PhotoStory

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng

Thực hiện: Hoài Sơn

(Dân trí) - Những rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà có vẻ đẹp đầy mê hoặc cùng sinh vật biển kỳ lạ được anh Đào Đặng Công Trung, người thường lặn biển nhặt rác dưới đáy biển Đà Nẵng, chụp ảnh trong nhiều năm.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 1

Là một người yêu biển, "nghiện nước" nên anh Đào Đặng Công Trung có một tình yêu đặc biệt với các rạn san hô và sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng. Bộ ảnh vẻ đẹp rạn san hô dưới đáy biển Đà Nẵng được anh Trung thực hiện trong suốt gần 10 năm, những khi anh lặn biển nhặt rác thải nhựa (Ảnh: Hoài Sơn).

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 2

Anh Trung cho hay, bán đảo Sơn Trà có rất nhiều loài san hô. Nhiều năm về trước, khi làm việc với khách quốc tế, anh sớm được phổ cập tầm quan trọng cũng như đặc tính của san hô.

Có chứng chỉ lặn và cứu hộ quốc tế, anh Trung thường xuyên lặn nhặt rác dưới đáy biển và ghi lại hình ảnh những rạn san hô đẹp tuyệt vời.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 3

Những rạn san hô cứng phát triển qua hàng trăm năm, một vỉa có thể rộng 3-4m. San hô dưới biển giống như rừng nhiệt đới trên cạn, là nơi lưu trữ đa dạng sinh học, hỗ trợ cho nhiều loại cá và các sinh vật biển khác.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 4

Theo anh Trung, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có san hô, loài này chỉ sinh trưởng ở vùng xích đạo và cận xích đạo, nguồn nước sạch và trong. Mỗi năm, san hô chỉ cao thêm 1cm. Nếu thấy một rạn san hô cao khoảng 1m, tức rạn san hô này có tuổi đời hàng trăm năm.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 5

Theo anh Trung, san hô ở Sơn Trà còn rất nhiều. Trong đó, khu vực san hô ở bãi nam gần bờ nên dễ bị tổn thương do người dân ra ngắm và vô tình đạp trúng. Những rạn san hô bị gãy, chết và mất rất nhiều năm mới có thể tái tạo lại.

Trong ảnh là một loài san hô non sống ở độ sâu 7m, có những màu đỏ, hồng, vàng, tím.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 6

Bức ảnh khó nhất anh Trung ghi được là loài Feather Star (huệ biển), loài này bám vào đá ở độ sâu trên 3m, trong khi điều kiện nín hơi ở dưới nước khi không có bình oxy chỉ tối đa 2 phút, tính từ lúc bắt đầu lặn.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 7

San hô là nơi trú ẩn cho rất nhiều sinh vật dưới đáy biển. Trong hình là một con sao biển bám vào rạn san hô ở độ sâu 10m.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 8

Nhum biển (nhím biển, cầu gai) tên khoa học Echinoidea. Cầu gai di chuyển chậm, hầu như chỉ ăn tảo. Trong một số vùng biển, cầu gai còn ăn một số loại san hô thân mềm và một số loại cỏ biển thân mềm.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 9

Dã quỳ thân mềm là ngôi nhà cho những chú cá mặt hề lưu trú. Cá hề là loài ăn tạp và có thể ăn những thức ăn không tiêu hóa từ vật chủ hải quỳ. Ngược lại, phân từ cá hề sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho hải quỳ.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 10

Sên biển là tên thông thường cho những loài động vật không xương sống ở biển. Hầu hết các sên biển là động vật chân bụng, trải qua quá trình tiến hóa, vỏ sên bị tiêu giảm hoặc bị biến mất hoàn toàn.

Loài sên biển có kích thước, màu sắc và hình thù rất đa dạng. Trong hình là một sên biển màu xanh dương, màu sắc rực rỡ khiến chúng luôn bị các loài săn mồi đe dọa, tuy nhiên nó cũng là một hình thức cảnh báo đến các động vật khác rằng chúng có độc.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng - 11

Không chỉ ghi lại những hình ảnh về san hô, những năm qua, anh Trung thường nhặt rác dưới đáy biển. Mỗi lần lặn, anh có thể mang lên bờ khoảng 10kg rác thải là vỏ chai, vỏ lon bia, lưới…

"Khi kể chuyện nhặt rác hay chụp những bức ảnh về san hô, những vẻ đẹp tự nhiên của những loài sinh vật dưới đáy biển, tôi muốn truyền thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người", anh Trung thổ lộ.

Ảnh: Đào Đặng Công Trung