PhotoStory

Chuyện 4 không, 2 có trên "mắt thần" của biển Đà Nẵng

Thực hiện: Hoài Sơn

(Dân trí) - Ngọn hải đăng Tiên Sa (Đà Nẵng) được đặt tên là nơi "4 không, 2 có". Nơi đây không điện, không nước, không sóng điện thoại và không có phụ nữ; chỉ có tình yêu nghề và ngọn đèn biển sáng tỏ từng đêm.

Canh "mắt thần" của biển Đà Nẵng (Video: Hoài Sơn).

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 1

Đà Nẵng những ngày cận Tết, chúng tôi vượt đường núi khúc khủyu, ngoằn ngòeo quanh bán đảo Sơn Trà để lên thăm những người công nhân bảo vệ ngọn hải đăng Tiên Sa.

Nơi đây có 5 thành viên đang ngày đêm thay phiên nhau trực trạm giữ "mắt biển" luôn sáng, dù là ngày thường hay Tết đến, Xuân về.

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 2

Trạm phó Trần Ngọc Anh (quê Nghệ An) đón chào chúng tôi như gặp lại người thân sau nhiều năm xa cách.

Đã gần 20 năm gắn bó cùng những ngọn hải đăng dọc miền biển Trung, anh không nhớ bao nhiêu cái Tết xa quê, xa vợ con đón xuân bên những ánh đèn. Trước khi về Sơn Trà, anh đã gắn bó với những ngọn đèn biển ở Cửa Đại, Cù Lao Chàm (Quảng Nam).

Công việc thầm lặng, theo thời gian tuổi trẻ của anh và đồng nghiệp mau chóng qua đi bên những ngọn đèn, để dẫn lối hàng triệu lượt tàu thuyền trên biển đêm.

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 3
Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 4

Dẫn chúng tôi đi thăm "mắt thần của biển", anh Anh cho hay, ngọn hải đăng này do người Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1902. Đây là một trong số ngọn hải đăng cổ nhất ở nước ta hiện nay.

Trải qua hơn 100 năm, chịu sự bào mòn của thời gian và biển cả, hải đăng Tiên Sa vẫn đứng vững, chiếu vào biển đêm dòng ánh sáng xa 23 hải lý (khoảng hơn 40km).

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 5

Hải đăng Tiên Sa có ánh sáng trắng, chớp đôi, chu kỳ 10 giây, giúp dẫn đường cho tàu thuyền hoạt động trong vùng biển từ Quảng Nam đến Đà Nẵng.

Trạm do Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Trung Bộ quản lý. Biên chế trạm có 5 người thì chỉ 2 người có vợ con gia đình ở Đà Nẵng, còn lại đều xa quê, xa gia đình để làm nhiệm vụ.

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 6
Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 7

Ban ngày, các cán bộ kiểm tra từng chi tiết trong hệ thống phản quang, lau chùi bóng đèn định kỳ và các thiết bị phụ trợ, theo dõi các thông số kỹ thuật đèn biển, hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Đặc biệt, sổ nhật ký ghi chép về hoạt động tại trạm phải được cập nhật hàng ngày, chi tiết và đầy đủ. Từ đó, trạm trưởng sẽ thực hiện công tác báo cáo theo tháng, quý cho công ty.

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 8

Ngồi trò chuyện thì cũng đến 18h chiều, anh Anh vội mặc bộ đồ bảo hộ, trèo lên đỉnh để thắp sáng "mắt thần". Với ánh sáng như sợi dây kết nối ngư dân ngoài biển xa với đất liền, ngọn đèn biển đã góp phần để giao thông trên biển an toàn.

Các cán bộ tại trạm cũng rất vui khi trong suốt nhiều năm qua, không có sự cố nào trên biển xảy ra và ngọn đèn biển vẫn luôn tỏa sáng đều đặn mỗi khi đêm về.

Công việc tưởng nhàn, nhưng yêu cầu tính cẩn trọng và sự chỉnh chu bởi nếu để xảy ra một sai sót nhỏ sẽ gây xáo trộn lớn trên biển xa.

"Với mỗi việc nhỏ, chúng tôi đều phải tỉ mỉ và đặt trọn tâm trí vào đó để bà con ngoài khơi được thấy ánh đèn, yên tâm khi đêm đến", anh Anh chia sẻ.

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 9
Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 10

Do hải đăng cổ, không có hệ thống điều khiển từ xa nên công nhân phải bảo trì vận hành thủ công để đảm bảo máy móc, thiết bị đèn luôn đảm bảo.

Buổi chiều kiểm tra trang thiết bị, thông số kỹ thuật. Hàng ngày phải báo cáo tình hình ở trạm một lần qua bộ đàm. Bên ngoài tháp là đèn phụ được bọc cẩn thận bằng vải trắng, dùng khi đèn chính gặp sự cố.

Ngày thường công việc khá nhàn, nhưng mùa mưa bão việc bảo dưỡng, đảm bảo đèn chiếu sáng xuyên đêm hết sức vất vả.

"Ở đây anh em quen với cảnh "4 không, 2 có", đó là không điện, không nước, không sóng điện thoại và không phụ nữ. Ở đây chỉ có trái tim yêu nghề và ngọn đèn biển sáng tỏ từng đêm", anh Anh tâm sự.

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 11
Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 12

Do nơi đây chưa có điện, máy móc vận hành bằng máy nổ nên việc vận hành đèn công suất nghìn Kw/h phải luôn có người túc trực, canh chừng từng đêm, từng giờ để kịp thời xử lý sự cố, không để đèn tắt dù chỉ là một phút.

Không có nước ngọt, anh em phải tích trữ nước mưa để dùng. Sóng điện thoại phải đi dò. Cũng may, ngay đỉnh hải đăng bắt được ít sóng "đi lạc" để gọi điện.

Có những đêm canh đèn, nhớ vợ con, gia đình, anh em lại đứng bên ngọn đèn để gọi về thăm nhà. Nếu không yêu nghề, quen với công việc, quen với cô đơn thì khó gắn bó với nghề lâu vậy được.

"Tết ở đây cũng có mấy người lên thăm đâu, nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị chu đáo để anh em không tủi thân khi xa nhà. Nếu ai cũng chọn sung sướng thì lấy ai thắp sáng ngọn đèn soi đường cho ngư dân", anh Anh bộc bạch.

Trạm hải đăng Tiên Sa nhận được nhiều giấy khen của Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải về những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chuyện 4 không, 2 có trên mắt thần của biển Đà Nẵng - 13

Mỗi lần tàu thuyền ra khơi, người đi biển vẫn nhìn về ngọn đèn này. Nơi "mắt biển" hướng về phía đông, có những người vẫn cặm cụi làm những công việc thầm lặng để ngọn hải đăng rực sáng và họ luôn tự hào vì điều đó.