DNews

Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Nhiều người cho rằng, bỏ qua các yếu tố tiện nghi là cổ hủ, tự làm khó mình. Tuy nhiên, theo chị Hoa, nếu biết lý do vì sao bản thân lựa chọn như vậy mỗi người chắc chắn sẽ không so sánh khó hay dễ.

Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên

Từ một nữ giám đốc quen với công việc và nhịp sống hối hả ở thành phố đông đúc nhất cả nước, chị Hồng Hoa lựa chọn lên núi sống một cuộc sống đơn giản nhưng nhiều giá trị trải nghiệm.

Lựa chọn ấy đồng nghĩa với việc, chị chấp nhận cuộc sống không hề dễ dàng, không đầy đủ tiện nghi của thành phố hiện đại, rất nhiều thứ đều phải tự thân vận động.

Nhiều điều đơn giản, quý giá đang bị lãng quên

Trước đây, chị Trương Thị Hồng Hoa sinh sống ở TPHCM và đảm nhiệm vị trí giám đốc pháp lý và tuân thủ cho các tập đoàn đa quốc gia, mức lương theo chị Hoa chia sẻ là "rất tốt, nhiều người mong muốn".

Khối lượng công việc không hề nhỏ, tính chất phức tạp, song chị Hoa luôn hoàn thành các mục tiêu để vừa có thể tạo ra giá trị cho công ty, vừa phát triển bản thân.

Khi tham gia chương trình học thạc sĩ luật quốc tế và luật châu Âu tại Bỉ, chị Hoa được theo học một giáo sư rất giỏi. Vị giáo sư không chỉ dạy luật, mà còn giảng cho chị Hoa hiểu vì sao con người cần bảo vệ môi trường, vì sao phải yêu quý sự đa dạng sinh học trên trái đất. Những bài giảng của vị giáo sư đã giúp chị Hoa thêm yêu và thấy mình đến gần hơn với tự nhiên.

Song, từ ý nghĩ đến hành động là cả một quá trình. Thời điểm ấy, nữ giám đốc không biết mình sẽ làm gì để hiện thực ý nghĩ ấy một cách sâu sắc hơn ngoài những hành động bảo vệ môi trường phổ biến mà bản thân hay làm.

Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 1

Chị Trương Thị Hồng Hoa lựa chọn thay đổi vì tin quyết định của mình đem lại những giá trị và trải nghiệm tốt hơn mức lương mình đang sở hữu.

Sau đó, đi trải nghiệm và tham gia tình nguyện chị Hoa càng nhận ra ý nghĩa của hành động bảo vệ trái đất cũng chính là bảo vệ sự sống của bản thân.

"Nhiều điều đơn giản nhưng thật quý giá đang bị con người lãng quên", chị Hoa nói. 

Tại khóa tập huấn về xúc tiến việc chứng nhận và thương mại thực phẩm hữu cơ Việt - Úc do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tài trợ, đa phần học viên là người làm nông nghiệp hữu cơ, chỉ có duy nhất chị Hoa là người tiêu dùng.

Chị tham gia với mong muốn tìm hiểu về những người làm nông nghiệp, về thức ăn mà chị đang ăn mỗi ngày, và trong khả năng của mình, lan tỏa nỗ lực của những nhà nông và lối sống xanh.

Tất cả những nhân duyên này từng bước đưa nữ giám đốc đến với quyết định sống gần và sống thuận với tự nhiên hơn, thưởng thức những giá trị cuộc sống đơn giản nhưng sâu sắc.

"Sống ở quê sẽ cho tôi nhiều điều kiện hơn để thực hiện mong muốn đó. Vì vậy, tôi đã quyết định nghỉ việc, ngược ra Bắc, tới bản Tả Van, Sa Pa, Lào Cai", chị Hoa kể.  

Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 2
Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 3

Khung cảnh yên bình nơi chị Hoa đang sinh sống. 

Khi chị Hoa chia sẻ về quyết định này, người thân và nhiều bạn bè tỏ ra tiếc nuối bởi vị trí giám đốc chị Hoa đảm nhận là vị trí nhiều người luôn ao ước. Hơn nữa, nơi mà chị Hoa chuyển tới sinh sống lại quá xa xôi và khó khăn hơn TPHCM.

Dẫu vậy, những lo ngại của người thân, bạn bè không khiến người phụ nữ này chùn bước.

"Ngôi nhà bay" sau một trận gió

Chia sẻ về lý do chọn Tả Van, Sa Pa làm điểm dừng chân tạo dựng cuộc sống mới, chị Hoa cho hay: "Tôi rất yêu mến khung cảnh và đồng bào các dân tộc ở vùng núi phía Bắc. Do đó, tôi đã đến vài nơi để xem xét về các yếu tố như khí hậu, địa hình đặc trưng, sự cởi mở của cộng đồng, tính đa dạng về văn hóa, sự phù hợp với công việc mình muốn làm, sự kết nối với các địa phương khác…

Và một ngôi nhà truyền thống của người H'Mong xung quanh những thửa ruộng bậc thang ở bản Tả Van là nơi tôi thấy phù hợp với dự định của mình".

Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 4

Bỏ phố về rừng, chị Hoa có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống, ẩm thực của đồng bào người dân tộc thiểu số.  

 Chuyển tới Tả Van, chị Hoa có vô số kỷ niệm đáng nhớ và những câu chuyện dở khóc dở cười khi làm quen với cuộc sống mới.

"Nhớ đời" nhất với chị Hoa có lẽ là chuyện "ngôi nhà bay".

Chị Hoa kể, tháng 3/2023, chị nhờ thợ mộc trong bản làm khung gỗ cho ngôi nhà nhỏ ngoài vườn. Ngày hôm trước, họ đã ốp xong bìa thông và tre lên tường, kế hoạch 8h hôm sau sẽ vào đóng sàn tre.

Tuy nhiên, 7h30 hôm sau, một trận gió mạnh thổi qua, chỉ trong 30 giây, cả căn nhà nhỏ đã bay xuống thửa ruộng bậc thang bên dưới để lại khoảnh đất trống trơn.

Chị Hoa chỉ biết bất lực đứng nhìn. Sau đó, người phụ nữ này tìm hiểu thì được người dân trong bản cho biết, từ tháng 2 đến tháng 4 là mùa gió ở Sa Pa. Có khi chỉ một luồng gió thật mạnh thổi qua cũng có thể làm bay chục mái nhà trong bản.   

Trải qua những khó khăn ban đầu, chị Hoa cũng dần ổn định cuộc sống. Chị nảy ra ý định mở rộng không gian ở để đón khách tham quan hay những người có cùng chí hướng đến trải nghiệm cuộc sống nương theo tự nhiên.

Mỗi ngày, chị chăm chút nhà cửa, ra vườn chăm cây, thiết kế đồ trên chất liệu vải truyền thống và hoa văn thổ cẩm, làm các loại dầu massage, làm siro, mứt hay rượu từ trái cây theo mùa, đi quanh bản quan sát cuộc sống, đi chợ của đồng bào người dân tộc, thỉnh thoảng đi rừng hái lá thuốc….

Thời gian rảnh rỗi, người phụ nữ đọc sách, làm trà, tổ chức các buổi nói chuyện để lan tỏa lối sống xanh cho mọi người.

Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 5
Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 6
Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 7

Những góc nhỏ mộc mạc trong ngôi nhà của chị Hoa. 

Sống thuận tự nhiên, yên tâm tái sử dụng cả nguồn nước thải

Hàng ngày, chị Hoa thực hành lối sống bền vững, nương theo tự nhiên để bảo vệ môi trường. Với chị, bảo vệ môi trường trước hết là nghĩ đến nguồn nước và đất đai xung quanh. Nước được chị Hoa đưa từ trên nguồn về dùng, tùy theo mùa mà sẽ có nước nhiều hay ít.

Tại nơi ở, chị Hoa xây bể chứa để đựng nước mưa tưới vườn, bể tràn thì sẽ chảy qua luống rau rồi hòa vào hệ thống xả nước chung. Chị luôn làm nguội nước tắm thảo mộc trước khi xả vào hệ thống dẫn nước của ruộng bậc thang. Trong vườn có thêm hai cái ao để tạo cảnh quan, làm mát và giữ nước cho vườn.

Đối với đất, khi trồng trọt, chị Hoa không dùng bất kỳ hóa chất nào mà xin rơm sau mùa gặt của hàng xóm và trấu khi xay lúa để phủ quanh vườn. Ngoài ra, chị mua thêm phân trâu, phân loại rác hữu cơ ủ làm phân để bón cho các gốc cây thêm tươi tốt.

Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 8
Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 9

Về ăn uống, người phụ nữ này tận hưởng niềm vui hoa trái bốn mùa mang lại. Trong vườn, chị trồng một số cây ăn trái, rau củ theo mùa, rau gia vị, thảo mộc để dùng trong nhà. 

Hàng ngày, chị Hoa sử dụng xà bông làm từ các loại dầu thực vật, bột thảo mộc và tinh dầu cho việc gội đầu, tắm, rửa mặt, rửa tay….

"Tôi làm nước enzyme rửa chén từ các nguyên liệu tự nhiên như vỏ quả bồ hòn, trái thơm, cam và chanh. Giặt đồ tôi không dùng hóa chất thải ra môi trường. Trong nhà, tinh dầu sả được dùng để đem đến hương thơm tươi mát và xua đuổi côn trùng, làm thơm quần áo.

Vì vậy, tôi có thể yên tâm sử dụng nước thải để tưới vườn hoặc xả ra môi trường. Tôi học từ người đồng bào cách sống thuận theo tự nhiên, mùa nào thì làm việc đó", chị Hoa kể.

Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 10
Nữ giám đốc ở TPHCM bỏ tiện nghi, lên núi sống thuận tự nhiên - 11

 Các khoản chi phí liên quan đến ăn uống được giản tiện bởi chị Hoa có thể tận dụng rau trái trong vườn.

Nhiều người cho rằng, bỏ qua các yếu tố tiện nghi của thành phố hiện đại là cổ hủ, là tự làm khó mình. Tuy nhiên, theo chị Hoa, nếu biết lý do vì sao bản thân lựa chọn như vậy thì mỗi người chắc chắn sẽ không so sánh khó hay dễ mà sẽ học cách để thực hiện.

"Cái gì mình chưa quen làm thì thường hay thấy khó, quen rồi thì thành dễ. Ví dụ như việc dùng nước, ở đô thị thì mở vòi ra là có nước, hư cái gì kêu thợ sửa nước đến là xong.

Ở đây mà thấy tắt nước thì tôi phải đi rà đường ống kéo nước từ nguồn về nhà xem chỗ nào bị đứt ống, có khi do trâu giẫm, có khi ống căng quá, có khi do trẻ con nghịch.

Dần dần, tôi lại học cách xem ống để biết nó hư chỗ nào mà không cần đi hết từ trên nguồn đến nhà. Biết hư chỗ nào thì cũng tự sửa luôn, vì ở đây ai cũng biết làm nên không có thợ sửa", chị Hoa cho hay.

Sinh sống ở một vùng đất mới với công việc mới, cuộc sống của chị Hoa cũng thay đổi theo.

Chị nói: "Không khí ở Sa Pa trong lành, tôi được chậm lại để ngắm khung cảnh tự nhiên bốn mùa, tìm hiểu về văn  hóa và quan sát cuộc sống sâu hơn. Tôi trồng một số cây trong vườn để cung cấp rau trái, tự làm các đồ trong nhà, tự làm các món ăn uống đến chăm sóc sức khỏe nên vừa vui vừa tiết kiệm".

Nhiều người luôn băn khoăn bỏ phố về quê, về núi sống bằng cách nào, thích nghi ra sao?

Từ câu chuyện của mình, chị Hoa chia sẻ: "Mỗi vùng đất sẽ có các đặc điểm khác nhau về con người, khí hậu, cộng đồng, thổ nhưỡng, văn hóa, đi lại… Mỗi người lại có tính cách, mong muốn, nhu cầu, khả năng khác nhau.

Chính mỗi cá nhân biết rõ nhất mình sẽ và có thể làm được gì. Điều rất quan trọng vẫn là học hỏi không ngừng, cởi mở, thích nghi, kiên trì và dũng cảm thực hiện theo lý do mà bạn bắt đầu".

Ảnh: Nhân vật cung cấp