DNews

Khu chợ ở Yên Bái bày bán đá quý như rau, có viên giá vài tỷ đồng

Thu Thảo

(Dân trí) - Phiên chợ hơn 30 năm tuổi ở huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) chỉ bày bán mặt hàng duy nhất: Đá quý. Một viên có thể trị giá cả tỷ đồng, nhưng đặc biệt, tại đây chưa từng xảy ra tình trạng mất cắp.

Khu chợ ở Yên Bái bày bán đá quý như rau, có viên giá vài tỷ đồng

"Tôi đang có mặt ở chợ đá quý Lục Yên. Ai ưng viên nào chốt đơn ngay nhé".

Một người phụ nữ Trung Quốc đang bận rộn livestream (phát trực tiếp), liên tục lia cận ống kính máy quay vào những viên đá quý lấp lánh đủ màu sắc, được xếp từng hàng ngay ngắn trên chiếc bàn nhỏ.

Ở quầy kế bên, một người đàn ông Đức dùng chiếc đèn pin tỉ mẩn soi xét bên trong viên hồng ngọc rực rỡ để kiểm tra chất lượng và trả giá với chủ hàng.

Đây là khung cảnh diễn ra thường ngày ở chợ đá quý huyện Lục Yên, nằm tại trung tâm thị trấn Yên Thế, cách thành phố Yên Bái gần 100km. 

Bắt đầu hoạt động từ năm 1991, hơn 30 năm qua, đây là nơi tập trung mua bán mặt hàng duy nhất: Đá quý.

Những viên đá đa dạng về loại, kích cỡ và màu sắc được bày bán… như rau khiến khu chợ này trở thành thủ phủ đá quý lớn nhất Việt Nam. Gần như 100% đá ở đây đều được khai thác tự nhiên từ các mỏ đá quý ở huyện Lục Yên.

Khoảng 9h-10h là thời điểm chợ đá quý nhộn nhịp nhất, người mua kẻ bán tấp nập. Mỗi chiếc bàn dài và rộng chỉ cỡ 3-4 gang tay nhưng có giá trị lên đến vài tỷ đồng.

Cảnh đá quý được bày bán như rau, mỗi viên giá vài triệu đến gần 1 tỷ đồng (Thực hiện: Thu Thảo).

Bày bán đá quý như rau nhưng chưa bao giờ mất cắp

Dẫn phóng viên Dân trí đi thăm chợ đá quý, ông Nguyễn Huy Trường - thành viên Ban chấp hành Hội đá quý Lục Yên - cho biết, chợ hiện nay là chợ tạm, được xây dựng từ năm 2021, theo quy hoạch sẽ nằm dưới chân trung tâm thương mại 7 tầng đang chờ xây dựng.

Tọa lạc trên bãi đất rộng 300m2, chợ có hai khu tách biệt lợp mái che kiên cố.

Khu chính là nơi bày biện các mặt hàng đá cắt giác, đá thô hay sản phẩm đã chế tác như vòng tay, dây chuyền, nhẫn… Khu còn lại chủ yếu là đá thô còn nguyên hiện trạng như khi được đào bới lên từ lòng đất.

Theo ông Trường, hiện tại, cả chợ có 175 gian hàng. Hàng ngày, người dân mua đá được khai thác từ các mỏ đá quý ở Lục Yên và tập trung về đây buôn bán.

Khách nước ngoài đổ về chợ rất đông, chủ yếu là người Trung Quốc. Bên cạnh đó, không ít người từ một số quốc gia xa xôi như Sri Lanka, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ… cũng lặn lội đến tận nơi để tìm mua đá quý.

Ông Trường cho hay, ở Việt Nam, chợ đá quý Lục Yên là lớn nhất.

"Mỗi chiếc bàn ở đây có thể trị giá lên tới vài tỷ đồng. Bởi lẽ, một viên đá nhỏ đã có giá 30-40 triệu đồng. Hàng đẹp, hiếm còn có thể lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ", ông nói.

Khu chợ ở Yên Bái bày bán đá quý như rau, có viên giá vài tỷ đồng - 1
Khu chợ ở Yên Bái bày bán đá quý như rau, có viên giá vài tỷ đồng - 2

Hơn 9h, chợ đá quý Lục Yên đã tấp nập người mua kẻ bán (Ảnh: Kim Ngân, Thu Thảo).

Chỉ vào chiếc đèn pin lớn hơn cây bút lông viết bảng một chút đang cầm trên tay, ông Nguyễn Huy Trường giới thiệu, đây là đồ vật quen thuộc với dân chợ đá. 

Nhìn bằng mắt thường, người trong nghề có thể phần nào ước chừng được giá trị một viên đá qua loại, màu sắc và kích cỡ. Tuy nhiên, để xem xét kỹ bên trong viên đá có lỗi hay không, họ cần dùng đèn pin soi đá. Một số người còn sử dụng thêm kính lúp để quan sát tốt hơn.

Một viên đá bề ngoài đẹp đến mấy nhưng bên trong có bọt hay vết xước li ti cũng có thể giảm giá trị đi vài chục đến vài trăm triệu đồng là bình thường.

Thực tế, không phải viên đá quý nào ở khu chợ nổi tiếng cũng có mức giá "trên trời". Khách tới đây có thể tìm được những viên đá 2-3 triệu đồng, đôi khi mua theo lô chỉ có giá vài trăm nghìn đồng.

Đặc biệt, tất cả đá hoàn toàn có màu sắc tự nhiên, không qua xử lý màu và nhiệt. Nhờ đôi bàn tay tài hoa của người thợ chế tác, những viên đá thô ráp được mài giũa và đánh bóng để biến thành món trang sức lộng lẫy.

Khu chợ ở Yên Bái bày bán đá quý như rau, có viên giá vài tỷ đồng - 3

Nhiều viên đá quý có thể có giá lên tới vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng (Ảnh: Kim Ngân).

Dừng chân trước những sạp hàng đáng giá cả gia tài, khách hàng có thể thoải mái ngắm nhìn, chụp ảnh hay nâng lên đặt xuống viên đá mình thích. Bởi lẽ, theo các tiểu thương, đá quý ở chợ được bày bán như rau nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng mất cắp hay ai than vãn mua phải hàng giả.

Thêm một điều đặc biệt là tất cả người đứng bán hàng ở chợ đá quý đều là phụ nữ. Ông Trường lý giải, đàn ông thường đến tận mỏ ở các xã An Phú, Minh Tiến, cách chợ vài chục ki-lô-mét, để tìm mua đá. Sau đó, họ sẽ mang hàng về giao cho vợ hoặc những người phụ nữ trong nhà để buôn bán. 

Phiên chợ "độc nhất vô nhị"

Kinh doanh tại chợ đá quý Lục Yên 10 năm nay, chị Nguyễn Thúy Nga (31 tuổi) cho biết, gia đình chị có 10 người làm nghề bán đá quý, ngồi một dãy trong chợ. Trước đây, chị từng là nghệ nhân làm tranh đá quý.

Trên bàn của chị Nga, hàng trăm viên đá quý thuộc dòng sapphire (đá lam ngọc), spinel (đá tia lửa), ruby (hồng ngọc) đẹp lấp lánh dưới ánh sáng tự nhiên. Chị giới thiệu, "hoa hậu" trong gian hàng của mình là viên sapphire xanh trọng lượng 11.50 carat, độ chiếu sáng cao, màu sắc đẹp, được bán với giá 500 triệu đồng. 

Cạnh đó, một viên spinel đỏ 6 carat có lửa sáng, có thể làm mặt nhẫn hoặc dây chuyền, giá 150 triệu đồng.

Chị Nga nói, nhắc đến đá quý Lục Yên, ruby (một trong 4 loại đá quý nhất thế giới) là nổi tiếng nhất. Những viên ruby huyết bồ câu, ruby nước 2… hiện có giá 300 triệu đồng/viên.

Ngoài ra, một số dòng sản phẩm khác như đá sapphire vàng có khá ít ở Lục Yên, phải nhập khẩu từ nước ngoài, có giá dao động 80-100 triệu đồng/viên.

Khu chợ ở Yên Bái bày bán đá quý như rau, có viên giá vài tỷ đồng - 4

Chị Nga cho biết, chị từng bán một viên đá quý với giá 5-6 tỷ đồng (Ảnh: Kim Ngân).

Chị Nga nói thêm, mặc dù có các kênh bán hàng trực tuyến và livestream, việc mua bán đá quý tại chỗ vẫn là điều không thể thay thế. Chị từng gặp trường hợp nhiều người không trực tiếp đến cầm, nắm, chiêm ngưỡng sản phẩm nên cho rằng, các viên đá bị bán khống lên so với giá trị thật.

"Viên đá quý giá trị nhất mà tôi từng bán ra khoảng 5-6 tỷ đồng. Với người mua sành sỏi, những viên đá đẹp, sạch, độ hiếm cao có giá đắt đến đâu họ cũng sẵn sàng bỏ số tiền rất lớn để có được", chị bày tỏ.

Từ khi mở hàng lúc 8h, chị Vương Thị Kim Cúc (30 tuổi) - kinh doanh đá quý 6 năm nay - bận rộn tiếp những vị khách từ Trung Quốc, Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đến xem hàng. Theo chị, khách hàng đến từ mỗi quốc gia lại có mối quan tâm khác nhau. Ví dụ, khách Trung Quốc sẽ thích mua ruby, sapphire hoặc spinel màu hồng phấn.

"Khách hàng của tôi phần lớn là dân buôn đá quý trên thế giới. Chỉ cần thấy thích, họ sẽ đàm phán giá cả và trả tiền tại chỗ", chị nói.

Ông Dulle là một trong những khách quen của chị Cúc. Từ nước Mỹ xa xôi, ông nhiều lần đến tận nơi để lựa viên đá ưng ý. 

"Lần trước sang đây, tôi mua được viên đá sapphire khá đặc biệt vì có số 7 bên trong. Tiếc là hôm nay, tôi vẫn chưa mua được gì", ông chia sẻ.

Khu chợ ở Yên Bái bày bán đá quý như rau, có viên giá vài tỷ đồng - 5

Chị Cúc cho biết, hàng ngày chị tiếp những vị khách từ Trung Quốc, Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đến xem hàng (Ảnh: Thu Thảo).

Chị Cúc tiết lộ hiện tại, viên đá quý giá trị nhất ở sạp hàng của chị có giá 800 triệu đồng. An ninh ở chợ rất tốt nên đá dù nhiều tiền đến đâu, chị vẫn thường ngày bày bán như rau để khách thoải mái xem và lựa hàng.

Theo chị Cúc, sức hút của chợ đá quý Lục Yên đối với khách thập phương là nhờ chất lượng và sự đa dạng của đá. Một trong số mặt hàng được săn lùng là dòng spinel cobalt với màu xanh rất đặc biệt.

Vì độ hiếm cao, viên nào xuất hiện tại chợ là sẽ có người "chốt" mua ngay. Một viên chỉ 0.3 carat cũng có giá 30 triệu đồng nhưng khan hàng.

Gần 12h, chợ đá quý dần thưa thớt, chị Cúc cũng dọn dẹp đồ đạc ra về. Số đá quý đáng giá cả gia tài được chị gói gọn trong một chiếc túi xách. Đây là hình ảnh bình thường với nhiều người dân địa phương nhưng lại là một trong những điểm thú vị khiến chợ đá quý Lục Yên trở thành phiên chợ "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam.

Khu chợ ở Yên Bái bày bán đá quý như rau, có viên giá vài tỷ đồng - 6

Mỗi ngày, chợ đá quý Lục Yên chỉ họp 3-4 tiếng, lượng khách đông đúc hơn vào cuối tuần (Ảnh: Kim Ngân).