"Tôi đi khám bệnh trở về nhà đã ngập trong biển nước"
(Dân trí) - "Chồng đi thăm con, cháu sinh sống tại TPHCM, còn tôi sống ở nhà một mình. Hôm 25/10, tôi đi khám bệnh ở Huế, trở về nhà đã ngập trong biển nước", người mẹ vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình kể lại.
"Nhà ngập cả rồi, giờ về không có gì ăn"
Trưa 29/10, bà Nguyễn Thị Thu Hương (66 tuổi) khoác trên mình tấm áo mưa và áo phao xộc xệch, đứng buồn bã tại điểm tập kết hàng cứu trợ ở ngã tư Cam Liên, thôn Mỹ Duyệt, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy - nơi quốc lộ 1A chạy qua.
Nhận được điện thoại qua ứng dụng mạng từ người thân, bà Hương quay camera cho họ xem con đường trở về nhà đã bị ngập trong biển nước.
"Nhà ngập hết rồi, không kịp chuẩn bị gì để dự trữ. Tôi đang đợi thùng mì tôm tiếp tế rồi mới đi nhờ ghe hàng xóm về xem tình hình", bà nói với người thân.
Bà Hương sống một mình trong căn nhà cấp bốn tại thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy. Chồng bà đi thăm con, cháu sinh sống ở TPHCM.
Ngày 25/10, bà một mình vào Huế khám bệnh, hai ngày sau cơn bão Trà Mi đổ bộ vào khu vực này gây mưa lớn. Từ sáng 28/10, mưa lớn kéo dài khiến huyện Lệ Thủy, quê của bà Hương, xảy ra ngập lụt.
"Nghe tin, tôi tức tốc chạy về nhưng không kịp, cả vùng đã bị ngập trong biển nước. Hôm qua (28/10), tôi xin tá túc tại nhà người thân. Hôm nay, nhận thấy mưa giảm, lũ rút chậm, tôi trở về để xem nhà cửa, tài sản thế nào", bà Hương nói.
Thiếu thực phẩm, xăng dầu
Gần đó, bà Bộng (55 tuổi, trú thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) đang tìm mua thực phẩm, xăng dầu, nước ngọt đóng chai. Để đến được ngã tư Cam Liên - nơi bị ngập nhẹ, bà cùng hàng xóm dùng ghe máy vượt dòng lũ với quãng đường khoảng 10km.
Theo bà Bộng, nơi bà sinh sống đang bị ngập sâu 1-2m. Sống ở vùng "rốn lũ", khi thấy mưa kéo dài, bà cùng hàng xóm với kinh nghiệm của mình đã tất tả chạy đi sắm thực phẩm bỏ vào tủ lạnh dự trữ.
"Thế nhưng, nước lũ bủa vây quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp di dời một số tài sản lên cao. Còn lại, tủ lạnh chứa thực phẩm, bàn ghế và nhiều đồ đạc khác bị ngập. Bây giờ, người dân chúng tôi thiếu đồ ăn, nước sạch để uống và xăng, dầu để chạy ghe máy, thắp sáng đèn khi đêm xuống", bà Bộng chia sẻ.
Còn nhà của ông Trần Việt Thế (52 tuổi) nằm gần ngã tư Cam Liên, thôn Mỹ Duyệt, xã Cam Thủy bị ngập nhẹ hơn, nước sâu khoảng 60cm. Mặc dù đã chủ động chạy lũ, gia đình ông Thế vẫn bị thiệt hại 7 con gà.
"Nhiều vùng giờ ngập lụt chia cắt, chợ không hoạt động. Tôi tiếc của nên đi tìm số gà mất mát về làm thịt ăn qua bữa. Gà mới chết trong lũ nên còn ăn được, tôi đi tìm quanh nhà mới được một con", ông Thế nói.
Nhiều người con xa quê đứng ngồi không yên
Trong đêm 28/10, khi nước lũ dâng cao, nhiều người con xa quê, chưa thể liên lạc được với gia đình cứ đứng ngồi không yên.
Anh Hoàng Ngọc (25 tuổi), đang công tác tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cho biết suốt cả ngày qua, anh cứ thấp thỏm, lo lắng cho bố, mẹ ở quê khi biết tin nước lũ ngày một dâng cao.
Nhà anh Ngọc nằm bên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), trong đêm qua (28/10), căn nhà của gia đình anh ngập hơn 1,5m, vùng lũ mất điện, một số nơi mất sóng, không thể liên lạc về gia đình khiến anh vô cùng bất an.
Rất may khi nước dâng cao, bố mẹ anh Ngọc đã được người dân và chính quyền hỗ trợ, di dời đến nơi an toàn hơn, có đầy đủ thực phẩm để vượt qua những ngày lũ.
"Khi biết bố mẹ đã di dời đi nơi khác, tôi mới yên tâm chứ chiều qua hay tin lũ lên nhanh nên rất nóng ruột. Sáng nay (29/10), mực nước đang xuống dần rồi, tôi cũng đang mong lũ rút nhanh để về nhà xem tình hình thế nào, cùng bố mẹ dọn nhà, khắc phục hậu quả", anh Ngọc nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến trưa 29/10, tại vùng "rốn lũ" đã ngớt mưa, tuy nhiên nước lũ rút khá chậm, còn khoảng 8.000 căn nhà ở địa phương này ngập trên 1m. Với kinh nghiệm phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ, thời điểm này, nước xuống đến đâu, người dân sẽ lau dọn đến đó, tránh tình trạng bùn đọng lại từng lớp, rất khó làm sạch.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, Kiêm Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, từ 19h ngày 28 đến 5h ngày 29/10, lượng mưa tại Quảng Bình từ 50 đến 100mm, mực nước sông Kiến Giang đo được ở trạm Lệ Thủy vẫn trên mức báo động 3 là 1,38m.
Toàn tỉnh Quảng Bình còn hơn 32.000 hộ bị ngập lụt, riêng huyện vùng trũng Lệ Thủy có gần 20.000 ngôi nhà bị ngập (trong đó có hơn 8.000 nhà ngập sâu trên 1m), còn lại ở huyện Quảng Ninh (12.000 nhà), thành phố Đồng Hới (1.000 nhà).
Ngoài ra, vẫn còn 58 thôn bản bị chia cắt, chủ yếu ở các xã Lâm Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) và các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh).
Tính đến rạng sáng 29/10, tỉnh Quảng Bình đã di dời 1.249 hộ (3.681 nhân khẩu) đến nơi an toàn; sơ tán tại chỗ 9.123 hộ. Tỉnh này ghi nhận có 1 người tử vong, 3 người mất tích do nước cuốn trôi.