Trắng tay sau lũ, người dân làng đào ở Hà Nội trồng cúc, su hào, bắp cải
(Dân trí) - Cả vườn đào chết hết sau lũ, nhiều nhà vườn tại làng đào Nhật Tân và Phú Thượng, ngậm ngùi xới đất trồng rau, hoa, mong gỡ được phần nào thiệt hại.
Trắng tay sau một trận lũ
16h bà Hoa 53 tuổi - người trồng đào ở Phú Thượng (quận Tây Hồ) - tranh thủ mang cuốc ra đồng, dọn dẹp lại mấy sào đất để trống cả tháng nay. Bà chuẩn bị trồng đợt đào mới, thay cho số đào bị chết trong trận lụt do bão Yagi gây ra.
Xung quanh các hộ khác cũng đang tất bật dọn dẹp, những gốc đào khô xếp kín hai bên bờ ruộng. Tiếng cưa, cuốc đất... vang lên khắp nơi.
Cạnh vườn đào nhà bà Hoa, anh Phú đang cùng vợ kéo những cây đào chết khô cong chất thành đống châm lửa đốt. Cặp vợ chồng thở dài vì năm nay mất trắng, lại ôm thêm khoản nợ lớn.
Cuốc từng cuốc đất bà Hoa chia sẻ, gia đình làm đào ở đây đã mấy chục năm, từ thời cha ông. Vườn đào của bà có tổng 600 gốc, mỗi năm Tết đến cho thu hoạch 250-300 triệu đồng, nhưng năm nay mất trắng.
"Từ ngày tôi trồng đào đến giờ chưa gặp phải trận lụt lớn thế này. Trước đây nước có dâng cao nhưng không đến mức ngập sâu làm chết đào như vậy", bà Hoa nói.
Lụt đi qua chỉ còn lại những gốc đào chết, cây nào nhổ được thì các chủ vườn nhổ, còn lại để khô trong vườn.
Cả tháng nay chỉ ngồi nhà chăm cháu, nghĩ đến số đào chết vì lụt, bà Hoa nhiều đêm không ngủ được. Để đất trống không phải cách, bà cùng chồng bàn bạc ươm lại vườn đào mới.
Vợ chồng bà Hoa lên Lạng Sơn tìm mua giống đào ta về ươm. Người phụ nữ chia sẻ, mọi năm giống đào ta chỉ 7.000-8.000 đồng một gốc đẹp, nhưng năm nay lũ lụt chết nhiều, cây tăng lên 15.000-20.000 đồng/gốc, chỉ toàn cây xấu.
Bà Hoa có tổng 3 luống đất trồng đào, nhưng chỉ ươm trước 2 luống vì giống cây đang đắt. Người phụ nữ cho biết nếu ổn sau khi xuống gốc 3 tháng, gia đình bà sẽ tiến hành ghép mắt đào bích vào thân cây để nuôi.
"Phải mất ít nhất một năm nữa đào mới bắt đầu ra hoa. Để có những gốc đào đẹp như trước, có thể mất từ 4-6 năm", chủ vườn cho hay.
Trong lúc chờ vườn đào khôi phục lại, bà Hoa trồng xen canh thêm bắp cải, su hào để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, người phụ nữ thừa nhận: "Loại rau này bán chẳng được bao nhiêu, trồng chỉ để kiếm chút tiền phân bón chăm đào".
Cách vườn nhà bà Hoa chừng 500m, ông Nguyễn Văn Hạnh cũng đang luôn tay luôn chân dọn dẹp lại số đào đã chết, chuẩn bị cho việc ươm vườn đào mới.
Nhà ông Hạnh có tổng 25 sào đất trồng đào, mỗi năm thu về một tỷ đồng. Tuy nhiên, một trận lũ đi qua mang theo bao nhiêu mồ hôi công sức, tiền của, của gia đình. Dù cố gắng cứu vớt nhưng chẳng gốc đào nào còn sống, ông đành ngậm ngùi nhổ bỏ, phơi khô rồi đốt ra làm phân bón ruộng.
"Nhà tôi thiệt hại gần 2 tỷ đồng", ông Hạnh nói. Dù nhà nước có hỗ trợ cho người dân như ông, nhưng so với thiệt hại chẳng thấm vào đâu. Gia đình ông đành động viên nhau làm lại vườn, chờ mùa sau.
Trồng cúc thay đào để bù lỗ
Không chỉ người dân trồng đào Phú Thượng, người dân Nhật Tân cũng lao đao vì cây chết do ngập lụt khi chỉ còn cách Tết 3-4 tháng.
Cặm cụi xới miếng đất bỏ không cả tháng sau trận lụt, ông Bùi Văn Nghiệp, 44 tuổi, người trồng đào tại Nhật Tân, chia sẻ hơn 300 gốc đào gồm: Đào huyền, đào cành trồng được 3 năm bị lụt phá hủy, 2 sào hoa cúc của ông cũng mất trắng.
Vườn cây xanh tốt ngày nào giờ chỉ con lại mảnh đất trống, vài gốc đào chưa chặt bỏ hết còn sót trên nền đất khô cằn sau chuỗi ngày nắng nóng.
Nhìn mảnh đất canh tác mấy chục năm giờ trắng băng, ông Nghiệp chỉ biết thở dài. Người đàn ông chia sẻ, vì canh tác ven sông Hồng nên không thể tránh khỏi mưa lũ. "Mọi năm lũ có vào, loại này bị ảnh hưởng, thì còn loại kia gỡ lại được, nhưng năm nay cây nào, cây nấy chết hết", ông Nghiệp nói.
Để khắc phục thiệt hại sau lũ, ông Nghiệp cùng những nhà vườn khác tính trồng lại đào, nhưng giá gốc đào hiện tại tăng gấp đôi ba lần so với đầu năm, nguồn cung lại khan hiếm. Chẳng đủ vốn người đàn ông dự tính xới đất trồng lại hoa cúc.
Tuy nhiên theo chủ vườn đào, giá hoa cúc giống năm nay cũng đắt gấp 3 lần so với năm ngoái. Không thể bỏ đất trống, ông cố gắng mua về trồng, chỉ mong bán được.
"Nó là cây ngắn ngày có thể thu hoạch bán vào Tết, gỡ lại được đồng nào hay đồng ấy", người đàn ông nói. Còn vườn đào, gia đình tạm đợi đến Tết mới mua giống, bây giờ chỉ trồng những cây ngắn ngày để sớm có thu hoạch.
Cạnh nhà ông Nghiệp, tình hình của ông Thủy cũng khó khăn không kém.
"Chúng tôi phải lên rừng mua đào với giá 50.000 đồng/cây giống. Năm nay nhà nào cũng bị ảnh hưởng, mọi người tranh nhau mua đào giống, có nhà còn không mua được," ông Thủy cho biết.
Ông Thủy mua vài trăm cây giống, với giá 10 triệu đồng về trồng, nếu thời tiết ổn định, chăm bón đầy đủ dự kiến khoảng hai năm nữa đào mới cho thu hoạch.
"Trước đây mua đào giống chỉ vài nghìn đồng, giờ giá cao quá", ông Thủy than thở. Chủ vườn này nói, dù biết giá cao nhưng ông vẫn phải chấp nhận mua để trồng còn gỡ lại được ở mùa sau.
Theo báo cáo của TP Hà Nội, sau bão Yagi toàn thành phố có 11.678ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, nhiều nhất trong các địa phương ở miền Bắc bị thiệt hại về hoa màu.
Thông tin từ UBND quận Tây Hồ, ước tính thiệt hại do mưa lũ đối với hoa đào ở cả phường Nhật Tân và Phú Thượng là 105ha, lên tới hàng chục ngàn gốc.