DMagazine

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại?

(Dân trí) - Sau 7 năm hoạt động, phố đi bộ hồ Gươm vẫn luôn là "món ăn tinh thần" của người dân Hà Nội dịp cuối tuần. Trong khi đó, một số tuyến phố đi bộ khác lại vắng vẻ, tạm đóng cửa.

Nghịch lý phố đi bộ Hà Nội

Sau 7 năm hoạt động, phố đi bộ hồ Gươm vẫn luôn là "món ăn tinh thần" của người dân Hà Nội dịp cuối tuần. Trong khi đó, một số tuyến phố đi bộ khác lại vắng vẻ, tạm đóng cửa.

Phố đi bộ hồ Gươm - thương hiệu của Hà Nội

Mỗi lần bạn bè rủ lên phố đi bộ chơi, Thúy Anh (28 tuổi, quận Cầu Giấy) nghĩ ngay tới phố đi bộ hồ Gươm. Bởi theo cô, tuyến phố này hội tụ đủ mọi thứ, từ không gian đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực đến trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. 

"Tuyến phố có quá nhiều điều thú vị: âm nhạc, sự huyên náo và quan trọng nhất là thoải mái đi bộ giữa lòng đường, trải nghiệm các chương trình, sự kiện", Thúy Anh nói. 

Cuối tuần, vợ chồng chị Quỳnh Hoa (35 tuổi, quận Thanh Xuân) đưa hai con nhỏ lên bờ hồ vui chơi. Người mẹ mong muốn các con được tự do chạy nhảy, làm quen các hoạt động dân gian, tham gia nhiều trò chơi trí tuệ. 

"Không khí hồ Gươm vẫn luôn sôi động, song hiện nay có phần nhàm chán và không được tổ chức quy củ như trước", chị nói. 

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 1
Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 2
Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 3

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, cho biết xây dựng và phát triển phố đi bộ là xu hướng tất yếu trên thế giới. Từ những năm 1995 - 1996, Hà Nội đã thai nghén một không gian đi bộ đặc trưng. 

Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, thành phố đã thử nghiệm tổ chức phố đi bộ trên tuyến phố thương mại Hàng Đào - Đồng Xuân từ năm 2004. Đây là thời điểm phố cổ Hà Nội được công nhận là Di tích Quốc gia. 

Tuyến phố đi bộ này kéo dài 3km, bắt đầu từ hồ Gươm, "xuyên" qua những con phố quen thuộc như Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, điểm kết tại ngõ chợ Đồng Xuân. Ngoài kinh doanh hai bên đường, người dân được phép dựng sạp di động giữa đường, dành hai bên rộng 3 - 3,5m làm lối đi cho khách. 

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 4

Tuyến phố thương mại Hàng Đào - Đồng Xuân tấp nập du khách trong và ngoài nước.

Năm 2014, quận Hoàn Kiếm tiếp tục mở rộng không gian đi bộ qua 6 tuyến phố thuộc khu bảo tồn cấp I, phát triển mạnh về ẩm thực, gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Tạ Hiện và Hàng Giấy. 

Hai năm sau, không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận chính thức được khai trương. Cuối năm 2020, Hà Nội mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, gồm các tuyến phố: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên và ngõ Phất Lộc.

"Như vậy, từ năm 2004 đến nay, quận Hoàn Kiếm đã mở 4 tuyến phố đi bộ. Trong đó, hai không gian chính thu hút du khách và hiệu quả nhất, là khu vực hồ Gươm và phố cổ", bà Lan nhận định.

Theo bà Lan, thời gian đầu thí điểm, không gian đi bộ hồ Gươm gặp nhiều khó khăn. Người dân phố cổ khi đó ngại thay đổi nếp sống sinh hoạt, nói rằng những hàng rào chặn phương tiện gây ùn tắc, khó di chuyển, cản trở việc kinh doanh. 

Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường vận động, tuyên truyền người dân, hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ du khách, từ đó phát triển kinh tế. 

Sau 7 năm hoạt động, không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận đã trở thành "thương hiệu" của Hà Nội, là điểm đến của du khách trong, ngoài nước. Trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ đón 25.000 - 35.000 khách. Thời điểm lễ, Tết, con số này tăng lên 40.000 - 50.0000 người/ngày.

Bà Lan chỉ ra một số nguyên nhân làm nên sức hút của tuyến phố đi bộ trung tâm. Một là, vị trí đắc địa, điều kiện tự nhiên thuận lợi của hồ Gươm, tập trung cảnh quan, danh lam thắng cảnh, cụm di tích,… 

Hai là, không gian hội tụ di sản văn hóa, ẩm thực, âm nhạc (truyền thống và hiện đại), hệ sinh thái xung quanh như phố cổ, Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn. 

Ngoài ra, Ban quản lý cũng đưa vào không gian phố đi bộ những loại hình nghệ thuật "từng bị lãng quên", như hát xẩm, tuồng, chèo,… nhằm tạo sự đa dạng. Mỗi cuối tuần là mỗi hình thức biểu diễn nghệ thuật khác nhau, các chương trình, sự kiện được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có sự phối hợp giữa các đơn vị và chính quyền địa phương.

"Có ngày, khu phố như hội chợ, nhưng cũng có hôm trở thành sân khấu ca nhạc hấp dẫn", Phương Anh (20 tuổi, quận Hoàng Mai) nói. 

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 5
Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 6
Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 7
Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 8

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn bị lãng quên

Đối lập với không khí sôi động tại phố đi bộ quanh hồ Gươm, đầu năm 2023, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) tạm đóng cửa, một phần do… "ế" khách. 

Cuối năm 2022, Ngọc Hân (26 tuổi) cùng hai người bạn từ quận Cầu Giấy đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn dự định tham quan và vui chơi cuối tuần. Nhưng khung cảnh đìu hiu ở đây khiến nhóm bạn trẻ thất vọng.

Ngọc Hân đánh giá cảnh quan tuyến phố rộng rãi và thoáng đãng, không xô bồ như hồ Gươm, tuy nhiên ít hoạt động giải trí thu hút khách. 

"Chúng tôi đã kỳ vọng rất nhiều về tuyến phố đi bộ nghệ thuật mang tên cố nhạc sĩ họ Trịnh. Nhưng khi đến nơi, không gian chẳng khác công viên là mấy, đi 1 - 2 lần thì được, nhưng khó níu chân du khách", Hân chia sẻ. 

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 9

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã tạm đóng cửa để tu sửa từ đầu năm 2023.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - không gian nằm giữa đầm sen, Công viên nước Hồ Tây, một phần ngõ 431 Âu Cơ và ngõ 612 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) hoạt động từ tháng 5/2018, được kỳ vọng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... mỗi cuối tuần.

Theo thống kê của quận Tây Hồ, sau một tháng khai mạc, phố đi bộ thu hút trung bình 6.000 khách. Nhưng sau ba tháng, lượng khách giảm mạnh do ít hoạt động, nhiều chủ cửa hàng buộc phải nhượng địa điểm. 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuyến phố tạm dừng hoạt động. Đến tháng 5/2022, khu phố mở cửa trở lại, được đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, trang trí làm đẹp cảnh quan, tạo các điểm nhấn để thu hút người dân. 

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết quận đã chủ trương tạm dừng khu phố để tu bổ, sửa chữa, đợi mở cửa trở lại trong thời gian tới, dự kiến tháng 5/2023.

Chủ tịch quận Tây Hồ lý giải phố đi bộ Trịnh Công Sơn cách xa trung tâm, chưa đồng bộ hoạt động nên khó tiếp cận du khách. Lượng khách đến phố vào ban ngày gần như không có, chiều tối gia tăng nhưng không đáng kể. 

Ông so sánh, trước khi có phố đi bộ đầu tiên quanh hồ Gươm, người dân đã có thói quen cuối tuần lên hồ đi dạo. Trong khi đó, đối với phố Trịnh Công Sơn, nếu không tổ chức các hoạt động, sự kiện giải trí, thì rất khó thu hút người dân và du khách. 

"Chúng tôi sẽ rà soát lại tổng thể tuyến phố, khảo sát xung quanh hồ Tây, nếu phù hợp sẽ đề xuất mở phố đi bộ, bởi đây là khu vực tập trung người trẻ", ông Khuyến cho hay.

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 10

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá phố đi bộ Trịnh Công Sơn chỉ mới ghi dấu ấn ở tên phố, mà chưa thành công như mong đợi. Một trong những nguyên nhân là do tuyến phố chưa xác định chủ đề, chức năng và nhiệm vụ rõ ràng. 

Ngoài ra, dù là con phố có vị thế hợp lý, không gian đẹp nhưng chưa hấp dẫn, chưa tạo ra các dịch vụ thương mại phục vụ nhân dân; chưa đảm bảo đồng bộ việc đi chơi thư giãn của người dân với các nhu cầu văn hóa khác. 

"Đây chính là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác lựa chọn và quy hoạch tuyến phố đi bộ thích hợp", ông Nghiêm nói. 

Vị chuyên gia đánh giá, trong các tuyến phố đi bộ mới mở gần đây tại Hà Nội, khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) bước đầu thành công, nhờ lấy ẩm thực là nền tảng phát triển chủ đạo. 

Ẩm thực - thế mạnh trong bối cảnh nhiều phố đi bộ

Trong 7 tháng ở Hà Nội, Tom (27 tuổi, du khách Anh) thường xuyên đến phố đi bộ hồ Gươm và khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Anh cảm nhận không gian tại Ngũ Xã yên tĩnh, lãng mạn, "trông cổ kính như Hội An thu nhỏ". Vừa ăn phở cuốn, vừa nghe nhạc sống, Tom hài lòng với trải nghiệm thú vị của mình. 

"Phố đi bộ hồ Gươm với sự huyên náo và xô bồ, là điều du khách Tây tìm kiếm mỗi khi đến Hà Nội. Nhưng tôi lại thích sự tĩnh lặng của khu phố này hơn", Tom tâm sự. 

Anh Nam (37 tuổi, nhân viên một quán phở cuốn nổi tiếng) cho biết, từ ngày con phố được quy hoạch thành khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ, lượng du khách trong và ngoài nước tăng đáng kể. Khách đặc biệt thích ngồi ngoài đường thông thoáng, vừa thưởng thức ẩm thực, vừa nghe nhạc. 

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 11

Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã nổi tiếng với món phở cuốn, phở chiên phồng,...

Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch thông tin, sau 3 tháng khai trương, khu phố đón lượng khách ổn định cả trong và ngoài nước, tập trung phát triển dịch vụ ẩm thực, từ nền tảng của các nhà hàng kinh doanh những món ăn nổi tiếng lâu năm như: phở cuốn, phở chiên phồng, các món lẩu... Đây được xác định là "thế mạnh nội tại" của khu vực. 

"Ngay khi xây dựng đề án khu phố ẩm thực chúng tôi đã khảo sát tuyến phố Tống Duy Tân - phố ẩm thực đầu tiên của Hà Nội, đồng thời tham chiếu phố đi bộ hồ Gươm và một số tuyến phố đi bộ khác của Hà Nội", ông Huy cho hay. 

Theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, để tìm ra hướng đi riêng cho khu phố là điều trăn trở, khó khăn của địa phương. Sau đó, quận Ba Đình đã chọn phát triển yếu tố đặc trưng là ẩm thực trong bối cảnh Hà Nội đã và sẽ có thêm nhiều tuyến phố đi bộ. 

"Tuy chúng tôi chỉ tập trung tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật - ẩm thực vào các dịp lễ, Tết (như phiên chợ Tết Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Lễ hội văn hóa ẩm thực mùa Xuân), nhưng khu phố hàng tuần vẫn tiếp đón đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức, tìm hiểu những nét văn hóa ẩm thực của Hà Nội", ông Huy nói thêm. 

Lãnh đạo UBND phường Trúc Bạch cho biết bước đầu đã đạt được mục tiêu đề ra, song khu phố vẫn cần sự nỗ lực quản lý, định hướng phát triển của các cấp chính quyền, sự tham gia hưởng ứng của các cơ sở kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng các món ăn, thức uống. 

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 12

Du khách thích thú khi vừa ăn uống vừa được nghe nhạc sống.

Phát triển phố đi bộ ngoại thành Hà Nội

Đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái, phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) bắt đầu hoạt động. Nghe tin dự án phố đi bộ tại nơi mình sinh ra và lớn lên, anh Nguyễn Quý (30 tuổi) rất phấn khởi, hy vọng đây sẽ là điểm nhấn du lịch của Hà Nội.

Đêm khai trương, anh đưa vợ và con trai đến tham quan phố đi bộ, choáng ngợp trước cảnh tượng đông đúc, đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, không thua kém phố đi bộ hồ Gươm mà gia đình anh từng đến.

Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, sau gần một năm hoạt động, tuyến phố đón trung bình 10.000 người/mỗi cuối tuần. Lượng khách chủ yếu là người dân địa phương hoặc đến từ các huyện khác như Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ. 

Theo vị lãnh đạo, những thế mạnh của tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây gồm văn hóa xứ Đoài; diện tích lớn không giao tranh giao thông với các trục đường; nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, trưng bày, triển lãm phù hợp mọi lứa tuổi; đặc sản ẩm thực hút khách du lịch. Ngoài ra, một số hoạt động kinh tế từ các cửa hàng kinh doanh của người dân tại các vùng đệm cũng được khai thác. 

Ông Thăng thông tin, đến nay, cùng với phố đi bộ hồ Gươm, tuyến phố quanh Thành cổ Sơn Tây được ghi nhận là "hai đơn vị điểm nhấn của Hà Nội". 

"Chúng tôi đã học tập, trao đổi kinh nghiệm với Ban quản lý phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM), phố đi bộ hồ Gươm, phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, từ đó thúc đẩy du lịch, kinh tế đêm trên địa bàn", Phó Chủ tịch thị xã Sơn Tây khẳng định. 

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 13

Chương trình nghệ thuật tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây tối 25/3.

Cách phố đi bộ hồ Gươm 1km là tuyến phố đi bộ thứ 5 của Hà Nội. Chiều cuối tuần, chị Nguyễn Thanh Ngân (31 tuổi, sống trên phố Đê La Thành) đưa con gái 10 tuổi đến phố đi bộ Trần Nhân Tông tô tượng. Chị nói từ ngày tuyến phố đi bộ mở cửa dịp Tết Dương lịch, đã không còn phải đi xa lên phố đi bộ Trịnh Công Sơn hay hồ Gươm.

"Tuyến phố kết hợp nhiều không gian như Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa và tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ" nên rất rộng rãi, thoáng đãng, thích hợp cho các hộ gia đình", chị Ngân chia sẻ. 

Theo chị, khoảng nửa tháng nay, tuyến phố trở nên đìu hiu do trời mưa, có thời điểm vắng vẻ và ảm đạm. Do chưa được nhiều người biết đến, khách chủ yếu là người dân sinh sống quanh khu vực. 

"Phố đi bộ hồ Gươm là trung tâm Thủ đô nên đông đúc hơn, tuyến phố này mới hoạt động nên chưa thể sánh bằng", người phụ nữ cho hay.

Chị Ngân cho rằng, mỗi tuyến phố đi bộ có một điểm mạnh đặc trưng. Riêng tuyến phố Trần Nhân Tông có không khí trong lành, rộng rãi, không chen chúc như hồ Gươm, thuận lợi đi bộ, tập thể dục, không lo trẻ lạc. 

Hơn nữa, hàng tuần, không gian này là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quy mô khác nhau với sự tham gia của nhiều đơn vị. Các tiết mục, chủ đề, hoạt động cộng đồng được thay đổi theo từng tháng để thu hút người dân và du khách. 

Để không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận duy trì hoạt động hiệu quả, UBND quận Hai Bà Trưng cho biết thời gian tới sẽ hoàn chỉnh thiết kế đô thị, đầu tư nâng cấp chỉnh trang cảnh quan; bổ sung các nhóm dịch vụ thương mại, tiện ích phục vụ người dân; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông...

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 14
Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 15
Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 16
Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 17

Bài học kinh nghiệm

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, qua tổng kết kinh nghiệm các nước trên thế giới và khảo sát các tuyến phố đi bộ tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, giải pháp triển khai và phát triển đồng bộ phố đi bộ, cần đáp ứng 3 mục tiêu sau.

Thứ nhất, phố đi bộ cần đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Thứ hai, gìn giữ văn hóa truyền thống đặc trưng của từng khu vực, từng đô thị.

Thứ ba, tích hợp các không gian cảnh quan thiên nhiên, như công viên, hồ nước, cụm di tích,…

"Trước đây, quận Hoàn Kiếm chỉ triển khai tuyến phố kinh tế đơn thuần, nhưng sau đó khai thác thêm khu phố cổ và hồ Gươm, nhanh chóng trở thành tuyến phố đi bộ kiểu mẫu, thương hiệu của Hà Nội", ông Nghiêm nhận định. 

Ồ ạt phố đi bộ Hà Nội: Tại sao nơi thành công, chỗ thất bại? - 18

Từ kinh nghiệm của phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, bà Trần Thị Thúy Lan cho hay, điều quan trọng nhất khi khai thác phố đi bộ, là quy hoạch và xác định đặc trưng, điểm mạnh riêng biệt của mỗi đại phương. Bà nhấn mạnh, không thể áp dụng mô hình phố đi bộ của quận Hoàn Kiếm lên các địa phương khác, nếu như vậy sẽ dễ thất bại. 

Sau khi quy hoạch và thí điểm phố đi bộ, nếu nhận thấy không hợp lý, chính quyền cần thay đổi chiến lược. Quận Hoàn Kiếm trước kia cũng từng thí điểm tuyến phố đi bộ hồ Gươm, ghi nhận phản ánh của người dân, sau đó khắc phục và hoàn thiện. 

Hai là, đầu tư cơ sở hạ tầng, thổi hồn văn hóa, kết nối với người dân địa phương. Bà Lan lấy ví dụ, quận Ba Đình đã phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ từ chính cửa hàng kinh doanh ẩm thực của người dân. 

Ba là, hiểu tâm lý khách du lịch, từ đó kết cấu, xây dựng các tuyến phố đi bộ hợp lý. "Đừng để du khách cảm thấy hụt hẫng ngay khi bước chân vào tuyến phố", bà Lan nói. 

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Toàn Vũ