Gen Z đi từ 6h, né cuối tuần vẫn gặp biển người ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự
(Dân trí) - Cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, Ngô Quỳnh Anh (SN 2002) quyết tâm dậy sớm, chạy xe máy từ huyện Thạch Thất vào thành phố vì không thể đứng ngoài cơn sốt check-in tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Những ngày qua, lướt mạng xã hội ngập tràn bài đăng về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Ngô Quỳnh Anh đã xác định tâm lý dòng người đổ về đây sẽ rất đông đúc. Bởi vậy, cô chủ động đến từ sớm và chọn ngày trong tuần để tham quan.
Tuy nhiên, khi đến nơi lúc 7h30, Quỳnh Anh vẫn bất ngờ trước lượng khách đông đúc tập trung bên ngoài, chờ đợi gửi xe để vào trải nghiệm miễn phí bảo tàng mới.
Bắt đầu đón khách tham quan từ đầu tháng 11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhanh chóng trở thành điểm đến được yêu thích.
Dù thời tiết Hà Nội nắng nóng gay gắt, hàng nghìn người từ khắp nơi ùn ùn đổ về bảo tàng tham quan đặc biệt là dịp cuối tuần. Cao điểm buổi sáng 10/11 cuối tuần, có khoảng 25.000-30.000 du khách chen chân tại đây, theo số liệu từ bảo tàng.
Nhiều gia đình đưa con nhỏ đến bảo tàng để trải nghiệm và tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc, còn giới trẻ lại thích thú với các góc "sống ảo" đầy ấn tượng.
Một số bạn trẻ Gen Z (những người sinh từ 1997-2012) nhận xét, bảo tàng mới có không gian rộng rãi, công nghệ trình chiếu hiện đại và nhiều góc chụp ảnh đẹp mắt.
Dậy từ 6h, vượt 30km để tận mắt chiêm ngưỡng hiện vật lịch sử
Khi biết tin Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón khách, Quỳnh Anh háo hức và tò mò về những điểm đặc sắc, khác lạ so với các bảo tàng từng đến trước đây.
Dậy từ 6h, vượt 30km từ nhà ở Thạch Thất đến bảo tàng trải nghiệm, cô gái sinh năm 2002 lập tức bị thu hút bởi kiến trúc hiện đại, tối giản của tòa nhà 4 tầng. Theo cô, không gian mở kết hợp lịch sử và công nghệ cũng là điều gây ấn tượng.
"Bên cạnh các mô hình xe tăng, máy bay chiến đấu hoành tráng, phòng trưng bày phía trong còn được chia rõ ràng theo từng cột mốc lịch sử, thuận tiện cho mọi người nắm bắt thông tin. Mình rất vui khi được xem tận mắt, sờ tận tay các hiện vật quý giá", cô chia sẻ.
Với Quỳnh Anh, chuyến đi xa hoàn toàn xứng đáng với công sức cô bỏ ra khi có cơ hội tiếp thu thêm nhiều kiến thức quý báu về lịch sử, biết ơn sự hy sinh mà ông cha đã trải qua trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập.
Bởi vậy, dù thời tiết nắng nóng hay phải chen chân giữa biển người, cô gái 22 tuổi không thấy quá bất tiện.
Bí quyết chụp ảnh đẹp của Quỳnh Anh là đến sớm khi bảo tàng còn chưa quá đông, dễ dàng chọn được các góc đẹp. Các khu vực như quảng trường, tháp Chiến thắng và sảnh ra vào đều là điểm lý tưởng để check-in.
Theo Quỳnh Anh, mọi người đến bảo tàng chỉ cần giơ máy lên là có ngay bức ảnh ưng ý. Một mẹo nhỏ là căn góc sao cho không bị dính người để tổng thể thêm phần hoàn hảo.
"Về trang phục, bạn có thể lựa chọn phong cách nào cũng hài hòa với không gian. Tuy nhiên, những bộ đồ sáng màu hoặc áo dài sẽ giúp bức ảnh nổi bật hơn trong khung cảnh bảo tàng", Quỳnh Anh bật mí.
Hà Pu (tên thật Nguyễn Thị Hà, SN 2001) di chuyển gần 10km từ nhà ở Ngã Tư Sở, quận Đống Đa đến bảo tàng mới khai trương để trải nghiệm.
Dự đoán trước cảnh đông đúc trong những ngày đầu mở cửa, Hà Pu và nhóm bạn đã có mặt từ 7h30, tranh thủ xếp hàng sớm để giảm thời gian chờ đợi. Nhờ vậy, cô may mắn trở thành một trong những vị khách đầu tiên được trải nghiệm điểm check-in mới toanh đang gây sốt.
Điểm khiến Hà Pu ấn tượng nhất là khu vực tháp Chiến thắng nằm ở trung tâm khuôn viên bảo tàng vì được thiết kế cầu kỳ, độc đáo và ẩn chứa ý nghĩa, câu chuyện riêng.
Bên cạnh đó, Hà Pu tỏ ra thích thú với khu vực giếng trời sảnh với phần trang trí những cánh chim sắt và một phần xác máy bay B52 bị quân dân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
Hà Pu cho rằng, không chỉ mang thông điệp về lòng yêu chuộng hòa bình, đây hứa hẹn trở thành góc "sống ảo" thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ khi ghé thăm bảo tàng.
"Lưu ý lớn nhất khi tham quan bảo tàng là mọi người cần chuẩn bị sức khỏe tốt và khoảng thời gian rảnh rỗi nhất định. Diện tích của bảo tàng rất lớn nên ai muốn đi hết và đọc đầy đủ các thông tin, chú thích của các hiện vật trưng bày tại đây cần khoảng 1-2 tiếng", cô gái 23 tuổi bộc bạch.
Điểm đến truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Biết đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từ khi địa điểm này còn đang trong quá trình xây dựng, Trần Thị Kiều Anh (SN 2004) luôn mong ngóng thông tin, chờ đợi đến ngày khai trương, đón khách để vào trong tham quan, trải nghiệm.
Lần đầu tiên đến tham quan bảo tàng, Kiều Anh quyết định lựa chọn mặc áo dài vì cảm thấy trang phục này phù hợp với bối cảnh và muốn truyền cảm hứng yêu nét đẹp truyền thống đến các bạn trẻ hiện nay.
Theo cảm nhận của Kiều Anh, thay vì chỉ ngắm nhìn các hiện vật tĩnh, du khách đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thể tương tác trực tiếp với hiện vật và hiểu sâu hơn về các trận đánh, câu chuyện lịch sử của dân tộc. Đây là điểm cộng khác biệt, đầy thú vị về trải nghiệm mà bảo tàng mang lại.
Khi được tận mắt chứng kiến 4 bảo vật quốc gia được trưng bày tại bảo tàng, Kiều Anh cảm thấy rất tự hào, xúc động. Nữ sinh 20 tuổi mong muốn trong tương lai sẽ góp sức cống hiến, gìn giữ văn hóa và bản sắc của dân tộc.
"Có rất nhiều thông tin bổ ích mình chưa được biết hoặc đã học khá lâu nên không còn nhớ. Khi đến tham quan bảo tàng, mình may mắn được học và hiểu thêm về kiến thức lịch sử của dân tộc Việt Nam", cô hào hứng chia sẻ.
Sau khi từ bảo tàng trở về, Quỳnh Anh cho biết, cô sẽ giới thiệu cho những người bạn cùng lớp đến trải nghiệm.
Khác với mục đích tham quan, check-in như nhiều người, Đinh Diễm (SN 2003, Hải Dương) - sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để quay tư liệu phục vụ dự án truyền thông quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
"Bảo tàng có không gian rất rộng, lượng người đổ về đông đúc. Điều này cũng khiến mình gặp phải khó khăn trong việc đọc các thông tin, xem kỹ tư liệu. Mình cảm thấy khá bối rối và nhất định sẽ quay trở lại bảo tàng nhiều lần để có được trải nghiệm trọn vẹn hơn", nữ sinh chia sẻ.
Vốn là sinh viên truyền thông, Đinh Diễm khá quan tâm đến các kiến thức liên quan đến xã hội, lịch sử, văn hóa… Khi có mặt tại đây, nữ sinh thích thú và bất ngờ về sự hoành tráng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Với cô gái Hải Dương, khu vực trưng bày chiếc xe tăng đã húc cánh cổng phụ Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 - một trong 4 bảo vật quốc gia được trưng bày ở bảo tàng - là nơi để lại ấn tượng sâu sắc và xúc động nhất. Cô khá bồi hồi khi tận mắt ngắm nhìn và hiểu rõ hơn về câu chuyện ẩn giấu phía sau từng hiện vật.
Đinh Diễm đánh giá cao không gian bên ngoài của bảo tàng với lối thiết kế hiện đại, có khoảng sân rộng và khu vực thảm cỏ xanh đẹp mắt. Cô khuyên mọi người nên đi vào những ngày nắng, diện trang phục đơn giản để có được những tấm ảnh đẹp làm kỷ niệm.
Theo cảm nhận chung của nhiều bạn trẻ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ghi điểm với hệ thống công nghệ hiện đại, âm thanh sinh động được tích hợp trong các phòng trưng bày.
Không chỉ được hiểu thêm về lịch sử, các bạn trẻ khi đến với bảo tàng mới còn cảm nhận rõ nét về những khó khăn của ông cha ta trong thời kỳ chiến tranh và ghi dấu lại những khoảnh khắc đáng nhớ qua những tấm ảnh check-in đẹp.