 tại một ngôi làng nghèo nằm ở huyện Tây Cát, thành phố Cố Nguyên, tỉnh Ninh Hạ, Trung Quốc. Cách đây 6 năm, Đan Tiểu Long nhận được tin báo đỗ Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh tiếng hàng đầu Trung Quốc và thuộc top 12 thế giới, khi cậu đang bê gạch trên công trường xây dựng.

Khi ấy, câu chuyện về cậu bé nghèo hiếu học đã gây sốt đối với công chúng Trung Quốc. Dù cuộc sống gia đình khó khăn, bản thân không thể chuyên tâm dành thời gian cho việc học, nhưng Đan Tiểu Long vẫn học giỏi và thi đỗ điểm cao trong kỳ thi đại học. Cậu trúng tuyển vào khoa Kỹ thuật Điện tử của Đại học Thanh Hoa với số điểm 676/750.

Trước khi chính thức nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, Tiểu Long không chủ động tra cứu điểm số của bản thân, bởi cả gia đình cậu chỉ có một chiếc điện thoại "cục gạch" dùng để nghe gọi, không thể vào mạng Internet.

Tiểu Long không thể tra cứu điểm thi của bản thân nhưng cậu cũng biết trước khả năng thi đỗ của mình và ngay lập tức chuyên tâm làm... phụ hồ trong những ngày chờ kết quả.

Từ thanh niên làm phụ hồ tới thạc sĩ trường đại học top 12 thế giới - 1
Từ thanh niên làm phụ hồ tới thạc sĩ trường đại học top 12 thế giới - 2

Đan Tiểu Long làm việc trên công trường xây dựng trước khi nhập học tại Đại học Thanh Hoa (Ảnh: China Daily).

Cha của Tiểu Long từng là lao động chính trong nhà, nhưng sau khi gặp phải một tai nạn lao động khiến ông bị chấn thương nặng ở lưng, ông không thể làm công việc nặng nhọc được nữa. Mẹ của Tiểu Long bị bệnh về mắt khiến thị lực suy giảm nặng. Cuộc sống gia đình Tiểu Long luôn trong cảnh khó khăn, túng thiếu.

Hiểu hoàn cảnh gia đình mình, Tiểu Long vừa cố gắng học tập, vừa chăm chỉ làm thêm kiếm tiền. Trong giai đoạn nghỉ hè, cậu nam sinh trung học luôn miệt mài làm phụ hồ tại các công trình xây dựng tại địa phương.

Khi nhận được tin báo đỗ đại học, thoạt tiên Đan Tiểu Long bàn với gia đình rằng cậu sẽ không nhập học, bởi cuộc sống tại Bắc Kinh rất đắt đỏ, gia đình sẽ không đủ sức hỗ trợ. Cậu cũng không chắc mình có thể vừa theo học, vừa đi làm thêm để tự chu cấp cho bản thân.

Dù vậy, ngay khi biết tại địa phương có một nam sinh hoàn cảnh khó khăn nhưng đỗ vào đại học top đầu Trung Quốc, nhà chức trách địa phương đã có những sự động viên, hỗ trợ kịp thời. Phía trường đại học khi nắm được thông tin cũng chủ động áp dụng chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí đối với Tiểu Long.

Khi câu chuyện về Tiểu Long được nhiều tờ tin tức đề cập, nhiều đơn vị và cá nhân hảo tâm đã chung tay hỗ trợ cậu thanh niên. Nhờ đó, Tiểu Long vững tâm tới Bắc Kinh nhập học và có thể chuyên tâm học tập.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự giữa lúc học đại học

Thực tế, trong giai đoạn gây sốt và nhận trả lời phỏng vấn ngay sau khi thi đỗ Đại học Thanh Hoa, Tiểu Long từng gây tranh cãi trái chiều khi thẳng thắn chia sẻ: "Theo em, đề thi đại học khá dễ". Sau đó, cậu đã vấp phải một số chỉ trích vì bị cho là có thái độ thiếu khiêm tốn trong cách trả lời phỏng vấn.

Trong những năm đầu học đại học, Tiểu Long phải làm quen với biệt danh "chàng trai bê gạch", "chàng trai cục gạch"... Khi ấy, Tiểu Long là sinh viên duy nhất trong khoa Kỹ thuật Điện tử vẫn dùng điện thoại "cục gạch". Đây là chiếc điện thoại duy nhất của gia đình cậu, được cha mẹ ưu ái chuyển giao cho cậu, khi Tiểu Long lên thành phố học đại học.

Dù được nhiều thầy cô và bạn bè quan tâm, giúp đỡ, nhưng Tiểu Long thừa nhận rằng, trong những năm đầu học đại học trên thành phố lớn, cậu vẫn thường tự ti, mặc cảm, khó hòa nhập với các bạn. Hoàn cảnh gia đình của Tiểu Long quá khác biệt so với số đông bạn bè. Hơn thế, tất cả bạn bè lại biết quá rõ về hoàn cảnh gia đình của Tiểu Long.

Vì vậy, cậu từng cảm thấy rất khó khăn và áp lực khi bản thân luôn thu hút sự quan tâm và mọi người biết quá rõ về mình.

Năm 2021, khi đang học năm thứ 3 đại học, Tiểu Long quyết định đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 2 năm. Cậu sinh viên nhìn nhận đây là một khoảng thời gian cần thiết để cân bằng lại trạng thái tâm lý, cách thức tư duy, nhằm giúp bản thân trưởng thành vững vàng.

Từ thanh niên làm phụ hồ tới thạc sĩ trường đại học top 12 thế giới - 3

Đan Tiểu Long trong giai đoạn thực hiện nghĩa vụ quân sự (Ảnh: China Daily).

Sau 2 năm rèn luyện trong môi trường quân đội, Tiểu Long quay lại trường đại học để hoàn tất việc học. Hiện tại, ở tuổi 24, Tiểu Long cho biết anh đã hiểu hơn về chính mình. Không còn những bối rối, hoang mang, anh cảm thấy bản thân đã có đủ bản lĩnh để tự tin bước đi trên con đường phía trước.

Vào ngày 30/6 năm nay, Tiểu Long đã hoàn tất việc học, chính thức tốt nghiệp đại học. Hiện tại, ở tuổi 24, Tiểu Long tiếp tục theo học chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo và nghiên cứu robot.

Câu chuyện về Đan Tiểu Long một lần nữa lại được các tờ tin tức Trung Quốc đề cập như một câu chuyện truyền cảm hứng.

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tiểu Long cho biết: "Trong lúc chờ thời gian trôi qua và thực hiện những việc quan trọng đối với bản thân, tôi đã hy vọng rằng những biệt danh từng gắn với mình, dù là tích cực hay tiêu cực, dần sẽ bị lãng quên. Câu chuyện về tôi dần sẽ trở thành bình thường, mọi người sẽ bớt quan tâm tới tôi, bớt đi những nhận xét, đánh giá".

Sự trưởng thành sau 6 năm tích cực học tập, rèn luyện

Đối với Tiểu Long, 4 năm học đại học và 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự giúp anh thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, Tiểu Long tự nhận thấy bản thân đã trở thành một thanh niên tự tin, mạnh mẽ, giàu nhiệt huyết.

Anh được xem như hình mẫu đại diện cho tinh thần nỗ lực bền bỉ đối với sinh viên tại Đại học Thanh Hoa. Thực tế, trong quá trình học tại ngôi trường quy tụ nhiều tài năng, Tiểu Long không phải sinh viên có kết quả học tập xuất sắc hàng đầu, nhưng anh luôn nỗ lực để có kết quả học tập tốt.

Trong 4 năm đại học, Tiểu Long đã được tham gia những chương trình trao đổi sinh viên, các dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học. Những trải nghiệm này đã nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu trong anh. Hiện tại, định hướng của Tiểu Long là học tới tiến sĩ và theo đuổi việc nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ về năng lực tài chính cá nhân hiện tại, Tiểu Long cho biết, anh giờ đã có thể tự tin theo đuổi việc học tập, nghiên cứu. Gia đình anh cũng đã thoát nghèo từ lâu, vì vậy, anh yên tâm sống với đam mê của mình.

Từ thanh niên làm phụ hồ tới thạc sĩ trường đại học top 12 thế giới - 4
Từ thanh niên làm phụ hồ tới thạc sĩ trường đại học top 12 thế giới - 5

Đan Tiểu Long đã tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và đang học tiếp lên thạc sĩ (Ảnh: China Daily).

Sau khi hoàn tất nghĩa vụ quân sự, Tiểu Long ngay lập tức quay lại trường hoàn tất việc học. Lúc này, anh đảm nhận thêm vai trò chuyên viên tư vấn cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Đại học Thanh Hoa. Anh tư vấn để giúp các sinh viên này sớm có được tâm lý vững vàng, nhanh chóng nắm bắt cơ hội để thành công trong việc theo đuổi ước mơ.

Tiểu Long thường nhắn nhủ với các sinh viên trong quá trình tư vấn rằng, việc trúng tuyển đại học chỉ là một dấu mốc trong cuộc đời. Điều quan trọng sau đó là phải biết nắm bắt thời gian và thời cơ để đạt được thành công. Điều này đòi hỏi các sinh viên phải biết nỗ lực học tập, khẳng định bản thân.

Những khi thu xếp được thời gian, Tiểu Long cũng trở về quê nhà, tham gia những cuộc gặp gỡ với các học sinh, sinh viên tại địa phương để chia sẻ kinh nghiệm học tập, trải nghiệm sống với thế hệ đàn em. Anh hy vọng vùng quê nghèo sẽ ngày càng có nhiều thanh niên tự tin theo đuổi con đường học vấn.

Trong lá thư vừa gửi tới một nhà hảo tâm đã bền bỉ tài trợ học phí cho anh trong suốt những năm tháng đại học, Đan Tiểu Long viết: "Những năm tháng học tập và rèn luyện tại Đại học Thanh Hoa đã giúp tôi được mở mang tầm mắt, để tôi được biết đến một thế giới rộng lớn hơn rất nhiều những gì tôi từng có thể hình dung được, khi còn sống trong một ngôi làng nhỏ tại huyện Tây Cát...".

Theo China Daily