Cô gái khiếm thính vượt gian khổ giành bằng tiến sĩ ĐH Thanh Hoa danh giá
(Dân trí) - Giang Mộng Nam là tấm gương nghị lực nổi tiếng tại Trung Quốc. Bị khiếm thính từ nhỏ sau một biến cố sức khỏe, Mộng Nam đã vượt lên mọi khó khăn để có bằng tiến sĩ của Đại học Thanh Hoa.
Biến cố cướp đi thính lực
Giang Mộng Nam sinh năm 1992 tại một ngôi làng hẻo lánh của huyện Nghi Chương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Lúc 6 tháng tuổi, Mộng Nam bị mất thính lực vì tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị viêm phổi. Cha mẹ của Mộng Nam đều là giáo viên. Biến cố xảy đến với con gái từng khiến họ vô cùng đau khổ.
Khi Mộng Nam lớn lên, cha mẹ cô dạy con gái cách nhìn chuyển động môi của người nói để đoán biết nội dung đối phương đang nói, thậm chí, họ còn dạy con gái học nói. Quá trình này diễn ra rất khó khăn nhưng đưa lại kết quả ấn tượng. Mộng Nam dù bị khiếm thính nhưng vẫn hiểu người khác nói gì và có thể đối thoại.
Ban đầu, sau khi Mộng Nam bị mất thính lực, các bác sĩ khuyên gia đình nên cho cô bé sớm đi học ngôn ngữ ký hiệu. Khi cô đến tuổi đi học, ban giám hiệu các trường cũng khuyên gia đình nên cho cô theo học ở trường dành cho học sinh câm điếc. Dù vậy, cha mẹ Mộng Nam không bỏ cuộc, họ hy vọng con gái có thể hòa nhập và sống như một người bình thường.
Quá trình dạy Mộng Nam cách "nhìn môi, đoán ý", cũng như việc dạy cô nói, là một quá trình rất vất vả đối với cha mẹ Mộng Nam. Họ kiên nhẫn, nỗ lực và sáng tạo, tự nghĩ ra nhiều phương pháp thử nghiệm để giúp con gái hòa nhập vào cuộc sống như một người bình thường.
Thực tế, Mộng Nam phát âm "lơ lớ" như một người nước ngoài. Dù vậy, việc cô có thể giao tiếp bằng lời với người xung quanh khiến cha mẹ cô rất hạnh phúc. Sau này, nhìn lại tuổi thơ của mình, Mộng Nam biết ơn cha mẹ vì họ đã nỗ lực giúp cô sống như một người bình thường. Chính điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho Mộng Nam về sau.
Giang Mộng Nam bị mất thính lực từ lúc 6 tháng tuổi (Ảnh: Tsinghua).
Khi con gái đến tuổi đi học, cha mẹ Mộng Nam phải rất vất vả mới có thể xin học cho con bởi các trường đều không muốn nhận cô bé. Nhiều giáo viên cho rằng Mộng Nam sẽ không thể hòa nhập ở trường học, cô bé cần phải đi học ở trường dành cho học sinh câm điếc.
Sau cùng, khi Mộng Nam được một trường tiểu học đón nhận, cô bé đã học tập rất chăm chỉ, có kết quả học tập thuộc nhóm đứng đầu lớp. Khi đi học, Mộng Nam luôn được xếp ngồi bàn đầu để có thể nhìn chuyển động môi của giáo viên và nắm bắt được các kiến thức của buổi học.
Từ năm 12 tuổi, cô và cha mẹ đã thống nhất để cô theo học ở trường nội trú. Điều này nhằm giúp Mộng Nam gia tăng khả năng sống độc lập và phải bằng mọi cách hòa nhập được với những người xung quanh.
Trong những năm tháng đại học, mỗi tối trước khi đi ngủ, Mộng Nam đều nắm chiếc điện thoại đặt chế độ rung trong tay. Sáng hôm sau, khi chiếc điện thoại báo thức rung lên, cô sẽ chủ động dậy đúng giờ. Xuyên suốt giấc ngủ, tay cô vẫn nắm lấy chiếc điện thoại không rời. Trong suốt những năm tháng đi học, Mộng Nam chưa bao giờ muộn học.
Cô luôn được thầy cô, bạn bè yêu quý và hỗ trợ. Mộng Nam còn được xem là hoa khôi của khoa trong những năm tháng học đại học. Cô có diện mạo ưa nhìn, lại biết cách trang điểm và phối đồ.
Mộng Nam cho biết cô rất yêu cái đẹp, thích trang điểm và được bạn bè nhận xét là có gu thẩm mỹ tốt. Các bạn trong ký túc xá thường nhờ cô tư vấn cách trang điểm và chọn mua đồ. Mộng Nam còn luôn chăm chỉ tập luyện thể thao để có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt.
Thành tích học tập ấn tượng
Trong kỳ thi đại học, Giang Mộng Nam thi đỗ khoa dược của trường Đại học Cát Lâm, ngôi trường danh tiếng hàng đầu ở vùng đông bắc Trung Quốc. Sau đó, cô tiếp tục học thạc sĩ ngành dược tại ngôi trường này.
Thực tế, không phải lúc nào Mộng Nam cũng có thể vượt qua mọi khó khăn trong quá trình học tập. Chẳng hạn, khi đi thi đại học, cô phải từ bỏ ngành y và ước mơ trở thành một bác sĩ, bởi cô biết trong quá trình làm việc tại các bệnh viện, các bác sĩ luôn đeo khẩu trang. Điều này sẽ khiến cô gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực tập và làm việc sau này.
Vượt qua mọi khó khăn, Giang Mộng Nam quyết tâm theo đuổi con đường học vấn (Ảnh: Tsinghua).
Ngay cả khi theo học ngành dược, Mộng Nam cũng thường gặp khó trong các buổi thí nghiệm, bởi cô không thể nhanh chóng nắm bắt các yêu cầu của giáo viên. Khi diễn ra các buổi hội thảo khoa học tổ chức ở hội trường lớn, vì không thể ngồi gần và quan sát môi của diễn giả, nên Mộng Nam cũng phải chấp nhận bỏ lỡ nhiều hội thảo thú vị và hữu ích.
Năm 2018, Mộng Nam bắt đầu theo học tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh tiếng hàng đầu Trung Quốc. Cô theo đuổi chuyên ngành miễn dịch ung thư và học máy (một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo).
Năm 2021, Mộng Nam còn được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đưa vào danh sách 10 nhân vật truyền cảm hứng của năm.
Chia sẻ về định hướng trong tương lai, Mộng Nam cho biết cô muốn theo đuổi con đường nghiên cứu và trở thành một giảng viên đại học.
Bí quyết để Mộng Nam không ngừng tiến bước trong cuộc sống, đó là cô không bao giờ nghĩ về bản thân như một người yếu thế. Cô tâm sự: "Tôi thường nói với các thầy cô trực tiếp dạy tôi qua các bậc học rằng đừng giảm tiêu chuẩn đối với tôi, chỉ vì tôi có vấn đề thính giác.
Đôi khi, tôi cảm thấy ái ngại khi được thầy cô, bạn bè dành cho nhiều lời khen ngợi. Tôi chỉ mong mọi người nhìn nhận tôi giống như những người bình thường khác và áp dụng cùng một chuẩn mực đối với tôi, không có sự biệt đãi nào".
Gặp bạn đời trên con đường học vấn
Tháng 5 năm nay, ở tuổi 32, Mộng Nam đã tổ chức một hôn lễ giản dị tại quê nhà ở tỉnh Hồ Nam. Đến thời điểm này, tin vui của cô mới được truyền thông Trung Quốc biết đến. Mộng Nam không chia sẻ thông tin rộng rãi về chuyện kết hôn và muốn giữ kín thông tin của chồng trước giới truyền thông, để đảm bảo sự riêng tư cho công việc và cuộc sống của họ.
Giang Mộng Nam đã tổ chức hôn lễ giản dị, kín tiếng hồi mùa hè năm nay (Ảnh: Tsinghua).
Dù vậy, cô tiết lộ rằng cô đã quen với bạn đời khi hai người đang cùng học tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa. Thông tin về hôn lễ của Mộng Nam khiến cư dân mạng Trung Quốc rất phấn khích, nhiều người đã để lại những lời chúc phúc cho cô trên tài khoản mạng xã hội.
Cách đây ít lâu, Mộng Nam đã tiến hành cấy ghép ốc tai. Hiện tại, cô đã có thể nghe được sau hơn hai thập kỷ sống trong sự im lặng tuyệt đối. Khi mới được cấy ghép ốc tai, Mộng Nam cũng phải dành thời gian để luyện nghe, bởi cô không thể khớp được những âm thanh nghe thấy và ý nghĩa của ngôn từ.
Cho tới bây giờ, Mộng Nam vẫn đều đặn dành ra 1-2 tiếng mỗi ngày để luyện nghe và luyện nói. Cô muốn phản ứng nhanh hơn trước những gì nghe thấy và phát âm chuẩn hơn để có cơ hội trở thành một giảng viên.
Theo SCMP/Tsinghua