DNews

Anh em người Dao đổi đời nhờ loài cá "quý tộc", livestream chốt đơn nửa tỷ

Thu Thảo

(Dân trí) - Ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp nhưng không có gì trong tay, Huân và Điểm - hai bạn trẻ chỉ học hết lớp 12 - từng liều lĩnh xin bố mẹ bán đất, cầm 500 triệu đồng để làm vốn.

Anh em người Dao đổi đời nhờ loài cá "quý tộc", livestream chốt đơn nửa tỷ

Giữa rất nhiều nội dung về cuộc sống vùng cao trên TikTok, kênh Huân Đậu Đậu của Lý A Huân (SN 2001) và Hoàng Thị Thu Điểm (SN 2004) - hiện sống ở Sa Pa, Lào Cai - vẫn tạo được chất riêng nhờ sự mộc mạc, hài hước.

Những thước phim của Huân và Điểm đưa người xem đến với các hoạt động thường ngày như đi cấy, tắm suối, hái rau, chăn trâu… cũng như tiết lộ về nghề nuôi cá hồi, cá tầm - được ví von là loài cá "quý tộc" hay "báu vật vùng cao" vì mang lại giá trị kinh tế cao - của gia đình.

Ở độ tuổi đôi mươi, Huân và Điểm quyết tâm khởi nghiệp với sản vật địa phương, sau khi nhìn thấy nhiều người đổi đời nhờ livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên mạng xã hội.

Giấc mộng đổi đời

A Huân và Thu Điểm là hai anh em họ, sinh ra và lớn lên ở xã Tả Phời thuộc thành phố Lào Cai. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở làng cũng mới có điện lưới quốc gia từ chục năm trở lại đây, nhưng họ vẫn được bố mẹ cố gắng lo cho học hết lớp 12.

Dù khát khao được tiếp tục đi học, Huân và Điểm đành gác lại ước mơ vì điều kiện không cho phép. Hai anh em phải đi làm thuê để phụ giúp gia đình. 

Ban đầu, Điểm xin được công việc ở siêu thị với mức lương 5 triệu đồng. Với những người vốn quen "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như bố mẹ cô, bấy nhiêu cũng đủ yên tâm vì con gái đi làm được ngồi máy lạnh, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu.

Trong khi đó, Huân lại ôm giấc mộng lớn lao hơn. Năm 2018-2019, chàng trai từng thử sức làm môi giới bất động sản. Thế nhưng, do kinh nghiệm chưa có và tuổi đời non trẻ, anh chưa có được thành quả.

Khi TikTok ngày càng phát triển, chứng kiến nhiều anh, chị ở miền núi thay đổi cuộc đời nhờ livestream bán hàng trên nền tảng, Huân và Điểm nhen nhóm suy nghĩ đi theo con đường này.

Gia đình hai anh em vốn có trại nuôi cá tầm, cá hồi chung với nhiều hộ dân khác. Thấy bố mẹ vất vả nhưng thu nhập chẳng khấm khá là bao khi bán cá tươi cho thương lái, Huân và Điểm chợt nghĩ: "Vì sao không tự mình kinh doanh những sản vật "cây nhà lá vườn" này?".

Anh em người Dao đổi đời nhờ loài cá quý tộc, livestream chốt đơn nửa tỷ - 1

A Huân và Thu Điểm được yêu mến từ các video chia sẻ về cuộc sống mộc mạc ở vùng cao Tây Bắc.

Để hiện thực hóa giấc mộng đó, Huân và Điểm tập tành làm TikTok từ tháng 3/2023. Với duy nhất chiếc điện thoại cũ trong tay, hai anh em bắt đầu quay clip về cuộc sống thường ngày ở vùng cao mà không hề có ý tưởng, kịch bản rõ ràng. 

Cũng vì thiếu kinh nghiệm, Huân và Điểm thường phải quay đi quay lại một phân đoạn hàng chục lần. Nhiều khi, họ nhìn vào ống kính mà thấy ngại ngùng, quên mất phải nói gì. Quay hình xong là một chuyện, hai người cũng đau đầu để cắt, ghép video sao cho hấp dẫn.

Sau khi chỉnh sửa chán chê, Huân và Điểm mới dám đăng video đầu tiên lên kênh. Trái với sự háo hức của hai anh em, số view (lượt xem) rất lẹt đẹt. Tới khi clip thứ 3 lên sóng và bất ngờ được 7.000-8.000 lượt xem, đôi bạn trẻ mừng rỡ, chốc chốc lại vào đếm view.

Đọc bình luận của những khán giả đầu tiên khen nội dung có sự mộc mạc và thú vị, Huân và Điểm được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục ra clip. Cho đến khi video chia sẻ về nguồn nước của trại cá gia đình lên xu hướng và cán mốc triệu view, hai anh em phấn khích như trúng xổ số. 

Dù vậy, thấy Huân và Điểm tối ngày cắm đầu vào điện thoại, bố mẹ tỏ ý không hài lòng. Trong mắt họ, mạng xã hội chỉ là nơi giải trí vô bổ, "không được tích sự gì".

Lúc này, Huân và Điểm ngồi nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ, cố chứng minh đây là một công việc có thể kiếm ra tiền. Thấy con ra sức thuyết phục, phụ huynh đồng ý nhưng đặt ra thời hạn 3 tháng, nếu "không nên trò trống gì" thì hai anh em phải đi làm thuê trở lại.

Từ con số 0 đến phiên livestream nửa tỷ

Ngay từ đầu, A Huân và Thu Điểm xác định hỗ trợ gia đình trong việc tiêu thụ cá hồi, cá tầm, đặc biệt là ruốc cá hồi. Thế nhưng, mọi thứ không hề màu hồng như họ tưởng.

"Nhiều hôm, hai anh em ròng rã livestream 2-3 tiếng đến khản cả giọng nhưng vẫn không có đơn đặt hàng nào. Suốt 2 tháng kiên trì và tìm đủ mọi cách, chúng mình cũng chỉ bán được 3-4 hộp ruốc cá hồi", Điểm nhớ lại.

Nhiều lúc nghĩ nản, Huân và Điểm muốn dừng lại, đi làm thuê cho nhẹ đầu. Đúng lúc đó, hai anh em lại được một số đơn vị liên hệ mời quảng cáo. 

Video đầu tiên Huân và Điểm được trả thù lao 3 triệu đồng. Một tháng có 5-6 hợp đồng, họ cũng kiếm được kha khá. Tuy nhiên, hai anh em xem xét lại, nếu cứ nhận quảng cáo tràn lan sẽ dẫn đến nhiều sản phẩm không phù hợp với định hướng của kênh, sau này cũng sẽ bão hòa. 

Cuối cùng, sau nhiều suy tính, Huân và Điểm quyết định quay trở lại bán ruốc cá hồi. Nhờ có sự tư vấn của những người đi trước và đã thành công, hai anh em nhìn ra lý do mình thất bại là chưa có thương hiệu.

Anh em người Dao đổi đời nhờ loài cá quý tộc, livestream chốt đơn nửa tỷ - 2
Anh em người Dao đổi đời nhờ loài cá quý tộc, livestream chốt đơn nửa tỷ - 3

Trước dịp Tết năm nay, khi lên Sa Pa làm, Huân và Điểm nghĩ đến việc kinh doanh riêng về homestay và ruốc cá hồi. Trong tay không có vốn, hai anh em liều lĩnh xin gia đình bán đất để lấy tiền đầu tư.

Không nằm ngoài dự đoán, bố mẹ của Huân và Điểm đều phản đối gay gắt. Họ chưa đủ tin tưởng để giao cơ nghiệp tích cóp cả đời cho hai đứa trẻ mới chỉ tốt nghiệp cấp ba.

Không nản lòng, Huân và Điểm kiên trì thuyết phục cho đến khi "trời không chịu đất thì đất phải chịu trời". Cầm số tiền 500 triệu đồng vay của phụ huynh, khi đã tính toán thật kỹ, hai anh em bỏ ra gần 400 triệu đồng thuê lại homestay ở Sa Pa và sửa sang nội thất, tiện nghi. Còn lại 100 triệu đồng, họ tập trung phát triển thương hiệu ruốc cá hồi.

Bước ngoặt đến với Huân và Điểm khi hai anh em được tham gia một phiên livestream bán hàng lớn. Chỉ trong thời gian ngắn, hai anh em có sự bùng nổ về doanh số lên tới 540 triệu đồng. Thực tế, sau khi trừ đi các đơn bị hoàn hủy, con số còn lại là 340 triệu đồng.

Buôn bán ngày càng đắt hàng, nhiều khi, Huân và Điểm còn không đủ hàng gửi cho khách. Theo Huân, ruốc cá hồi được sản xuất thủ công, đơn về bao nhiêu là làm đến đó nên không dư trong kho.

Có những hôm "mát tay" bán được vài nghìn đơn, hai người phải gọi hết người thân, anh em, bạn bè đến hỗ trợ.

Tất nhiên, việc kinh doanh của Huân và Điểm không phải chỉ toàn thuận lợi. Với mặt hàng thực phẩm, họ nhận về nhiều đánh giá từ khách hàng, người khen ngon, người chê chưa hợp khẩu vị…

Anh em người Dao đổi đời nhờ loài cá quý tộc, livestream chốt đơn nửa tỷ - 4

Hai anh em họ người Dao thay đổi cuộc sống nhờ kinh doanh sản vật tại địa phương.

Thậm chí, trước một số nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, hai anh em sẵn sàng chứng minh sự minh bạch về nguồn nguyên liệu 100% cá tươi ở địa phương, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Đôi bạn trẻ cũng sử dụng lọ thủy tinh để đựng ruốc cá hồi, mặc dù chất liệu này đắt gấp 6 lần so với nhựa. Huân cho biết: "Đựng lọ thủy tinh vừa đảm bảo vệ sinh mà có thể tái sử dụng, không gây hại đến môi trường".

Khi có được chút thành quả, Huân và Điểm luôn có khát khao chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Do đó, hai anh em trích từ mỗi lọ ruốc cá hồi bán ra là 3.000 đồng để lập quỹ hỗ trợ các em nhỏ vùng cao.

A Huân và Thu Điểm thừa nhận, mạng xã hội và công việc sáng tạo nội dung đã mang đến cho mình những cơ hội kinh doanh, tạo ra thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, hai anh em không cổ xúy các bạn trẻ nghỉ học hay từ bỏ công việc để đi theo con đường này.

"Ai đam mê vẫn có thể theo đuổi nhưng dù lựa chọn thế nào cũng phải thật kiên trì, cố gắng hết sức để đạt mục tiêu", Huân nhắn nhủ.

Ảnh: Nhân vật cung cấp