(Dân trí) - Bỏ gạo nếp vào ống nứa rồi đem nướng, cách nấu cơm độc đáo này của đồng bào dân tộc Thái đã tạo nên một đặc sản mang "hơi thở" của núi rừng - món cơm lam.
Độc đáo món cơm đồ trong ống nứa, mang "hơi thở" của núi rừng
Bỏ gạo nếp vào ống nứa rồi đem nướng, cách nấu cơm độc đáo này của đồng bào dân tộc Thái đã tạo nên một đặc sản mang "hơi thở" của núi rừng - món cơm lam.
Không chỉ là món ăn hằng ngày, cơm lam của đồng bào dân tộc Thái là một trong những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc mang "hơi thở" của núi rừng. Ở các huyện vùng cao Thanh Hóa hiện nay vẫn còn lưu giữ nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống này.
Trong các dịp lễ hội, Tết hoặc những hôm nhà có khách quý ghé chơi, đồng bào dân tộc Thái thường nấu cơm lam để tiếp đãi khách và giới thiệu về món ăn độc đáo này.
Nguyên liệu chính để làm món cơm lam gồm có ống nứa và nếp nương. Ống nứa sử dụng trong chế biến cơm lam phải là nứa tươi, không quá non hoặc quá già. Ống nứa sau khi chặt từ rừng về sẽ được chia đều mỗi đốt thành một ống lam, sau đó đem rửa sạch.
Để tạo nên mùi hương thơm cho cơm, người dân thường dùng lá chuối hoặc lá dong để nhét vào trong lòng ống nứa.
Tiếp theo là khâu chọn gạo nếp, thông thường bà con đồng bào Thái thường sử dụng gạo nếp nương còn mới, hạt to và mẩy để lam cơm. Nếp nương sẽ được ngâm nước khoảng 30 phút - 2 giờ đồng hồ rồi đem rửa sạch để ráo và cho vào ống nứa.
Thông thường, khi đổ gạo vào ống nứa, các đầu bếp sẽ không đổ gạo đầy ống, mà phải để cách miệng ống nứa một khoảng trống vừa phải để khi gạo nếp chín sẽ nở ra kín miệng ống là vừa.
Sau khi cho gạo nếp vào ống nứa, một lượng ít nước suối sạch sẽ được cho vào để lam cơm. Lượng nước cũng được cho vừa phải, nếu không cơm lam sẽ bị nhão, không được dẻo.
Những ống cơm lam đã được chuẩn bị sẵn sàng để đưa đi nướng trên bếp củi.
Thông thường, những ống gạo nếp sẽ được nướng trên lửa than trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Khi nướng phải xoay ống nứa liên tục, không cho ống lam quá cháy và để hạt gạo chín đều. Để kiểm tra độ chín của cơm, người dân dùng tay nắn đều các ống nứa, khi nào ống nứa mềm và tỏa ra mùi thơm thì khi đó cơm đã chín.
Những ống cơm lam chín sẽ được bóc tách lớp vỏ nứa bên ngoài để lấy phần cơm chín bên trong. Tùy thuộc vào cách làm, có những nơi người dân sẽ dùng dao tách lấy phần ống nứa mỏng bên trong thành những ống cơm lam dài.
Một ống cơm lam hoàn thiện thơm lừng mùi nếp, hòa quện với mùi thơm của ống nứa và lá chuối tạo nên một hương vị đặc trưng, hấp dẫn.
Cơm lam được cắt thành khúc để chuẩn bị cho bữa cơm. Thông thường, người dân bản địa vùng đồng bào dân tộc Thái thường sử dụng muối vừng hoặc nước mắm để chấm cơm lam.
Vào những dịp lễ, Tết hoặc có khách quý đến nhà chơi, trên mâm cơm của người Thái thường không thể thiếu món cơm lam truyền thống ngon nức tiếng này. Hiện nay, nếu có dịp ghé thăm các bản du lịch cộng đồng ở Thanh Hóa, du khách sẽ không khó bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Thái làm cơm lam truyền thống.