Trường học thông minh cho người học nghề và người lao động

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang nỗ lực xây dựng nền tảng học tập trực tuyến để học sinh, sinh viên trường nghề và người lao động có thể học tập mọi lúc, mọi nơi.

Dự án "Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp (GDNN)" do Tổ chức Di cư quốc tế phối hợp (IOM) với Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện trong hai năm (2021-2023) đã có những kết quả tích cực.

Dự án không chỉ tập trung vào việc giải quyết các nhu cầu trước mắt về kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu phát huy tiềm năng của các nền tảng đào tạo trực tuyến đối với các đối tượng liên quan, từ giảng viên đến sinh viên, người lao động và các nhà hoạch định chính sách về GDNN. 

Theo đó, tại nền tảng đào tạo trực tuyến congdanso.edu.vn, người lao động cũng như học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN có thể học các khóa đào tạo kỹ năng số quan trọng và được nhận chứng chỉ do Microsoft cấp. 

Với việc ưu tiên những người bị hạn chế về tiếp cận cơ hội được đào tạo nhưng phải đối mặt với sự phát triển của kỹ thuật số mới đang từng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nhất là kể từ sau đại dịch, dự án tập trung hỗ trợ các cơ sở GDNN và các khu công nghiệp ở 4 tỉnh mục tiêu là Thái Nguyên, Quảng Nam, Đồng Nai và Bình Dương với việc đào tạo 163 giảng viên nguồn từ 50 cơ sở GDNN.

Các giảng viên nguồn đã triển khai hoạt động đào tạo kỹ năng kết hợp với giới thiệu nền tảng học tập trực tuyến và các khóa đào tạo trực tuyến cho gần 3.000 sinh viên và người lao động. Có 31.100 lượt đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc và kỹ năng khởi nghiệp được thực hiện thành công, trong đó kỹ năng số thu hút lượng người dùng lớn nhất với gần 26.000 chứng chỉ được Microsoft cấp. 

Trường học thông minh cho người học nghề và người lao động - 1

Sinh viên đăng ký nhập học tại Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội (Ảnh: CĐ Cơ điện Hà Nội).

Liên quan tới việc nâng cao kỹ năng chuyển đổi số tại các cơ sở GDNN, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN Đào Trọng Độ cho biết, hiện cơ quan này đang triển khai các đề án quan trọng như: đề án Phát triển kỹ năng ứng dụng CNTT cho lực lượng lao động; đề án Xây dựng hệ thống chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển GDNN, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN...

Bên cạnh đó, ngành cũng đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo hướng đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thay vì hỗ trợ bằng tiền thì tăng cường hỗ trợ đào tạo kỹ năng để người lao động tái tham gia vào thị trường lao động hiệu quả.

Việc xây dựng, phát triển các nền tảng học tập trực tuyến, "trường học thông minh" cũng được thúc đẩy, bao gồm số hóa học liệu về kỹ năng số, ứng dụng CNTT cơ bản và nâng cao để đào tạo cho người lao động và người học các trình độ GDNN, đặc biệt hướng đến nhóm lao động cao tuổi vốn khó tiếp cận so với lao động trẻ. 

Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số tại các cơ sở GDNN, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng dẫn chiếu, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2040. Rất nhiều nội dung trong Chương trình chuyển đổi số đã được đặt ra, Tổng cục GDNN đang cụ thể hóa các chương trình, dự án để thực hiện.

Trường học thông minh cho người học nghề và người lao động - 2

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại hội thảo (Ảnh: Tổng cục GDNN).

"Hiện chúng tôi có hai hướng tiếp cận lớn. Một mặt chúng tôi thực hiện các chương trình, dự án để chuyển đổi số trong nội tại cơ sở GDNN, bắt đầu bằng việc thể chế quy định khung năng lực số cho người học người dạy trong cơ sở đào tạo, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, thiết kế chương trình nội dung đào tạo thích ứng, đáp ứng chuyển đổi số.

Thứ hai là cụ thể ngay việc xây dựng nền tảng học tập trực tuyến để người lao động có thể học mọi nơi mọi lúc nhận chứng chỉ mà không cần đến trường lớp đào tạo như truyền thống", ông Dũng trình bày.