(Dân trí) - "Đây là địa điểm mở 24/24h, phục vụ nhiều thành phần nhưng họ không xem đây là chỗ đại hay tiểu tiện nữa, mà còn tắm giặt, hút chích... Cô đã từng phải dọn kim tiêm ma túy", bà M. nói.
Khách dọa đánh, công khai chích ma túy trong nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM
"Đây là địa điểm mở 24/24h nên phục vụ nhiều thành phần, nhưng họ không xem đây là chỗ đại hay tiểu tiện nữa, mà còn tắm giặt, hút chích. Cô đã từng phải dọn kim tiêm ma túy", bà M. nói.
Tháng 1/2023, tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia đã công bố bảng xếp hạng điều kiện và mật độ nhà vệ sinh công cộng tính trên đơn vị km2 của các thành phố du lịch. Trong đó, TPHCM xếp hạng 67/69 với mô tả "thành phố đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch, thức ăn ngon, lịch sử, kiến trúc, ngoại trừ nhà vệ sinh".
Bảng đánh giá đã khiến vấn đề nhà vệ sinh công cộng buộc phải được nhìn lại. Tuyến bài Nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM phản ánh tình trạng thực tế, kể những câu chuyện của người trong cuộc. Từ đó, đặt ra vấn đề về việc cải thiện dịch vụ, chất lượng nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Bị dọa đánh, dọn bãi kim tiêm ma túy trong nhà vệ sinh công cộng
"Mày muốn gì? Tao đập mày luôn đó!", nam thanh niên dọa dẫm khi bà M. (53 tuổi, nhân viên nhà vệ sinh) nhắc nhở về vấn đề tắm rửa, súc miệng ngay trên bồn vệ sinh công cộng.
Bị đe nẹt, người phụ nữ trung tuổi đã gọi bảo vệ và quản lý quán cà phê cạnh đó đến giải quyết và đuổi thanh niên hung tợn ra khỏi nhà vệ sinh.
Bà M. đã làm tạp vụ tại nhà vệ sinh cộng đồng tại quận 10 được 5 năm. Ngần ấy thời gian, bà đã chứng kiến không ít câu chuyện kém ý thức của người dùng.
"Thời gian trước, khi cô còn trực 7h đến 23h thì mọi thứ luôn sạch sẽ. Sau dịch Covid-19, cô chỉ trực vài tiếng/ngày, nhà vệ sinh liền gặp vấn đề. Mỗi sáng, sàn nhà, bồn rửa mặt, toilet luôn bẩn, nước văng tung tóe, đầy dao cạo râu, lưỡi lam… Nhân viên quán cà phê thấy là dọn, nhưng nhiều hôm chúng cũng lắc đầu: Dơ lắm cô ạ!", bà M. trầm ngâm kể.
Chưa dừng lại tại đó, bà M. còn phải đối mặt với nguy hiểm khi nhà vệ sinh công cộng thành tụ điểm tiêm chích ma túy. Ban đầu, bà liên tục nhắc nhở và yêu cầu quản lý, bảo vệ giúp đỡ nếu khách đóng cửa quá lâu. Thế nhưng, từ khi giảm giờ làm, bà càng ngao ngán vì mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
"Đây là địa điểm mở 24/24h nên phục vụ rất nhiều thành phần, từ du khách, người đi đường đến cơ nhỡ, vô gia cư… Nhưng họ không xem đây là chỗ đại hay tiểu tiện nữa, mà còn tắm giặt, hút chích. Cô đã từng phải dọn kim tiêm ma túy…", bà M. nói.
Cùng chung cảnh ngộ với bà M., L. (30 tuổi) nhớ lại câu chuyện khi phải đối mặt với người đàn ông trung niên khiến chị phải ôm mặt khóc. "Ông ta chỉ tay vào mặt tôi quát rằng mày nhận lương thì mày phải dọn", chị L. nói.
Chị L. làm công việc lau dọn nhà vệ sinh công cộng "5 sao", thuộc khu vực quận 1, TPHCM. Chị mặc đồng phục lịch sự, nhẹ nhàng đề nghị khách cởi giày, thay dép để sử dụng. Sau 2-3 lượt khách, L. kiểm tra lại tình trạng của các phòng, thay khăn giấy, dội nước, lau sàn nhà…
Nhà vệ sinh được đặt tại khu vực trung tâm nên phần lớn người sử dụng là khách du lịch, tài xế và người đi tập thể dục tại công viên. L. cho biết, tình trạng phổ biến nhất là khách cho thẳng khăn giấy sử dụng xong vào bồn, đặc biệt là khách Tây.
"Tôi không biết có phải bên nước ngoài họ thường xử lý giấy vệ sinh như vậy không, nhưng rất nhiều người làm vậy. Tôi cũng cố gắng giải thích cho họ hiểu rằng xử lý giấy như thế dễ gây nghẹt. Một số khách Việt Nam cũng làm thế, dù được nhắc nhở ngay khi bước vào nhà vệ sinh", nữ nhân viên lau dọn chia sẻ.
Chị này nói thêm: "Tôi sợ họ thấy dơ tay nên bật sẵn nắp thùng rác nhưng mọi chuyện vẫn như cũ. Họ nói ở nhà làm vậy quen rồi. Theo thiết kế của nhà vệ sinh, 50 lượt khách đi liên tiếp cũng không sao, nhưng chỉ một người vứt giấy vào bồn là nghẹt liền, phải gọi dịch vụ rút hầm cầu".
Theo L., một số khách quan niệm nhà vệ sinh công cộng là "của chung", đi một lần không nhất thiết phải sử dụng lần hai nên không có ý thức giữ gìn. Đặc biệt, chị đã chứng kiến nhiều khách đi dép đạp thẳng lên thành bồn tiểu. Khi góp ý, họ phân trần: "Dép tôi sạch mà".
Thói quen, ý thức hay trách nhiệm?
Câu chuyện của L. đặt ra vấn đề về ý thức của du khách, những người thường xuyên sử dụng nhà vệ sinh công cộng. L. cho biết, khoảng 2 tháng, nhà vệ sinh công cộng sẽ có một đợt bảo dưỡng thiết bị, kiểm tra sàn, trần, quạt thông gió… Những vật dụng này sẽ hư hao nhiều hơn nếu ý thức của sử dụng kém.
Mike B. khách du lịch đến từ Los Angeles (Mỹ) cho biết, việc thả giấy vệ sinh vào bồn để tiêu hủy là cách làm phổ biến ở nhiều quốc gia. Chàng trai 27 tuổi nói rằng, nhà vệ sinh sẽ trở thành "cơn ác mộng" nếu bị nghẹt, ngổn ngang giấy.
"Tôi cảm nhận được sự khác biệt về văn hóa sử dụng nhà vệ sinh. Cá nhân tôi đồng ý rằng nó sẽ có thể gây nghẹt đường ống. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của hầu hết các thành phố tại Mỹ đều xử lý dễ dàng vấn đề này. Hay ở Vương quốc Anh, việc giật nước xả bồn cùng với khăn giấy là bình thường. Tuy nhiên, nó lại không hợp lý và không được khuyến khích tại Việt Nam. Một vài biển báo bằng tiếng Anh gắn ở cửa có thể là giải pháp cho vấn đề này", Mike nói.
Cavin J Lewis, du khách Mỹ, đã từng bức xúc trước sự thờ ơ của nhân viên lau dọn nhà vệ sinh công cộng. "Đa phần những nhà vệ sinh công cộng đều có nhân viên trông coi. Tôi thường mất khoản phí nhỏ từ 1.000 đến 5.000 đồng/lượt đi. Tuy nhiên, họ không thật sự quan tâm đến mùi hôi nồng nặc. Một số buồng hoàn toàn không được lau dọn hay có bất kỳ hình thức vệ sinh nào", vị khách du lịch nói và chia sẻ: "Trong trường hợp khẩn cấp, tôi chọn cách đến nhà hàng, quán cà phê, đồng ý mua nước hay thức ăn ở đó để đổi lại việc sử dụng nhà vệ sinh".
Trên thực tế nhiều người sử dụng nhà vệ sinh công cộng cũng có quan điểm "người trước dùng dơ, người sau cũng không muốn giữ gìn". Điển hình T. (SN 1995, ngụ TPHCM) cho biết cô thường xuyên "nhắm mắt" sử dụng khi không còn sự lựa chọn nào khác. "Người ta đạp lên thành bồn cầu chi chít dấu chân, làm sao bạn có thể ngồi nữa? Điều này rất hay xảy ra tại các nhà vệ sinh nữ. Liệu bạn sẽ "xắn tay" dọn dẹp hay cố gắng "đi cho xong" rồi ra nhanh?", cô nói.
Chia sẻ về nỗi khổ tại các nhà vệ sinh công công, bà M. đồng ý rằng từ khi không còn túc trực cả ngày, nhà vệ sinh nơi bà quản lý đã khiến khách Tây không còn dám sử dụng.
"Thứ nhất là chúng bẩn. Thứ hai, du khách cũng sợ khi không có ai quản lý, bảo vệ tại đây. Trong thời gian qua, cô không thấy khách Tây nào sử dụng nhà vệ sinh này nữa", bà M. nói.
Nhà vệ sinh quan trọng như thế nào với ngành du lịch?
Trao đổi với báo phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương (Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội) cho biết, TPHCM được đánh giá là một trung tâm du lịch, trung chuyển hàng đầu cả nước. Trong năm 2023, TPHCM được kỳ vọng sẽ đón lượt khách tăng 20% so với năm 2022.
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề nhà vệ sinh công cộng vẫn đang tồn tại nhiều mặt hạn chế. Nhiều nơi vẫn đang làm nhà vệ sinh công cộng "nửa vời, cho có". Khi các công ty lữ hành thiết lập tuyến tour, bên cạnh điểm tham quan, chất lượng, giá cả, nhà vệ sinh là yếu tố bắt buộc.
"Nhà vệ sinh công cộng đang ít về số lượng và kém về chất lượng. Tôi ví dụ, tuyến TPHCM - Củ Chi, khi khách du lịch đi độ khoảng 1 tiếng 30 phút đã phải cho xe dừng nghỉ đi vệ sinh. Vấn đề được đặt ra là không hề có nhà vệ sinh công cộng đảm bảo đủ sạch, đủ cho đoàn 30-40 du khách. Vì thế, họ thường khuyến khích khách nên đi vệ sinh tại điểm tham quan", ông Phương nói.
Một số nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM được xây dựng để phục vụ cho du khách, khách vãng lai nhưng không được các công ty lữ hành lựa chọn, vì 3 lý do: Không miễn phí, không sạch sẽ và không đủ cho số lượng người.
"Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận, khách chỉ lựa chọn nhà vệ sinh công cộng trong trường hợp bất đắc dĩ. Một câu chuyện tế nhị khác là thiết kế, cụ thể là bồn ngồi, hoàn toàn không phù hợp với vóc dáng của người phương Tây hoặc khách châu Phi", ông Phương cho biết.
Theo ông Phương, TPHCM đã đáp ứng được nhiều yêu cầu về du lịch: ẩm thực, văn hóa, lịch sử, kiến trúc… Tuy nhiên, dựa trên thực tế, có 3 yếu tố sẽ quyết định việc khách du lịch lựa chọn TPHCM hay không. Đó là văn hóa giao thông, vệ sinh môi trường và nhà vệ sinh công cộng.
Trước tình hình hiện tại, ông Phương cũng đề xuất phương án xây dựng nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa, nâng cao tuyên truyền ý thức người dân. Đồng thời cũng cần được tăng số lượng và xây dựng đúng chất lượng.
"Năm 2019, TPHCM đón khoảng 42 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8,6 triệu lượt khách quốc tế. Sau khi dịch Covid-19 dần lắng dịu, năm 2022 ngành du lịch thành phố cũng có những tín hiệu đáng mừng khi TPHCM đã đón khoảng 30 triệu lượt khách. Vì thế, năm 2023 được kỳ vọng là cơ hội "bứt tốc" về du lịch, khi các quận đều đã thiết lập thêm các tuyến, điểm tham quan", ông Phương nhận định.
Kỳ 3: Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam: "Đã đến lúc dừng xấu hổ!"
Nội dung: Ngọc Ngân, Huy Hậu
Ảnh: Trần Đạt, Quang Ninh