Cô giáo vùng cao miệt mài "gánh chữ" được vinh danh

Ngọc Linh

(Dân trí) - "Thương các em vô cùng, vốn đã khó khăn, nay lại không được đến trường. Có những em nhà đông anh em, phải chia nhau ra học nên nhiều buổi vắng mặt, bị mất bài", cô Đàm Thị Nguyệt chia sẻ.

Cô Đàm Thị Nguyệt là một trong 50 gương mặt được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021 do Bộ Giáo dục - Đào tạo và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức nhân ngày 20/11/2021.

Hạnh phúc khi mang được con chữ đến cho buôn làng

Chia sẻ về cảm xúc khi biết có mặt trong danh sách giáo viên được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội, cô bộc bạch: "Tỉnh Đắk Lắk có 5 bộ hồ sơ được gửi đi dự thi. Tuy nhiên, bản thân lại không nghĩ mình sẽ được chọn vì những đồng nghiệp còn lại cũng rất tài giỏi và năng nổ. Khi hay tin này, mình cảm thấy hạnh phúc, tự hào và biết ơn vô cùng".

Thời điểm mới ra trường, khi đang tìm kiếm cơ hội việc làm, cô đã có cơ hội tham gia vào chương trình "Tri thức trẻ tình nguyện", được phân công hoạt động ở buôn làng Xe Đăng, tổ chức lớp học tình thương xóa mù chữ cho dân làng nơi đây.

Cô giáo vùng cao miệt mài gánh chữ được vinh danh - 1
Hình ảnh cô cùng các em học sinh nhận phần quà của trường.

"Ban ngày, hai anh em giúp bà con làm nương, buổi tối lại cặm cụi lên lớp dạy chữ. Nhờ sự giúp đỡ của buôn trưởng, mình xin được một phòng học và một bóng đèn túyp; bà con mỗi người một cây đèn dầu. Dù điều kiện còn thiếu thốn nhưng tinh thần học tập của bà con rất cao. Một lớp học lúc đó có khoảng 50 người, từ già tới trẻ, ai cũng chăm chỉ miệt mài đến trường với mong muốn biết con chữ để không lạc hậu", cô Nguyệt nhớ lại.

Cô đã cùng mọi người vận động để xin từng quyển vở, cái bút để bà con có nguyên liệu học tập. Khi được hỏi về kỉ niệm trong những ngày lên lớp đó, cô chia sẻ: "Mình nhớ nhất hình ảnh cụ ông 70 tuổi vẫn miệt mài học chữ, đến lớp là thấy ông đã có mặt. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn nêu gương cho con cháu, hăng hái tham gia lớp học. Vậy mới thấy được tầm quan trọng của học tập".

Cô Tổng phụ trách Đội với cái tâm làm nghề nhiệt huyết

Hoạt động dưới vai trò là tổng phụ trách Đội với hơn 12 năm kinh nghiệm, cô là cầu nối giữa các em học sinh với các mạnh thường quân. Lòng nhân ái và cái tâm người làm nghề giáo đã giúp cô gần gũi, giúp đỡ cho rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

"Chứng kiến rất nhiều em học sinh đến cơm cũng không có ăn, mình là giáo viên nguồn thu nhập không cao nên không giúp được là bao. Lúc đó, mình đã nghĩ đến việc làm cầu nối cho các em với mạnh thường quân với mong muốn các em sẽ có cuộc sống đầy đủ hơn, có miếng cơm manh áo để đến trường, học tập, vui đùa với các bạn", cô trải lòng.

Cô giáo vùng cao miệt mài gánh chữ được vinh danh - 2
Cô Nguyệt đến nhà trao tặng quà cho một em học sinh trong trường.

Quá trình kết nối cũng gặp phải nhiều khó khăn bởi cần sự uy tín và sự bất lợi về công nghệ. Khi mới bắt đầu, cô Nguyệt vận động từ các xã, ban ngành và các doanh nghiệp ở địa phương để các em học sinh nhận được sự giúp đỡ.

Năm 2012, với nguồn kinh phí 8 triệu đồng, cô đã tạo ra sân chơi "Rung chuông vàng" lần đầu tiên cho các em, nhằm tạo ra môi trường để làm quen, trao đổi kiến thức. Hay phong trào "Bánh chưng xanh" với sự hỗ trợ từ nhà trường, phụ huynh, lâm trường nhằm mang đến không khí tết đến xuân về cho các em.

Cô giáo vùng cao miệt mài gánh chữ được vinh danh - 3
Không khí hoạt động ngoài giờ lên lớp của các em học sinh tại trường.
Cô giáo vùng cao miệt mài gánh chữ được vinh danh - 4
Buổi trao giấy chứng nhận "Chương trình rèn luyện Đội viên" cho các em.

Đặc trưng của vùng sâu vùng xa là người dân phải uống nước suối chứa nhiều phèn chua và đá vôi. Vì vậy, cô Nguyệt đã chủ động liên hệ với nhà tài trợ ở TPHCM và được hỗ trợ dàn lọc nước dân sinh trị giá 70 triệu đồng, vận động các quỹ nhân ái để cho các em có môi trường học tập đầy đủ tiện nghi hơn, có những phần quà học bổng thường niên khích lệ tinh thần học tập. Tất cả những gì tốt đẹp nhất cô đều cố gắng dành tặng cho các em học sinh yêu quý.

Thời gian dịch bệnh vừa rồi cũng là điều cô trăn trở nhất khi các em học sinh không có đủ thiết bị học tập, mạng Internet lại yếu kém. Nhà trường đã phải ghép các học sinh gần nhà để học chung, nhà nào đông con thì được chia ca ra để học vì không đủ thiết bị.

Chia sẻ với Dân trí, cô nói: "Thương các em vô cùng, vốn đã khó khăn nay lại không được đến trường. Có những em nhà đông anh em, phải chia nhau ra học nên nhiều buổi vắng mặt, bị mất bài. Mong sao dịch qua đi để các em được trở lại trường, dân làng đi làm ổn định".

Quả ngọt đến với những nỗ lực không ngừng nghỉ

Cô giáo vùng cao miệt mài gánh chữ được vinh danh - 5
Cô hăng hái tham gia công tác phòng chống dịch trong đợt dịch vừa qua.

Giảng dạy tại điểm trường hẻo lánh, cách xa so với trung tâm, người ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ít học, chủ yếu làm nương. Để làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh để con em được đến trường đầy đủ cũng là vấn đề nan giải.

"Ban giám hiệu nhà trường cùng các giáo viên trong trường thành lập từng tổ, đến từng nhà, nói chuyện với phụ huynh để cho con em đến trường đều đặn vừa không thiếu hụt sĩ số, vừa đảm bảo kiến thức cho các em và phổ cập chương trình đúng theo lứa tuổi cho các em. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo tài chính vì đây là vấn đề quan trọng nhất", cô Nguyệt cho hay.

Mọi sự nỗ lực của cô cũng dần được đền đáp khi các em học sinh được đi học đầy đủ, không gian học tiện nghi hơn, các em có cơ hội được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động hơn.

Trường tiểu học Lê Văn Tám trong những năm vừa qua đã có các em học sinh được tuyên dương trong kì thi tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cô giáo Đàm Thị Nguyệt cũng gặt hái được nhiều thành tựu trong quá trình công tác tại trường.

Với trái tim yêu nghề, cô giáo Đàm Thị Nguyệt mong rằng sẽ tạo được nhiều sân chơi hơn cũng như gắn kết với các em học sinh để giúp các em có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm