(Dân trí) - "Tôi thấy nước tiểu đọng trên sàn và không được dọn dẹp. Nó rất bẩn thỉu, đáng thất vọng", một du khách nước ngoài bức xúc khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm TPHCM.
Khách du lịch ám ảnh khi vào nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM
"Tôi thấy nước tiểu đọng trên sàn và không được dọn dẹp. Nó rất bẩn thỉu, đáng thất vọng", một du khách nước ngoài bức xúc khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm TPHCM.
Tháng 1/2023, tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia công bố bảng xếp hạng điều kiện và mật độ nhà vệ sinh công cộng tính trên đơn vị km2 của các thành phố du lịch. Trong đó, TPHCM xếp hạng 67/69 với mô tả "thành phố đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch, thức ăn ngon, lịch sử, kiến trúc, ngoại trừ nhà vệ sinh".
Bảng đánh giá đã khiến vấn đề nhà vệ sinh công cộng buộc phải được nhìn lại. Tuyến bài Nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM phản ánh tình trạng thực tế, kể những câu chuyện của người trong cuộc. Từ đó, đặt ra vấn đề về việc cải thiện dịch vụ, chất lượng nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Sự "khó chịu ra mặt" của khách du lịch
"Bồn tiểu đầy tàn thuốc lá, nước lênh láng khắp trên sàn", Gareth (SN 1982) thốt lên khi bước vào nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM.
Đây không phải lần đầu tiên người đàn ông New Zealand chứng kiến cảnh tượng này. Một lần khác, Gareth cũng từng phải bỏ ra ngoài khi anh chạm tay vào một chất nhầy "khó hình dung là gì", đằng sau cánh cửa của một nhà vệ sinh.
"Tôi thấy nước tiểu đọng trên sàn và không được dọn dẹp. Nó rất bẩn thỉu, đáng thất vọng", Gareth bức xúc và nói rằng anh chỉ sử dụng nhà vệ sinh công cộng khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Ba lần đến Việt Nam, anh Wong Yee Chong (người Malaysia) luôn dành ra vài ngày để ở lại TPHCM. Tuy nhiên, điều khiến anh ám ảnh nhất đó chính là mùi hôi bốc lên từ bồn cầu do người dùng trước không xả nước sau khi sử dụng.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều nhà vệ sinh tại TPHCM đã rơi vào tình trạng xuống cấp, vòi rỉ nước, bồn rửa cáu bẩn, bốc mùi, chốt cửa bung ra…
Cụ thể, chợ Bình Tây (hay còn gọi là Chợ Lớn) là một trong những khu chợ có diện tích lớn nhất TPHCM, với hơn 2.328 sạp hàng, thu hút nhiều lượt khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, nhà vệ sinh công cộng nằm trong khu chợ này lại xuống cấp. Theo ghi nhận vào chiều ngày 7/2, nhà vệ sinh chợ có mặt sàn lênh láng nước, vòi được cột tạm bợ bằng dây thun, thiết bị đựng xà phòng hư hỏng.
Khu phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ được xem là nơi thu hút khách quốc tế về đêm, thế nhưng nó lại chưa được bố trí nhà vệ sinh công cộng. Một số tiểu thương đã dựng vài căn nhà tạm trên nền ki-ốt và treo biển: "Chỉ được đi tiểu, cấm "đại tiện", khiến du khách hoang mang. Gần đó, một nhà vệ sinh khác thì loang lổ, dụng cụ vệ sinh vứt bừa bãi dưới sàn, hư khóa cửa… khiến mọi người luôn cảm thấy sợ hãi khi phải sử dụng.
"Một số khách nữ đến đây cảm thấy rất bất tiện. Không có nhà vệ sinh trang bị bồn tiểu, họ không thể ngồi xổm được", Tấn Sang (SN 2000, hướng dẫn viên) nói.
Sang thường xuyên đưa khách quốc tế đến các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố, và cũng nhiều lần ái ngại khi khách bày tỏ sự thất vọng trước chất lượng của nhà vệ sinh công cộng TPHCM. "Nhà vệ sinh bẩn, mùa lễ Tết thì lại tăng giá lên gấp 5 lần", anh chàng hướng dẫn viên bức xúc.
Khách du lịch sẽ mất khoảng 3.000-5.000 đồng/lượt đi vệ sinh và đổi lại trải nghiệm không xứng đáng, đó là điều Sang quan ngại khi làm nghề. Thậm chí nhiều lúc Sang thường bỏ tiền túi ra để hỗ trợ khách.
Uyên Vy (SN 1994, hướng dẫn viên) từng phải xin lỗi đoàn khách người Hy Lạp vì nhà vệ sinh công cộng bốc mùi, khăn giấy vứt tứ tung… Cô nói: "Họ góp ý thẳng với hướng dẫn viên. Sau khi trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng quá tệ, họ thể hiện sự khó chịu trên nét mặt".
Sau 9 năm theo chân khách du lịch, Vy nhận ra hạn chế lớn nhất của nhà vệ sinh công cộng TPHCM là không sạch sẽ. Du khách thường sẽ phải đi nhờ trong các trung tâm thương mại, tại điểm tham quan, nhà hàng, quán cà phê… Theo các hướng dẫn viên, tuy nhà vệ sinh công cộng là công trình phụ nhưng lại có thể ảnh hưởng đối trải nghiệm của khách du lịch.
Anh Wong Yee Chong (giảng viên của trường Đại học Tunku Abdul Rahman, Malaysia) chia sẻ: "TPHCM đang phát triển nhanh và thu hút lượng lớn khách du lịch. Vì thế, sự nâng cấp hạ tầng là rất quan trọng. Mỗi lần trở lại đây, tôi thấy sự cải tiến về hình thức, chất lượng nhà vệ sinh công cộng, một số nơi sạch đến mức bạn phải bỏ giày ra và đi dép được trang bị sẵn. Tuy nhiên, chúng vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế: đặt ở vị trí khuất lấp, khó tìm, thiết bị xuống cấp, ngả vàng, không có cửa thông gió…".
Vì sao nhà vệ sinh phải đóng cửa sớm?
Nhà vệ sinh bị khóa, một số người đã phóng uế, bốc mùi hôi thối khiến du khách đã phải quay đầu khi vào nhà vệ sinh trên đường Hàm Nghi (quận 1) vào chiều ngày 8/2. Tương tự, nhà vệ sinh công cộng nằm ở nút giao đường Tú Xương - Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) đã phải khóa lại do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Theo khảo sát thực tế, các nhà vệ sinh công cộng TPHCM không mở cửa phục vụ vào buổi tối. Cụ thể, nhà vệ sinh công cộng tại công viên Lê Văn Tám, công viên 23/9, công viên Tao Đàn… sẽ đóng cửa sau 20h. Một số nhà vệ sinh khu vực quận 1, quận 3, quận 5 được vận hành bởi Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TPHCM ngưng hoạt động từ 21h.
"Nhà vệ sinh đóng cửa then cài vào buổi tối, khách sẽ giải quyết "nỗi buồn" ở đâu? Trong quá trình tôi dẫn khách đi, nhà vệ sinh công cộng gần như đã đóng cửa. Và nếu có, nó cũng hoàn toàn không nằm gần khu vực tham quan", Vy nói thêm.
Đồng quan điểm với Vy, Tấn Sang cho rằng TPHCM nên hướng tới mô hình nhà vệ sinh công cộng cần mở cửa 24/24h để phục vụ khách du lịch.
John Connell (SN 1991, người Anh) cho biết, bản thân anh đã từng rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi tìm nhà vệ sinh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sau 22h. "Thật kì lạ vì nhà vệ sinh công cộng tại Việt Nam lại đóng cửa vào buổi tối. Những ngày có sự kiện âm nhạc, lượng người đông đổ về và mọi người phải xếp hàng dài, rất lâu mới có thể đi vệ sinh", John chia sẻ.
Bên cạnh đó, công viên bến Bạch Đằng tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng (quận 1), nơi tiếp giáp với sông Sài Gòn và chỉ vừa mới được đưa vào sử dụng gần đây, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng trầm trọng. Điểm vệ sinh công cộng gần với công viên Bạch Đằng nhất là phố đi bộ Nguyễn Huệ, cách đó 500m. Công viên Bạch Đằng cũng bị nhiều du khách đánh giá là "không tìm thấy nhà vệ sinh công cộng", "thiếu nơi đi vệ sinh", "chưa đủ tiện nghi, dịch vụ" trên Google Maps.
Trước đó, TPHCM đã có đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh phục vụ người dân, khách du lịch nhưng chưa thực thi vì nhiều lý do. Sau nhiều năm, mạng lưới nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM vẫn chưa được mở rộng đáng kể, nhiều nơi xuống cấp trầm trọng.
Có nhiều vấn đề được đặt ra xoay quanh câu chuyện cải thiện nhà vệ sinh công cộng như: quỹ đất, hạ tầng thành phố… Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, đơn vị đã đề xuất giải pháp cho nhà vệ sinh công cộng.
Ông Huỳnh Bảo Toàn, chuyên gia trong lĩnh vực nhà di động, cho biết, bản thân cũng đã có trải nghiệm không tốt đối với nhà vệ sinh công cộng TPHCM, đặc biệt là vấn đề mùi hôi.
"Phần quản lý, quản trị tại khu vực đó cho lợi nhuận quá ít, nên số lượng người dọn dẹp nhà vệ sinh không cao, dẫn đến nhà vệ sinh công cộng của chúng ta lúc nào cũng dơ...", ông Toàn chia sẻ thêm nguyên nhân.
Theo ông Toàn, thời điểm trước, TPHCM cho doanh nghiệp cùng tham gia vào việc xây dựng tuyến vệ sinh công cộng, thế nhưng họ vẫn chưa mặn mà. Thứ nhất, vì thi công tại trung tâm rất khó khăn, gây mất nhiều thời gian và chi phí. Thứ hai, doanh nghiệp kinh doanh loại hình này không dễ dàng, mặc dù thu tiền nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ tốc độ phát triển trung tâm thành phố.
Mùa dịch Covid-19, ông Toàn đã cho thiết kế, vận hành nhà vệ sinh di động đặt tại bệnh viện dã chiến và nhận được phản hồi tích cực. Nhà vệ sinh di động không chiếm diện tích lớn, nằm rời với mặt đất, dễ dàng di dời và tiết kiệm được chi phí, thời gian lắp ráp. Hệ thống có công suất 5 buồng, có thể sử dụng ngay sau vài tiếng đồng hồ lắp ráp, có hộc tự hoại, hệ thống đèn, nước sạch…
"Nếu xây nhà vệ sinh di động chúng ta hoàn toàn có thể chủ động lắp đặt tại nhà máy. Còn riêng vấn đề thi công công trình thì kéo dài, chưa kể đào bới trúng đất xấu. Đó là một lợi thế cũng là giải pháp hợp lý khi quỹ đất tại TPHCM không còn nhiều", ông Toàn cho biết thêm.
Kỳ 2: Khách dọa đánh, công khai chích ma túy trong nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM
Nội dung: Ngọc Ngân
Ảnh: Trần Đạt