Cô giáo K'Ho đổi mới cách dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Cô My Hằng đã tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc tăng cường học tiếng Việt, động viên cha mẹ học sinh nên giao tiếp bằng tiếng Việt với con nhiều hơn.
Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số
Cô giáo Ka My Hằng, sinh năm 1992, hiện đang là giáo viên trường Mầm non Hòa Bắc, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM chuyên ngành Giáo dục mầm non, tính đến nay, cô Ka My Hằng đã có 7 năm gắn bó với nghề giáo.
Trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, với tư cách là một người con của buôn làng dân tộc K'Ho, cô My Hằng đã có sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, thích ứng với dịch bệnh.
Từ đó, cô trở thành một trong 50 giáo viên tiêu biểu xuất sắc được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021.
Được biết, lớp của cô Hằng dạy có đa số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng ngày, các bé từ 3 đến 4 tuổi giao tiếp với nhau bằng tiếng địa phương. Do đó, khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của các em còn rất hạn chế.
"Bản thân tôi cũng là một giáo viên người dân tộc thiểu số nên tôi hiểu được vấn đề mà học sinh trường Mầm non Hòa Bắc đang gặp phải. Để khắc phục tình trạng này và giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp, có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt, tôi đã suy nghĩ và tìm ra những giải pháp tăng cường cho các em." cô My Hằng chia sẻ.
Các học sinh trên địa bàn cô Hằng công tác có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Cô giáo trẻ tâm sự: "Vì phần lớn cha mẹ học sinh là người dân tộc nên phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến học tập của con mình, đặc biệt là học mầm non. Việc giáo viên phối hợp với gia đình để cùng nhau giúp các em phát triển vốn từ vựng tiếng Việt, do vậy mà còn gặp nhiều khó khăn".
Những thách thức ấy không hề làm cô chùn bước. "Bản thân người giáo viên phải thật sự yêu thương, gần gũi trẻ thì mới có thể tạo được tình cảm giữa cô và trò. Từ đó, trẻ sẽ sẵn sàng giao lưu, trò chuyện với cô, nghe và hiểu lời nói của cô", cô chia sẻ.
Cô My Hằng đã tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc tăng cường học tiếng Việt, động viên cha mẹ học sinh nên giao tiếp bằng tiếng Việt với con nhiều hơn. Theo cô giáo, tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số là một việc rất cần thiết, đặc biệt với các bé ở độ tuổi mầm non, chuẩn bị bước vào lớp 1.
Bên cạnh đó, cô và nhà trường tổ chức các hội thi nhằm tạo cơ hội cho học sinh giao lưu với các bạn người Kinh, từ đó phát huy được sự tự tin và tính tích cực ở trẻ, giúp vốn tiếng Việt của các em phong phú hơn.
"Nhà trường cũng đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất và các thiết bị dạy học để các em hứng thú hơn khi đến trường", cô cho biết.
Sáng kiến của cô Ka My Hằng đã góp phần thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" của tỉnh Lâm Đồng đạt kết quả cao hơn. Ngoài ra, cô còn mở lớp dạy nhạc miễn phí cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Là giáo viên mầm non luôn phải cười
Trò chuyện cùng phóng viên Dân trí, cô My Hằng bày tỏ: "Trong công việc, dù vui hay buồn, dù áp lực đến mấy thì mình cũng phải cười, phải hòa mình - hết mình với các bé. Được là một giáo viên mầm non làm cho mình cảm thấy giống như được trở về tuổi thơ. Được học sinh yêu quý là điều mình thích nhất".
Bên cạnh tình cảm của các học trò, cô giáo trẻ còn nhận được sự yêu mến từ đồng nghiệp.
"Trong năm học 2020- 2021, mình được chọn là một trong mười giáo viên đi thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Lúc đó, mình đang mang bầu hơn 7 tháng và mình rất lo lắng, sợ rằng thi không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của trường. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thi, các thầy cô trong trường ai cũng lo lắng và giúp đỡ mình rất nhiệt tình.
Khi thì mọi người giúp mình làm đồ dùng dạy học, khi thì góp ý cho tiết dạy được hay hơn... Thi xong, mọi người rối rít vây quanh hỏi mình thi như thế nào, được bao nhiêu điểm. Cảm giác lúc ấy như thể mình vừa thi tốt nghiệp cuối cấp xong. Qua kỷ niệm này, mình thấy được sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của các thầy cô giáo trường Mầm non Hòa Bắc", cô bồi hồi nhớ lại.
Trong tương lai, cô Ka My Hằng - một giáo viên trẻ của tỉnh Lâm Đồng sẽ cố gắng làm tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, tìm tòi và học hỏi những phương pháp giáo dục phù hợp với tình hình thực tế địa phương để mang lại những cơ hội học tập tốt hơn cho học sinh tỉnh nhà, đặc biệt là các em đồng bào dân tộc thiểu số.