DNews

Vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà và những trào lưu lan tỏa lòng yêu nước

Thư An

(Dân trí) - Xúc động và dâng trào niềm tự hào dân tộc là cảm xúc chung của nhiều người trước lời kêu gọi "biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ Tổ quốc" hướng đến kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh Việt Nam.

Vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà và những trào lưu lan tỏa lòng yêu nước

Trong năm nay, nhiều trend (trào lưu) khác cũng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc như cover (thể hiện lại) giai điệu ca khúc Trống cơm, "Wattpad nói" hay vẽ tranh các anh hùng cứu người trong đám cháy.

Vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà

Những ngày qua, trên khắp các nền tảng mạng xã hội, người Việt rủ nhau hưởng ứng làn sóng vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà. Tại nhiều diễn đàn, các bài đăng giới thiệu về trend này thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Các video được gắn hashtag (thẻ) #cotoquoc, #vecotoquoc… trên TikTok nhận về sự quan tâm lớn và liên tục được chia sẻ.

Người bắt đầu trào lưu ý nghĩa kể trên là Lê Quang Vũ (29 tuổi) hiện sống ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi xây xong căn nhà tặng bố mẹ, thấy mái lợp tôn đỏ, anh nảy ra ý tưởng vẽ ngôi sao vàng 5 cánh lên trên, tạo thành hình lá cờ Tổ quốc có diện tích 150m2.

Để có hình vẽ đúng tỷ lệ, chàng trai phải tính toán, đo đạc trên máy tính, rồi dùng flycam (thiết bị bay không người lái) căn chỉnh góc sao cho ngôi sao ngay ngắn và đẹp nhất. Anh quay video lại quá trình thực hiện và đăng lên trang cá nhân, nhanh chóng thu hút 3 triệu lượt xem.

Trào lưu vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà lan tỏa khắp Việt Nam (Biên dựng: Thư An).

Chỉ sau một đêm, làn sóng này được lan tỏa mạnh mẽ. Từ cuối tháng 7, rất đông người hưởng ứng việc "treo" một lá cờ lên nóc nhà với mong muốn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Người dân ở nhiều tỉnh, thành từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội cho đến Đà Nẵng, Ninh Thuận, TPHCM… đã họa lên mái ngói, mái lợp fibro xi măng của gia đình. Một số khác còn vẽ hình cờ Tổ quốc lên cửa cuốn, tường nhà…

Nhiều dân mạng nhận xét, đây là trend ý nghĩa nhất họ từng thấy và sẽ trở thành hình ảnh đẹp để chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh của Việt Nam.

Theo các chuyên gia xã hội học, nguyên nhân chính khiến xu hướng này ngày càng phổ biến là chạm đến lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây là cách bắt trend (theo kịp trào lưu) đúng đắn, cần được nhân rộng.

Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lưu ý mọi người khi hưởng ứng trào lưu cần nghiên cứu kỹ từ màu sắc, kích cỡ, vị trí của lá cờ, để phong trào này không chỉ là nhất thời, mà có chiều sâu, thể hiện nhiều giá trị (Ảnh: Lê Quang Vũ, Ngọc Hiền).

Vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà và những trào lưu lan tỏa lòng yêu nước - 1
Vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà và những trào lưu lan tỏa lòng yêu nước - 2

Cover giai điệu "Trống cơm"

Trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai phát sóng trên VTV đầu tháng 8, các "anh tài" thuộc hai thế hệ là NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven có màn biểu diễn Trống cơm "gây sốt".

Ca khúc quen thuộc của dân gian Việt Nam được phối mới độc đáo, kết hợp các yếu tố truyền thống như điệu hò của dân ca Bắc Bộ, tiếng trống cơm, tiếng đàn bầu. Tiết mục này nhanh chóng lọt vào danh sách âm nhạc thịnh hành trên YouTube, thu hút 4,3 triệu lượt xem sau hai tuần.

Ở tiết mục này, Soobin Hoàng Sơn nhận được "cơn mưa lời khen" khi vừa hát tốt, vừa gảy đàn bầu đầy "máu lửa".

Lấy cảm hứng từ đó, nhiều bạn trẻ trên TikTok trổ tài cover giai điệu Trống cơm bằng các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn cò, sáo trúc… Ngoài ra, một số cũng sử dụng violin, guitar để thể hiện.

Trên trang cá nhân, Soobin Hoàng Sơn bày tỏ niềm tự hào khi giới trẻ tái hiện phân đoạn gảy đàn bầu của anh đầy sáng tạo bằng nhiều nhạc cụ khác nhau. Điều đó thể hiện người trẻ đã và đang dành tình cảm, nghiêm túc theo đuổi âm nhạc dân tộc, chung tay lan tỏa giai điệu đẹp đẽ của các nhạc cụ truyền thống.

Trào lưu cover "Trống cơm" lan tỏa tình yêu với nhạc cụ dân tộc (Biên dựng: Thư An).

"Wattpad nói"

Thay vì những câu nói mang tính trực diện, nhiều bạn trẻ học được cách nói hoa mỹ và ẩn ý hơn qua trào lưu "Wattpad nói". Xu hướng này rộ lên từ tháng 7, phổ biến trên Threads (ứng dụng ra mắt năm 2023, cho phép chia sẻ nội dung ngắn, ý tưởng dưới dạng văn bản).

Gen Z (những người sinh năm 1997-2021) đón đầu trend này. Về cơ bản, mọi người sẽ trích một câu hoặc đoạn văn tâm đắc nhưng thay vì diễn đạt theo cách thông thường, họ sẽ dùng từ ngữ đa dạng, khiến nó trở nên mỹ miều và ẩn chứa nhiều cảm xúc hơn.

Bên cạnh đó, việc đặt hai câu đối lập "Wattpad không nói" và "Wattpad nói" trong bài đăng khiến cộng đồng mạng tỏ ra thích thú, tò mò. Ví dụ, Wattpad không nói: "Tôi kết hôn rồi". Wattpad nói: "Ngón áp út trống trơn 20 năm bỗng có thêm một vật trang sức, nhẹ nhàng ôm lấy nửa đời sau của tôi".

Vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà và những trào lưu lan tỏa lòng yêu nước - 3

Sức hút của trào lưu "Wattpad nói" nằm ở việc một câu nói đơn giản được biểu đạt lại theo cách lãng mạn, nhiều ẩn ý (Ảnh: @september__30, @cogidenoikhong).

Không chỉ nội dung tình yêu lãng mạn, những câu nói về sự tiếc nuối, đau lòng cũng nhận được sự hưởng ứng của giới trẻ. Thực tế, Wattpad không phải là nhân vật nổi tiếng. Đó là ứng dụng để các nhà văn thành danh lẫn nghiệp dư có thể đăng tải những câu chuyện của mình. Độc giả cũng có thể tương tác với nội dung do tác giả tạo ra.

Nhiều người trẻ cho biết, họ cảm thấy thêm yêu tiếng Việt và môn văn hơn nhờ trào lưu này khi nhận ra sự đa dạng lẫn khía cạnh lãng mạn trong ngôn từ.

Vẽ tranh tri ân anh hùng cứu người trong đám cháy

Trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra ở nhà trọ trên phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rạng sáng 24/5, Đồng Văn Tuấn (SN 2003, Nam Định), Hoàng Anh Tuấn (SN 2003, Nam Định) và anh Phạm Quốc Luật (SN 1989, Hà Tĩnh) được ca ngợi khi hỗ trợ nhau giải cứu nhiều nạn nhân khỏi nguy hiểm.

Cộng đồng mạng không khỏi xúc động khi xem video Đồng Văn Tuấn - làm công việc lái xe công nghệ - mình trần, đứng trên thang gỗ, một tay bám vào thanh sắt cửa sổ, tay còn lại dùng búa tạ liên tục đập tường để giải cứu người mắc kẹt. Khi chàng trai đuối sức, anh Phạm Quốc Luật trèo lên thay và đập những nhát búa cuối cùng, còn Hoàng Anh Tuấn giữ thang ở phía dưới. 

Vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà và những trào lưu lan tỏa lòng yêu nước - 4

Cảm phục trước hành động dũng cảm của 3 "người hùng" trong vụ hỏa hoạn thương tâm tại phố Trung Kính, nhiều họa sĩ trẻ đã dùng nét vẽ để nói lên lời biết ơn (Ảnh: Chụp màn hình, SuZu Studio).

Quá nể phục 3 "người hùng" có hành động dũng cảm quên mình, dân mạng liên tục tái hiện khoảnh khắc về họ qua tranh vẽ và lan truyền như lời tri ân sâu sắc. "Không phải người hùng nào cũng mặc áo choàng", "Ở Việt Nam, cứ ra ngõ là gặp anh hùng"... là những bình luận bày tỏ sự xúc động.

Ai cũng có thể trở thành "anh hùng", từ những con người làm công việc bình thường nhất, khi sẵn sàng dang tay giúp đỡ người lâm vào cảnh khó khăn. Thời gian trôi đi nhưng những hình ảnh rất đẹp này còn đọng lại mãi trong tâm trí.