(Dân trí) - Dù đã có một thời gian làm quen với việc dạy học online nhưng nhiều giáo viên vẫn gặp vô vàn khó khăn khi không rành về công nghệ, phải "đánh vật" với từng tiết học mà còn áp lực tứ phía bủa vây.
Để đảm bảo được kiến thức cho các em học sinh, phương án dạy học trực tuyến trở thành giải pháp tối ưu cho việc giáo dục hiện nay. Đây là cơ hội để giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên internet để giảng dạy và học tập. Thông qua dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Chia sẻ với Dân trí, Thanh Nga - một trong những cô giáo trẻ dạy Vật lý "hot" nhất trên mạng xã hội hiện nay cho hay: " Thời điểm dịch đang căng thẳng, rất nhiều học sinh và bạn bè góp ý mình livestream (phát trực tiếp) dạy học, vừa an toàn vừa cung cấp kiến thức cho mọi người. Không ngờ chỉ sau một đêm, mình thực sự ngỡ ngàng khi hình ảnh của mình xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội".
Trở thành "cô giáo livestream dạy Vật lí hot rần rần trên mạng" vừa là cơ hội vừa là thách thức dành cho cô giáo trẻ vừa mới ra trường. Thanh Nga nói: "Chưa bao giờ có nhiều người bàn tán về mình tới vậy, chỉ cần sai sót một chút thôi cũng trở thành tâm điểm của dư luận. Những hôm mới livestream dạy học, không ngày nào mình ngủ hơn 4 tiếng chỉ vì quá lo lắng. Bản thân phải chuẩn bị tâm lý, kiến thức thật vững vàng khi lên sóng dạy học".
Tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành Sư phạm Vật lý, Thanh Nga không nghĩ bản thân "nổi bật", cô cho rằng đó là may mắn vì được truyền thông, xã hội chú ý hơn so với đồng nghiệp. Chỉ mới hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy được hai năm, cô giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ và chưa dày dặn kinh nghiệm.
Việc dạy học trực tuyến tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên có cơ hội hình thành và phát triển nhiều năng lực như "tự chủ và tự học", "năng lực tin học", "năng lực công nghệ", "giải quyết vấn đề và sáng tạo". Đây cũng là 4 trong số 10 năng lực cốt lõi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt mục tiêu hình thành và phát triển cho người học
Thầy giáo Nguyễn Thành Công hay còn biết đến với biệt danh "thầy Công sinh", là giáo viên môn Sinh học tại trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời cũng là một giáo viên đình đám trên nền tảng giáo dục online.
Được nhiều bạn học sinh yêu mến và tin tưởng, thầy giáo Nguyễn Thành Công có bí quyết là: "Thay vì dạy theo kiểu chỉ giảng bài và ra bài tập, mình chọn phương pháp đi từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, lồng ghép sự hài hước để tăng thêm phần thú vị cho tiết học, giúp các bạn học sinh cảm thấy thoải mái và dung nạp kiến thức dễ dàng hơn".
Với thầy Công, mỗi thầy cô giáo đều có phương pháp riêng và mỗi học sinh đều có những cách tiếp cận riêng.
Nhìn nhận nghề dạy học online, thầy Công cho rằng giáo viên dạy trên mạng đôi khi lắm "drama" (tạm dịch: ồn ào, thị phi ) hay theo ngôn ngữ của các bạn Gen Z là lắm "phốt". Nhiều thầy, cô dùng chiêu trò để thu hút học sinh về phía mình.
"Mình lấy sự chân thành, tư duy logic và khoa học để hướng dẫn các em, dùng sự hài hước để cuốn hút học sinh trong mỗi bài giảng, những học sinh ở lại với phương pháp học của mình sẽ nắm vững được bản chất kiến thức môn học và có thể giải quyết được vấn đề môn học mà không phải dựa dẫm vào ai khác. Đó chính là chìa khóa để các em học sinh yêu mến và gắn bó lâu dài", thầy Nguyễn Thành Công thổ lộ.
Ngoài việc các giáo viên có bằng cấp sư phạm và các chứng chỉ cần có thì sự cảm nhận của học sinh quan trọng không kém. Mỗi giáo viên sẽ có cách truyền đạt kiến thức riêng, sự phù hợp là mấu chốt kết nối học sinh và giáo viên để tiếp tục đồng hành cùng nhau trên con đường tìm kiếm tri thức.
Thực tế cho thấy, dù đã có một thời gian làm quen với việc dạy học online nhưng nhiều giáo viên vẫn gặp vô vàn khó khăn khi không rành về công nghệ, phải "đánh vật" với từng tiết học. Đặc biệt là những giáo viên đã lớn tuổi và ít được tiếp xúc với công nghệ; thầy cô chưa thể làm chủ được công cụ giảng dạy nên không thể tự khắc phục các vấn đề kỹ thuật, các sự cố xảy ra trong quá trình dạy online.
Dù là một giáo viên trẻ tuổi, nhưng Thanh Nga cảm thấy may mắn khi bản thân có thể sử dụng công nghệ và trực quan tốt. Tuy nhiên, đôi khi cũng mắc phải những sự cố không đáng có dẫn đến nhiều tình huống khó xử như đường truyền kém, máy tính lỗi…
"Dạy trực tuyến khiến mình không được tiếp xúc với học sinh nhiều, không thể cầm tay chỉ việc và giải thích chi tiết như việc học ở trên trường. Bình thường học sinh đã rất ngại hỏi và khi học online học sinh còn ngại ngùng hơn nữa, khả năng tiếp thu và tập trung của học sinh khi học trực tuyến sẽ thấp hơn do dễ xao nhãng và nhìn máy tính quá lâu cũng khiến học sinh mệt.
Bên cạnh đó, dạy học trực tuyến khiến các giáo viên vất vả hơn nhiều so với truyền thống vì cần chuẩn bị không chỉ bài dạy mà cách giảng dạy cũng phải hấp dẫn và hứng thú với học sinh", Thanh Nga chia sẻ.
Không chỉ gặp khó khăn khi không rành về công nghệ, các thầy cô còn đối mặt với áp lực chồng chất khi dạy trực tuyến. Ngoài việc đầu tư, chuẩn bị giáo án cho từng tiết học, thầy cô còn có hàng tá công việc không tên như: giải đáp thắc mắc của phụ huynh, báo cáo tình hình học tập của học sinh, liên lạc với phụ huynh nếu học sinh không vào lớp...
Cô Trang Anh - từng là giáo viên dạy tại một trường trung học phổ thông, hiện tại cô đã chuyển hướng trở thành giáo viên trên nền tảng online. Do vậy, cô cũng trải qua những khó khăn nhất định khi tham gia giảng dạy trực tuyến: "Mặc dù học trực tuyến giúp học sinh và giáo viên có thể tương tác hầu như không có giới hạn về không gian và thời gian, thế nhưng, nhược điểm của nó là sự hứng thú trong học tập của học sinh bị giảm đi, tính kỉ luật của học sinh chưa tốt và do vậy nhiều học sinh có thể sa đà vào game online, bỏ học hoặc thậm chí các tệ nạn khác trên không gian mạng".
Chính vì vậy, cô Trang Anh có cách đặc biệt để tăng cường kết nối cô - trò: "Mình thường dành thời gian khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày để trò chuyện qua tin nhắn với học sinh, giải đáp thắc mắc trong học tập của các em, để hiểu tâm tư nguyện vọng của các em để từ đó mình sẽ điều chỉnh phương pháp và nội dung học cho phù hợp với nhu cầu học tập của các em hơn".
Để khắc phục nhược điểm của học trực tuyến, thầy Công phải liên tục tìm tòi, sáng tạo để cho các bạn học sinh có một giờ học thật sự ý nghĩa.
"Mình thường sử dụng một số "chiêu" dạy học truyền thống xen lẫn với các từ "hot trend" trên mạng xã hội, đưa ra những ví dụ thực tế gắn liền với học sinh. Mặt khác, đặc thù của môn Sinh học là môn khoa học tự nhiên và có nhiều quá trình ở các cấp độ tổ chức của thế giới sống, việc dùng các video clip mô tả các quá trình đó sẽ giúp các em dễ hiểu hơn", thầy cho biết.
Dù dạy học online hay trực tiếp, đó chỉ là sự thay đổi về mặt hình thức nhưng trách nhiệm của mỗi thầy cô giáo thì không ít, thậm chí còn nhiều hơn vì sự tương tác qua mạng làm gián đoạn. Học trực tuyến nên không thể kiểm soát, các thầy cô giáo phải sử dụng đến thiết bị thứ hai hay kiểm tra thường xuyên hơn để đảm bảo kết quả học tập. Điều quan trọng là giáo dục được cho học sinh lòng tự trọng, độc lập làm bài và không quay cóp trong quá trình làm bài tập, kiểm tra và thi khi không có sự giám sát của thầy cô.
Đây là câu hỏi được đặt ra đối với các thế hệ thầy cô giáo cũng như của các bậc phụ huynh hiện nay. Đã gần hai năm kể từ khi thực hiện công tác dạy học trực tuyến, dù không còn xa lạ nữa nhưng đằng sau đó vẫn là những nỗi lo lắng thường trực.
"Đứng về phương diện truyền tải kiến thức thì dạy học online sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Học sinh chủ động hơn, tương tác dễ dàng hơn, kiến thức được xây dựng bằng các bài giảng tích hợp các phương tiện trực quan hơn như hình ảnh, âm thanh, thực tế ảo... khiến cho dạy học online ngày càng chiếm một tỉ trọng lớn. Do vậy, có thể ngày càng nhiều phụ huynh lựa chọn "Home schooling - dạy con ở nhà". Nhưng trong tương lai gần rất khó để dạy học online thay thế hoàn toàn được dạy học trực tiếp", thầy Công thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Với sự đa dạng các phương thức truyền tải của mạng Internet như kênh chữ, kênh hình và vô số các phương thức tương tác khác, môi trường này đang trở thành "trường học online" có nhiều học trò theo học nhất.
Học trực tiếp cũng có những vai trò riêng, nó thể hiện trong sự phát triển nhân cách người học, sự phát triển các kĩ năng tương tác xã hội, đúng như câu nói "học để biết, học để làm và học để chung sống".
Cô Trang Anh cũng cho rằng nên bổ trợ và kết hợp hai phương thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. "Không nên thay thế vì các em học sinh vẫn cần có những tương tác trực tiếp để phát triển đời sống xã hội bên cạnh mảng học tập", cô nói.
Dạy học online được cho rằng là phù hợp hơn với các thầy cô giáo trẻ bởi sự năng động, gần gũi với học sinh , tư duy thời thượng. Nếu các thầy, cô trẻ tận dụng được điều đó, kèm theo sự học tập, nâng cao trình độ và kĩ năng sư phạm dần theo năm tháng thì sẽ có rất nhiều học sinh theo học. Tuy nhiên, các thầy cô thế hệ trước dù có chút bất lợi về công nghệ nhưng không thể phủ nhận rằng kinh nghiệm dạy học cùng khối kiến thức khổng lồ. Vì thế, mỗi thế hệ đều có điểm mạnh và phong cách riêng, và mỗi học sinh cũng sẽ có lựa chọn riêng của mình.
Cô giáo Trang Anh cho rằng, vấn đề tuổi tác không hề giới hạn giáo viên trong việc dạy online mà quan trọng là sự tận tâm, nhiệt huyết của người giáo viên với học trò.
Cô giáo Vật lý Thanh Nga so sánh: "Khi dạy trực tuyến, giáo viên trẻ tuy có lợi thế là tìm hiểu và nắm bắt công nghệ nhanh hơn nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong nghiệp vụ giảng dạy để có thể quản lý lớp, giúp cho tiết học đạt hiệu quả cao nhất. Vậy nên không thể nói là dạy online chỉ phù hợp với giáo viên trẻ".
Mặt khác, cô Nga cho rằng, vấn đề của dạy học trực tuyến là: "Cô trò tương tác với nhau qua màn hình máy tính, có khi không tương tác được bao nhiêu vì học sinh cũng ngại ngùng hơn. Nhiều lúc các em không ngoan muốn trách, nhưng lại trách qua màn hình máy tính, chẳng khác gì nói tự mình nghe cả.
Nhiều dịp như 20/11 vừa qua, nếu được gặp học sinh có lẽ sẽ có nhiều kỷ niệm giữa cô trò hơn rất nhiều. Và cũng buồn khi đến giờ mình không biết hết rõ tất cả học sinh mình trông như thế nào nữa. Mình đang rất nhớ các em học sinh và mong muốn được gặp chúng, hi vọng mọi thứ sớm quay lại bình thường để cả cô và trò được đến trường và gặp nhau".