(Dân trí) - Từ tranh luận giờ vào học, hàng loạt trường tại TPHCM đã lùi giờ vào lớp để học sinh có thêm thời gian buổi sáng. Với các trường chưa thể thực hiện, Sở GD&ĐT nói gì?
Học sinh TPHCM vào học trễ hơn: Nơi làm, nơi kẹt
(Dân trí) Từ tranh luận giờ vào học của học sinh, hàng loạt trường học tại TPHCM đã có sự điều chỉnh. Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tiếp tục nghiên cứu và có những hướng dẫn cho các địa phương, các trường về thời gian vào học.
Sau bài viết con dậy từ sớm để đi học và nỗi lòng chiếc bánh thiu trong cặp , các chuyên gia giáo dục và sức khỏe đã có bài phân tích và đưa ra những hệ lụy trẻ có thể mắc phải , Sở GD&ĐT TPHCM đã lên tiếng về thực trạng trên.
"Theo tôi, bậc tiểu học nên ở khung 7h15-7h30, bậc trung học có thể 7h-7h15 là hợp lý", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nêu quan điểm.
8 trường tiểu học đồng loạt lùi giờ học
Từ ngày 24/10, hàng loạt trường tiểu học ở quận 12, TPHCM như trường Nguyễn Văn Thệ, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thừa... đã lùi giờ vào học thêm 15-30 phút.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, thực hiện theo chủ trương của thành phố và Sở GD&ĐT TPHCM, 8 trường tiểu học trên địa bàn đã điều chỉnh lùi giờ học. Một số trường khác đang tham khảo ý kiến phụ huynh để có sự điều chỉnh.
Theo ghi nhận ban đầu, các trường triển khai lùi giờ học tại quận 12 được nhiều phụ huynh đồng tình. Tuy nhiên, ông Hùng cho hay, do các trường mới triển khai nên chưa thể đánh giá chính xác từ việc điều chỉnh.
Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 bày tỏ, việc điều chỉnh ở bậc tiểu học thuận lợi hơn khi số tiết của học sinh ít. Với bậc THCS sẽ khó khăn hơn vì áp lực chương trình nên chưa có bất cứ trường nào lùi lại giờ học so với hiện tại.
"Nếu bậc THCS lùi giờ học thì thời gian điều chỉnh cũng sẽ rất ít, khó "nới" được như ở bậc tiểu học", ông Hùng nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Bà Mai Việt Hân, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Thệ, quận 12 cho biết, trường vừa điều chỉnh giờ học của học sinh khối 4,5. Theo đó, học sinh sẽ học lúc 7h15 và bắt đầu tiết một lúc 7h20 cùng giờ với khối lớp 1.
Sau hai ngày vào học trễ hơn trước đây, theo nhà trường, phụ huynh rất phấn khởi khi mỗi sáng, họ sẽ bớt vội vàng trong việc đưa con, có thêm thời gian cho con ăn sáng. Do thời gian điều chỉnh không đáng kể nên không ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của trường.
Tại TPHCM, thông thường thời gian vào học của học sinh các khu vực quanh khu công nghiệp, khu chế xuất, thời gian vào học thường sớm hơn so với khu vực trung tâm tập trung dân công sở, văn phòng. Điều này tùy vào đặc thù của địa bàn, thời gian làm việc của số đông phụ huynh.
Nằm ngay giữa trung tâm quận 1, Trường THCS Nguyễn Du vẫn áp dụng giờ học lúc 7h. Nói về việc lùi giờ học, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, hiện trường vẫn còn 4 lớp học chương trình 1 buổi/ngày và phải đảm bảo cho học sinh 5 tiết/ngày.
Sắp tới, nhà trường sẽ lấy ý kiến của phụ huynh để điều chỉnh vào học kỳ 2 năm nay. Đến năm học 2023-2024, khi không còn lớp 1 buổi, trường sẽ điều chỉnh giờ vào học là 7h30.
Theo quản lý các trường, lùi giờ học không phải chỉ cần lùi 15-30 phút là xong. Việc điều chỉnh giờ học ảnh hưởng trực tiếp đến giờ làm việc của bố mẹ và cả lưu thông giao thông ở thành phố hơn 10 triệu dân.
Một hiệu trưởng ở TP Thủ Đức nêu quan điểm, giờ vào học của các trường còn phải tùy đặc điểm của từng địa bàn. Không phải địa bàn nào, trường nào cũng có thể lùi giờ học vì còn liên quan trực tiếp đến giờ làm việc của phụ huynh học sinh. Nhiều khu vực tập trung đông người lao động vào làm việc từ 7h-7h30, học sinh không thể vào trễ hơn giờ đó, nếu không sẽ rất khó khăn cho phụ huynh.
Giờ vào học tiện cho nhóm này thì sẽ bất tiện với nhóm khác, khó đáp ứng được nguyện vọng của từng người.
Tham khảo giờ vào học ở nhiều nước, vị hiệu trưởng cho rằng không thấy học sinh nước nào vào học sớm như học sinh Việt Nam.
Theo ông, việc điều chỉnh giờ học nếu thật sự cần thì trước mắt phải tính toán đến việc giảm tải chương trình, có sự hỗ trợ của hệ thống giao thông công cộng, điều chỉnh giờ làm việc ở nhiều khối ngành, xí nghiệp...
Các trường chủ động
Trước tranh cãi về giờ vào học ở TPHCM, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, Sở không quy định về giờ vào học và ra về của học sinh từ bậc mầm non đến THPT ở địa bàn.
Sở giao quyền chủ động và yêu cầu các địa phương, nhà trường căn cứ giờ vào học, ra về trên kế hoạch triển khai giảng dạy của nhà trường. Sở không ấn định giờ vào lớp, giờ ra về cùng một thời điểm để tránh ùn tắc giao thông.
Giờ vào học và giờ ra về của học sinh do các trường và các địa phương ấn định dựa trên cơ sở đảm bảo quy định chung, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Đồng thời, đảm bảo sức khỏe học sinh và hạn chế ảnh hưởng giao thông, phù hợp với thời gian làm việc của phụ huynh.
Lý giải về việc nhiều trường học sinh vào học sớm, ông Quốc cho rằng các trường phổ thông phải cân nhắc việc thực hiện kế hoạch giảng dạy cả hai chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và Giáo dục phổ thông 2018 với việc tổ chức học 1 buổi/ngày, 2 buổi/ngày. Ngoài ra, các trường còn có các loại hình như lớp 2 buổi/ngày có bán trú, lớp 2 buổi/ngày không có bán trú.
Theo ông Quốc, ngoài việc học trên lớp, các trường còn dựa vào các hoạt động giáo dục khác cũng như tính toán sao cho thuận tiện để phụ huynh đưa đón con...
Theo rà soát của Sở, hiện thành phố vẫn có một số trường tiểu học có thời gian vào học còn sớm. Tuy nhiên, rất nhiều trường tiểu học tại thành phố thực hiện giờ vào học lúc 7h30. Học sinh cần đến sớm hơn 5-15 phút để ổn định trước khi vào học.
"Theo tôi, bậc tiểu học nên ở khung 7h15-7h30, bậc trung học có thể 7h-7h15 là hợp lý", ông Quốc nêu quan điểm.
Về mặt quản lý, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tiếp tục nghiên cứu và có những hướng dẫn cho các địa phương, các trường về thời gian vào học. Giờ vào học của học sinh cần hài hòa các yếu tố đảm bảo sức khỏe học sinh, đảm bảo thời gian giảng dạy theo yêu cầu của chương trình, kế hoạch của nhà trường, hạn chế ùn tắc giao thông và thuận lợi cho việc đưa đón của phụ huynh.
Hoài Nam