DNews

Đời bi kịch của thần đồng toán học: Mất cả tương lai vì đam mê sai cách

Bích Ngọc

(Dân trí) - Lưu Hán Thanh từng được xem là thần đồng toán học tại Trung Quốc khi đậu đại học từ năm 16 tuổi. Cả cuộc đời, ông dành niềm đam mê lớn cho toán học, nhưng thất bại ê chề vì đam mê sai cách.

Đời bi kịch của thần đồng toán học: Mất cả tương lai vì đam mê sai cách

Lưu Hán Thanh mong muốn trở thành một nhà toán học nổi tiếng. Thần tượng của ông là nhà toán học người Trung Quốc - Trần Cảnh Nhuận (1933-1996).

Dù vậy, cuộc đời Lưu Hán Thanh trải qua sự tuột dốc không ngờ. Từ một sinh viên đầy tiềm năng, cậu thiếu niên Hán Thanh buộc phải dừng việc học đại học, về quê nhà tập trung nghiên cứu toán học. Chuyện gì đã xảy ra với thần đồng toán học?

Ám ảnh vì toán học

Lưu Hán Thanh sinh năm 1964 tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Gia đình Lưu rất nghèo nhưng biết con trai có năng lực học tập thiên phú, họ sẵn sàng dồn mọi nguồn lực cho việc học của con. Ngay từ nhỏ, Lưu Hán Thanh đã thể hiện niềm đam mê dành cho toán học.

Năm 11 tuổi, Lưu Hán Thanh đã tự học và nắm được những kiến thức toán vượt xa những gì đang được dạy ở trường. Năm 1980, ở tuổi 16, Lưu Hán Thanh đã hoàn thành chương trình phổ thông và tham gia kỳ thi đại học. Cậu thiếu niên đỗ vào Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân, theo học chuyên ngành khoa học vật liệu. Lưu Hán Thanh trở thành niềm tự hào của cả làng.

Mọi người tin rằng tương lai rực rỡ đang chờ đợi Lưu Hán Thanh, nhưng trong những năm tháng học đại học, Lưu Hán Thanh dồn cả thời gian và sức lực cho niềm đam mê toán học, không quan tâm tới những môn học khác trong chương trình đào tạo.

Thầy cô và bạn bè ở trường đều tìm cách khuyên nhủ Lưu Hán Thanh phân bổ lại thời gian học tập để cải thiện kết quả thi cử, nhưng Hán Thanh không nghe.

Cậu thiếu niên tin rằng mình có thể vượt qua các kỳ thi bằng trí tuệ vượt trội, những gì người khác mất nhiều thời gian mới nắm được, Hán Thanh tự tin mình có thể nhanh chóng nắm vững trong thời gian ngắn. Dù vậy, thực tế không như Hán Thanh hình dung, cậu đã thi trượt nhiều môn trong chương trình đào tạo.

Dù kết quả học tập rất đáng lo ngại, nhưng Hán Thanh quyết không thay đổi, tiếp tục bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ của bạn bè, những lời cảnh báo của thầy cô. Sau cùng, Hán Thanh không đủ điều kiện tiếp tục theo học ở trường.

Vốn bắt đầu việc học đại học sớm 2 năm, nhưng sau cùng, Hán Thanh lại phải dừng việc học vì không đáp ứng được các tiêu chí về điểm số. Trở về quê nhà, Hán Thanh vẫn quyết định chỉ tập trung học toán.

Đời bi kịch của thần đồng toán học: Mất cả tương lai vì đam mê sai cách - 1
Đời bi kịch của thần đồng toán học: Mất cả tương lai vì đam mê sai cách - 2
Đời bi kịch của thần đồng toán học: Mất cả tương lai vì đam mê sai cách - 3
Đời bi kịch của thần đồng toán học: Mất cả tương lai vì đam mê sai cách - 4

Cuộc sống của Lưu Hán Thanh hiện vẫn thu hút sự quan tâm của truyền thông và công chúng Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

"Mặc kệ" tương lai

Khi trở về quê nhà sống với cha mẹ, Lưu Hán Thanh càng bị ám ảnh bởi toán học. Cậu thanh niên học toán đêm ngày, sống trong một thế giới riêng, không màng tới xung quanh. Cha mẹ Hán Thanh bắt đầu lo lắng cho tình trạng thể chất và tinh thần của cậu con trai độc nhất.

Những người trong làng cũng nhìn ra sự bất ổn và khuyên Hán Thanh nên tìm một công việc nào đó để cân bằng lại cuộc sống, giúp đỡ gia đình. Người trong làng cố gắng phân tích cho cậu hiểu rằng gia đình cậu vẫn rất khó khăn, cha mẹ cũng không thể mãi gánh vác mọi chuyện thay cậu.

Dù biết gia cảnh khá chật vật, Hán Thanh vẫn chỉ muốn theo đuổi đam mê của riêng mình, không để tâm tới những lời khuyên can. Dần dần, không ai còn can thiệp vào chuyện của Lưu Hán Thanh nữa.

Cứ thế, Hán Thanh vùi mình trong việc tự học, tự nghiên cứu toán học trong suốt hàng chục năm. Cho tới hôm nay, cuộc sống của Lưu Hán Thanh vẫn thu hút sự quan tâm của truyền thông và công chúng xứ tỷ dân, bởi đây là câu chuyện cho thấy sự chệch hướng quá cay đắng của một cá nhân vốn được đánh giá là thuộc nhóm thần đồng.

Trong những thập kỷ qua, Lưu Hán Thanh thực hiện vô số bài báo khoa học xoay quanh các đề tài toán học, nhưng không có bài nào được đăng tải, bởi giới chuyên môn nhìn nhận những nội dung do Hán Thanh trình bày có những lỗ hổng kiến thức, thiếu tính chính xác.

Quá trình tự học của Hán Thanh không có sự hướng dẫn, ông không có cơ hội để tự so sánh, đối chiếu, nhìn nhận lại những hiểu biết của bản thân, xem đã chính xác chưa.

Đứng trước thực tế cay đắng, khi toàn bộ quá trình tự học, tự nghiên cứu của bản thân không đưa lại một kết quả nào, Lưu Hán Thanh dần tỉnh ngộ và sống thực tế hơn.

Ở tuổi ngoài 50, Hán Thanh mới bắt đầu nghĩ tới việc đi làm để có cuộc sống độc lập về mặt tài chính. Ông thử vào làm tại một nhà máy, nhưng sau hàng thập kỷ sống biệt lập và chìm đắm trong thế giới riêng, Lưu Hán Thanh bỡ ngỡ trước công việc trong nhà máy và cuộc sống ngoài xã hội. Ông không thể thích nghi nên đã nhanh chóng nghỉ việc.

Hán Thanh lại trở về sống dựa vào cha mẹ già và 400 tệ (gần 1,5 triệu đồng) tiền hỗ trợ hằng tháng của nhà chức trách địa phương dành cho hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những bạn học cũ biết được tình trạng của Hán Thanh cũng thường qua lại giúp đỡ cha mẹ ông.

Cuộc sống của gia đình họ Lưu không có gì thay đổi trong suốt những thập kỷ qua, nếu không muốn nói là còn trở nên đáng buồn hơn. Từ những kỳ vọng ban đầu dành cho cậu con trai thần đồng, giờ đây, cha mẹ Lưu Hán Thanh đành chấp nhận rằng con họ sẽ vĩnh viễn không thể thay đổi, họ sẽ phải "gánh" con cho tới chừng nào có thể.

Theo Ziyaren/Baijiahao