(Dân trí) - Đó là những ngày đầu tháng 5 đen tối và ám ảnh, khi gia đình anh Thường nhận kết quả chấn đoán từ bác sỹ, kết luận cậu con trai 3 tuổi, mắc bệnh u nguyên bào thần kinh ác tính. Mọi thứ như sụp đổ, người đàn ông 37 tuổi lần đầu tiên trong đời, òa khóc nức nở như một đứa trẻ…
“Bố cũng trọc đầu, giống con trai của bố rồi”
“Con trai à, bố cũng rụng hết tóc rồi! Bố cũng trọc đầu như con trai của bố rồi! Không sao đâu con, rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp, rồi con sẽ lại được về nhà với bố mẹ. Bàn tay bố mẹ sẽ nắm chắc bàn tay con, chúng ta cùng chiến đấu…”.
Đây là những dòng tâm sự đẫm nước mắt của anh Bùi Văn Thường (37 tuổi, thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) trong cuộc đồng hành cùng con chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Tự nhận mình là người đàn ông bản lĩnh, nhưng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Thường nhiều lần phải dừng lại, cố nén những giọt nước mắt trực trào nơi khóe mắt. Anh bảo, lần đầu tiên trong đời, anh cảm nhận rõ thế nào là đau đớn, bất lực.
“Còn nỗi đau nào lớn hơn khi mỗi ngày, mỗi giờ phải chứng kiến con bị bệnh tật giày vò, đau đớn xé ruột gan mà người làm cha, làm mẹ lại không thể làm gì! Sự ám ảnh này cả đời tôi cũng không thể quên”, anh Thường bật khóc.
3 tháng trước, con trai anh Thường, bé Bùi Đức Huy, sinh ngày 7/11/2015 bỗng kêu đau bụng, con bỏ ăn, người mệt mỏi. Hai vợ chồng anh Thường vội vàng đưa con vào bệnh viện Nhi TW thăm khám. “Lúc đó, tôi vẫn nghĩ đơn giản, là do con ăn gì lạ hoặc do giun sán nên bị đầy bụng. Vì quả thực, cũng đã lâu rồi gia đình chưa tiến hành tẩy giun cho con”, anh Thường kể.
Tuy nhiên, kết quả siêu âm, thăm khám của các bác sỹ nghiêm trọng hơn nhiều so với hình dung của cả hai vợ chồng: Con mắc bệnh u nguyên bào thần kinh ác tính. Bệnh đã ở giai đoạn cuối, di căn cả vào não và xương. Cơ hội sống sót của con chỉ tính bằng vài phần trăm ít ỏi.
Các bác sỹ đưa ra hai hướng điều trị: Một là điều trị giảm nhẹ, tức là làm cho bệnh tình của con bớt đau đớn. Hai là phải truyền hóa chất, với chi phí điều trị rất lớn. Tuy nhiên, dù là theo phương án nào thì căn bệnh của con cũng chỉ có thể thuyên giảm, việc triệt tiêu hoàn toàn tế bào ung thư, gần như là không thể.
Nghe bác sỹ nói, hai vợ chồng anh Thường sốc nặng, ngã khuỵ ngay tại phòng khám.
Bác sỹ trưởng khoa phải liên tục trấn tĩnh, động viên. “Các bác sỹ bảo không được khóc trước mặt con vì con đã lớn, đã hiểu được cảm xúc của bố mẹ, giờ phải là lúc kiên cường, bình tĩnh. Nhưng cả tôi và vợ đều không làm được. Nước mắt cứ trào ra, không thể đứng vững. Hai vợ chồng phải vịn tay vào tường, dìu nhau ra bên ngoài, rồi chạy trốn ra đằng sau tòa nhà, ôm nhau khóc nức nở để con không nhìn thấy”, anh Thường xúc động nhớ lại.
Nỗi đau ám ảnh và những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời
Không cần suy nghĩ lâu, anh Thường và vợ chấp nhận chọn phương án điều trị cho con bằng cách truyền hóa chất với niềm tin “cuộc sống có phép màu”.
Đó là những ngày đầu tháng 5 – ngày mà theo miêu tả của anh Thường là “nỗi ám ảnh”, đen tối nhất trong cuộc đời.
“Dù còn 0,1% cơ hội, tôi cũng sẽ cùng con cố gắng, hy vọng và chiến đấu đến cùng. Tôi chỉ có một mơ ước, mỗi buổi sáng thức dậy vẫn thấy con bình an bên mình”, anh Thường nghẹn ngào.
Thời điểm này, con trai thứ hai của vợ chồng anh Thường mới tròn 5 tháng tuổi. Bé được mẹ cai sữa sớm, gửi bà ngoại trông nom. Anh Thường và vợ viết đơn xin nghỉ tự túc, thu xếp đưa bé Huy nhập viện gấp để điều trị.
Tại bệnh viện Nhi TW, Huy được lấy máu xét nghiệm và làm thủ tục cần thiết. Trong 3 tháng, con trải qua 8 đợt xạ trị. Con giảm 3 kg, tóc rụng, khuôn mặt hốc hác, không thích tiếp xúc với ai.
Từ một cậu bé lém lỉnh, đáng yêu thích vận động, chơi đùa, mầm bệnh ung thư di căn vào não, tủy và xương đã khiến con đau đớn đến thay đổi cả tính tình. Huy không làm chủ được hành động, tự cào cấu vào mặt mũi, làm đau chính cơ thể héo mòn của mình, rồi quặn quại ôm mặt khóc.
Mỗi lần thấy con như vậy, anh Thường lại “đau như ngàn mũi dao đâm”. Người bố 37 tuổi nhiều lần để con cắn tay mình đến bật máu, cho con cào cấu vào người chỉ với hy vọng con giải tỏa được phần nào nỗi đau bệnh tật trong người. Anh cũng quyết định cạo trọc đầu để cậu bé không cảm thấy tủi thân, đơn độc.
“Những cây kim to và dài hàng chục phân cắm thẳng vào xương tủy con, thật quá khủng khiếp với một đứa trẻ mới hơn 3 tuổi. Nhiều lần tôi phải nhìn con đau đớn, kêu gào gọi: “Bố ơi, cứu con với bố ơi” mà bất lực, không thể làm gì”, anh Thường nghẹn ngào.
Đau đớn nhất là mỗi lần truyền hóa chất, Huy không ăn được gì, hai vợ chồng anh Thường phải giữ chân, tay con, dùng bơm tiêm, bơm cháo vào dạ dày để “con được chút nào, hay chút ấy”. Mỗi lần như thế, “đau đớn như cực hình”, bởi con không hợp tác, thường giãy giụa và kêu gào trong nước mắt.
Hy vọng vào phép màu
Ông bố 37 tuổi xúc động cho biết, ngoài đời, Huy là một cậu bé rất tình cảm, thông minh và lém lỉnh. Cứ mỗi lần thấy bố mẹ đi làm về, Huy đều sà vào lòng, hôn hít lên trán, lên môi rồi thủ thỉ: “Con yêu bố mẹ nhất”. Trước khi mắc bệnh, con học một trường mẫu giáo gần nhà. Huy bộc lộ năng khiếu nói tiếng Anh và ghi nhớ rất tốt. Cậu bé bày tỏ mong muốn lớn lên được trở thành bác sỹ, chữa bệnh cho mọi người và kiếm tiền nuôi bố mẹ.
“Mỗi lần con hỏi: Bao giờ con khỏi bệnh, bao giờ con được đi học là bố lại nghẹn giọng, thương con trào nước mắt mà không biết phải trả lời thế nào. Con còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau, sự mất mát quá lớn này”, anh Thường xúc động.
Từ khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo, anh Thường và vợ chưa một đêm ngủ trọn vẹn. Cứ nhắm mắt lại hình ảnh con xanh xao, bàn tay chi chít những mũi kim tiêm đến tím đen lại khiến trái tim anh đau nhói, ám ảnh.
Đến nay, để chạy chữa cho con, mọi tài sản giá trị trong gia đình hai vợ chồng đều đã bán cả nhưng vẫn không đủ sức gánh gồng.
“Các bác sỹ nói, để ghép tủy và thực hiện các đợt điều trị tiếp theo, gia đình phải chuẩn bị số tiền lớn có thể lên tới bạc tỷ. Đây là con số vượt quá sức tưởng tượng của hai vợ chồng… Tuy nhiên, dù chỉ còn 1% hy vọng chúng tôi cũng sẽ không buông tay con”, anh Thường nghẹn giọng.
Trước khi điều trị ung thư cho con, anh Thường làm nhân viên bán hàng thuê ở 1 cửa hàng salon, còn vợ là giáo viên. Đồng lương công chức ít ỏi, không thấm tháp vào đâu so với chi phí quá lớn chạy chữa cho con.
Nắm bàn tay nhỏ của cậu con trai chi chít mũi tiêm truyền đang nằm thiêm thiếp trên giường, ông bố 37 tuổi nấc nghẹn, đôi mắt ầng ậc nước. Anh bảo, giờ chỉ mong vay mượn, xoay sở đủ số tiền để lo cho Huy trong các đợt điều trị tiếp theo.
Trên trang cá nhân, người cha 37 tuổi nhiều lần viết những dòng tâm sự đẫm nước mắt dành cho con trai của mình:
"Bố không thể chợp mắt được. Cứ nhắm mắt là bố lại nghĩ đến con thôi. Bố không thể kìm nén được những giọt nước mắt. Con của bố còn bé bỏng quá. Bố thương con nhiều lắm, con có biết không.
Từ lúc sinh con ra với bao niềm vui khôn xiết, bế con trên tay với bao ước mơ hoài vọng mong con khôn lớn nên người. Bao kỷ niệm những buổi bố đón con từ trường học về rồi đưa con đi chơi. Những câu nói của con, hình bóng của con, làm sao bố có thể quên được hả con trai của bố.
Con đã từng nói với bố, là con muốn được làm bác sĩ chữa bệnh cho bố, chữa bệnh cho mọi người. Nhưng tại sao giờ con nằm đây? Căn bệnh quái ác ập đến với con, nó hành hạ con. Hằng đêm bố phải chứng kiến con đau đớn, nghe tiếng con kêu mà bố không làm được gì, ngoài việc ôm con vào lòng. Mỗi tiếng kêu của con như ngàn dao đâm vào tim bố.
Bố có lỗi với con, bố quá vô tâm không biết tình trạng của con để đưa con đi khám sớm. Bố ân hận quá. Và nỗi ân hận này sẽ theo bố đến hết cuộc đời. Nếu con có mệnh hệ gì, bố mẹ không thể sống nổi. Dù là một tia hy vọng bố cũng làm, kể cả đánh đổi tính mạng của mình để cứu được con.
Một ngày làm con của bố, thì mãi mãi sẽ là con của bố, dù kiếp này kiếp khác cũng không thay đổi được. Con phải cố gắng chiến đấu với căn bệnh quái ác, vì bố, vì mẹ, vì em của con. Mọi người sẽ luôn ở bên con, không rời xa. Rồi gia đình mình sẽ lại được đoàn tụ, bố sẽ lại đưa cả nhà đi chơi. Cố lên con trai của bố".
Hà Trang