PhotoStory

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa

Thực hiện: Toàn Vũ - Minh Nhân

(Dân trí) - Từ năm 2016 đến cuối 2022, Hà Nội đã khai trương 5 tuyến phố đi bộ chính, nằm tại các quận/thị xã: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ và Sơn Tây.

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 1

Phố đi bộ hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) là tuyến phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội, hoạt động từ tháng 9/2016. 

Cuối năm 2020, Hà Nội mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, gồm các tuyến phố: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc.

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 2
Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 3

Sau 7 năm hoạt động, không gian phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận đã trở thành thương hiệu, điểm đến và là "món ăn tinh thần" của người dân, du khách trong, ngoài nước. Trung bình mỗi ngày cuối tuần, khu phố đi bộ quanh hồ đón khoảng 20.000 khách. 

Đây không chỉ là nơi mọi người tự do đi dạo, vui chơi, giao lưu, trò chuyện, mà còn diễn ra các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa nghệ thuật cá nhân tự phát hoặc được tổ chức.

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 4

Quận Hoàn Kiếm đánh giá các hoạt động trong không gian đi bộ trên địa bàn quận có sức hấp dẫn đối với người dân và du khách, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội và cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Phương Anh (20 tuổi, quận Hoàng Mai) cho biết, mỗi lần nhắc đến "phố đi bộ Hà Nội", cô đều nghĩ ngay đến phố đi bộ hồ Gươm. Nữ sinh nhận xét tuyến phố như "một xã hội thu nhỏ", tập hợp tất cả hoạt động vui chơi giải trí, ẩm thực, văn hóa.

"Mỗi cuối tuần, tôi đều rủ bạn 'lên hồ' vui chơi. Có ngày, khu phố như hội chợ, nhưng cũng có hôm trở thành sân khấu ca nhạc hấp dẫn", Phương Anh nói.

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 5

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - không gian nằm giữa đầm sen, Công viên nước Hồ Tây, một phần ngõ 431 Âu Cơ và ngõ 612 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) hoạt động từ tháng 5/2018, được kỳ vọng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... vào mỗi cuối tuần.

Theo thống kê của quận Tây Hồ, sau một tháng khai mạc, phố đi bộ Trịnh Công Sơn thu hút trung bình 6.000 khách mỗi cuối tuần. Nhưng sau ba tháng, lượng khách giảm mạnh do ít hoạt động, nhiều chủ cửa hàng buộc phải nhượng địa điểm. 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuyến phố tạm dừng hoạt động. Đến tháng 5/2022, khu phố mở cửa trở lại, được đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, trang trí làm đẹp cảnh quan, tạo các điểm nhấn để thu hút người dân. Tuy nhiên, đầu năm 2023, phố đi bộ tiếp tục đóng cửa do "ế" khách.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết quận đã chủ trương tạm dừng khu phố để tu bổ, sửa chữa, đợi mở cửa trở lại trong thời gian tới, dự kiến tháng 5. 

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 6

Đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái, tuyến phố đi bộ thứ ba của Hà Nội quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) bắt đầu hoạt động. 

Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây thông tin, tuyến phố được kỳ vọng phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm, nhằm tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại và sống động. 

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 7

Sau gần một năm hoạt động, theo ông Lê Đại Thăng, trung bình tối cuối tuần, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 10.000 người. Lượng khách chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận và người dân địa phương.

Anh Nguyễn Quân (30 tuổi, sống tại thị xã Sơn Tây) cho biết mỗi cuối tuần đều dẫn gia đình đến phố đi bộ dạo chơi, thưởng thức chương trình văn nghệ, trải nghiệm các gian hàng ẩm thực. 

Anh cho hay, những tuần trước, phố đi bộ khá đông đúc. Tuy nhiên, thứ 7 (25/3) vừa qua, do mưa lớn nên lượng khách giảm sút.  

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 8

Tối 23/12/2022, quận Ba Đình tổ chức lễ khai trương Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch).

Lãnh đạo quận Ba Đình nhấn mạnh đây là không gian văn hóa ẩm thực mới, là nơi quảng bá sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), quà tặng du lịch của Hà Nội nói chung và Ba Đình nói riêng, đồng thời giới thiệu, vinh danh nghề đúc đồng truyền thống. 

Tại đây, người dân thoải mái thư giãn dạo bước ngắm cảnh hồ, thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, hòa mình vào các nghi lễ truyền thống trong các ngày lễ, ngày xuân…

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 9

Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết, sau 3 tháng khai trương, tuyến phố đón lượng khách ổn định, cả trong và ngoài nước.

"Chúng tôi tập trung phát triển dịch vụ ẩm thực, từ nền tảng của các nhà hàng kinh doanh những món ăn nổi tiếng lâu năm như phở cuốn, phở chiên phồng, các món lẩu... Đây được xác định là 'thế mạnh nội tại' của khu vực", ông Huy nói.

Lần đầu đến tuyến phố Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Như Ý (28 tuổi, sống tại Pleiku) nhận xét không gian yên tĩnh và lãng mạn, cổ kính như Hội An. Cô hài lòng với những món ăn đặc trưng, thích nhất là món phở xào. 

"Cảm giác mới lạ khi vừa ăn, vừa được nghe nhạc sống. Một trải nghiệm rất thú vị trong chuyến du lịch Hà Nội của tôi", Như Ý cho hay. 

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 10

Phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng) là không gian đi bộ thứ năm của Hà Nội, được khai trương tối 30/12/2022.

Theo UBND quận Hai Bà Trưng, tuyến phố đi bộ này có chiều dài khoảng 1.600m, gồm đoạn tuyến phố Trần Nhân Tông (từ nút giao với phố Quang Trung đến ngã 3 Trần Bình Trọng), trục chính Công viên Thống Nhất (đoạn từ cổng Công viên Thống Nhất đến hồ Bảy Mẫu).

Tuyến phố được kỳ vọng phát huy lợi thế của Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa kết hợp tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ".

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 11

Hàng tuần, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quy mô khác nhau với sự tham gia của nhiều đơn vị. Các tiết mục, chủ đề, hoạt động cộng đồng được thay đổi theo từng tháng để thu hút người dân và du khách. 

Phố đi bộ Hà Nội: Nơi sầm uất, chỗ đìu hiu, đóng cửa - 12

Sau hơn hai tháng hoạt động, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận được đánh giá sôi động, nhiều trò chơi, phù hợp mọi lứa tuổi. Không gian mở kết hợp với Công viên Thống Nhất là "lợi thế" của tuyến phố này. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận, lượng khách tại đây còn hạn chế, chủ yếu là người dân sinh sống quanh khu vực. Có thời điểm, tuyến phố vắng vẻ và ảm đảm. 

Chu Bảo Linh (27 tuổi, người kinh doanh tại phố đi bộ) cho biết khoảng nửa tháng nay, tuyến phố rơi vào cảnh "ế" khách. Theo cô, ngoài nguyên nhân thời tiết, thì không gian này trở nên đìu hiu do chưa được nhiều người biết đến.

"Chúng tôi từng phục vụ 50 - 70 khách/ngày, nhất là thời điểm mới khai trương. Tuy nhiên, ngày vắng nhất chỉ có 10 khách", Linh nói. 

Để không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận duy trì hoạt động hiệu quả, UBND quận Hai Bà Trưng cho hay thời gian tới sẽ hoàn chỉnh thiết kế đô thị, đầu tư nâng cấp chỉnh trang cảnh quan; bổ sung các nhóm dịch vụ thương mại, tiện ích phục vụ người dân; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông...

Việc mở các tuyến phố đi bộ nằm trong Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025. Tại Hội nghị đánh giá kết quả chiều 10/1, Ban chỉ đạo Chương trình 03 đánh giá, một số chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành, trong đó có việc "phát triển, mở rộng 3 - 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ".