DMagazine

50.000 người dân TPHCM mới có một nhà vệ sinh công cộng

(Dân trí) - "Trung bình, 50.000 người ở TPHCM mới có một nhà vệ sinh công cộng để sử dụng. Con số này là quá ít, dễ gây nghẽn mạch", người sáng lập dự án nhà vệ sinh "Thoải mái như ở nhà - Comfort as home", nói.

"Phải xem xây dựng nhà vệ sinh quan trọng như trung tâm thương mại"

(Dân trí) - "Dân số TPHCM hiện là 10 triệu người nhưng chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng. Tính trung bình, 50.000 người dân mới có một nhà vệ sinh công cộng để sử dụng, chưa kể nhu cầu của hàng chục triệu du khách trong và ngoài nước đến với TPHCM hàng năm", ông Nguyễn Hồng Sơn nói.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu - TP Đà Nẵng, là "cha đẻ" của mô hình nhà vệ sinh cộng đồng "Thoải mái như ở nhà - Comfort as home". Mô hình này được Tổng cục Du lịch và ông Sơn hỗ trợ triển khai ở một số tỉnh, thành cả nước và nhận được nhiều kết quả tích cực.

Sau tuyến bài phản ánh sự xuống cấp nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM của báo Dân trí, ông Sơn đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về vấn cấp thiết này.  

"Người dân dùng không đủ, du khách đi ở đâu?"

Về tình hình nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố, ông Sơn cho biết dân số TPHCM hiện tại khoảng 10 triệu người nhưng chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh. Tính trung bình, 50.000 người mới có một nhà vệ sinh để sử dụng. Tại Singapore, từ năm 2008, tỷ lệ này đã là 152 người dân/1 nhà vệ sinh công cộng.

"Con số này quá ít và dễ dàng gây nghẽn mạch. Chúng ta nên xấu hổ vì nó đáng xấu hổ. Nhiều người tưởng nhà vệ sinh công cộng là vấn đề nhỏ, nhưng phải xem nó quan trọng bằng việc xây một trung tâm thương mại, khu du lịch. Bởi đó là tiêu chí đánh giá dịch vụ du lịch, tác động trực tiếp vào trải nghiệm của khách hàng", ông Sơn nhận định.

50.000 người dân TPHCM mới có một nhà vệ sinh công cộng - 1
50.000 người dân TPHCM mới có một nhà vệ sinh công cộng - 2

Theo ghi nhận thực tế, nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM đang gặp phải hai vấn đề lớn về cả số lượng và chất lượng. Một số tuyến đường trung tâm, địa điểm tham quan thành phố có mật độ nhà vệ sinh phân bố không hợp lý. Mặt khác, một số nhà vệ sinh công cộng bẩn thỉu, bốc mùi khiến khách phải "quay đầu" ngay khi vừa đặt chân bước vào. Có những nơi gãy vòi nước, bể nắp bồn cầu, gương rơi vỡ… vì không có bàn tay chăm sóc của các loại hình dịch vụ.

 "Nhà vệ sinh còn không đủ cho người dân sử dụng, khách du lịch đi ở đâu? Tôi đánh giá vấn đề nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM đang ở mức báo động đỏ. Mỗi năm, thành phố có hơn 33 triệu lượt khách nội địa, 9 triệu lượt khách quốc tế. Con số này quá lớn so với số lượng nhà vệ sinh hiện có", ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

Vấn đề nhà vệ sinh công cộng đã được đặt ra từ rất lâu, cho các thành phố lớn, trung tâm kinh tế - du lịch như TPHCM, TP Hà Nội… Đồng thời, thành phố cũng đã có các đề án xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh công cộng nhưng còn vướng nhiều vấn đề về vốn và quỹ đất. 

Hơn 8 năm trước, ông Nguyễn Hồng Sơn từng rất khó xử khi chứng kiến một người bạn của mình đang đi chơi phải quay về khách sạn vì cần "giải quyết nỗi buồn". Không ít lần, doanh nhân này rơi vào trường hợp "dở khóc dở cười" khi dẫn người nhà, bạn bè đi tham quan những tuyến đường chính nhưng nhà vệ sinh công cộng lại bẩn đến mức không dùng được.

Nỗi xấu hổ trên khiến ông phải bắt tay vào nghiên cứu mô hình nhà vệ sinh xã hội hóa. Ông cùng UBND Hải Châu và Hội doanh nghiệp của quận này đã đi khảo sát, "gõ cửa", vận động từng doanh nghiệp, điểm khách sạn, quán cà phê, nhà hàng, cây xăng… mở cửa đón du khách đi vệ sinh miễn phí. Tính đến nay, dự án đã nhân rộng và nhận nhiều sự hưởng ứng như Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Huế, Hội An, Bình Định… Đặc biệt là sự thành công ban đầu tại TP Đà Nẵng.

"Tôi trở về nhà và tâm sự với mẹ - người phụ nữ đã 85 tuổi - về chuyện nhà vệ sinh. Mẹ tôi cười vào bảo, đây đâu phải là câu chuyện tế nhị, ai cũng có nhu cầu này mỗi ngày và mong muốn đi vệ sinh ở đâu cũng thoải mái như ở nhà. Thế là tôi chọn cái ý trên thành tên gọi cho dự án: "Thoải mái như ở nhà - Comfort as home", ông Sơn chia sẻ.

Theo đó, mô hình này được thực hiện bằng cách cách huy động nguồn lực sẵn có của cộng đồng doanh nghiệp, vận động các khách sạn, nhà hàng, cà phê, showroom… cùng hướng đến giá trị chung, mở cửa nhà vệ sinh để chung tay phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Ông Sơn nói: "Tôi nghĩ chỉ cần quyết tâm tìm ra hướng đi, sẽ có hàng trăm giải pháp và hàng nghìn người thực hiện nó".

Sau nhiều năm vận hành hiệu quả, từ năm 2018, mô hình này đã được Tổng cục Du lịch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào phát động triển khai đối với các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước và cho kết quả nhất định.

50.000 người dân TPHCM mới có một nhà vệ sinh công cộng - 3

Công viên Bến Bạch Đằng với hiện trạng không có nhà vệ sinh công cộng (Ảnh: Quang Ninh).

Làm du lịch từ… nhà vệ sinh

"Đừng nghĩ làm du lịch là một cái gì đó cao xa, nó chỉ đơn giản là khi bạn chọn một địa điểm vì sự thoải mái, thân thiện. Du khách cảm thấy dễ chịu, tin yêu, họ sẽ tìm đến lần 2 để trải nghiệm, mua sắm các dịch vụ nơi đây", ông Sơn nói.

Nhà vệ sinh tại các nhà hàng, khách sạn, showroom thường được lau chùi, quét dọn thường xuyên để đảm bảo sự sạch sẽ. Nhu cầu đi vệ sinh của khách có thể phát sinh bất kì lúc nào. Vì thế, mạng lưới dự án nếu nhận được sự đồng hành của hơn 5.000 doanh nghiệp, có nhà vệ sinh ở các tuyến phố, bãi biển, sẽ là chất xúc tác giúp nâng cao ngành du lịch.

Khi doanh nghiệp tham gia vào dự án, họ cần đính logo lên cổng chào để khách dễ dàng nhận biết và sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Những nhân viên phục vụ luôn thân thiện cười chào người đến và người ra. Điều này tạo nên một cái nhìn tốt trong mắt khách du lịch.

Ông Sơn chia sẻ, trước khi vận hành mô hình này cần phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, công an... để phòng các trường hợp bất trắc có thể xảy ra.

Ông nói: "Một số doanh nghiệp cũng e ngại rằng, lượng khách vãng lai sẽ làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách đến sử dụng dịch vụ. Tôi khẳng định, xin đừng ngại vì sự thân thiện, tận tâm là cốt lõi để tạo ra những giá trị tốt đẹp. Một cô phục vụ hướng dẫn cụ bà nơi dùng nhà vệ sinh, sắp xếp gánh hàng rong gọn gàng… chẳng phải là một hình ảnh đẹp hay sao? Bạn thấy một thành phố có người dân thân thiện, cởi mở và nhiệt tình, bạn có muốn lên kế hoạch đến đây lần nữa không?".

Theo ông Sơn, để xây dựng được nhà vệ sinh công cộng có diện tích khoảng 15m2- 20m2, ở những vị trí đắt địa sẽ đòi hỏi nguồn quỹ đất lớn cùng chi phí ngân sách đắt đỏ. 

"Tôi đi vận động doanh nghiệp mở cửa nhà vệ sinh cũng đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Đó là nguồn lực sẵn có từ cộng đồng và doanh nghiệp chân chính luôn muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp mình bằng cách đồng hành với địa phương để góp phần phát triển du lịch và bảo vệ môi trường", cha đẻ của mô hình nhà vệ sinh cộng đồng "Thoải mái như ở nhà - Comfort as home" nói.

Theo kỳ vọng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có 63.000 nhà vệ sinh cộng đồng để phục vụ người dân & du khách trong vài năm tới. Các thành phố lớn như TPHCM sẽ rút ngắn lại khoảng cách, thay vì 50.000 người sẽ có một nhà vệ sinh công cộng sẽ còn 5.000, 2.000, 1.000 người. 

Trước đó, qua buổi trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cũng đưa ra hiến kế.

Trong đó, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho ra mô hình nhà vệ sinh thông minh với hệ thống quản trị AI, cảm biến tự động đóng/mở cửa, tự làm sạch, làm khô bề mặt. Người dùng cũng không cần chạm tay để mở nắp thùng rác. Và chỉ trong 0,2 giây, hệ thống này có thể báo về máy chủ tình trạng "báo động" của nhà vệ sinh: tắc nghẽn bồn, hết nước, hết giấy hay có ai cạy phá thiết bị. Hệ thống hút mùi sẽ hoạt động liên tục trong cabin, diệt khuẩn bằng tia UV.

"Chúng tôi đã đưa ra phương án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, mô hình nhà vệ sinh kết hợp với trưng bày sản phẩm Ocop vùng miền, quảng cáo, sản phẩm Ocop vùng miền… Nếu tỉnh, thành có văn bản đề xuất vị trí đặt nhà vệ sinh công cộng bền vững, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cam kết sẽ tư vấn, hỗ trợ miễn phí việc xây dựng, lắp ráp" - ông Hiệp nói.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với Hiệp Hội Nhà vệ sinh Việt Nam và các sở, ngành có liên quan triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn theo bộ tiêu chí của Tổng cục Du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị đề xuất cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chỉnh trang, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống nhà vệ sinh đối với các điểm tham quan du lịch là các bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật chưa đáp ứng tiêu chuẩn du lịch.

Đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, khảo sát thực tế 51 điểm trong kế hoạch; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường du lịch.

Nội dung: Huy Hậu, Ngọc Ngân

Ảnh: Quang Ninh, NVCC