1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Khán giả trẻ hào hứng xem phim tài liệu có Bùi Xuân Phái, Đặng Thái Sơn

Lạc Thành

(Dân trí) - Tại sự kiện giao lưu và công chiếu phim "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn Trần Văn Thủy, nhiều khán giả trẻ đến sớm và chăm chú xem bộ phim tài liệu nói về Hà Nội.

Mới đây, tại Trường quay S7, Đài Truyền hình Việt Nam diễn ra sự kiện giao lưu và công chiếu phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy. 

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần phim Tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Khán giả trẻ hào hứng xem phim tài liệu có Bùi Xuân Phái, Đặng Thái Sơn - 1

Khán giả trẻ chăm chú xem phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn Trần Văn Thủy (Ảnh: VTV).

Từ rất sớm, các khán giả ở mọi lứa tuổi đã đến để thưởng thức bộ phim. 15h phim mới công chiếu nhưng nhiều bạn trẻ đến từ 14h để trò chuyện, cùng nhau chụp ảnh ở những góc sắp đặt đậm chất Hà Nội như: Những bức tường phố cổ, quán trà đá, chiếc xe đạp chở hoa, hình ảnh cầu Long Biên lộng gió...

Hà Nội trong mắt ai là một bộ phim tài liệu, sản xuất bởi Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương do Trần Văn Thủy làm đạo diễn.

Tác phẩm thực hiện năm 1982, công chiếu lần đầu vào 1983 nhưng đến 1987 mới được tái phát hành rộng rãi. Phim có sử dụng những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn liền với Hà Nội để chia sẻ suy nghĩ của người dân về tình hình xã hội trước thềm Đổi mới.

Tại sự kiện, NSND Nguyễn Hoàng Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Phim tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam - cho biết, bộ phim Hà Nội trong mắt ai không chỉ mang đến tên tuổi cho đạo diễn Trần Văn Thủy mà còn khẳng định được vị thế của một đơn vị sản xuất phim tài liệu của Việt Nam, đó là Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương. 

Khán giả trẻ hào hứng xem phim tài liệu có Bùi Xuân Phái, Đặng Thái Sơn - 2

NSND Nguyễn Hoàng Lâm - Phó giám đốc trung tâm Phim tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: VTV).

"Phim có những cảnh đẹp như Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh cùng cảnh sinh hoạt thường ngày của người Hà Nội thời bao cấp cũng được chèn vào làm minh họa cho lời bình xuyên suốt phim.

Cuốn phim kết thúc bằng những suy nghĩ về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm bản nhạc do Văn Vượng sáng tác và trình diễn mang lại sự lắng động tới khán giả...", NSND Nguyễn Hoàng Lâm cho biết. 

Theo đó, phim bắt đầu với hình ảnh nghệ sĩ guitar khiếm thị Văn Vượng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Văn Vượng ước mong một lần được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của thành phố.

Đan xen là câu chuyện về những nhân vật lịch sử gắn bó với mảnh đất thủ đô, địa danh nổi tiếng cùng khung cảnh sinh hoạt đời thường thời bao cấp. 

Tiếp đó, phim chiếu hình ảnh họa sĩ Bùi Xuân Phái, tranh phố Phái, hay tiếng dương cầm của NSND Đặng Thái Sơn cũng khiến khán giả trẻ xúc động.

Tác phẩm cũng mượn chuyện xưa để nói chuyện nay với nhiều ẩn ý, lớp nghĩa, mượn những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn bó với thủ đô như: Chu Văn An, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trãi, Tô Hiến Thành, Quang Trung... để phản ánh suy nghĩ của người dân về tình hình xã hội.

Bộ phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về đề tài Hà Nội. 

Năm 1988, Hà Nội trong mắt ai đạt giải Bông sen vàng dành cho Phim tài liệu, biên kịch, đạo diễn và quay phim hay nhất.

Năm 2022, đạo diễn Trần Văn Thủy được trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái với hai bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế.

Trên sân khấu, đạo diễn 84 tuổi đã khóc và nói: "Tôi may mắn khi nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, đây là sự cố gắng của tôi trong cả cuộc đời làm phim. Tôi rất cảm động và thấy rằng, giải thưởng sẽ hun đúc thêm tình cảm, trách nhiệm, bổn phận đối với Hà Nội - nơi chúng ta đang sinh sống".

Đạo diễn Trần Văn Thủy (SN 1940) tại Nam Định, được mệnh danh là "đạo diễn phim tài liệu số một của Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông xin học lớp Nhân loại học do Bộ Văn hóa tổ chức. Năm 1960, sau khi học xong, ông lên vùng Tây Bắc để nghiên cứu về các dân tộc ít người.

Năm 1965, ông về Hà Nội học quay phim ở trường Sân khấu Điện ảnh. Sau đó, ông làm phóng viên chiến trường. Năm 1972, Trần Văn Thủy sang Nga học đạo diễn điện ảnh tại Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Nga (VGIK) ở Moskva.

Từ năm 1977, ông về Việt Nam, làm việc tại Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương.

Ông đã thực hiện trên 20 phim, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại các kỳ liên hoan. Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2001. Ngoài Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, ông còn ghi dấu với các tác phẩm Những người dân quê tôi, Phản bội, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai...