"Đề nghị cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy văn hóa cấp THPT"
(Dân trí) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình đưa ra 3 đề nghị tới Bộ Giáo dục để việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh THCS đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo quyền lợi học sinh.
Theo báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), có khoảng 74% học sinh lớp 9 học tiếp lên THPT, còn lại 26% học sinh phân luồng.
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trung bình mỗi năm có khoảng gần 200 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN, đạt khoảng 14% nếu so với khoảng 1,4 triệu học sinh lớp 9 năm học 2022-2023.
Con số này còn cách xa mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị: "Đến 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp".
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình về thực trạng phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh bậc THCS hiện nay.
Nhiều người vẫn xem học nghề là dự phòng, không phải một lựa chọn đáng theo đuổi.
Thưa ông, hằng năm có bao nhiêu học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 lựa chọn vào học tại các cơ sở GDNN trên toàn quốc và tại Hà Nội? Có bao nhiêu học sinh bỏ học giữa chừng tính trong 5 năm qua?
- Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2016-2020, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN là 980.620 học sinh, chiếm khoảng 66.83% so với tổng số học sinh hệ trung cấp, tương ứng mỗi năm có khoảng trên 196.124 học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp. Riêng tại Hà Nội, năm học 2022-2023, toàn Thành phố có 129.210 học sinh dự thi xét tốt nghiệp THCS, thì số lượng tuyển vào TT GDNN- GDTX chiếm tỷ lệ 7,7%, số lượng tuyến vào các cơ sở GDNN chiếm tỷ lệ 13,4%.
Có một thực tế là, trong quá trình học nghề, học sinh có thể tìm kiếm được một công việc tạm thời phù hợp với chuyên môn và bảo lưu kết quả học tập để đi làm, sau đó quay lại học khi có điều kiện thuận lợi hoặc có thể chuyển sang học một ngành khác.
Do đặc thù của học nghề và sự đa dạng của các ngành, nghề, hiện chúng tôi chưa thống kê cụ thể số học sinh bỏ học trong các cơ sở GDNN trong 5 năm qua. Đối với riêng Hà Nội, chúng tôi cũng chưa tiến hành thống kê các con số này.
Với phần đa phụ huynh, lựa chọn học nghề thường là phương án cuối cùng khi không còn lựa chọn khác. Họ chưa nhìn thấy được lợi ích từ việc học nghề ở độ tuổi 14, 15. Ở góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN, ông đánh giá gì về nguyên nhân khiến hệ thống GDNN hiện tại chưa thu hút được người học?
- Về vấn đề này, theo tôi, có một số nguyên nhân chính như sau:
Một là định kiến xã hội, nhiều người vẫn coi GDNN là lựa chọn dự phòng, không phải là một lựa chọn đáng theo đuổi. Điều này có thể do lòng tin không đủ vào tiềm năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp mà GDNN có thể mang lại cho người học.
Hai là, chất lượng đào tạo còn có những hạn chế do thiếu đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy hiện đại, làm giảm hứng thú của người học.
Ba là, thiếu người làm công tác hướng nghiệp chuyên nghiệp trong các trường THCS, THPT. Do đó, tư vấn hướng nghiệp và truyền thông từ cấp THCS chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều người còn chưa hiểu về hệ thống GDNN, hoặc chưa đủ thông tin để đưa ra quyết định lựa chọn học văn hóa hay học nghề.
Bốn là, sự vào cuộc đồng bộ của các bên giáo dục và đào tạo trong công tác phối hợp, tạo điều kiện để học sinh cấp THCS được tiếp cận và trải nghiệm tại các cơ sở GDNN còn khó khăn; đồng thời chưa tạo cơ hội liên thông thuận tiện từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học.
Năm là, còn thiếu sự tương thích giữa đào tạo với nhu cầu thị trường lao động. Có sự chênh lệch giữa những kỹ năng được đào tạo và những kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại.
Để giải quyết các vấn đề này, hệ thống GDNN vẫn đang tiếp tục nỗ lực truyền thông, cung cấp sự hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp cho học sinh và người đi làm, tạo ra các phương pháp giảng dạy sáng tạo và thực hành, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đào tạo.
Đề xuất cho cơ sở GDNN được đào tạo các môn văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT
Một trong những thông tin mà học sinh, phụ huynh thiếu là có những ngành, nghề nào được đào tạo bậc trung cấp mà học sinh tốt nghiệp THCS có thể theo học và có việc làm ngay sau khi ra trường?
- Hiện có 897 ngành, nghề ở trình độ trung cấp mà học sinh tốt nghiệp THCS có thể theo học. Hầu hết đều là những ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, kinh doanh và quản lý, công nghệ kỹ thuật, sản xuất và chế biến, nông lâm nghiệp và thủy sản, du lịch và khách sạn, sức khỏe…
Học sinh lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường và đam mê của bản thân hoàn toàn có cơ hội gia nhập vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.
Học sinh lứa tuổi 14-15 thuộc độ tuổi trẻ em, chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và một số luật khác có liên quan trong đó có Luật Trẻ em. Những Luật này có gây khó khăn gì cho công tác GDNN, thưa ông?
- Việc hướng nghiệp, dạy nghề cho các em đã được các cơ sở GDNN thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để việc hướng nghiệp, phân luồng thực hiện tốt hơn và thu hút học sinh vào học nghề hơn, nhất là cho đối tượng tốt nghiệp THCS vào học GDNN, chúng tôi mong muốn các cơ sở GDNN đáp ứng các điều kiện đảm bảo giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT thì được tổ chức giảng dạy các môn văn hóa này tại trường, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh không phải đi xuống Trung tâm GDTX để học, đảm bảo lợi ích của học sinh cả về mặt an toàn đi lại, sức khỏe và kinh tế.
Liên quan tới việc giảng dạy chương trình này, chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT ba nội dung sau: Hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT khi cho phép các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo Chương trình GDTX cấp THPT tại trường; Phân cấp cho các Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương thẩm định hồ sơ của các trường đảm bảo giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; Hướng dẫn về kinh phí tổ chức Chương trình GDTX cấp THPT và cấp THCS đối với các cơ sở GDNN.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
4 lợi ích của việc tham gia phân luồng, hướng nghiệp từ sớm sau bậc THCS
Một là, có thời gian để trải nghiệm và lựa chọn nghề nghiệp đúng: Bằng việc tham gia phân luồng, hướng nghiệp từ sớm, học sinh sẽ được tìm hiểu về các ngành, nghề khác nhau, có trải nghiệm thực tế và từ đó hiểu rõ hơn về sở thích, khả năng, mục tiêu cá nhân, định hình nghề nghiệp phù hợp và tự tin hơn trong quá trình lựa chọn ngành học, việc làm sau này.
Hai là, cơ hội thực hành và kết nối công việc: Hệ thống GDNN thường có chương trình thực tập và liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Điều này mang lại cơ hội cho người học tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, áp dụng kiến thức vào thực tế và xây dựng mạng lưới quan hệ trong ngành, từ đó có lợi thế khi tìm kiếm việc làm.
Ba là, khả năng thích ứng với thị trường lao động từ sớm: Nhờ học nghề, người học có nhận thức sâu hơn về nhu cầu thị trường lao động và hướng dẫn công nghệ mới nhất trong ngành. Điều này giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho môi trường làm việc thực tế, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.
Bốn là, tiềm năng thu nhập cao hơn và cơ hội thăng tiến tốt khi gia nhập vào thị trường lao động ở độ tuổi 18. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, cần có các cơ sở GDNN hoạt động hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và cải tiến liên tục trong cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, đào tạo giảng viên và việc thiết lập các liên kết với doanh nghiệp và ngành công nghiệp.
Năm là, cơ hội học tập suốt đời: sau khi tốt nghiệp, các em được đi làm sớm, và với các kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc, có thể quay lại học để nâng cao kỹ năng hiệu quả hơn hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn theo nhu cầu của cá nhân.
(Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).