(Dân trí) - Áp dụng giáo dục sớm để con có nền tảng phát triển vững chắc hay "cởi trói" cho con khỏi những gánh nặng bài vở để con có tuổi thơ đúng nghĩa vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi.
Áp dụng giáo dục sớm để con có nền tảng phát triển vững chắc hay "cởi trói" cho con khỏi những gánh nặng "bài vở", để con có tuổi thơ đúng nghĩa vẫn luôn là câu chuyện tranh luận chưa đến hồi kết.
Giáo dục sớm là phương pháp giáo dục được các bậc phụ huynh áp dụng vào việc nuôi dạy con trong giai đoạn từ sơ sinh đến 8 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển trí não đáng chú ý của trẻ và đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển của con trong tương lai.
UNESCO tin rằng: "Chăm sóc và giáo dục sớm có thể là nền tảng cho quá trình học tập suốt cuộc đời của trẻ. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà một quốc gia có thể thực hiện vì nó thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bình đẳng giới và gắn kết xã hội".
Trong giai đoạn phát triển vượt trội này đòi hỏi phải có phương pháp giáo dục đặc biệt để đảm bảo rằng trẻ học được các kỹ năng chính và đặt nền tảng cơ bản cho cuộc sống sau này.
Giáo dục sớm tập trung vào sự phát triển của trẻ, từ các kỹ năng xã hội, cảm xúc đến khả năng tính toán, đọc viết và tư duy phản biện để xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình học tập suốt đời.
Chị Trịnh My (31 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ về hành trình nuôi dạy con của mình: "Khoa học đã chỉ ra, 80% não bộ hình thành trong vòng 3 năm đầu đời. Nghĩa là từng giây, từng phút trong 3 năm đầu đời đó đều rất quan trọng. Tôi tin rằng giáo dục sớm là cần thiết và mang lại hiệu quả tích cực".
Vị phụ huynh trẻ kể rằng, chị đã tìm hiểu các phương pháp thai giáo, giáo dục con giai đoạn 0 - 6 tuổi ngay từ khi mang thai: "Thời gian đó tôi say sưa tìm hiểu các phương pháp giáo dục con hầu khắp các hội nhóm mạng xã hội và cả website giáo dục nước ngoài nữa. Khi con được 3 tháng tuổi, tôi bị ông bà nội Gấu (tên ở nhà của con trai chị My - PV) phản đối gay gắt việc cho con học qua các thẻ, rồi cho rằng tôi là bà mẹ độc đoán, đang "hành hạ" con.
Tôi có giải thích nhưng cũng vô nghĩa, mãi sau này khi nhìn thấy con vào khuôn khổ, vui vẻ trong những giờ "học" của mẹ thì ông bà mới nguôi ngoai. Mỗi buổi sáng thức dậy, Gấu sẽ có 15 phút để nghe nhạc có chọn lọc với âm lượng vừa phải. Sau khi ngủ giấc đầu tiên của ngày xong, con có quãng thời gian "học" với bảng chữ cái được mẹ in to, rõ nét và học cách cầm nắm các món đồ chơi phù hợp. Tương tự, buổi tối con có thời gian để quan sát các bức tranh phong cảnh, hoa quả… trước khi ăn cữ cuối ngày và đi ngủ.
Lịch sinh hoạt của con vẫn đảm bảo đủ thời gian ăn - ngủ - chơi, thế nên việc áp dụng các phương pháp giáo dục sớm không có gì là không tốt cả.
Khi con ngoài 1 tuổi, rất thích khám phá và thử nghiệm. Lúc này, cha mẹ cần hiểu tâm lý tò mò này của con, nếu không thì dễ dàng đánh đồng rằng con đang nghịch ngợm, thậm chí là ngăn cản hành động của con khiến con bất mãn".
Cho đến bây giờ, khi bé Gấu chuẩn bị vào lớp 1, chị My vẫn áp dụng các phương pháp giáo dục sớm và nhìn thấy hiệu quả. Theo đó: "Mục đích của việc giáo dục sớm không phải là ép con thành thần đồng hay áp lực học tập đè nặng lên vai con như mọi người lầm tưởng. Mình dựa vào khả năng, kỹ năng và mong muốn của chính bản thân con để có thể hỗ trợ con phát triển thôi. Nghĩa là bố mẹ định hướng, giúp con phát huy tố chất sẵn có. Với mình, giáo dục sớm không phải ép con thành đứa trẻ "chín ép" mà giúp con tự lập, tiến bộ hơn mỗi ngày", chị tâm sự thêm.
Sau một thời gian áp dụng phương pháp giáo dục sớm, chị My nhận thấy cậu con trai 5 tuổi phát triển khá toàn diện, từ tư duy ngôn ngữ, khả năng sáng tạo, tập trung và giải quyết vấn đề. Đặc biệt, bé Gấu luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng và biết cách biểu lộ cảm xúc của bản thân. Với chị My, chỉ cần như vậy cũng khiến chị cảm thấy mình đã giáo dục con đúng hướng.
Ngược lại với quan điểm giáo dục sớm là "cửa sổ vàng" mở ra tương lai tốt đẹp cho con trẻ, chị Phạm Thái (35 tuổi, Nam Định) cho rằng, nên trả về cho con một tuổi thơ đúng nghĩa chứ không phải để con "gồng gánh" kỳ vọng của cha mẹ.
"Cha mẹ cần để con phát triển một cách tự nhiên, đúng với lứa tuổi chứ không nên đẩy nhanh việc giáo dục ở một mặt nào đấy. Bởi như thế có thể sẽ hạn chế sự tiếp thu những điều khác ở độ tuổi của con.
Là một bà mẹ 3 con, tôi luôn hiểu rằng giáo dục là cả một quá trình lâu dài, không cần quá sớm mà cứ làm mọi thứ phù hợp với độ tuổi và nhận thức của con là được. Chúng ta e sợ những thực phẩm có chứa chất kích thích, làm nhanh quá trình sinh sôi nảy nở dẫn đến các bệnh nghiêm trọng. Vậy thì tại sao lại ép con "chín sớm" chỉ để thỏa mãn sự kỳ vọng của cha mẹ?
Đừng đánh đồng kỳ vọng của phụ huynh với nhu cầu của trẻ. Hai việc này là hoàn toàn khác nhau. Điều quan trọng nhất trong hành trình giáo dục một đứa trẻ trước hết là giúp con cảm thấy hạnh phúc. Cha mẹ trở thành tấm gương để con học hỏi, chứ không phải ép buộc, "đánh cắp" tuổi thơ của con".
Theo chị Thái, cha mẹ luôn đặt ra những kỳ vọng cho con, so sánh con mình với "con nhà người ta", sợ con thua kém bạn bè và muốn "nở mày nở mặt". Bởi thế, không quá khó hiểu khi nhiều vị phụ huynh lựa chọn cách dạy con biết đọc, biết viết trước khi con bắt đầu vào bậc tiểu học.
"Tôi giáo dục con theo hướng để con được khám phá dựa trên trí tưởng tượng của chính mình. Khi con còn bé, tôi quan sát và dựa trên nhu cầu của trẻ để có thể đưa con vào nếp sinh hoạt.
Tương tự, ngày học mẫu giáo, rồi lên cấp 1, tôi không đặt nặng vấn đề thành tích rồi ép con phải cày ngày cày đêm. Tôi muốn ngoài thời gian học, con sẽ có những khoảng thời gian được vui chơi, nghỉ ngơi và có một tuổi thơ đúng nghĩa", chị cho hay.
Thạc sĩ Nguyễn Diệp Hà - Chuyên viên Tham vấn Tâm lý học đường tại trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ rằng: "Qua một số câu chuyện gần đây được truyền thông đưa tin liên quan đến vấn đề "trẻ con có biết gì đâu" thì tôi nhận thấy giáo dục sớm cho con là điều hoàn toàn cần thiết. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha có câu "dạy con từ thuở còn thơ" đâu".
Với chị Hà, giáo dục sớm không đồng nghĩa là ép con mà tận dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, cha mẹ hỗ trợ để con phát triển tốt nhất theo khả năng của con.
Vị phụ huynh này đưa ra ví dụ, chị dùng thẻ thông tin Flashcard dạy con theo Glenn Doman (phương pháp giáo dục sớm áp dụng cho trẻ sơ sinh đến 6 tuổi với phương châm cha mẹ là người thầy đầu tiên của con - PV) từ khi con 5 tháng tuổi.
Chị Hà lưu ý, mấu chốt của phương pháp này chính là không dạy khi con đang cáu gắt, khó chịu hay mệt mỏi. Bởi với đứa trẻ, đây chỉ đơn thuần là trò chơi.
"Chồng tôi từng phản đối việc giáo dục sớm vì anh ấy cho rằng "học cả đời, sao phải tạo áp lực cho con sớm như vậy". Thực chất, người lớn cảm thấy áp lực với chuyện học vì điểm số, thành tích… còn với đứa trẻ, đây chỉ đơn thuần là trò chơi.
1000 ngày đầu đời là rất quan trọng với con cả về thể chất và tinh thần. Nuôi dạy được một em bé khỏe mạnh, thông minh, tự tin, vui vẻ là bàn đạp giúp con phát triển tốt để con thành công hơn trong tương lai.
Tất nhiên, các bậc cha mẹ cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng khi muốn áp dụng bất cứ phương pháp giáo dục sớm cho con, phù hợp với tính cách của từng đứa trẻ, giúp con vừa học vừa lớn chứ không phải là biến con thành đứa trẻ "chín ép".
Chẳng hạn như, khi con đã cáu gắt mà bố mẹ vẫn cố tình giơ cái thẻ lên và "con ơi, tập trung nào"... thì đó mới là ép con. Giáo dục sớm có rất nhiều phương pháp và mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn nếu phụ huynh biết cách áp dụng. Ví dụ như khi con ăn dặm, mẹ có thể chỉ cho con "cà rốt màu cam và có vị ngọt"...
Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu về Tâm lý học, tôi nhận thấy cha mẹ rất yêu thương con cái, nhưng cũng rất dễ làm tổn thương con cái qua những hành động đơn giản.
Hơn hết, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu về con, về tâm lý của con và về cách giáo dục con là cách mà chính cha mẹ có thể khắc phục được những yếu điểm của bản thân trong quá trình nuôi dạy con trưởng thành.
Cha mẹ dạy con bằng chính hành động hàng ngày, bằng cách chơi và học cùng con. Điều quan trọng hơn hết chính là cảm xúc của con, con cảm thấy vui vẻ và hứng thú khám phá cuộc sống.
Nội dung: Tuệ Nhi
Thiết kế: Tuấn Huy