DNews

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2

Thanh Thúy Thu Thảo Nguyễn Hà Nam

(Dân trí) - Ngày nắng gắt, bà Chiêm (Khu tập thể Nghĩa Đô, đường Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bê bát cơm lên, mùi xú uế từ bãi rác bên dưới chung cư đã xộc thẳng vào mũi. Bà thở dài, buông đũa.

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2

Bà Chiêm dọn quán nước, tan làm lúc 16h. Trước khi lên nhà, bà ngồi nán lại dưới chân chung cư để hưởng chút gió trời.

Vài người đi qua nhờ bà Chiêm chỉ giúp nhà người quen ở khu tập thể, bà hỏi "tên gì" rồi chỉ rõ nhà ai, ở tầng mấy, số nhà bao nhiêu. Đôi lúc, bà biết cả người đó "giờ này không có nhà đâu".

"Tôi thuộc lòng mấy chục hộ dân ở đây, kể cả những gia đình đã chuyển đi", bà Chiêm nói.

Bà Doãn Thị Chiêm, 76 tuổi, là một trong những cư dân đầu tiên sống ở tòa nhà B, khu tập thể Nghĩa Đô (đường Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội). Bà Chiêm và gia đình chuyển về đây từ năm 1978, đến nay đã 46 năm.

Trải qua nhiều lần đổi chủ đầu tư, đề xuất cải tạo, di dời, những người hàng xóm chuyển đến chuyển đi, bà Chiêm vẫn chọn ở lại căn tập thể cũ rộng 20m2 (diện tích ghi trong sổ đỏ), với vô số điều bất tiện.

Cuộc sống trong khu tập thể gần 50 năm tuổi, xuống cấp trầm trọng ở Hà Nội (Video: Thu Thảo - Thanh Thúy).

Sống trên bãi rác trong lòng khu tập thể

Việc đầu tiên của bà Chiêm trước khi ra khỏi nhà là đóng kín cửa sổ để mùi hôi thối không xộc thẳng vào trong. Thói quen này được bà duy trì vài năm nay, từ khi khu vực giếng trời dưới chân khu tập thể cũ trở thành một bãi rác khổng lồ.

Khu B, tập thể Nghĩa Đô - nơi gia đình bà Chiêm đang sống là một tòa nhà 5 tầng, chia thành hai tiểu khu, ngăn cách bởi lối cầu thang chung. Nhìn từ trên cao, khu B có thể hình dung như hình số 8 với hai giếng trời ở trung tâm, mỗi bên rộng 40-50m.

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 1
Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 2

Khu vực giếng trời trong lòng khu B, tập thể Nghĩa Đô trở thành bãi rác, nơi xả thải công cộng từ nhà dân.

Vốn được thiết kế để lấy ánh sáng, hút nắng gió nhưng hai giếng trời bây giờ như "hố đen" của toàn khu: Bất đắc dĩ trở thành nơi xả rác, xả nước thải sinh hoạt tự phát từ các hộ dân. Cũng từ đây, mùi hôi thối bốc lên mỗi ngày.

Theo lời kể của bà Chiêm, khoảng 6 năm trước, nhiều hộ gia đình ở khu B đã bán nhà, bỏ nhà hoặc được di dời đến khu vực nhà ở tạm do chung cư xập xệ. Lúc này không gian sống ngổn ngang, lại vắng vẻ, có vài người thường chờ đến chiều tối thò tay quẳng túi rác xuống lòng giếng trời. Lâu dần, người ta mang rác ra đó vứt bất kể giờ giấc.

"Có lần nhìn thấy người phụ nữ lạ mặt, chắc là khách thuê nhà ở đây, vứt túi rác to từ tầng 4 phía đối diện, tôi nhắc thì họ bảo "có ném vào nhà bà đâu mà kêu". Ai cũng muốn sạch nhà mình, còn người khác ảnh hưởng ra sao thì kệ", bà Chiêm nói.

Theo cư dân ở đây, hằng tuần, mọi người vẫn chung tiền thuê người đến dọn vệ sinh nhưng không xuể. Không có camera, không ai quản lý nên không bắt được ai vứt rác.

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 3

Người dân sống trong không gian ô nhiễm, bụi bẩn.

Sự xuống cấp của chung cư khiến hệ thống nước thải của nhiều gia đình bị hư hỏng, không có chỗ thoát nước, các chủ nhà lắp ống xả thải lộ thiên cắm thẳng vào bể phốt chung.

Nhà bà Chiêm ở tầng 3, khi cơi nới thêm phần chuồng cọp, có ban công hướng ra giếng trời, bà cho xây kín mít không để cửa sổ dù trong nhà gần như không có ánh sáng tự nhiên.

Bà bảo, sợ mùi hôi thối, sợ mấy con chuột cống to bằng cổ chân nhảy qua mâm cơm trên bếp hơn sợ thiếu sáng. Có ngày trời nắng, vừa bê bát cơm lên thì mùi xú uế từ bãi rác bên dưới xộc thẳng vào mũi, bà Chiêm chỉ biết buông đũa thở dài.

"Nhất là khi có cơn gió lùa qua, đầu óc choáng váng vì đủ thứ mùi. Hay những ngày mưa lớn, nước đen kịt tích tụ trong lòng giếng trời, dâng lên ngập ngang đầu gối khiến các túi rác to, nhỏ nổi lềnh phềnh, có khi tràn cả ra chân cầu thang ở tầng 1", bà cụ kể. 

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 4

Khu vực cửa ra vào nhà bà Chiêm mới được cơi nới, lối đi chỉ bằng 1 ô gạch.

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 5

Nhiều nhà cửa đóng then cài, không gian ngổn ngang xuống cấp, không người dọn dẹp.

Lối lên nhà bà Chiêm không có đèn điện. Một số nhà bỏ hoang, vài nhà đóng cửa kín mít. Còn lại là những mảng tường bong tróc, vỡ vụn. Rác thải, ẩm mốc trở thành nơi lý tưởng để cây cỏ mọc dại, bám lên tường nhà như vách núi.

Mất gần 15 phút để bà cụ di chuyển từ tầng 1 đến nhà mình ở tầng 3. Một tay xách giỏ đồ nghề quán nước, một tay bám thành cầu thang, bà Chiêm lần mò từng bước vì chân đau không thể đi nhanh. 

Căn phòng nơi bà đang ở cùng con dâu và hai người cháu nội rộng 20m2, theo diện tích trong sổ đỏ. Để cải thiện không gian sống, gia đình cơi nới thêm 3-5m2 làm lối ra vào, nhà vệ sinh và bếp, nhưng vẫn chật chội.

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 6
Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 7

Tổng diện tích căn nhà của gia đình bà Chiêm theo sổ đỏ là 20m2, chưa tính phần cơi nới. Đây là nơi ở của 4 người lớn. 

Lách qua đống đồ đạc để vào nhà, bà Chiêm ngồi sụp xuống giường, thở dốc, sau khi leo 3 tầng cầu thang với đôi chân yếu.

Lòng nhà rộng 20m2 được chia làm hai bởi chiếc tủ lớn. Không gian bên ngoài kê giường ngủ của bà cụ và một khu vực để ban thờ. Bên trong là nơi ở của con dâu và hai người cháu nội, chỗ này kê vừa khít chiếc đệm 1,5m, một chiếc tủ nhỏ hơn để đồ lưu niệm, sách vở. 

Cả căn phòng chỉ có một cửa sổ duy nhất để đón ánh sáng tự nhiên đồng thời là nơi phơi phóng quần áo, khu vực này rộng khoảng 1,2m, chỉ vừa một người đứng. 

Bà Chiêm nói: "Nhà chỉ có vậy, đi tới đâu người va phải đồ tới đó vì chật quá. Nhiều năm trước gia đình còn thường xuyên sinh hoạt chung, ăn uống cùng nhau nhưng bây giờ ai lo phần người đó, chỉ coi đây là chỗ... ngủ tạm".

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 8

Khu vực có ánh sáng tự nhiên duy nhất trong nhà bà Chiêm, nhưng mỗi ngày ra đường cửa này phải đóng kín mít.

46 năm sống trong căn nhà tập thể, bà Chiêm trải qua từ niềm vui nhận nhà mới đến những lần đập đi xây lại, cơi nới, sửa chữa, bây giờ là nỗi bất an về một không gian sống thiếu an toàn. Dù vậy, bà vẫn cố bám trụ, thật ra là cố bám lấy gánh hàng nước ở gần khu tập thể của mình để sống qua ngày.

"Đôi khi tôi cũng có nỗi lo bị sập nhà. Chắc cứ ở đây mãi đến khi nào nhà sập thì thôi", bà cụ nói.

Lay lắt trong khu tập thể "chờ sập", đợi ngày được... đền bù

Mấy ngày nay, ngồi bán nước dưới chân chung cư, bà Chiêm thấy chủ một căn hộ ở tầng 5, cùng tòa B, liên tục dẫn khách về xem nhà.

Theo bà Chiêm, căn hộ được rao bán đã 6 năm không có người ở, diện tích chưa kể phần cơi nới là 16m2, ở tầng cao nhất nên thoáng mát. Đang được rao bán với giá 2 tỷ đồng, mức giá này khiến nhiều cư dân ở khu tập thể Nghĩa Đô bất ngờ.

"Không nghĩ giá đất ở đây lại rẻ như thế, so với mặt bằng chung giá đất ở quận Cầu Giấy. Nếu tính cả phần cơi nới, tổng diện tích có thể sử dụng của mỗi căn trung bình cũng khoảng 40-50m2", bà Nga, 76 tuổi, một cư dân ở khu A, tập thể Nghĩa Đô chia sẻ.

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 9

Nhiều hộ gia đình chuyển đi để lại đống đổ nát, ngổn ngang đồ đạc.

Khu tập thể Nghĩa Đô gồm hai dãy nhà 5 tầng A và B, được đưa vào sử dụng từ năm 1976. Sau gần nửa thế kỷ, cả hai tòa nhà đều xuống cấp nghiêm trọng. Nhìn từ bên ngoài, các bức tường bong vữa trơ cốt gạch, rêu mốc bám đầy, thậm chí cây cối cắm rễ sâu, vươn lên um tùm, không thấy dấu hiệu của sự sống.

Thực trạng khu tập thể đã nhiều lần được đề cập, phản ánh, nhưng việc cải tạo, sửa chữa, xây mới gặp quá nhiều khó khăn, dẫn đến ì ạch. Nhất là việc bố trí tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

6 năm trước, cùng nhiều hộ gia đình ở khu tập thể Nghĩa Đô, mẹ con bà Chiêm được đề xuất di dời đến khu nhà ở tạm, cách nơi ở hiện tại khoảng 800m. Tuy nhiên, bà Chiêm từ chối, vì nhiều lý do. 

"Chủ đầu tư đưa ra phương án đền bù theo diện tích đất, ví dụ nhà tôi đang ở là 20m2 sẽ được đền bù lên căn 40m2, ở khu nhà tạm. Nếu ở căn chưa tới 40m2 thì thiếu bao nhiêu m2 sẽ được đền bù bấy nhiêu tiền", bà Chiêm nói. 

Song, theo bà cụ, trên thực tế khu ở mới cũng không khá hơn và "không biết khi nào mới được đền bù tiền". Một số gia đình có điều kiện, họ chịu lỗ, bán nhà giá rẻ rồi chuyển đi nơi khác hoặc khóa trái cửa để vườn không nhà trống.

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 10
Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 11
Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 12

Diện mạo xuống cấp của khu A và khu B, thuộc tập thể Nghĩa Đô sau gần 50 năm đưa vào hoạt động. 

Theo số liệu từ UBND phường Nghĩa Đô, toàn khu tập thể Nghĩa Đô (cả tòa A và tòa B) có 104 hộ đã chuyển đi, còn 138 hộ vẫn cố bám trụ như gia đình bà Chiêm, dù chất lượng nơi ở xập xệ, môi trường sống ô nhiễm. 

Ông Nguyễn Chí Thanh, phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định: "Nhiều người sống ở chung cư cũ nghĩ rằng tài sản, vị trí đất của họ quá lợi thế. Họ nghĩ cứ chịu cảnh sống như vậy trước mắt, chịu khổ về hạ tầng kém và tự sửa chữa bên trong nội thất để chờ cơ hội được xây lại nhà".

Thực tế, không ít khu tập thể cũ ở Hà Nội vẫn có sức hấp dẫn, được nhiều người hỏi mua bởi hai lý do chính: Diện tích nhỏ và giá thường thấp hơn so với chung cư mới, chất lượng cao. Điều này phù hợp số đông trong xã hội là người có thu nhập trung bình.

Theo khảo sát trên các trang mua bán bất động sản, giá bán căn hộ chung cư quanh khu vực phường Nghĩa Đô hiện dao động 40-100 triệu đồng/m2, tùy vị trí, tiện ích, tình trạng chung cư cũ hay mới.

Đơn cử, chung cư cao cấp Tràng An Complex, ngay sát khu tập thể Nghĩa Đô, cũng nằm trên phố Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội), có nhiều căn hộ được rao bán khoảng 100 triệu đồng/m2.

Một căn góc ở đây có diện tích 143m2, gồm 3 phòng ngủ có giá 13,3 tỷ đồng (93,01 triệu đồng/m2). Căn penthouse (căn hộ nằm trên tầng cao nhất của tòa nhà) rộng 241m2, gồm 4 phòng ngủ, tầm nhìn ra Hồ Tây được chào bán 36 tỷ đồng (149,38 triệu đồng/m2).

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 13

Người dân ám ảnh cảnh sống chung với rác ngay giữa trung tâm tòa B của khu tập thể.

Sống mòn trong tập thể chờ sập ở Hà Nội, nơi giá đất 100 triệu đồng/m2 - 14

Nhiều hộ dân vẫn cố bám trụ, phần vì cảm thấy chưa được đền bù thỏa đáng, phần vì quen lối sống, nơi làm ăn, buôn bán tại tập thể cũ.

Dựa theo giá đất mặt bằng chung ở phường, quận, nhiều cư dân khu tập thể Nghĩa Đô cố sống lay lắt để "chờ thời" bán được nhà giá tốt, hoặc đợi đến lúc dự án triển khai, được xây lại nhà mới.

Năm 2013, UBND TP Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy đã có chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng Dự án cải tạo hai khối nhà, giao liên doanh Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH Thủ đô 2, Công ty Cổ phần Nhật Quân Anh nghiên cứu lập, thực hiện dự án theo hình thức hợp tác kinh doanh, xây dựng mới công trình, thay thế khu nhà cũ đã hư hỏng, xuống cấp.

Tổng mức đầu tư khoảng 995 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2013-2016, nhưng đến nay, dự án vẫn dừng lại ở chủ trương.

Bà Phan Thị Hải Yên, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: "Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền tháo gỡ trong vấn đề triển khai thực hiện dự án, nhất là về tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu căn hộ, để nhân dân sớm được ổn định cuộc sống".

Ảnh: Nguyễn Hà Nam