DNews

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Điện ảnh chưa làm khán giả yêu lịch sử Việt"

Hương Hồ

(Dân trí) - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn nói tại hội thảo: "Các nhà làm phim có một nỗi sợ mơ hồ với đề tài lịch sử. Chúng ta còn hạn chế trong nghệ thuật, tư duy và quản lý".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Điện ảnh chưa làm khán giả yêu lịch sử Việt"

Sản xuất phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học là vấn đề được đông đảo khán giả cũng như giới làm phim quan tâm bấy lâu nay. Ngày 9/11, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội, hội thảo về chủ đề này được tổ chức, ghi nhận nhiều ý kiến nổi bật, chỉ ra điểm yếu của phim Việt về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Các chuyên gia tham gia hội thảo như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn, nhà sản xuất Trinh Hoan… cũng chỉ ra những rào cản, thách thức, lý do vì sao điện ảnh Việt lại vắng bóng, "quá nghèo nàn" dòng phim này.

Nỗi sợ mơ hồ kìm hãm sự sáng tạo

Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của nhiều truyện ngắn được chuyển thể thành phim - cho rằng, Mỹ, Hàn Quốc là hai nền điện ảnh có nhiều phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia có phim lịch sử thành công bậc nhất thế giới.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói, mỗi khi xem các phim của họ nói riêng hay phim lịch sử, chuyển thể văn học nói chung, ông đều nghĩ đến cốt truyện, luôn tìm lại bản gốc hoặc tìm hiểu sự thật lịch sử để mở rộng thông tin, kiến thức.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Điện ảnh chưa làm khán giả yêu lịch sử Việt - 1

Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Đào Anh Vũ).

Ông cũng từng đọc một nghiên cứu cho rằng các phim chuyển thể từ Tam quốc diễn nghĩa của Trung Quốc có ít nhất khoảng 200 chi tiết thay đổi so với lịch sử.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, không phải người Việt, khán giả trẻ Việt không thuộc văn hóa hay lịch sử Việt Nam, không yêu thích lịch sử Việt Nam mà bởi điện ảnh chúng ta chưa làm được điều đó.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chỉ ra thách thức, rào cản trong việc làm phim lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh Việt Nam đến từ nhiều phía: Các nhà làm phim, nhà sản xuất, người xem và nhà quản lý.

"Các nhà làm phim Việt tôn trọng quá mức, ý tứ quá với tác phẩm văn học. Các nhà làm phim Việt cũng mang một nỗi sợ hãi mơ hồ với đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử. Chính những điều này đã kìm hãm sự sáng tạo. Chúng ta tôn trọng bản chất, sự thật lịch sử, nhân vật lịch sử nhưng chúng ta có quyền sáng tạo, tạo dựng đời sống cho nhân vật lịch sử.

Ở Việt Nam, có nhiều nhà làm phim tài năng làm ra các bộ phim sáng giá nhưng đề tài lịch sử bị hạn chế, đề tài văn học thì mở rộng hơn một chút. Chúng ta đang sợ hãi và tự ngăn cản mình. Chúng ta thiếu sáng tạo hay không dám phán định lịch sử. Chúng ta hạn chế trong nghệ thuật và tư duy", ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Ông Thiều kể, 30 năm trước, ông phỏng vấn một loạt học sinh trung học với câu hỏi: "Bạn thích Quan Vân Trường (Quan Vũ hay Quan Công, tự Vân Trường là một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc - PV) hay Quang Trung hơn?", 99% các em trả lời thích Quan Vân Trường.

"Quang Trung có kém Quan Vân Trường không? Không. Tuy nhiên, các nhà văn và nhà làm phim của Trung Quốc chắc chắn giỏi hơn Việt Nam. Điện ảnh, văn học Việt Nam chưa và không làm cho khán giả Việt yêu Quang Trung hơn", ông Thiều thẳng thắn.

Ông chia sẻ thêm một ví dụ, Hội Nhà văn Việt Nam từng phải mở cuộc họp để bàn về chi tiết trong truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga. Truyện lấy cảm hứng lịch sử, đề cập một số nhân vật như An Tư, Trần Ích Tắc và Thoát Hoan, hoàng tử nhà Nguyên từng hai lần mang quân sang đánh Đại Việt. Tác giả viết khi tháo mặt nạ, Thoát Hoan lộ ra gương mặt điển trai, tuấn tú.

Nhiều nhà văn khi ấy phản đối chi tiết vì cho rằng kẻ xâm lược phải được miêu tả xấu xí, bặm trợn. Ông Thiều bảo vệ Trần Quỳnh Nga vì cho rằng đây là sáng tạo phù hợp: "Người xấu không phải mặt nào cũng xấu, đó là suy nghĩ theo lối mòn".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Điện ảnh chưa làm khán giả yêu lịch sử Việt - 2

Đạo diễn phim "Dòng máu anh hùng" - Charlie Nguyễn - nêu quan điểm tại hội thảo (Ảnh: Đào Anh Vũ).

Đồng tình với những quan điểm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng bày tỏ, đề tài lịch sử rất hấp dẫn và nhiều người ôm ấp làm dự án này. 

"Tuy nhiên, các nhà làm phim có nỗi sợ mơ hồ khi tiếp cận đề tài lịch sử và tác phẩm văn học để chuyển thể thành phim. Đây cũng là tâm tư của tôi nhiều năm qua.

Các nhà làm phim cần nhận thức được trong phim lịch sử có hai sự thật. Một là sự thật về thông tin tư liệu, vốn không thể thay đổi. Hai là sự thật tâm lý, miêu tả hành trình nội tâm, biến chuyển cảm xúc của nhân vật trong từng sự kiện, không có trong sử sách. Và trách nhiệm của các nhà làm phim là, muốn điện ảnh đến được với công chúng, kết nối với khán giả phải có cảm xúc", "cha đẻ" phim Dòng máu anh hùng chia sẻ.

Nói đến câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, nhân vật Quan Vũ được yêu thích bởi phim ảnh Trung Quốc xây dựng ông như một con người bình thường, có những xung đột nội tâm, cảm xúc chân thực. Trong khi phim Việt thường thần thánh hóa các vĩ nhân lịch sử, khiến họ trở nên xa lạ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Điện ảnh chưa làm khán giả yêu lịch sử Việt - 3

Phim "Ngày xưa có một chuyện tình" chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tham gia LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VII (Ảnh: Nhà sản xuất).

Cản trở từ phía dư luận và khó khăn đến từ... tiền đâu?

Các chuyên gia cũng cho rằng làm phim đề tài lịch sử Việt còn gặp phải khó khăn, cản trở từ phía người xem. Đạo diễn Charlie Nguyễn bộc bạch, nhiều người đón nhận phim lịch sử như một phim tài liệu, điều này sẽ "bó tay, bó chân" nhà làm phim.

"Nếu điện ảnh là lịch sử thì câu chuyện khô khan, hoàn toàn không có cảm xúc. Nếu đòi hỏi tác phẩm điện ảnh phải chính xác như lịch sử thì chỉ có lịch sử, không có điện ảnh", Charlie Nguyễn nói.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhắc lại việc phim điện ảnh Đất rừng phương Nam (2023). Thời điểm vụ ồn ào nổ ra, có một đạo diễn, NSND nói với ông rằng: "Các nhà làm phim, các nghệ sĩ như những người nông dân cày bừa dưới ruộng, còn trên bờ ruộng thì cường hào, ác bá chửi bới rất nhiều".

Cục trưởng Cục Điện ảnh giãi bày, Đất rừng phương Nam được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi.

Khoảng một tuần sau khi ra mắt, phim đã rơi vào những cuộc tranh cãi không hồi kết về tính đúng và sai của lịch sử, từ tạo hình cho đến vai trò và công lao của các hội nhóm trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời gian đầu.

Trong khi phía Cục Điện ảnh đã khẳng định phim không đề cao một hội nhóm nào mà chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân Nam Bộ khi đó, vẫn có một bộ phận dư luận trên mạng xã hội không ngừng tấn công vào tác phẩm và đoàn phim một cách vô căn cứ.

Ông Vi Kiến Thành chia sẻ: "Khi ấy, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội đã tổ chức 3 phiên họp để giải quyết. Ở lần thứ ba, tôi đề xuất: "Nếu phải tìm một người hay đơn vị để nhận trách nhiệm về phát hành phim thì không nên quy kết tội cho đoàn phim Đất rừng phương Nam vì họ không sai gì. Nếu cần xử lý một ai đó để giải quyết khủng hoảng truyền thông thì tốt là cách chức Cục trưởng Cục Điện ảnh, tức là cách chức tôi".

Trailer phim "Đất rừng phương Nam" (Video: Nhà sản xuất).

Nhà sản xuất Trinh Hoan chia sẻ khó khăn của các nhà làm phim khi làm đề tài lịch sử ở khía cạnh kinh phí.

"Thực hiện dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử hay tác phẩm văn học. Trong khi làm phim hiện đại đầu tư ít tiền mà dễ thu hồi vốn thì phim lịch sử vừa khó làm, vừa khó hấp dẫn khán giả. Vì vậy, rất khó thuyết phục được nhà đầu tư và cũng khó thuyết phục được khán giả đến xem để thu hồi vốn", ông Trinh Hoan nói.

Cũng theo nhà sản xuất Trinh Hoan, vừa rồi, dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi còn đề xuất tăng thuế VAT đối với các sản phẩm điện ảnh, thể thao tăng từ 5% lên 10%.

"Tôi thấy điều này không hợp lý. Làm phim từ khi đầu tư đến khi thu lại vốn phải mất thời gian ít nhất là 1 năm. Nhà đầu tư bỏ ra 20 tỷ đồng mà vì thuế phải lên 21 tỷ đồng thì sẽ ngưng ngay, họ không đầu tư nữa.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem lại Dự thảo Luật thuế VAT nếu không thì sẽ khó cho ngành điện ảnh, càng khó cho phim lịch sử, phim rủi ro cao. Nếu các nhà làm luật muốn điện ảnh phát triển đặc biệt là sản phẩm lịch sử, văn hóa phát triển thì phải xem lại việc tăng thuế VAT", nhà sản xuất Trinh Hoan kiến nghị.