Nắng nóng giới trẻ Hà Nội vẫn đổ xô "sống ảo" ở tuyến tàu Nhổn - ga Hà Nội
(Dân trí) - Dù thời tiết lên tới gần 40 độ C vào giữa trưa, Bùi Mai và Ngọc Trâm vẫn chạy xe máy 10km từ huyện Đan Phượng vào trung tâm Hà Nội để khám phá điểm check-in mới toanh đang "gây sốt".
Đã trải nghiệm tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội ngay hôm khai trương 8/8, Thành Nam (22 tuổi, làm công việc thiết kế) vẫn rủ hai người bạn đến đây chụp ảnh vào cuối tuần.
Có mặt tại ga Cầu Giấy lúc khoảng hơn 9h, Nam bất ngờ trước cảnh tượng đông nghẹt thở, trên các khoang tàu luôn chật kín hành khách. Thay vì chen lấn trong "biển" người, nhóm của chàng trai quyết định dừng ở khu vực chờ tàu tại ga Đại học Quốc gia Hà Nội để check-in.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại ga Cầu Giấy (trước cổng Đại học Giao thông vận tải) và ga Nhổn (trước cổng Đại học Công nghiệp Hà Nội), từ sáng đến khoảng 11h, tàu luôn đông đúc mỗi khi tới bến.
Trong khi nhiều gia đình đưa con nhỏ đến trải nghiệm, các bạn trẻ ưu tiên tìm những góc đẹp ở ga để chụp ảnh. Theo đánh giá chung của một số Gen Z (những người sinh năm 1997-2012), tuyến metro mới khá đẹp, sạch sẽ và hiện đại, có nhiều nơi "sống ảo" xịn sò. Vé tàu điện đậm chất Hà Nội cũng là một điểm nhấn thú vị.
Quãng đường đi 30 phút chỉ còn 10 phút bằng tàu điện
Thường xuyên đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông nên khi Hà Nội có tuyến metro thứ hai, Thành Nam khá háo hức và tò mò về tuyến tàu mới có gì đặc biệt. Qua trải nghiệm, chàng trai cho rằng, cả hai đều hiện đại, văn minh và đáp ứng đủ yêu cầu sử dụng của người dân.
Tuy nhiên, khi đặt lên bàn cân so sánh, Nam thích tuyến metro đầu tiên hơn. Anh lý giải, tốc độ di chuyển của tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội khá đột ngột.
"Khi mình đi từ ga Cầu Giấy sang, do hành khách chật kín tàu, không có đủ chỗ để ngồi hay nắm lấy cột nên rất nhiều em nhỏ đã bị ngã lúc tàu bắt đầu di chuyển. Mặc dù có nghe giải thích về hệ thống phanh cũng như vận tốc tàu khá lớn do công nghệ của Pháp, mình thích tàu của tuyến Cát Linh - Hà Đông vì chạy êm hơn, không quá gấp", chàng trai sinh năm 2002 nói.
Về các điểm "sống ảo", Nam cũng thiên về tuyến Cát Linh - Hà Đông hơn. Bởi lẽ, các điểm check-in trên tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy khá giống nhau, không có sự khác biệt và đa dạng màu sắc.
Hơn nữa, theo Nam, mái che nhà ga của tuyến tàu điện mới có màu xanh nên khi chụp ảnh khiến hình bị sai lệch màu, rất khó để chỉnh sửa cho đẹp. Dù đã đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội lần thứ hai, chàng trai vẫn chưa có bức ảnh nào chụp bên trong khoang tàu vì quá đông đúc.
Với Nam, đoạn dừng ở Đại học Quốc gia Hà Nội là ấn tượng nhất do khung cảnh hai bên đẹp mắt, có trường học, các tòa nhà cao tầng. Trong khi đó, các ga khác quang cảnh xung quanh chủ yếu là nhà dân.
Điều khiến Nam thích thú nhất là tranh treo trên tường ở mỗi nhà ga đều khác biệt và mang ý nghĩa riêng. Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), 8 nhà ga trên cao của tuyến tàu điện Nhổn - Cầu Giấy có các bức tranh tường nêu bật bản sắc của từng địa phương.
Ví dụ, ga S1 (Nhổn) nằm cạnh Đại học Công nghiệp nên hình ảnh liên tưởng đến công nghệ cao như hạt nhân, sóng từ; ga S3 (Phú Diễn) sử dụng họa tiết cây cối, gợi nhắc đây là vùng trồng bưởi và nhiều loại cây ăn quả; ga S7 (Chùa Hà) với hình ảnh ngôi chùa truyền thống của Việt Nam; ga S8 (Cầu Giấy) do nằm cạnh Vườn thú Thủ Lệ nên được thiết kế hình ảnh các loài động vật hoang dã...
Sau khi trải nghiệm đi từ ga Cầu Giấy đến ga Nhổn bằng cả xe máy và tàu điện, Nam khẳng định tàu điện tiết kiệm thời gian rất nhiều. Chàng trai đi trong khung giờ 7h30- 8h, nút Mai Dịch - Xuân Thủy chờ đèn đỏ rất lâu, mất khoảng 30 phút để đi hết quãng đường này. Trong khi đó, anh đi tàu điện chỉ hết 10 phút.
"Nếu như chỗ làm gần, mình sẽ lựa chọn đi tàu điện vì vừa tiện lợi, vừa không sợ bị kẹt xe", Nam cho biết.
Được bạn rủ đi chơi cuối tuần, Trung Đức (22 tuổi) - sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội - bắt xe buýt hơn 10km từ nhà ở quận Hai Bà Trưng đến điểm dừng ga Cầu Giấy để trải nghiệm tuyến tàu điện mới khai trương.
"Khi đến đây, điều mình cảm nhận đầu tiên là không gian rộng rãi và có thêm những góc nhìn mới. Ví dụ, khi ở dưới mặt đất, mình thấy trường đại học của mình rất rộng lớn nhưng đứng trên đây, mọi thứ đều trở nên nhỏ bé", nam sinh chia sẻ.
Đức đánh giá tốc độ di chuyển của tàu điện là rất nhanh. Ngoài ra, điều khiến chàng trai thu hút nhất là vé tàu. Nhìn ảnh mọi người đăng lên mạng xã hội, nam sinh nghĩ kích cỡ vé rất to nhưng khi trải nghiệm thực tế, nó lại nhỏ bằng đồng xu, có họa tiết đậm chất Hà Nội và ý nghĩa.
Đức tự nhận bản thân là người "chụp 100 tấm hình chỉ lấy được vài bức" nên không đặt nặng việc "sống ảo". Tùy vào tính chất công việc sau này và nếu có cơ hội, nam sinh vẫn sẽ lựa chọn đi tàu điện để di chuyển hàng ngày.
Tuyến tàu đẹp không kém ở nước ngoài
Đang sinh sống tại Nhật Bản, Hoàng Minh (28 tuổi) - người sáng tạo nội dung về du lịch - tranh thủ trải nghiệm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội trong dịp về Việt Nam gần đây.
Theo cảm nhận của chàng trai, quãng đường 8,5km không uốn lượn nên tàu đi khá êm ái và thoải mái, thậm chí còn hơn tuyến tàu điện anh thường đi ở xứ sở hoa anh đào.
"Điểm trừ duy nhất là tàu ga và phanh hơi gấp, không êm như ở Nhật Bản. Nhưng mình tin là thời gian tới điều này sẽ sớm được khắc phục", anh chia sẻ.
Minh cũng khá ấn tượng khi các nhà ga đều có hoa giấy mọc xung quanh, mang lại cảm giác mát mẻ, lên hình khá nghệ thuật.
Cũng từng có cơ hội đi tàu điện ở nước ngoài, Hải Yến (24 tuổi) - huấn luyện viên thể hình ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - nhận xét, không gian ở tuyến Nhổn - ga Hà Nội đẹp không thua kém các nước bạn.
Với Yến, các ga không có quá nhiều sự khác biệt về cách thiết kế, bài trí nên cô chủ yếu lựa chọn các góc có ánh sáng tự nhiên, ít người qua lại để thoải mái "sống ảo".
"Mình thích các góc chụp ở cầu thang, đứng phía trước tàu hoặc bức tường đồng màu. So với tuyến Cát Linh - Hà Đông, mình thích bên này hơn vì có nhiều điểm lạ mắt. Không gian bên trong tàu sạch sẽ, mát mẻ cũng là điểm cộng", cô gái 24 tuổi bày tỏ.
Tò mò trước sức hút lớn của tuyến metro số 2 trên mạng xã hội những ngày qua, Bùi Mai (23 tuổi) và Ngọc Trâm (22 tuổi) không ngại đi 10km dưới trời nắng oi bức lúc 11h30 để đến đây check-in.
Lần đầu đi tàu trên cao, Mai rất thích vì không gian hiện đại, sạch sẽ hơn đi xe buýt và không có cảm giác bị say. Để trải nghiệm trọn vẹn nhất, cô và bạn thân ngồi một mạch từ điểm đầu tới điểm cuối rồi mới dừng chân tại một số ga ở lượt về.
"Mình thấy điểm dừng ở ga Cầu Giấy là có nhiều góc đẹp nhất. Mọi người nên đợi lúc tàu dừng để chụp ảnh. Khi tàu di chuyển, chúng mình không chụp vì tốc độ quá nhanh, không để ý sẽ dễ ngã, nguy hiểm và ảnh hưởng đến mọi người xung quanh", cô gái nói.
Ngọc Trâm cũng chỉ ra điểm cộng là các ga đẹp, thoáng và hiện đại, khác hoàn toàn so với những gì cô tưởng tượng trước khi đến đây.
Tranh thủ ở các điểm dừng, Trâm đã kịp chụp lại một số tấm ảnh lưu niệm. Cô chưa thể đi hết các trạm dừng nhưng thích ga Chùa Hà vì đẹp và nhiều chỗ check-in "ăn tiền", trông khá giống đi du lịch nước ngoài.
"Mình đã đi thử cả hai tuyến tàu điện và thích trải nghiệm lần trước với tuyến Cát Linh - Hà Đông hơn. Có lẽ do không gian bên đó rộng rãi, nhiều góc chụp lạ hơn và tàu đi cũng êm hơn tàu ở đây", cô bộc bạch.
Dù vậy, Trâm cho biết, cô vẫn sẽ rủ bạn bè tới trải nghiệm tuyến tàu điện Nhổn - Cầu Giấy và có ảnh chụp tại tọa độ "sống ảo" mới toanh ở Hà Nội này.
Ảnh: Thu Thảo, Tiến Bùi